Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.  Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. 

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương

1. Khái niệm, chức năng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng và thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của Trung ương.

2. Nhiệm vụ của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau:

1- Chuẩn bị các vụ việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, các báo cáo, đề án để Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

2- Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được quy định trong Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII và nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác hằng năm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định.

3- Phối hợp với các ban đảng Trung ương, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng (theo Điều 30 Điều lệ Đảng); giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lập đoàn giải quyết khiếu nại, kỷ luật đảng và xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch này.

4- Hướng dẫn và kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và các vấn đề liên quan khác cho ủy ban kiểm tra, cơ quan ủy ban kiểm tra, các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên; tham gia tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra.

5- Đề xuất ý kiến với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; tham gia ý kiến các trường họp do cơ quan chức năng đề nghị khen thưởng.

6- Thẩm định các đề án của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội về những nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; phối họp với Văn phòng Trung ương Đảng (là cơ quan chủ trì), Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan, giúp Ban Chấp hành Trung ương theo dõi, giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. 

7- Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của Trung ương.

8- Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong công tác cán bộ theo phân cấp quản lý; hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

9- Tuyên truyền, nghiên cứu, sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

10- Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác hằng tháng, quý, sáu tháng, 1 năm; sơ kết, tổng kết công tác của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

11- Xây dựng tổ chức, đội ngũ cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ đối với cán bộ, công chức Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

12- Tổ chức việc bảo đảm kinh phí hoạt động hằng năm của Ủy ban, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tổ chức thực hiện theo kế hoạch dự toán được duyệt theo đúng chế độ, chính sách quy định.

13- Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ công tác của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

14- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

15- Xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện. Tổ chức thi nâng ngạch kiểm tra cho cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

16- Xây dựng các đề án, báo cáo; các văn bản, hướng dẫn, quy định, quy chế, quy trình, thông báo, kết luận về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. 

3. Tổ chức bộ máy của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

3.1. Lãnh đạo Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương:

– Lãnh đạo Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm: Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

– Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là Thủ trưởng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là Phó thủ trưởng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó phân công đồng chí Phó Chủ nhiệm Thường trực là Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

3.2. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm:

Uỷ viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trợ lý, Thư ký của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ưong và 14 vụ, đơn vị sau đây:

1- Vụ Trung ương I (gọi tắt là Vụ I)

2- Vụ Trung ương IA (gọi tắt là Vụ IA)

3- Vụ Địa phương II (gọi tắt là Vụ II)

4- Vụ Địa phương III (gọi tắt là Vụ III) 

5- Vụ Địa phương V (gọi tắt là Vụ V)

6- Vụ Địa phương VII (gọi tắt là Vụ VII)

7- Vụ Kiểm tra tài chính

8- Vụ Nghiên cứu

9- Vụ Tổng hợp

10- Vụ Đơn thư – Tiếp đảng viên và công dân

11- Vụ Tổ chức – Cán bộ

12- Vụ Đào tạo – Bồi dưỡng

13- Tạp chí Kiểm tra

14- Văn phòng. 

Biên chế của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Bộ Chính trị quyết định trên cơ sở đề xuất của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương.

Ngoài số biên chế quy định, khi cần thiết, Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương được trưng tập một số cán bộ phục vụ công tác nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kiểm tra trong công tác cán bộ

Công tác cán bộ có vị trí quan trọng đối với sự tồn vong của chế độ và nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi việc”.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” cũng đã xác định rằng: “Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”. Như vậy, có thể thấy, công tác cán bộ trong thời kỳ mới đã được Đảng nhận định và được coi là chiến lược hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng.

Tuy nhiên, khi đánh giá về thực trạng công tác cán bộ hiện nay, các văn kiện của Đảng cũng đã chỉ ra một trong những hạn chế, yếu kém hiện nay trong công tác cán bộ đó là chưa có cơ chế phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng; chưa ràng buộc với trách nhiệm, với tăng cường kiểm tra, giám sát và chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Hiện nay chưa có biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “chạy chức, chạy quyền” và những tiêu cực trong công tác cán bộ; đồng thời, khâu kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả.

Từ đó, Ban chấp hành Trung ương đã xác định  rằng, để khắc phục những hạn chế của công tác cán bộ hiện nay, việc phân công, phân cấp cần phải gắn liền với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm. Và đó cũng là mục tiêu đã được ghi nhận tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đặt ra, Ban Cháp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25/2/2019 về “Chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”. Tiếp tục sau đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về “Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

Trong đó, hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật của Đảng nói chung và trong công tác cán bộ nói riêng được coi là giải pháp chiến lược, góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, một nội dung mà lần đầu tiên được ghi nhận chính thức trong văn kiện của Đảng. Từ đó, có thể thấy, vai trò của Ủy ban kiểm tra với tính chất là cơ quan chuyên trách của Đảng phụ trách công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng lại càng được nhấn mạnh hơn nữa.

