Các công việc luật sư khi nhận bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án hình sự

Các công việc luật sư khi nhận bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án hình sự. Khi luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo ở bất kỳ giai đoạn nào trong vụ án hình sự để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho thân chủ trước cáo buộc phạm tội từ khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam, tham gia các buổi hỏi cung, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật hình sự, luật sư có thể bằng nghiệp vụ của mình các tình tiết ngoại phạm chứng minh cho bị can, bị cáo không phạm tội, có khi cơ quan tố tụng buộc tội không đúng, đưa ra các tình tiết giảm nhẹ bảo vệ cho bị cáo.

Các công việc luật sư khi nhận bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án hình sự

» Quy trình giải quyết vụ án hình sự

1. Vai trò của Luật sư trong vụ án hình sự

Đầu tiên phải nói đến vai trò hết sức quan trọng của Luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự, Luật sư góp phần tìm ra sự thật khách quan của vụ án; tránh oan, sai; công lý được thực thi đúng pháp luật; quyền con người được bảo đảm.

Vai trò của luật sư được thể hiện trong các giai đoạn tố tụng hình sự, nhưng ở giai đoạn xét xử, vai trò của luật sư được thể hiện rõ nét và toàn diện nhất.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành với nhiều quy định tiến bộ, khẳng định rõ và nâng cao vị thế, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng, nhất là vai trò tranh tụng và quyền bình đẳng với những người tham gia tranh tụng tại phiên tòa, chức năng bào chữa cho bị can, bị cáo như:

Luật sư được có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, được gặp bị can, bị cáo, thu thập và xuất trình tài liệu, đồ vật, nghiên cứu hồ sơ vụ án…

Có thể nói vai trò của Luật sư ngày càng quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội

2. Thủ tục nhờ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự

2.1. Thời điểm mà người bị buộc tội có thể nhờ luật sư bào chữa là từ khi khởi tố bị can:

  • Người bị buộc tội làm đơn yêu cầu người bào chữa nêu rõ người bào chữa hoặc người thân thuê luật sư bào chữa.
  • Nếu như không có đơn yêu cầu bào chữa thì trong lần đầu tiên lấy lời khai người bị bắt, người bị tạm giữ, lần đầu tiên hỏi cung bị can, nếu có nhu cầu mời luật sư bào chữa, Điều tra viên hoặc Cán bộ điều sẽ hướng dẫn họ viết đơn nhờ người bào chữa.
  • Trong thời hạn theo luật định từ 12-24 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu luật sư bào chữa, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ.
  • Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân của họ để nhờ luật sư bào chữa.
  • Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của những người nêu trên có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền thông báo cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến.

2.2. Thủ tục luật sư đăng ký bào chữa vụ án hình sự

Theo Điều 78 BLTTHS 2015 Khi tiến hành đăng ký bào chữa cho bị cáo trong vụ án hình sự Luật sư phải xuất trình các giấy tờ sau:

  • Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, hoặc của người thân người bị tạm giữ, bị can hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can;
  • Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề luật sư hoặc giấy giới thiệu của Đoàn luật sư (đối với trường hợp hành nghề với tư cách cá nhân);
  • Thẻ luật sư (bản sao có chứng thực);

Đối với trường hợp được Đoàn luật sư phân công thì luật sư cần thêm:

  • Văn bản phân công của đoàn luật sư đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư.

2.3. Việc đăng ký cấp giấy chứng nhận bào chữa nêu trên được thực hiện như sau:

  • Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì luật sư nộp các giấy tờ nêu trên cho Điều tra viên đang trực tiếp điều tra vụ án.
  • Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn truy tố, luật sư nộp giấy tờ cho kiểm sát viên đang giải quyết vụ án.
  • Trường hợp vụ án trong giai đoạn xét xử, luật sư nộp giấy tờ cho thẩm phán đang trực tiếp xét xử vụ án tại phiên tòa.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ. Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa, nếu từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì phải có văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

3. Công việc Luật sư khi nhận bào chữa cho bị cáo trong vụ án hình sự

3.1. Trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án hình sự

Theo quy định của tại Điều 73 BLTTHS 2015, Luật sư được tham gia:

  • Gặp, hỏi người bị buộc tội;
  • Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.
  • Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;
  • Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;
  • Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
  • Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

Trong phạm vi quyền của mình, Luật sư tham gia hỏi cung cùng cơ quan điều tra sẽ bảo vệ quyền lợi của bị cáo tránh bị mớm cung, ép cung… Luật sư có thể tự mình thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, có thể khiếu nại những quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc những vi phạm trong hoạt động tố tụng ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án một cách khách quan.

Như vậy, trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Luật sư có vai trò thu thập chứng cứ để gỡ tội cũng như làm sáng tỏ nội dung vụ án. Bên cạnh đó, việc có mặt của Luật sư trong giai đoạn điều tra giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Đảm bảo quyền con người được hiến pháp quy định, tranh trường hợp bị ép cung, nhục hình hoặc vì thiếu hiểu biết pháp luật mà bị oan sai.

3.2. Trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự

Khi nhận bào chữa cho bị cáo trong các vụ án hình sự, Luật sư có vai trò quan trọng trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự.

Theo quy định tại điểm m, n, o khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015 thì Luật sư được:

  • Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
  • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
  • Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất

Luật sư được sao chụp hồ sơ, thu thập chứng cứ sau đó dùng làm căn cứ để xây dựng bài bào chữa để bảo vệ cho bị cáo. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, quyền tranh luận của Người bào chữa không còn bị giới hạn như quy định của Luật cũ. Luật sư được trình bày ý kiến liên quan đến vụ án, kết hợp với đưa ra chứng cứ gỡ tội, tài liệu và những lập luận của mình để đối đáp lại quan điểm buộc tội của kiểm sát viên qua đó bảo vệ bị cáo trước những căn cứ buộc tội của cơ quan công tố.

Mọi ý kiến của Luật sư đều được Hội đồng xét xử lắng nghe và ghi nhận để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 322 BLTTHS 2015.

Khi có bản án của Tòa án, Luật sư có thể kháng cáo bản án cho bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc người có khiếm khuyết về thể chất và tư vấn cho bị cáo thực hiện việc kháng cáo để thực hiện quyền của mình được pháp luật cho phép và công nhận. 

Trong vụ án hình sự thì Luật sư là một chỗ dựa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, thực hiện thiên chức của mình bảo vệ thân chủ trước Pháp luật. 

» Luật sư bào chữa hình sự giỏi

» Luật sư bào chữa vụ án hình sự