Nghị quyết 33/2024/NQ-HĐND quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2024/NQ-HĐND |
Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2024 |
QUY ĐỊNH VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP YÊU CẦU NGỪNG CUNG CẤP DỊCH VỤ ĐIỆN, NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 33 của Luật Thủ đô)
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 19
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ khoản 2, 3 và 4 Điều 33 Luật Thủ đô ngày 28 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 27 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Xét Tờ trình số 438/TTr-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Nghị quyết quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô); Báo cáo thẩm tra số 98/HĐND-BPC ngày 18 tháng 11 năm 2024 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố; Báo cáo số 440/BC-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp thu, giải trình Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
1. Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước liên quan đến việc thi công, quản lý, sử dụng công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
2. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
3. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 4 Nghị quyết này được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các trường hợp sau đây:
1. Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
2. Công trình xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi một trong các nội dung chính được ghi trong giấy phép xây dựng hoặc thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt: vị trí xây dựng; cốt nền xây dựng; mật độ xây dựng; diện tích xây dựng tầng 1; chiều cao công trình; chiều sâu công trình; số tầng công trình (bao gồm toàn bộ các tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng lửng, tầng kỹ thuật, tầng áp mái, tầng mái, tum thang); chiều cao các tầng công trình; tổng diện tích sàn xây dựng tầng hầm; tổng diện tích sàn xây dựng phần nổi; tổng diện tích sàn xây dựng công trình (bao gồm tổng diện tích sàn của tất cả các tầng công trình); màu sắc công trình;
b) Vi phạm chỉ giới xây dựng hoặc chỉ giới đường đỏ;
c) Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
d) Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường;
đ) Khi điều chỉnh, bổ sung thiết kế xây dựng thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực, biện pháp tổ chức thi công và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu, an toàn chịu lực chính của công trình.
3. Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
4. Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy và chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
5. Công trình xây dựng thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
6. Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
7. Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ ka-ra-ô-kê (karaoke) không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
8. Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.
Điều 4. Thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền áp dụng đối với:
a) Trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Nghị quyết này;
b) Trường hợp quy định tại khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 3 Nghị quyết này do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền áp dụng đối với:
a) Trường hợp quy định tại khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 3 Nghị quyết này do cơ quan Công an quản lý theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
b) Trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị quyết này;
c) Trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị quyết này thuộc địa giới hành chính từ hai xã, phường, thị trấn trực thuộc trở lên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hành vi vi phạm được phát hiện đầu tiên có trách nhiệm đề xuất việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 3 Nghị quyết này thuộc địa giới hành chính từ hai quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội trở lên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hành vi vi phạm được phát hiện đầu tiên có trách nhiệm đề xuất việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
4. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là người có thẩm quyền chấm dứt việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Điều 5. Trình tự, thủ tục, thời hạn ban hành quyết định áp dụng và thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
1. Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi phát hiện vi phạm thuộc trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị quyết này, người có thẩm quyền thi hành công vụ phải kiểm tra, lập biên bản (theo mẫu Biên bản số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này) yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan chấm dứt vi phạm, ngừng thi công công trình xây dựng hoặc dừng hoạt động của công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Trường hợp tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm không ký biên bản thì biên bản phải có chữ ký của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm không ký biên bản.
2. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 Nghị quyết này, người có thẩm quyền thi hành công vụ có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận về việc tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm đã chấp hành hoặc không chấp hành yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, ngừng thi công công trình xây dựng tại biên bản làm việc (theo mẫu Biên bản số 02 ban hành kèm theo Nghị quyết này).
Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi kiểm tra, xác định tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm không chấp hành yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, ngừng thi công công trình xây dựng, người có thẩm quyền thi hành công vụ chuyển biên bản làm việc, biên bản kiểm tra và tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước quy định tại Điều 4 Nghị quyết này.
3. Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi lập biên bản làm việc đối với trường hợp quy định tại khoản 6, 7 và 8 Điều 3 Nghị quyết, người có thẩm quyền thi hành công vụ chuyên biên bản làm việc và tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước quy định tại Điều 4 Nghị quyết này.
4. Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi nhận được biên bản làm việc, biên bản kiểm tra và tài liệu có liên quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị quyết này có trách nhiệm:
a) Xem xét, ban hành quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm (theo mẫu Quyết định số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này);
b) Chuyển hồ sơ, đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Nghị quyết này.
Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, người có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, ban hành quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm (theo mẫu Quyết định số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này).
5. Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi ban hành quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, quyết định này phải được gửi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm và niêm yết tại công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm.
6. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước có trách nhiệm thực hiện việc ngừng cấp điện, ngừng cấp nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm, thông báo cho người sử dụng dịch vụ theo hợp đồng và người có thẩm quyền ban hành quyết định.
Điều 6. Căn cứ chấm dứt việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
1. Công trình xây dựng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này có một trong các giấy tờ sau đây:
a) Giấy phép xây dựng đối với công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh đối với công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp;
b) Thiết kế xây dựng điều chỉnh đối với công trình xây dựng không đúng thiết kế xây dựng đã được thẩm định đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;
c) Biên bản ghi nhận đã thực hiện phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm hoặc biên bản cưỡng chế phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm trong trường hợp người vi phạm không tự nguyện phá dỡ.
2. Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết này đã phá dỡ và trả lại đất bị lấn, chiếm.
3. Công trình xây dựng thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết này có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
4. Công trình xây dựng thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết này có văn bản thẩm duyệt thiết kế điều chỉnh về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản góp ý của cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với phương án thi công, khắc phục của tổ chức, cá nhân vi phạm.
5. Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị quyết này có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
6. Cơ sở kinh doanh dịch vụ tại khoản 7 Điều 3 Nghị quyết này có quyết định cho phục hồi hoạt động của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 7. Trình tự, thủ tục chấm dứt biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
1. Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi nhận được văn bản, giấy tờ quy định tại Điều 6 Nghị quyết này, người có thẩm quyền thi hành công vụ có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản về việc chấp hành của người vi phạm (theo mẫu biên bản số 03 ban hành kèm theo Nghị quyết này).
Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi lập biên bản kiểm tra, người có thẩm quyền thi hành công vụ báo cáo người có thẩm quyền quy định tại Điều 4 Nghị quyết này xem xét, quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
2. Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi nhận được biên bản kiểm tra và văn bản, giấy tờ quy định tại Điều 6 Nghị quyết này, người có thẩm quyền quy định tại Điều 4 Nghị quyết này ban hành quyết định về việc chấm dứt áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước (theo mẫu quyết định số 02 ban hành kèm theo Nghị quyết này).
3. Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi ban hành quyết định về việc chấm dứt áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, quyết định này phải được gửi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước, tổ chức, cá nhân vi phạm và người sử dụng dịch vụ điện, nước theo hợp đồng.
4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước thực hiện việc cung cấp lại dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Điều 8. Tạm dừng việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
1. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết này có thể xem xét, quyết định tạm dừng việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để thi công khắc phục vi phạm trong một số trường hợp sau đây:
a) Công trình xây dựng thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Nghị quyết này có văn bản cam kết của chủ đầu tư về việc tự nguyện phá dỡ công trình trong thời hạn phù hợp với quy mô, tính chất công trình vi phạm;
b) Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc trường hợp quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 3 Nghị quyết này có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế điều chỉnh về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản góp ý của cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với phương án thi công, khắc phục của tổ chức, cá nhân vi phạm.
2. Người có thẩm quyền quyết định việc tiếp tục áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trong trường hợp công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 9. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết;
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này theo quy định;
c) Báo cáo kết quả tổ chức thực hiện; trong trường hợp cần thiết, trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết để phù hợp với thực tiễn.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giám sát quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị xã hội thành phố Hà Nội phối hợp tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
4. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 33, khoản 8 Điều 54 Luật Thủ đô.
5. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm liên quan đến việc áp dụng các biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định tại Nghị quyết này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Điều khoản thi hành
Biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước quy định tại Nghị quyết này không thay thế cho việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025./.
|
CHỦ TỊCH |