Chứng thực chữ ký giấy ủy quyền khi nào? Chỉ chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền nếu thuộc 04 trường hợp sau
Ngày 3/3/2020 Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Theo đó, hướng dẫn trường hợp Chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau:
– Việc ủy quyền theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì được thực hiện dưới hình thức chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.
– Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này,
việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
+ Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;
+ Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
+ Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;
+ Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
– Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp quy định trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2020 thay thế Thông tư 20/2015/TT-BTP