Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Tranh chấp hợp đồng xây dựng là gì? Có rất nhiều tranh chấp có thể phát sinh bởi các nguyên nhân khác nhau trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng. Nếu các tranh chấp này đã được dự liệu ngay trong hợp đồng thì khi phát sinh các bên sẽ có cơ chế giải quyết. Nhưng nếu tranh chấp này chưa được các bên dự liệu khi soạn thảo và ký kết hợp đồng thì sẽ dẫn tới việc giải quyết kéo dài mà hai bên không thể tìm được tiếng nói chung, gây thiệt hại về kinh tế cho các bên.
Có những loại tranh chấp xây dựng nào? Tranh chấp xây dựng phát sinh do những nguyên nhân gì? Công ty luật sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về vấn đề tranh chấp hợp đồng xây dựng và đề ra hướng giải quyết.
Các tranh chấp hợp đồng xây dựng thường phát sinh do nhiều nguyên nhân. Trong đó chủ yếu xuất phát từ các vi phạm của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu như:
» Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng
Các vi phạm xuất phát từ phía chủ đầu tư xây dựng:
– Sai phạm do khảo sát, thiết kế không cẩn thận;
– Chủ đầu tư đề xuất các yêu cầu vượt quá phạm vi hợp đồng; tự ý thay đổi thiết kế và quy phạm kỹ thuật; kéo dài thời gian giao tài liệu bản vẽ; kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng;
– Chủ đầu tư hoặc đơn vị giám sát ra lệnh tăng/giảm khối lượng công trình hoặc yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình mà không có sự thống nhất của nhà thầu thi công xây dựng công trình;
– Chủ đầu tư không thanh toán đúng tiến độ khối lượng công việc.
Các vi phạm xuất phát từ phía nhà thầu:
– Thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng công trình;
– Kéo dài tiến độ thi công công trình, không chấp hành lệnh thay đổi của chủ đầu tư dẫn đến tổn thất kinh tế hoặc kéo dài ngày công;
– Tạm ngừng hoặc dừng công trình không có lý do hợp pháp;
Từ các vi phạm trên, các bên thường vướng vào một số loại tranh chấp phổ biến như: tranh chấp liên quan đến thiết kế; các yêu cầu bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng bị chậm trễ, không bảo đảm chất lượng; bồi thường trong việcđơn phương chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng; yêu cầu liên quan đến bảo hiểm công trình, yêu cầu liên quan đến bảo hành công trình, chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng…
1- Tranh chấp hợp đồng xây dựng do vi phạm tiến độ thanh toán theo đúng hợp đồng
Khi các nhà thầu đã hoàn thành nghĩa vụ thi công theo hợp đồng nhưng chủ đầu tư lại không tiến hành thanh toán đầy đủ khối lượng mà nhà thầu đã thi công hoặc có thể tìm cách gây khó khăn, chậm trễ thanh toán làm thiệt hại kinh tế cho nhà thầu.
Trước khi phát sinh tranh chấp này, nhà thầu cần lưu ý. Khi ký kết hợp đồng phải quy định điều khoản phạt do chậm thanh toán trong hợp đồng và điều khoản bồi thường lãi do chậm thanh toán theo hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của mình.
Sau khi phát sinh tranh chấp này, để đảm bảo chứng minh hồ sơ của mình đủ điều kiện thanh toán, nhà thầu cần hoàn thiện đầy đủ các chứng từ như: biên bản nghiệm thu khối lượng; biên bản nghiệm thu thanh toán (quyết toán); xuất đầy đủ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT); gửi công văn đề nghị thanh toán đến chủ đầu tư; gửi đủ các chứng chỉ bảo hành, chứng chỉ nguồn gốc nguyên vật liệu.
Đây là các bước tiền đề tạo vị thế có lợi về cơ sở pháp lý trước khi đưa tranh chấp ra cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật.
2- Tranh chấp hợp đồng xây dựng do không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình
Trong lĩnh vực thi công xây dựng, vấn đề tiến độ và chất lượng công trình là các yếu tố quan trọng thường được quy định chặt chẽ tại các hợp đồng thi công xây dựng giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công do tác động của nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau như thời tiết, điều kiện về vốn, nhân lực dẫn đến nhà thầu đã thi công công trình không đảm bảo về mặt thời gian hoặc chất lượng công trình. Điều này dẫn tới phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công về việc phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường vi phạm hợp đồng.
Khi xảy ra tranh chấp này các bên cần lưu ý:
– Chỉ được chấm dứt hợp đồng nếu như hợp đồng có quy định việc chậm tiến độ thi công hoặc không đảm bảo chất lượng công trình là điều kiện để một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng;
– Chỉ được yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có quy định điều khoản phạt vi phạm;
– Thiệt hại được yêu cầu bồi thường phải là thiệt hại thực tế phát sinh trực tiếp do lỗi của một bên. Thiệt hại này bao gồm: giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm;
– Về phía chủ đầu tư: chủ đầu tư có quyền yêu cầu nhà thầu phải giao Chứng thư bảo lãnh nếu theo hợp đồng có quy định việc nhà thầu mở bảo lãnh. Đồng thời chủ đầu tư có quyền yêu cầu Ngân hàng bảo lãnh thực hiện thanh toán bảo lãnh đối với thiệt hại xảy ra do chất lượng công trình của nhà thầu thực hiện;
– Khi xảy ra tranh chấp nêu trên để hạn chế rủi ro, chứng minh được lỗi không thuộc về mình, các bên cần lưu ý hoàn thiện các chứng từ để chứng minh đơn vị mình đã hoàn thiện các nội dung công việc theo hợp đồng như:
+ Đối với chủ đầu tư: cần có văn bản về việc yêu cầu nhà thầu thi công hoàn thành tiến độ; biên bản làm việc giữa các bên thể hiện nội dung nhà thầu thi công đã không hoàn thành tiến độ; chứng từ chứng minh về việc đã chuyển tiền tạm ứng theo hợp đồng;…
+ Đối với nhà thầu thi công: để hạn chế vấn đề bồi thường thiệt hại cần chứng minh lỗi tiến độ là do lỗi khách quan hoặc do lỗi của chủ đầu tư,…
3- Tranh chấp hợp đồng xây dựng do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn
Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư và nhà thầu không thể tránh khỏi việc mâu thuẫn không thể thống nhất. Hoặc vì các lý do riêng mà một trong hai bên đã tiến hành chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Khi một trong hai bên chấm dứt hợp đồng sẽ xảy ra thiệt hai cho bên còn lại. Hệ quả tất yếu đó là tranh chấp sẽ xảy ra giữa các bên về yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng.
Đối với tranh chấp do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, khi giải quyết tranh chấp, các bên cần chú ý: bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng (nếu trong hợp đồng có quy định điều khoản phạt vi phạm hợp đồng). Trường hợp nếu bên bị vi phạm là chủ đầu tư thì chủ đầu tư cũng có quyền yêu cầu Ngân hàng phát hành bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Hơn nữa thực tế, hầu hết bên nhà thầu thường là bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Vì vậy, chủ đầu tư và nhà thầu cần lưu ý cân nhắc tất cả các khoản bồi thường, phạt vi phạm phát sinh và nên thương lượng với đối tác trước khi đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng. Tránh trường hợp sẽ bị đối tác kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng.
Trên đây là một số phân tích pháp lý và thực tiễn về các tranh chấp hợp đồng xây dựng phổ biến. Hy vọng với những gì công ty luật đưa ra sẽ giúp quý khách hàng lựa chọn được phương án giải quyết tốt nhất vấn đề của mình.
» Dịch vụ tư vấn hợp đồng
» Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng
Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng: