Luật sư tư vấn tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân gồm hành vi bắt bắt người trái pháp luật, hành vi giữ người trái pháp luật và hành vi giam người trái pháp luật, các hành vi này đều là hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác nhưng khác nhau ở các hình thức thể hiện. Chủ thể của tội phạm có thể thực hiện một, hai hoặc đồng thời cả ba hành vi.
Mục lục bài viết
Luật sư tư vấn tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
– Hành vi bắt người trái pháp luật được hiểu là hành vi của người không có thẩm quyền, khống chế người khác không theo đúng các quy định của pháp luật để tạm giữ hoặc tạm giam họ;
– Hành vi giữ người trái pháp luật là hành vi của người không có thẩm quyền và thực hiện không theo đúng các quy định của pháp luật để không cho người khác di chuyển vượt ra ngoài sự kiểm soát của mình, trong một khoảng thời gian nhất định;
– Hành vi giam người trái pháp luật là hành vi của người không có thẩm quyền thực hiện việc cách ly người khác trái pháp luật ở một địa điểm và trong một khoảng thời gian nhất định.
Tính trái pháp luật của 03 hành vi trên được hiểu là sự không thỏa mãn các quy định về bắt, giữ hoặc giam người theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, pháp luật chỉ cho phép thực hiện việc bắt, tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp sau nếu thỏa mãn yêu cầu của từng trường hợp sau:
1. Quy định về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
Điều 157 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau:
“Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
2. Dấu hiệu của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
2.1. Khách thể của tội phạm
Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Điều 20.…
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.”
Bắt, giữ hoặc giam người là hành vi xâm phạm đến quyền tự do thân thể, quyền tự do đi lại của con người, của công dân.
Các hoạt động bắt, giữ hoặc giam người được quy định chặt chẽ trong Bộ luật tố tụng hình sự . Do đó, hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật còn xâm phạm những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Từ đó, khách thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tự do cá nhân của con người, của công dân và các quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Hành vi này thể hiện trên 02 phương diện:
– Người không có thẩm quyền, không có chức năng hoạt động Nhà nước và cũng không phải trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang có lệnh truy nã nhưng vì lý do cá nhân đã có hành vi bắt, giữ, giam người trái phép.
– Người có chức năng hoạt động Nhà nước nhưng tiến hành bắt, giữ, giam người khi không đủ tài liệu chứng cứ hoặc khi đã đủ tài liệu chứng cứ về hành vi phạm tội của họ hoặc thẩm quyền, thủ tục tiến hành, thời gian không đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Luật Thi hành án Hình sự năm 2019.
Người phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có thể thực hiện cả ba hành vi: bắt, giữ hoặc giam người, nhưng cũng có thể chỉ thực hiện một trong ba hành vi đó.
Từ những quy định của pháp luật ta có thể hiểu hành vi khách quan của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gồm 03 hành vi bắt người trái pháp luật, giữ người trái pháp luật và giam người trái pháp luật.
Bắt người trái pháp luật là hành vi bắt người mà không có lệnh của những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt người có lệnh truy nã hoặc tuy có lệnh của những người có thẩm quyền nhưng việc tiến hành bắt không đúng thủ tục như bắt người vào ban đêm (sau 22 giờ) mà không thuộc trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang.
Hình thức bắt có thể là dùng vũ lực như trói, khóa tay hoặc đe doạ dùng vũ lực buộc người bị bắt phải đến nơi mà người phạm tội đã chọn. Nếu trong quá trình bắt mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, của người bị hại thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng với hành vi xâm phạm. Ví dụ Điều 126 – Tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội hoặc Điều 136 – Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
Giữ người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giữ người không đúng với quy định của pháp luật; giữ người không có lệnh của người có thẩm quyền; giữ người quá hạn; giữ người thuộc trường hợp không được tạm giữ.
Giam người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giam người không đúng với quy định của pháp luật; giam người không có lệnh của người có thẩm quyền; giam người quá hạn; giam người thuộc trường hợp không được tạm giam.
Tính trái pháp luật trong việc bắt, giữ hoặc giam người là việc bắt, giữ hoặc giam người ngoài những trường hợp pháp luật cho phép. Vì vậy, khi xác định hành vi bắt, giữ hoặc giam người có trái pháp luật hay không, cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về việc bắt, giữ hoặc giam người. Những quy định này chủ yếu được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Hậu quả của hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trước hết là gây ra việc một người bị bắt, bị giữ hoặc bị giam trái pháp luật. Hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc mà nếu có thì là dấu hiệu định khung hình phạt.
Tội phạm hoàn thành khi có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xảy ra. Nếu người phạm tội có ý định bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đã chuẩn bị phương tiện, địa điểm, lực lượng để thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt được người bị hại thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể thực hiện tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có thể là bất kì ai từ đủ 16 tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, chủ thể của tội phạm có thể là bất kì ai, là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch, có thể là cá nhân hoặc có đồng phạm thực hiện tội phạm.Chủ thể của tội này có thể là một công dân bình thường nhưng cũng có thể là người có chức vụ quyền hạn được bắt, giữ, giam người khác nhưng hành vi bắt, giữ giam người này trái thẩm quyền hoặc quá thời gian luật định.
Thứ hai, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 9 Bộ luật Hình sự chia ra hai mức tuổi chịu trách nhiệm hình sự là người từ đủ 16 tuổi và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Khoản 2 Điều 9 quy định một số tội phạm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng không có các tội quy định tại Điều 157, Khoản 1 Điều 9 quy định người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội. Do đó, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là người từ 16 tuổi trở lên.
Thứ ba, chủ thể thực hiện tội phạm phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi. Thiếu một trong hai năng lực này, người đó bị coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật này.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật, nhìn thấy trước hậu quả gây tổn hại đến thân thể, quyền tự do của nạn nhân nhưng vẫn mong muốn tội phạm xảy ra.
Nếu do thiếu trách nhiệm hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém mà bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì không phải là tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà tùy trường hợp cụ thể mà hành vi của người phạm tội có thể cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành chính.
Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm. Người phạm tội phạm tội này có thể vì động cơ và mục đích khác nhau, nhưng nếu bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật vì mục đích thực hiện một tội phạm khác thì có thể bị truy cứu về tội có dấu hiệu mục đích là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Ví dụ, người bắt, giữ, giam người khác để đem bán thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người (Điều 150) hay nhằm mục đích chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì người phạm tội sẽ bị truy cứu về tội chiếm giữ người dưới 16 tuổi (Điều 153).
3. Khung hình phạt đối với tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
Khung hình phạt tại Khoản 1:
Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khung hình phạt tại Khoản 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người đang thi hành công vụ;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
+ Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Khung hình phạt tại Khoản 3:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
+ Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
+ Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp hành vi nguy hiểm cho xã hội phải xử lý bằng hình sự thì có thể bị truy tố về một trong các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự như:
+ Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123 BLHS). Khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và khung cao nhất là bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
+ Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 BLHS) hoặc Tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS). Tội cưỡng đoạt tài sản có mức hình phạt thấp nhất là 1 năm tù và cao nhất là 20 năm tù. Tội cướp tài sản có khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm và khung cao nhất là phạt tù từ 18 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
+ Trường hợp việc đánh đập dẫn đến gây thương tích cho người bị hại thì các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS). Khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; khung cao nhất là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Tuy nhiên, cần lưu ý nguyên tắc của Bộ luật Hình sự là mỗi hành vi vi phạm chỉ xử lý một lần theo tội danh tương ứng.
Nếu trong một vụ việc, người phạm tội có nhiều hành vi hỗn hợp sẽ bị xử lý theo một tội danh nhất định, còn các hành vi khác nếu không đủ cấu thành một tội danh độc lập thì trở thành tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng đối với người phạm tội đó.
» Tư vấn các tội xâm phạm quyền tự do của con người, dân chủ của công dân
» Luật sư bảo vệ cho người bị hại trong vụ án hình sự
Luật sư tư vấn tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật: