Tư vấn xử phạt hành chính về đánh bạc theo Nghị định 144 như thế nào? Tội phạm đánh bạc gây ra cho xã hội là vô cùng nghiêm trọng, không chỉ trực tiếp xâm hại đến trật tự công cộng mà còn gây ra những thiệt hại nặng nề về cả vật chất và tinh thần cho gia đình người phạm tội lẫn bản thân những người đó. Sau đây là tư vấn xử lý hành chính đánh bạc:
- Xử phạt hành chính đánh bạc theo Nghị định 144
- Bị xử phạt vi phạm hành chính về tội đánh bạc nhưng lại tiếp tục vi phạm tội đánh bạc thì bị xử lý như thế nào?
Tư vấn xử phạt hành chính về đánh bạc
1. Xử phạt hành chính đánh bạc theo Nghị định 144
Đánh bạc là hành vi tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự được hoặc thua kèm theo việc được hoặc mất lợi ích vật chất đáng kể (như: tiền, hiện vật hoặc các hình thức tài sản khác…). Hành vi đánh bạc được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: tổ tôm, xóc đĩa, bài tây, lô, đề… Do đó, theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi đánh bạc trái phép sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Nếu nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật đánh bạc với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc.
Tùy thuộc vào số tiền và giá trị hiện vật dùng để đánh bạc mà người thực hiện hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Nhà nước.
Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 thì mức xử phạt có liên quan đến hành vi đánh bạc trái phép như sau:
Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;
b) Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng;
c) Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép;
d) Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép;
đ) Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
b) Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc;
c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;
d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây:
a) Làm chủ lô, đề;
b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;
c) Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;
d) Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;
c) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Bộ luật hình sự còn quy định về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, cụ thể Theo điều 322 Bộ luật hình sự:
– Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
+ Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
+ Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
+ Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật hình sự hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Tái phạm nguy hiểm.
2. Bị xử phạt vi phạm hành chính về tội đánh bạc nhưng lại tiếp tục vi phạm tội đánh bạc thì bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 về tội đánh bạc, hành vi cấu thành tội đánh bạc có ghi nhận là hành vi được thua bằng tiền dưới 5.000.000 đồng nhưng đã vi xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Quy định này chỉ đề cập đến việc hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính, không ghi nhận về việc người bị xử phạt đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa.
Trong đó, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định. Do đó, đối với trường hợp nếu cơ quan có thẩm quyền không thực hiện đúng quy trình xử lý vi phạm hành chính thì trường hợp người vi phạm sau 01 năm chưa thi hành quyết định mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.