Bị hại có uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng được không? Khi Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Vậy Bị hại trong vụ án hình sự có được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng không?
Bị hại có uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng
1. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
2. Tư vấn quy định của người bị hại
Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS năm 2015) về bị hại:
“1. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.
Quyền của bị hại và người đại diện của họ được quy định tại khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015, theo đó bị hại có quyền:
Quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ (điểm a khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015).
Quyền được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu (điểm b khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Đây là một trong những điểm mới của BLTTHS năm 2015.
Theo điểm b khoản 2 Điều 62 BLTTHS năm 2015 thì bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền: “Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu”.
Như vậy, không chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có quyền đưa ra các chứng cứ, đồ vật, tài liệu mà bị hại có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu và đồ vật liên quan đến vụ án để chứng minh có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, chứng minh những thiệt hại của mình là do hành vi phạm tội gây ra.
Quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá (điểm c khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Nếu như trước đây, bị hại trong vụ án hình sự chỉ được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu thì theo BLTTHS 2015, bị hại còn có quyền trình bày ý kiến của mình về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án đồng thời có quyền yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá các tài liệu, đồ vật đó. Đây là một quy định nâng cao sự chủ động của bị hại khi tham gia tố tụng hình sự.
Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật (điểm d khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): BLTTHS 2015 cho phép bị hại cũng như đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ những trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội (khoản 1 Điều 207 BLTTHS 2015).
Quyền được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án (điểm đ khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật (điểm e khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Khi có căn cứ để cho rằng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký toà án không vô tư trong khi tiến hành tố tụng và người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật không vô tư trong khi tham gia tố tụng thì bị hại có quyền đề nghị thay đổi họ (khoản 2 Điều 50 BLTTHS 2015).
Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường (điểm g khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Bị hại có quyền đề nghị hình phạt đối với người phạm tội để các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng xem xét sau khi đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và xác định sự thật khách quan của vụ án.
Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa (điểm h khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015).
Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình (điểm i khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): BLTTHS năm 2015 chính thức quy định đây là quyền của bị hại để họ có thể lựa chọn tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình hoặc là nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này (điểm k khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015). Với quyền được tham gia một số hoạt động tố tụng quy định tại BLTTHS 2015, bị hại hoàn toàn chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi của mình như họ có được thông tin từ các cơ quan tiến hành tố tụng mà không phải chờ đến khi được thông báo.
Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa (điểm l khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015).
Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án (điểm m khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Trong trường hợp bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Trong trường hợp bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, thì họ có thể uỷ quyền cho người khác. Người được uỷ quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự.
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm n khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Như vậy, đối với bị hại trong vụ án hình sự có thể ủy quyền cho người khác có quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự thực hiện các việc liên quan đến bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên vấn đề bị hại ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thay mình pháp luật không có quy định rõ ràng, nhưng vì Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Nên việc bị hại ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng đối với cá nhân trong vụ án hình sự thay mình là không được. Bởi lẽ có liên quan trực tiếp đến quyền nhân thân của họ và theo tinh thần của Bộ luật hình sự (BLHS), thì việc quy định các chế tài xử lý là nhằm mục đích răn đe, giáo dục người có hành vi phạm tội. Do vậy, nếu như cho phép ủy quyền người khác nhận tội thay mình thì không thể hiện đúng bản chất, mục đích của việc ban hành BLHS.
» Luật sư bảo vệ cho người bị hại trong vụ án hình sự
» Thời điểm tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp