Trao đổi về thời hiệu khởi kiện kênh VITV

Trao đổi về thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp, thuộc kênh VITV, ngày 24 tháng 11 năm 2012,

luật sư, thạc sỹ Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc công ty Luật SB (SB Law) đã trao đổi các vấn đề về thời hiệu khởi kiện được quy định trong pháp luật Việt Nam, sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

Phóng viên (PV), Thời hiệu khởi kiện là gì? Thời hiệu khởi kiện được quy định như thế nào trong các văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay?


Luật sư Hà (luat dong tay.com) trả lời PV về đề thời điểm khởi kiện

1. Thời hiệu khởi kiện là gì:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 155 Bộ Luật Dân Sự và Điều 159 Bộ Luật tố tụng dân sự thì thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

2. Văn bản pháp luật quy định về thời hiệu khởi kiện:

Hiện nay, thời hiệu khởi kiện được quy định trong Bộ Luật dân sự, Bộ Luật Tố Tụng dân sự, cụ thể như sau:

Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm.

Ngoài ra đối với từng lĩnh vực cụ thể thì có những quy định về thời hiệu khởi kiện riêng, ví dụ như:
Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì theo quy định tại Điều 30 của Luật kinh doanh bảo hiểm, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.

Đối với hợp đồng xây dựng thị chịu sự điều chỉnh của Luật xây dựng.
Đối với hợp đồng trong lĩnh vực hàng hải thì chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật Hàng Hải.

Nói tóm lại, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về kinh doanh thương mại có thể có các luật chuyên ngành điều chỉnh, nếu không có luật chuyên ngành điều chỉnh thì có thể áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện trong Luật thương mại 2005, theo đó thời hiệu khởi kiện các tranh chấp trong hoạt động thương mại cũng là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị xâm phạm.

Quy định này trùng với quy định trong Bộ luật dân sự và Bộ Luật tố tụng dân sự.

PV: Thời hiệu khởi kiện có tầm quan trọng như thế nào trong các tranh chấp thương mại?
Trả lời: Thời hiệu khởi kiện có tầm quan trọng đặc biệt đối với các tranh chấp thương mại. Khi các tranh chấp thương mại xảy ra, các bên thường có nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết như trung gian, hòa giải. Tuy nhiên, khi các biện pháp này không thể giải quyết được tranh chấp, thì bắt buộc các bên phải sử dụng quyền khởi kiện của mình để yêu cầu tòa án giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

PV: Nguyên nhân dẫn đến việc hết thời hiệu khởi kiện trên thực tế?

Trả lời: Có một số nguyên nhân sau dẫn tới việc hết thời hiệu khởi kiện trên thực tế:

Thứ nhất: đương sự không biết về thời hiệu khởi kiện, khi có tranh chấp xảy ra, để quá lâu không đưa ra giải quyết, để thời hiệu qua đi.

Thứ hai: các tranh chấp thương mại diễn ra rất đa dạng, mỗi lĩnh vực lại có văn bản pháp luật chuyên ngành hẹp điều chỉnh, vì vậy, các đương sự không nắm vững các văn bản chuyên ngành để có thể có cách tính thời hiệu chính xác.

Thứ ba: không có đội ngũ luật sư và chuyên gia pháp lý giỏi có thể tư vấn cho doanh nghiệp cách tính thời hiệu chính xác.

Thứ tư: cách tính thời hiệu khởi kiện là vô cùng phức tạp, phải xác định được hai vấn đề chính xác khi khởi kiện đó là luật chuyên ngành điều chỉnh và ngày nào là ngày quyền và lợi ích bị xâm phạm.
Từ những lý do nêu trên dẫn tới việc thời hiệu khởi kiện bị mất.

PV: Hậu quả mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi hết thời hiệu khởi kiện?

Trả lời: Hậu quả mà doanh nghiệp phải đối mặt khi hết thời hiệu khởi kiện đó là doanh nghiệp mất quyền khởi kiện. Quyền khởi kiện là một trong những công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp yêu cầu giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, đôi khi những tranh chấp về kinh doanh có giá trị hàng nghìn tỷ đồng, nếu những thiệt hại này không được đền bù thông qua việc giải quyết tranh chấp, thông qua việc giải quyết qua tòa án thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại, không thể đòi đền bù những thiệt hại này.

PV: Luật sư có những cảnh báo gì cho các DN để tránh xảy ra việc hết thời hiệu khởi kiện, bên cạnh đó, những quy định liên quan đến vấn đề thời hiệu khởi kiện có vướng mắc gì cần điều chỉnh không thưa luật sư?

Trả lời: Để tránh xảy ra việc hết thời hiệu khởi kiện, các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh phải luôn luôn lường trước được các rủi ro pháp lý có thể xảy ra, khi soạn thảo, ký kết các hợp đồng thương mại, kinh tế, luôn luôn phải chú ý tới các điều khoản, làm sao các điều khoản này phải hết sức chặt chẽ, có cơ sở giải quyết các tranh chấp sau này.

Thêm nữa, theo quy định của pháp luật, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp là rất ngắn, thông thường là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích của doanh nghiệp bị xâm hại, vì vậy, khi thấy lợi ích bị xâm hại, các doanh nghiệp phải hết sức chú ý đến các vấn đề pháp lý, phải nhờ một đội ngũ luật sư để xác định chính xác thời hiệu khởi kiện, tránh trường hợp bị mất thời hiệu khởi kiện.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề thời hiệu khởi kiện còn rất mâu thuẫn, quy định không thống nhất, Quy định về thời hiệu khởi kiện không nằm tập trung trong một văn bản mà dàn trải ở rất nhiều văn bản, gây khó cho người dân và doanh nghiệp khi muốn tìm hiểu vụ việc của mình.

Bên cạnh đó, việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu hiện nay là khác nhau, theo quy định của bộ luật dân sự thì là khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, tuy nhiên, thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động là từ thời điểm mỗi bên tranh chấp thấy rằng quyền và lợi ích của mình bị vi phạm.

Vì vậy, các nhà làm luật cần thống nhất lại các quy định về thời hiệu khởi kiện, thống nhất cách tính, không phải lúc nào quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm cũng là lúc xảy ra tranh chấp.

» Tư vấn soạn thảo hợp đồng

» Luật sư trao đổi trùng tên doanh nghiệp