Hiện nay, Ủy ban kiểm tra được phân cấp ở trung ương (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) và ở địa phương (Ủy ban Kiểm tra các cấp). 

Ủy ban kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương bầu tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương. Số lượng Ủy viên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Ban chấp hành Trung ương quyết định. Theo quy định, số lượng ủy viên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là từ 19 đến 21 ủy viên chuyên trách, trong đó không quá 1/3 là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm Chủ nhiệm và các phó chủ nhiệm; số lượng phó chủ nhiệm do Bộ Chính trị quyết định.

Giúp việc cho Ủy ban kiểm tra Trung ương là một số cơ quan được gọi là “cơ quan Ủy ban kiểm tra trung ương”, là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Trong khi đó, Ủy ban kiểm tra các cấp do cấp ủy cùng cấp bầu, gồm một số đồng chí trong cấp ủy và một số đồng chí ngoài cấp ủy (Khoản 1 Điều 31 Điều lệ Đảng). Việc quy định số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy viên Ủy ban kiểm tra của cấp ủy mỗi cấp căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, vị trí, đặc điểm của mỗi cấp, vào số lượng đơn vị trực thuộc và số lượng đảng viên của mỗi đảng bộ.

Ngoài ra, các văn bản cũng nhấn mạnh việc điều động ủy viên của Ủy ban kiểm tra, ngoài việc tuân thủ theo các quy trình về điều động cán bộ, còn phải tuân thủ các quy trình “giám sát chéo” nhằm tránh việc điều động ủy viên không có lý chính đáng của cấp ủy cùng cấp. Theo đó, về nguyên tắc, các thành viên Ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cấp dưới phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp chuẩn y, nếu điều động chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra sang công tác khác phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý.

Ngoài việc thay đổi chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra như quy định của Điều lệ Đảng, khi thay đổi phó chủ nhiệm hoặc ủy viên Ủy ban kiểm tra thì cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy cấp dưới phải trao đổi với Ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp trước khi thực hiện.

Về thẩm quyền, hiện nay, Ủy ban kiểm tra được phân công các nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác cán bộ sau đây: 

(1) Kiểm tra cán bộ, đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên 

Khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên được hiểu là khi có những thông tin, tài liệu thu thập được đối chiếu với các quy định của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, với chính sách, pháp luật của Nhà nước có căn cứ cho thấy tổ chức đảng hoặc đảng viên đó không tuân theo, không làm hoặc làm trái.

Việc phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm của đảng viên được thực hiện thông qua công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra của các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế và giám sát của nhân dân hoặc thông qua quá trình tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên; việc bình xét phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng hoặc thông qua hoạt động tố cáo, khiếu nại, phản ảnh, kiến nghị của đảng viên và quần chúng; phản ảnh của các phương tiện thông tin đại chúng đã được kiểm chứng.

Sau khi xác định có dấu hiệu vi phạm, Thường trực Ủy ban kiểm tra hoặc Ủy ban kiểm tra (nơi không có thường trực Ủy ban kiểm tra) sẽ là người có thẩm quyền  ra quyết định kiểm tra. 

Đặc biệt, trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Ủy ban kiểm tra phải tập trung kiểm tra những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, vi phạm tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý.

 Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, nội dung kiểm tra gồm kiểm tra công tác tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ; công tác đánh giá cán bộ; công tác quy hoạch cán bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; công tác điều động, luân chuyển cán bộ; việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ; việc thực hiện chính sách cán bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII hiện nay, Ủy ban kiểm tra có nhiệm vụ tập trung kiểm tra những tổ chức đảng có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, vi phạm các nghị quyết; có dấu hiệu tham nhũng, “lợi ích nhóm”; có dấu hiệu vi phạm trong giải quyết tố cáo, khiếu nại, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đảng viên và công dân.

(2) Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống theo quy định của ban Chấp hành Trung ương

Tổ chức đảng cấp dưới là đối tượng giám sát  của Ủy ban kiểm tra gồm tổ chức đảng do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp lập ra và cấp ủy, tổ chức đảng thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của cấp ủy cùng cấp[9]. Nội dung kiểm tra gồm việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng cấp dưới theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoạt động của Ủy ban kiểm tra, xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của cơ quan Ủy ban kiểm tra cấp dưới.

Ủy ban kiểm tra sẽ phân công thành viên ủy ban, cử cán bộ kiểm tra dự các hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới. Thành viên ủy ban kiểm tra, đoàn giám sát và cán bộ kiểm tra được yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên giải trình, cung cấp tài liệu, báo cáo về các vấn đề giám sát; có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài liệu và chịu trách nhiệm về việc giám sát trước ủy ban kiểm tra. Qua giám sát, phải kịp thời báo cáo để ủy ban kiểm tra kiến nghị cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được giám sát phát huy ưu điểm, nhắc nhở, uốn nắn, khắc phục, sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm.

