Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng. Nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, các chủ thể được tự do thỏa thuận về việc lựa chọn sử dụng các biện pháp bảo đảm như đặt cọc, thế chấp… Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn về vấn đề các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Mục lục bài viết
Tư vấn các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng
1. Cơ sở pháp lý
Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng là các văn bản pháp lý sau:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
2. Biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về định nghĩa “biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng”.
Tuy nhiên, có thể hiểu, biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng là các cách thức được các bên thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật dân sự, nhằm buộc các bên có nghĩa vụ có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của hợp đồng.
Căn cứ khoản 1 Điều 298 Bộ luật dân sự năm 2015 thì biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng được đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
3. Có những biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng nào?
Có 9 biện pháp bảo bảo thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại Điều 292 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 292. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
- Cầm cố tài sản.
- Thế chấp tài sản.
- Đặt cọc.
- Ký cược.
- Ký quỹ.
- Bảo lưu quyền sở hữu.
- Bảo lãnh.
- Tín chấp.
- Cầm giữ tài sản.”
Sau đây, chúng tôi sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản của các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng này như sau:
3.1. Biện pháp cầm cố tài sản
Biện pháp cầm cố tài sản được quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
Trường hợp bên có nghĩa vụ trong hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ thì bên nhận cầm cố sẽ xử lý tài sản cầm cố để bù trừ nghĩa vụ.
Các nội dung liên quan đến biện pháp cầm cố tài sản được quy định chi tiết từ Điều 309 đến Điều 316 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 31, Điều 32 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP
Đây là một biện pháp bảo đảm có tính hiệu quả nhất trong các biện pháp bảo đảm, bởi vì người nhận cầm cố giữ tài sản của bên cầm cố cho nên khi xử lý tài sản cầm cố sẽ thuận lợi và thanh toán nghĩa vụ kịp thời.
Biện pháp bảo đảm này được sử dụng phổ biến trong Hợp đồng vay tiền, hợp đồng tín dụng ….
3.2. Biện pháp thế chấp tài sản
Biện pháp thế chấp tài sản quy định chi tiết từ Điều 317 đến Điều 327 Bộ luật Dân sự năm 2015, từ Điều 34 đến Điều 36 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.
Theo khoản 1 Điều 317 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
- Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.”
Bên thế chấp sẽ chuyển giao cho bên nhận thế chấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu cho bên nhận thế chấp nếu các bên có thỏa thuận. Việc giữ lấy giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản hạn chế bên thế chấp định đoạt tài sản.
Trường hợp bên thế chấp không thực hiện nghĩa vụ thì bên nhận thế chấp sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nghĩa vụ.
Đây là một biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng được nhiều chủ thể lựa chọn sử dụng ở Hợp đồng vay tiền, Hợp đồng góp vốn,…
3.3. Biện pháp đặt cọc
Biện pháp đặt cọc được quy định từ Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 328. Đặt cọc
- Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
- Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;
nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Biện pháp đặt cọc là một trong những biện pháp được sử dụng phổ biến nhất, hiệu quả cao nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của các chủ thể trong Hợp đồng mua bán hàng hoá, Hợp đồng mua bán đất, Hợp đồng thuê đất, Hợp đồng thương mại, Hợp đồng quảng cáo, Hợp đồng gia công, Hợp đồng nhượng quyền thương mại, Hợp đồng thuê, cho thuê, Hợp đồng môi giới, Hợp đồng xuất nhập khẩu…
3.4. Biện pháp ký cược
Khái niệm biện pháp ký cược được quy định tại Điều 329 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 329. Ký cược
- Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.
- Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.”
Theo đó, biện pháp ký cược thường được áp dụng trong các hợp đồng thuê tài sản như: Hợp đồng thuê, cho thuê, Hợp đồng thuê đất,Hợp đồng thuê nhà,….
3.5. Biện pháp ký quỹ
Biện pháp kỹ quỹ được quy định tại Điều 330 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 330. Ký quỹ
- Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
- Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.
- Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, biện pháp ký quỹ có thể được sử dụng trong Hợp đồng gia công, Hợp đồng xây dựng, Hợp đồng hợp tác kinh doanh… tùy vào thỏa thuận của các chủ thể.
3.6. Biện pháp bảo lưu quyền sở hữu
Bảo lưu quyền sở hữu được quy định chi tiết từ Điều 331 đến Điều 334 Bộ luật dân sự năm 2015.
Bẻo lưu quyền sở hữu được áp dụng với Hợp đồng mua bán hàng hoá. Theo đó, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.
3.7. Biện pháp bảo lãnh
Biện pháp bảo lãnh được quy định chi tiết từ Điều 335 đến Điều 343 Bộ luật dân sự năm 2015.
Biện pháp bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Các bên có thể thỏa thuận về trường hợp bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Biện pháp bảo lãnh thường được sử dụng phổ biến trong Hợp đồng vay tiền (bảo lãnh cho bên vay vốn), Hợp đồng xây dựng (bảo lãnh thanh toán hoặc bảo lãnh bảo hành), Hợp đồng thầu phụ, Hợp đồng liên danh,….
3.8. Biện pháp tín chấp
Biện pháp bảo đảm này được quy định tại Điều 344 và Điều 345 Bộ luật dân sự năm 2015
Tín chấp là việc Tổ chức chính trị – xã hội được pháp luật cho phép bảo đảm bằng tín chấp cho hộ gia đình nghèo, cá nhân vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng (thể hiện trong Hợp đồng vay tiền)
Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm.
3.9. Biện pháp cầm giữ tài sản
Nội dung quy định biện pháp cầm giữ tài sản được quy định từ Điều 346 đến Điều 350 Bộ luật dân sự 2015
Căn cứ quy định tại Điều 346 Bộ luật dân sự 2015 thì:
“Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
4. Tóm tắt các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng
Với những phân tích ở trên, có thể tóm tắt tư vấn về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng là:
Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định 9 biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, kỹ quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, tín chấp, ký cược, và cầm giữ tài sản.
So với Bộ luật dân sự năm 2005 đã hết hiệu lực thì luật dân sự hiện hành đã bổ sung thêm 2 biện pháp bảo đảm mới: bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản.
Theo các quy định hiện hành thì các bên trong hợp đồng có quyền tự chủ, tự do cam kết và tự do thoả thuận về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
» Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng
Nếu quý khách có vướng mắc vấn đề liên quan về Hợp đồng, cần luật sư soạn thảo hoặc giải quyết tranh chấp hợp đồng xin liên hệ: