Phụ nữ nên làm gì khi bị chồng đánh? Phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực gia đình nhưng không phải ai rơi vào hoàn cảnh ấy cũng biết tự đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình.
1. Nên làm gì khi bị chồng đánh?
Trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, bạo lực gia đình – giải quyết mâu thuẫn gia đình bằng những cái bạt tai và nắm đấm – là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Dù là dưới góc độ tâm lý hay pháp lý, phụ nữ khi bị chồng đánh không nên im lặng cam chịu mà hãy đứng lên, mở cửa ra và tự bảo vệ chính mình.
Điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định, trong trường hợp này, người phụ nữ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình cũng như yêu cầu các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc…
2. Những việc cần làm khi bị chồng đánh:
– Trình báo đến UBND xã để yêu cầu người chồng chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; Cấm người chồng có hành vi bạo lực đến gần vợ…
– Gửi đơn đến Tòa án cấp huyện yêu cầu áp dụng biện pháp cấm người chồng tiếp xúc trong thời gian tối đa 4 tháng. Trong trường hợp này, người vợ phải có các bằng chứng chứng minh hành vi bạo lực gây tổn hại đến sức khỏe và đe dọa đến tính mạng.
– Đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh; nếu có bảo hiểm y tế, các chi phí khám và điều trị sẽ do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
– Đến các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình… để được tư vấn về chăm sóc sức khỏe, ứng xử trong gia đình, các vấn đề về pháp lý và tâm lý để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình…
3. Người chồng đánh vợ bị phạt như thế nào?
Người chồng có hành vi bạo lực với vợ, dù gây thương tích nhiều hay ít cũng đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
– Phạt hành chính từ 1 – 2 triệu đồng
Theo Điều 49 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người chồng đánh đập gây thương tích cho vợ hoặc thành viên khác trong gia đình bị phạt từ 01 – 1,5 triệu đồng.
Nếu sử dụng các công cụ, phương tiện hay vật dụng khác gây thương tích; Không đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương thì bị phạt từ 1,5 – 02 triệu đồng.
Ngoài ra, người chồng còn bị buộc phải xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
– Xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích
Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, nếu người chồng cố ý gây thương tích cho vợ mà tỷ lệ tổn thương từ 11% hoặc dưới 100% nhưng dùng hung khí nguy hiểm; dùng axit; gây cố tật nhẹ cho vợ hoặc phạm tội 02 lần trở lên thì sẽ bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích với mức phạt là cải tạo không không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…
Trên đây là những tư vấn của công ty luật dưới góc độ pháp lý về việc Phụ nữ nên làm gì khi bị chồng đánh? Tuy nhiên, những tư vấn này chỉ mang tính chất tham khảo. Cách xử lý trong thực tế còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ của sự việc, hoàn cảnh và tình cảm của những người trong cuộc. Nếu người vợ bị chồng đánh cảm thấy không thể cứu vãn cuộc hôn nhân này, có thể tham khảo thêm về thủ tục ly hôn.