(2) Xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật, quyết định hoặc đề nghị cấp ủy thi hành kỷ luật liên quan đến công tác cán bộ

Căn cứ kết quả kiểm tra, đề nghị của tổ chức đảng và kết luận của cơ quan pháp luật, nếu thấy đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì Ủy ban kiểm tra quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy, xem xét, quyết định kỷ luật.

(3) Giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng liên quan đến công tác cán bộ

Giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra nhằm phục vụ cho quá trình phát hiện các dấu hiệu vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và đặc biệt là liên quan đến công tác cán bộ nói riêng, Ủy ban kiểm tra sẽ kịp thời phát hiện các đảng viên, tổ chức đảng có hành vi vi phạm. Theo đó, khi nhận được tố cáo, Ủy ban kiểm tra sẽ phân loại, chuyển các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc phối hợp với các tổ chức đảng có thẩm quyền giải quyết. 

Liên quan đến khiếu nại kỷ luật đảng, đây là công cụ quan trọng để duy trì một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Duy trì kỷ luật nghiêm minh chính là sức mạnh của Đảng. Khi nhận được khiếu nại kỷ luật đảng phải báo cho người khiếu nại biết; hướng dẫn người khiếu nại thực hiện đúng quy định của Đảng nghiêm cấm các hành vi cản trở, dìm bỏ, không xem xét, giải quyết khiếu nại. Đảng viên bị kỷ luật không đồng ý với quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật được khiếu nại lên các tổ chức đảng có thẩm quyền giải quyết cấp trên.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, hoạt động giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật Đảng lại càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Theo đó, việc giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng phải được tăng cường nhằm kịp thời nắm bắt và tổng hợp đầy đủ số lượng tố cáo liên quan đến tổ chức đảng, đảng viên, Việc khiếu nại kỷ luật đảng, tập trung giải quyết những tố cáo liên quan đến nhân sự cấp ủy khóa mới và đại biểu dự đại hội Đảng các cấp.

(4) Một số thẩm quyền khác liên quan đến công tác cán bộ chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu Toàn Quốc lần thứ XIII

Để chuẩn bị cho công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Ủy ban kiểm tra đã được giao một số nhiệm vụ sau[10]:

+ Tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự đại hội: Theo đó, Ủy ban kiểm tra sẽ đi sâu đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quy định về trách nhiệm nêu gương và những điều cán bộ, đảng viên không được làm; việc thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập; uy tín trong cơ quan, đơn vị.

Thẩm tra tư cách tư cách đại biểu: Để giúp ban thẩm tra tư cách đại biểu tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu theo quy định, trong quá trình chuẩn bị đại hội. Đối với những đảng viên liên quan đến nhân sự đại hội mà vi phạm pháp luật thì Ủy ban kiểm tra các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo các tổ chức đảng có liên quan thực hiện nghiêm quy định về đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng.

5. Ý nghĩa kỷ luật Đảng

Với vai trò, tầm vóc của Đảng Cộng sản Việt Nam – là người hoạch định chiến lược xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước và lãnh đạo việc thực hiện thành công chiến lược ấy – vấn đề giữ vững sức mạnh, nhằm bảo đảm ý chí chiến đấu của Đảng là rất quan trọng.

Sức mạnh của Đảng được hợp thành bởi lý tưởng cộng sản và kỷ luật đảng. Trong đó, lý tưởng cộng sản để nuôi dưỡng tâm hồn người cộng sản, rèn luyện phẩm cách người cộng sản, định hướng, nhắc nhở những mục đích nhân văn của người cộng sản; còn kỷ luật đảng là để chấn chỉnh những biểu hiện chệch hướng, đồng thời là biện pháp để thải loại khỏi hàng ngũ của Đảng những “mảnh vỡ” đã hoàn toàn muốn đi ngược lại lý tưởng cộng sản.

Xuất phát từ góc nhìn lý tưởng cộng sản, có những “quy định” về hình ảnh, khí chất, hành vi của người cộng sản, cần thiết phải thanh sạch và “khắc kỷ” hơn quần chúng ngoài Đảng. Quan điểm này được phản ánh xuyên suốt trong các quy định về kỷ luật đảng, thể hiện ở chỗ nếu đã là đảng viên, là tổ chức đảng, thì phải chịu sự giám sát, xử lý của kỷ luật đảng nghiêm khắc gấp nhiều lần. 

Bài học xử lý kỷ luật đảng trong nhiều vụ việc gần đây cho thấy, vấn đề quan trọng và có ý nghĩa hơn cả của kỷ luật đảng là xử lý kịp thời, xử lý từ khi mới có biểu hiện và chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Chỉ có giám sát tốt, phát hiện sớm, xử lý sớm thì kỷ luật đảng mới đạt được trọn vẹn ý nghĩa uốn nắn, phòng ngừa, khắc phục suy thoái, khắc phục chệch hướng. 

» Quy định 69-QĐ/TW 2022 kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

» Sơ đồ tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 2013