Đỗ xe ô tô trước cửa nhà dân có được không?

Đỗ xe ô tô trước cửa nhà dân có được không? Có trường hợp tài xế đỗ xe trước của nhà dân, chặn ngang lối đi nhà người dân làm ảnh hưởng đến sinh hoạt. Việc đỗ xe này gây bức xúc cho nhiều người. Vậy hành vi nêu trên có bị phạt hay sai quy định pháp luật không? 

Tài xế đỗ xe trước cửa nhà dân có sai luật không?

Hiện nay, pháp luật không có chế tài xử phạt đối với việc đậu xe chắn ngang nhà dân, hay kể cả chắn ngang trụ sở cơ quan, tổ chức trong các trường hợp này.

1. Quyền sở hữu, quản lý

Về chủ nhà chỉ có quyền sở hữu bất động sản theo ranh giới nhà của mình. Còn hành lang đường, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý. Người dân không được tự ý thực hiện quyền quản lý đối với các khu vực này, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép. 

2. Quy định của pháp luật về đỗ xe, dừng xe

Theo luật Giao thông đường bộ 2008 có nhiều điều khoản quy định về dừng, đỗ xe trên đường bộ. Cụ thể tại khoản 3 Điều 18 quy định, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định như cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy.

Trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình. Còn nếu trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.

và khoản 4 Điều 18, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí gồm bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe… Như vậy là sai luật giao thông, sẽ bị xử phạt

Tại điều 19 của luật giao thông quy định, lái xe phải tuân theo quy định tại Điều 18 nêu ở trên và phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. 

Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét. Lái xe không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

3. Ứng xử như thế nào khi dừng đỗ xe trước cửa

Đối với tài xế lái xe: Trong trường hợp tài xế đã đỗ xe đúng với những quy định nêu trên thì đương nhiên không bị xử phạt, kể cả khi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác. Việc đỗ xe chỉ có thể bị xem là xâm phạm đến quyền lợi về không gian phía của nhà mặt tiền, khi xe đỗ thật sự cản trở sự ra vào, cản trở đến hoạt động sống thường ngày của chủ nhà.

Tài xế cần hết sức chú ý khi đỗ xe trước cửa nhà người khác. Không nên đỗ xe chắn lối ra vào nhà người khác, nhất là những trường hợp đỗ xe rồi bỏ đi nơi khác rất lâu. Nếu cần phải đỗ xe có việc, nên để lại số điện thoại trên kính xe, để khi cần người dân có thể gọi tài xế ra dịch chuyển xe. Nếu không, khi gia đình đó có việc cần, bị chắn lối không ra vào được gây cản trở. 

Dù không quy định mức phạt đối với hành vi đỗ xe chắn trước cửa nhà dân nhưng chủ nhà và người đỗ xe cần dung hòa lợi ích, có thể đỗ xe giữa hai số nhà liền kề, để không ai bị ảnh hưởng. 

Đối với người dân: Chỉ có quyền đối với phần đất theo ranh giới nhà mình. Còn hành lang đường, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý. Do đó, nếu có tài xế nào lỡ đỗ xe trước nhà mình, thì người dân không được quyền xử lý bằng cách như đổ sơn, cào xước xe, đập phá,… Việc làm này có thể khiến chủ nhà bị khởi tố vụ án hình sự về hành động cố ý làm hư hỏng, hủy hoại tài sản của người khác. 

» Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông?

» Mức phạt các lỗi giao thông thường gặp theo Nghị định 100/NĐ-CP