Bạn đọc hỏi: Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh được gọi với cái tên mỹ miều “hỗ trợ tài chính”, “tư vấn tài chính” kèm theo lời quảng cáo hấp dẫn… nhưng thực chất chỉ là chiêu trò để cho vay nặng lãi. Thưa luật sư, vậy cần phải hiểu “cho vay nặng lãi” theo quy định hiện hành như thế nào? Trường hợp người cho vay hành hung con nợ để đòi nợ sẽ bị xử lý như thế nào? Ngô Văn Toàn (Ba Đình, Hà Nội)
Các hành vi đe dọa để đòi nợ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa)
Luật sư Đặng Thành Chung trả lời:
Tại Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định “Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” như sau: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…”.
Theo quy định này thì cho vay nặng lãi được hiểu là: Cho vay lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Cụ thể:
+ Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Người cho vay đã cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất 20%/năm.
+ Thu lợi bất chính từ hành vi cho vay từ 30 triệu đống đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay quá mức lãi suất 20%/năm được quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 11 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.
Khi có đủ 2 yếu tố này, người cho vay nặng lãi mới bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với hành vi hành hung để đòi nợ thì người cho vay có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi này có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
– Về xử phạt hành chính: theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì tùy vào hành vi cụ thể như: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác… có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
– Về truy cứu trách nhiệm hình sự: hành vi này có thể bị truy cứu theo tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS) hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS) hoặc “Tội làm nhục người khác” (Điều 155 BLHS) tùy vào hành vi cụ thể và có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.
Luật sư Đặng Thành Chung trả lời trên anninhthudo.vn