Khái niệm và đặc điểm khách thể của tội phạm

Khái niệm và đặc điểm khách thể của tội phạm. Khách thể của tội phạm chính là đối tượng bảo vệ của luật hình sự được quy định ở K1, Điều 8 của BLHS.

1. Khái niệm khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị các hành vi phạm tội xâm hại đến.

Việc quy định những quan hệ xã hội nào được luật hình sự bảo vệ là khách thể của tội phạm nó phụ thuộc vào ý chí và lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội nhưng thường thì nó là các quan hệ xã hội quan trọng trong đời sống xã hội.

Khách thể của tội phạm chính là đối tượng bảo vệ của luật hình sự được quy định ở K1, Điều 8 của BLHS.

Ý nghĩa của việc xác định khách thể của tội phạm thể hiện ở các phương diện như sau:
– Là căn cứ để định tội.
– Là căn cứ quan trọng để phân biệt tội phạm với các vi phạm pháp luật khác.
– Là căn cứ quan trọng để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
– Thông qua khách thể của tội phạm có thể thấy được bản chất giai cấp của luật hình sự Việt Nam.

2. Phân loại khách thể của tội phạm

Dựa vào phạm trù cái chung, riêng và cái đặc thù của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác – Lê Nin có thể chia khách thể của tội phạm thành 3 nhóm sau:

a. Khách thể chung của tội phạm

Khách thể chung của tội phạm là tổng hợp các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của tội phạm.

Phạm vi khách thể chung (đối tượng bảo vệ) của luật hình sự được quy định ở Khoản 1, Điều 8 BLHS.

Ý nghĩa của việc xác định khách thể chung của tội phạm là nhìn vào khách thể chung chúng ta thấy được phạm vi các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ cũng như thấy được chính sách hình sự của Nhà nước ta trong mỗi một giai đoạn cách mạng.

b. Khách thể loại của tội phạm

Khách thể loại của tội phạm là một nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất được một nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại của một nhóm tội phạm.

Ý nghĩa của việc xác định khách thể loại của tội phạm là cơ sở để hệ thống hoá các quy phạm pháp luật phần các tội phạm cụ thể trong BLHS thành từng chương.

c. Khách thể trực tiếp của tội phạm

Khách thể trực tiếp của tội phạm là quan hệ xã hội cụ thể bị một loại phạm cụ thể trực tiếp xâm hại.

Khi có một tội phạm xảy ra có thể xâm hại tới một hoặc nhiều quan hệ xã hội.

Nếu tội phạm đó chỉ xâm hại tới một quan hệ xã hội thì đó chính là khách thể trực tiếp của tội phạm.

Nếu tội phạm đó xâm hại tới nhiều quan hệ xã hội thì:
– Tội phạm đó chỉ có một khách thể trực tiếp nếu một trong số các quan hệ xã hội bị xâm hại đã thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
Ví dụ: Tội trộm cắp tài sản – chỉ có một khách thể trực tiếp là quan hệ sở hữu. Vì chỉ quan hệ sở hữu bị xâm hại đã thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Đồng thời, quan hệ sở hữu của tội trộm cắp tài sản cũng là quan hệ xã hội trực tiếp bị tội phạm này xâm hại. Còn các quan hệ khác như tính mạng. sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội cũng bị tội trộm cắp tài sản gây thiệt hại, song sự gây thiệt hại này chỉ là gián tiếp.
– Tội phạm có nhiều khách thể trực tiếp nếu bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm chỉ thể hiện đầy đủ trong tổng thể các quan hệ xã hội bị xâm hại.
Ví dụ: Tội cướp tài sản, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản – có 2 khách thể trực tiếp là quan hệ sở hữuquan hệ nhân thân. Vì bản chất nguy hiểm cho xã hội của mỗi tội phạm này chỉ thể hiện đầy đủ trong tổng thể 2 quan hệ xã hội bị xâm hại. Đồng thời, quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân của tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cũng là quan hệ xã hội trực tiếp bị tội phạm này xâm hại. Còn các quan hệ khác như tính mạng. sức khoẻ của thân nhân con tin, trật tự an toàn xã hội cũng bị tội phạm gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại. Song sự gây thiệt hại này chỉ là gián tiếp.

