Đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền mua bán nhà đất và hậu quả pháp lý. Hợp đồng ủy quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về luật dân sự và luật công chứng như thế nào?
Đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền mua bán nhà
Bản án 90/2018/DS-PT về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dưới đây sẽ là một minh họa cho thắc mắc trên.
“Năm 2012, bà N và ông H1 ủy quyền cho bà P chuyển nhượng QSDĐ thuộc sở hữu của bà N và ông H1 theo HĐUQ được công chứng tại văn phòng công chứng B. Ngày 18/3/2013 ông H1, bà N đã đơn phương chấm dứt HĐUQ được Văn phòng công chứng B ký công chứng. Tuy nhiên, năm 2015 bà P chuyển nhượng QSDĐ nêu trên cho ông T, bà L.
Ông T và Bà L yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản đơn phương chấm dứt HĐUQ của bà N và ông H1 với bà P là vô hiệu, công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, buộc ông H1 và bà N phải thanh toán lại số tiền đã giao cho bà P trong hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.
Ông H1, bà N đã chấm dứt HĐUQ trước khi bà P chuyển nhượng đất cho ông T và Bà L nên ông H1 bà N không chấp nhận yêu cầu của ông T và Bà L. Đồng thời có yêu cầu tuyên hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vô hiệu “.
Tòa án đã tuyên:
+ Ông H1, bà N không thông báo cho bà P (người được ủy quyền), ông T, Bà L (bên thứ ba) biết việc hủy HĐUQ này.
+ Ông H1, bà N ủy quyền cho bà P thực hiện chuyển nhượng QSDĐ và bà P chuyển nhượng QSDĐ cho ông T, Bà L trong phạm vi được ông H1 bà N ủy quyền.
Do vậy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà P với ông T, Bà L là hợp pháp, không bị vô hiệu. Ông H1 bà N yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 426 Bộ luật dân sự năm 2005, ông H1, bà N phải chịu toàn bộ hậu quả do đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà P với ông T, bà L.
Về quy định của pháp luật để hủy Hợp đồng ủy quyền thì cần phải tuân theo những điều kiện nhất định được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng 2014.
Thứ nhất, nếu như Hợp đồng ủy quyền không được công chứng thì việc đơn phương chấm dứt HĐUQ căn cứ theo quy định trong Bộ luật Dân sự.
Đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng ủy quyền của BLDS 2005 và BLDS 2015 là giống nhau. Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Điều 569. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền
1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
Như vậy căn cứ theo quy định trên thì khi hủy Hợp đồng ủy quyền phải lưu ý những điều sau đây:
+ HĐUQ là có thù lao hay không? Nếu có thù lao thì phải trả thù lao cho công việc và bồi thường thiệt hại cho bên được ủy quyền, nếu không có thì phải thông báo trước một thời gian hợp lý.
+ Phải thông báo bằng văn bản cho bên thứ ba.
+ Việc thông báo cho bên được ủy quyền nên thành lập văn bản và cũng nên có người làm chứng hoặc bằng chứng để đảm bảo bên thứ ba đã nhận được thông tin về việc hủy HĐUQ. Không ít trường hợp người được ủy quyền đã nhận được thông báo về việc hủy HĐUQ nhưng vẫn cứ thực hiện (Theo lời bà N và ông H1 có họ thể đã thông báo cho bà P nhưng lại không có bằng chứng nào để chứng minh cho việc bà P đã nhận thông báo). Đây là điều cũng cần phải đặc biệt chú ý.
Thứ hai, nếu như Hợp đồng ủy quyền đã được công chứng thì ngoài quy định tại Bộ luật Dân sự cần phải tuân theo quy định Luật Công chứng 2014.
Nếu như HĐUQ đã được công chứng thì việc đơn phương hủy HĐUQ theo quy định tại Điều 51 Luật Công chứng 2014:
Điều 51. Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch
1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
HĐUQ nếu được công chứng thì càng có giá trị, tuy nhiên theo các quy định của Luật Công chứng 2014 thì HĐUQ đã được công chứng muốn hủy bỏ thì phải có cam kết bằng văn bản của những người tham gia hợp đồng, tức là bắt buộc phải có sự tham gia của bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Như vậy với quy định này thì sẽ không được đơn phương hủy HĐUQ đã được công chứng.
Từ những phân tích trên thì khi thực hiện HĐUQ cũng cần cẩn thận trong việc lựa chọn người ủy quyền, đó nên là người tin tưởng, nhân phẩm tốt để không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Bên cạnh đó nội dung HĐUQ nên có các quy định cụ thể về việc hủy HĐUQ và trách nhiệm của các bên.
Và cuối cùng là các giao dịch hoặc thông báo nên làm thành văn bản và có người làm chứng, vì nếu như có tranh chấp xảy ra thì đó sẽ là những bằng chứng quan trọng để bảo vệ quyền lợi của bản thân.
theo thuvienphapluat.vn
» Hợp đồng chính vô hiệu có làm chấm dứt hợp đồng phụ hay không?