Chồng có quyền đòi lại tiền cưới vợ, nữ trang đã cho không? là câu hỏi mà nhiều người quan tâm khi hai bên muốn rạch ròi về tài sản…
Cơ sở pháp lý:
+ Luật Hôn nhân và gia đình 2014
+ Bộ luật dân sự 2015
Tư vấn:
1. Xác định nguồn gốc khoản tiền cưới vợ, nữ trang
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận và bảo hộ từ thời điểm hai bên nam, nữ đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên đối với Việt Nam, ngoài việc đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền, phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam vẫn đang được gìn giữ và thực hiện. Ngày cưới là một ngày lễ vô cùng trọng đại và thiêng liêng đối với mỗi đôi uyên ương, theo đó có nhiều vấn đề bắt buộc phải làm và những vấn đề phát sinh theo.
Cơ bản có các khoản cần phải chi tiêu cho việc cưới xin qua những giai đoạn sau: chạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ xin dâu, lễ đón dâu, đãi tiệc và lễ lại mặt. Bên cạnh đó, khi tổ chức đám cưới các bên gia đình sẽ chúc phúc cho cô dâu, chú rể bằng những hiện vật như vàng, kiềng hoặc một số nữ trang khác. Những chi phí cho việc cưới xin và mừng hạnh phúc này có thể do một bên gia đình chuẩn bị, cũng có thể do hai bên cùng bàn bạc thực hiện.
2. Chồng có được quyền đòi lại tiền cưới vợ, nữ trang đã cho không?
Theo quy định tại Bộ luật dân sự về việc tặng cho tài sản, cụ thể là động sản thì:
“Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Điều 458. Tặng cho động sản
1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.”
Việc các bên dùng tiền để tổ chức đám cưới, sau đó cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc xảy ra mâu thuẫn thì việc chi trả đám cưới này vẫn được đảm bảo như ban đầu, vì đều dựa trên sự tự nguyện của hai bên. Đối với nữ trang mà gia đình hai bên đưa cho đôi vợ chồng trẻ, đây được coi là hợp đồng tặng cho tài sản theo Điều 457 và Điều 458 của Bộ luật dân sự, hợp đồng dựa trên sự tự nguyện. Thông thường trong đám cưới, khi các bên gia đình lên tặng quà cho con trong ngày cưới thì sẽ có người dẫn chương trình giới thiệu là mẹ chồng, chị chồng, em chồng… lên tặng quà cho con dâu hoặc là tặng quà cho cả hai vợ chồng. Như vậy tại thời điểm mẹ chồng, chị chồng, em chồng… trao quà cho vợ của em bạn thì quyền sở hữu tài sản đó đã thuộc về em của vợ bạn hoặc hai vợ chồng bạn, người tặng cho tài sản không có quyền đòi lại. Tương tự đối với việc chồng đòi nữ trang mà vợ có được sau khi cưới, em bạn sẽ không có quyền đòi lại tài sản, mà chỉ có thể yêu cầu vợ/chồng cùng thỏa thuận giải quyết phân chia tài sản của vợ chồng khi những nữ trang này được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
Ngoài ra, theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì khi ly hôn Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu của các bên về việc ly hôn, tài sản hay con cái. Ngoài ra, pháp luật không có bất cứ quy định nào về việc một trong hai bên nam, nữ phải có trách nhiệm bồi thường hay hoàn trả chi phí liên quan đến việc thực hiện kết hôn. Kết hôn là dựa trên sự tự nguyện, tôn trọng và yêu thương của cả hai bên. Vì vậy, việc bỏ ra của cải, vật chất phục vụ cho vấn đề này xuất phát từ sự tự nguyện của các phía.