3. Đối tượng tác động của tội phạm

Khái niệm đối tượng tác động của tội phạm

Đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận của khách thể của tội phạm mà khi tác động lên nó, người phạm tội gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

Trong nội tại của khái niệm trên về đối tượng tác động của tội phạm cho thấy sự thể hiện ở 2 mặt:

Thứ nhất: Về mặt nội dung thì đối tượng tác động của tội phạm là cái thông qua sự tác động lên nó tội phạm trực tiếp gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự. Vấn đề này có thể được đánh giá qua sự phân tích các ví dụ sau:

Ví dụ 1: Đối với tội phạm giết người.

A dùng dao đâm chết B. Trong trường hợp phạm tội này, tội phạm xâm hại quan hệ nhân thân của B và chỉ có thể thông qua sự tác động lên cơ thể của B mới có thể gây thiệt hại đến tính mạng của B. Do đó, đối tượng tác động của tội phạm là con người B – B là chủ thể của quan hệ nhân thân.

Ví dụ 2: Đối với tội phạm giết người.

A trộm ti vi của B. Tội phạm xâm hại đến quan hệ sở hữu của B. Trong trường hợp này, chỉ có thể thông qua sự tác động vào chiếc ti vi mới có thể gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu của B. Do đó, đối tượng tác động của tội phạm là chiếc ti vi của B – là đối tượng vật chất là khách thể của quan hệ xã hội.

Ví dụ 3: Đối với tội đưa hối lộ

A là cán bộ kiểm lâm đã nhận 10 triệu đồng của B là lâm tặc đang vận chuyển gỗ lậu. Trong trường hợp này tội phạm xâm hại đến quan hệ về sự hoạt động đúng đắn của ngành kiểm lâm và chỉ có thể thông qua sự tác động làm thay đổi tới quyền và nghĩa vụ của cán bộ kiểm lâm mới có thể gây thiệt hại cho sự hoạt động đúng đắn của ngành kiểm lâm. Do đó, đối tượng tác động của tội phạm là quyền và nghĩa vụ của A – là nội dung của quan hệ xã hội.

Thứ hai: Xét về mặt cấu trúc đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận của khách thể của tội phạm. Như vậy, khách thể của tội phạm phải được hợp thành bởi nhiều bộ phận trong đó có một bộ phận là về đối tượng tác động của tội phạm.

Khách thể của tội phạm chính là các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Như vậy, các bộ phận hợp thành của khách thể của tội phạm cũng chính là các bộ phận hợp thành của các quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm.

Các bộ phận hợp thành của quan hệ xã hội đó là: Con người chủ thể của quan hệ xã hội, các đối tượng vật chất là lợi ích mà các chủ thể hướng tới là khách thể của quan hệ xã hội và quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là nội dung của quan hệ xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm có thể là một trong ba bộ phận trên của khách thể của tội phạm.

Nhận xét về đối tượng tác động của tội phạm:
– Để gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội can phạm phải tác động vào đối tượng tác động. Cơ sở để xác định mức độ thiệt hại mà tội phạm gây ra phải dựa vào mức độ làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động.
– Các quan hệ xã hội khách thể của tội phạm trong mọi trường hợp luôn bị gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại nếu có tội phạm xảy ra.
– Đối tượng tác động của tội phạm có thể ở tình trạng tốt hơn tình trạng ban đầu (nếu đối tượng tác động của tội phạm là đối tượng vật chất).

Các loại đối tượng tác động của tội phạm:

Con người với tư cách là chủ thể của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm.

Ví dụ: tội giết người.

Các đối tượng vật chất với ý nghĩa là khách thể của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: các tội xâm phạm sở hữu.

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là nội dung của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: các tội xâm phạm hoạt động của cơ quan tư pháp, các tội phạm tham nhũng.

Tổ bộ môn Luật Hình sự – Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình, tổng hợp

» Hiệu lực hồi tố là gì?

» Luật sư bào chữa vụ án hình sự