Những kỹ năng cơ bản của Luật sư tranh tụng cần phải có. Luật sư tranh tụng hội tụ đầy đủ chuyên môn vững vàng và các kỹ năng vượt trội. Có được sự hội tụ đó, người luật sư phải trải qua thời gian trau dồi, mài dũa thành thạo kiến thức pháp luật và các kỹ năng từ khi còn ở nhà trường, trong cuộc sống và kinh nghiệm thực hành nghề luật. Để tạo nên danh tiếng luật sư tranh tụng giỏi, thì luật sư cần rèn luyện năm kỹ năng cơ bản như: kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng tranh luận sắc bén, kỹ năng nghiên cứu và phân tích sâu sắc, kỹ năng đàm phán thuyết phục, kỹ năng giữ bình tĩnh.
Mục lục bài viết
Những kỹ năng cơ bản của Luật sư tranh tụng cần phải có
1. Kỹ năng giao tiếp
Luật sư tranh tụng giỏi phải có kỹ năng giao tiếp sao cho hiệu quả. Kỹ năng giao tiếp được thể hiện dưới hình thức lời nói và bằng văn bản và phương thức lắng nghe tốt.
» Kỹ năng tư vấn pháp luật bằng lời nói
Nói tốt là một trong những yêu cầu quan trọng của luật sư tranh tụng giỏi. Một luật sư giỏi phải biết cách trình bày để các bên, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng hiểu rõ ý kiến, quan điểm của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Luật sư nên nói rõ ràng, dùng từ chính xác, trong sáng dễ hiểu, sắc thái nói nên điềm tĩnh, lịch sự và tự tin.
Một luật sư tranh tụng giỏi phải sở hữu khả năng viết sắc sảo, tinh tế và mang tính thuyết phục. Trong tranh tụng, luật sư thường xuyên phải trình bày ý kiến của mình bằng văn bản để bày tỏ quan điểm, nêu ý kiến, kiến nghị để cơ quan tiến hành tố tụng hiểu rõ, suy xét nhằm giải quyết vụ việc. Luật sư cần viết rõ ràng, ngắn gọn, súc tích, truyền tải đúng trọng tâm nội dung, quan điểm của mình muốn đề cập.
Giao tiếp có hai chiều qua lại. Chiều ngược lại của nói là lắng nghe. Khách hàng thường nói và đưa ra khối lượng thông tin lớn về vụ việc hay cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các bên đưa ra nhiều yêu cầu đối nghịch. Nếu luật sư tranh tụng lắng nghe hời hợt, qua loa có thể bỏ sót các thông tin. Tuy nhiên, nếu luật sư ghi nhớ hết tất cả thông tin có lúc cũng thừa và mất thời gian. Vậy nên luật sư tranh tụng giỏi là người rèn luyện được kỹ năng nghe một cách chính xác và đúng trọng tâm để có thể tổng hợp và nắm đúng thông tin pháp lý cần thiết của vụ việc. Hỗ trợ cho việc lắng nghe, luật sư ghi lại nhanh chóng, ngắn gọn các thông tin quan trọng nhất để tránh bị quên. Như vậy, kỹ năng nói, nghe, viết là các kỹ năng cần thiết mà luật sư tranh tụng giỏi phải rèn luyện thành thạo.
2. Kỹ năng tranh luận
Kỹ năng tranh luận sác bén là kỹ năng luật sư tranh tụng giỏi bắt buộc phải có. Tranh luận là việc luật sư vận dụng quy định pháp luật và tình tiết sự việc tạo thành hoạt động sử dụng ngôn từ pháp lý một cách logic, đưa ra các luận điểm, luận cứ, luận chứng chặt chẽ có căn cứ, chứng cứ rõ ràng nhằm khẳng định hoặc bác bỏ một vấn đề nhằm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng.
Luật sư cần phải sử dụng ngôn ngữ thuyết phục, dễ hiểu, rõ ràng và cô đọng. Tận dụng triệt những mâu thuẫn hoặc những tình tiết trong vụ án mà có lợi cho khách hàng của mình. Để có được việc tranh luận tốt, luật sư cần có sự tự tin, bản lĩnh vững vàng, đặc biệt là sự chuẩn bị, tập dượt trước. Trong quá trình tranh luận, luật sư lưu ý không nên thể hiện thái độ hay dùng ngôn từ đả kích, xúc phạm đồng nghiệp và các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như những người tham gia tố tụng khác để tránh vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng như ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng trong vụ việc.
3. Kỹ năng nghiên cứu và phân tích
Nói đến luật sư tranh tụng giỏi chắc chắn phải thấm trong mình kỹ năng nghiên cứu và phân tích sâu sắc.
Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, quy định pháp luật là vô cùng quan trọng khi tham gia bảo vệ khách hàng. Luật sư cần có khả năng kiên nhẫn đọc, một khối lượng lớn thông tin, tiếp thu các sự kiện và số liệu. Từ đó phân tích tài liệu và số liệu, tư duy logic, nhìn nhận đa chiều các thông tin để kết luận bản chất vụ việc.
Với sự biến động và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam ngày nay, luật sư tranh tụng giỏi không những phải nắm vững những quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực đó. Mà còn phải thường xuyên cập nhật những thay đổi và cách áp dụng kiến thức mới vào thực tiễn, đặc biệt là những văn bản hướng dẫn, quan điểm pháp lý của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát cấp cao,…
Mặc dù sự am hiểu chuyên sâu trong tất cả các lĩnh vực pháp luật là điều vô cùng khó thực hiện, luật sư không thể có “ba đầu sáu tay” để có thể nắm vững tất cả các quy định, kinh nghiệm để cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trong tất cả các lĩnh vực khác nhau. Vì thế, việc lựa chọn một hay một số lĩnh vực pháp luật nhất định để nghiên cứu,thực hành chuyên sâu là điề một luật sư tranh tụng giỏi hiện nay thường hay làm.
Vấn đề này đã đặt ra thách thức ở mức độ ngày càng cao hơn khi bối cảnh nước Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Bởi vậy, sự thay đổi hàng loạt các quy định về pháp luật để phù hợp với sân chơi chung của thế giới sẽ càng đòi hỏi người làm luật sư, nhất là luật sư tranh tụng hoạt động phải nhiều hơn để nâng cao kiến thức chuyên ngành và bắt kịp những thay đổi của pháp luật.
4. Kỹ năng đàn phán thuyết phục
Luật sư tranh tụng giỏi phải có khả năng đàm phán, hòa giải trước khi mọi việc buộc phải xét xử. Luật sư tranh tụng giỏi cần tham gia đàm phán hòa giải dựa trên nguyên tắc Mềm mỏng về yếu tố con người (thiện chí) nhưng cứng rắn về bản chất sự việc, tập trung tìm giải pháp mang tính thuyết phục để việc hòa giải thành có lợi cho các bên. Nói cụ thể hơn, kỹ năng đàm phán có thể theo các phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tiễn, luật sư tranh tụng nên rèn luyện phương pháp đàm phán theo nguyên tắc. Vận dụng phương pháp đàm phán này, luật sư cần thực hiện theo 4 điểm cơ bản sau:
(i) luật sư nên tách con người ra khỏi vấn đề để tập trung mục đích chính của các bên tham gia vào hòa giải là tập trung giải quyết vấn đề, chứ không phải là để thể hiện, so bì bên nào, luật sư nào hơn thua.
(ii) luật sư cần tập trung vào các lợi ích giúp các bên nhận biết được mục tiêu chính của các bên là hướng đến các lợi ích cơ bản trong cuộc hòa giải.
(iii) luật sư cần xây dựng nhiều phương án, giải pháp có thể đáp ứng được quyền lợi của các bên liên quan và dung hòa các lợi ích khác nhau của các bên một cách linh hoạt.
(iv) Đảm bảo rằng kết quả phải dựa trên những tiêu chuẩn khách quan như quy định của một số điều luật, ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể…
Rèn luyện được kỹ năng này khá khó khăn, tuy nhiên đây là một kỹ năng nhất thiết luật sư tranh tụng nào cũng cần trau dồi để trở nên giỏi.
5. Kỹ năng giữ bình tĩnh tốt, kỹ năng mềm cần có
Về những kỹ năng chuyên môn cần có, luật sư biết đến hai hình thức là nói và viết. Các kỹ năng về nói cụ thể như sau: Kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng hùng biện, kỹ năng tranh luận, kỹ năng thương lượng, đàm phán.
Đối với các kỹ năng viết được đề cập có thể kể đến là các việc soạn thảo các tài liệu pháp lý (thư từ pháp lý, thư tư vấn, quan điểm luật sư, hợp đồng, thỏa thuận, bản luận cứ,….). Ở một cách nhìn nhận khác về kỹ thuật, trong nghề luật sư nói chung cũng như luật sư tranh tụng giỏi đều cần thêm rất nhiều kỹ năng qua trọng khác như tư duy pháp lý, tư duy tổng hợp, tư duy phân tích, tư duy phản biện….
Kỹ năng này vô cùng quan trọng bởi trong quá trình giải quyết vụ việc, một điều gì đó thực sự gây bất lợi cho vụ án có thể phát sinh. Hi vọng điều này sẽ không xảy ra trong phiên tòa thực tế nhưng không may xảy ra, luôn có một xu hướng hoảng sợ ban đầu khi những thông tin xấu xuất hiện. Một luật sư tranh tụng giỏi luôn bắt đầu với cách tiếp cận rằng cái đó không lường trước sẽ phát sinh vào lúc này hay lúc khác, và khi nó xảy ra, nó được giải quyết tốt nhất bằng cách giữ cho mọi người sự bình tĩnh và tập trung vào giải pháp để giải quyết vấn đề. Thực tế những tình huống như thế rất cần kỹ năng “cái đầu lạnh và trái tim nóng” của luật sư tranh tụng.
Về kỹ năng mềm, luật sư xem như một nghề có xu hướng tương tác với nhiều người, thực hiện nhiều công việc trên máy tính, nghề luật sư sẽ đòi hỏi các kỹ năng mềm cần có như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao việc, kỹ năng nhận việc, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng tin học, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ,….
Thực sự mà nói, để thành công đối với nghề luật sư tranh tụng, các yếu tố kỹ năng chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng, có thể nói là yếu tố quyết định sự “sống còn” nhất. Việc hình thành và hoàn thiện các yếu tố kỹ năng đòi hỏi các luật sư cần có một quá trình làm việc, rèn luyện và đúc kết cũng như hoàn thiện qua rất nhiều vụ và mài dũa qua nhiều năm làm việc.