Trình bày nội dung kháng cáo, căn cứ của việc kháng cáo

Trình bày nội dung kháng cáo, căn cứ của việc kháng cáo. Các căn cứ kháng cáo để tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết vụ án đúng pháp luật. Đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, người có quyền kháng cáo có thể có những yêu cầu nào để Tòa án Phúc thẩm giải quyết và quy định về các căn cứ để yêu cầu như thế nào trong nội dung dung kháng cáo?

Nội dung tư vấn nội  dung kháng cáo có căn cứ:

  • 1. Xác định yêu cầu khi kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm
    • Yêu cầu tòa phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm
    • Yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm
    • Yêu cầu tòa phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án
  • 2. Căn cứ của việc kháng cáo
    • Căn cứ tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm
    • Căn cứ tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về xét xử lại
    •  Căn cứ tuyên đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
    • Luật sư tư vấn kháng cáo vụ án

Luật sư tư vấn về trình bày nội dung kháng cáo, căn cứ của việc kháng cáo

Việc đương sự, luật sư trình bày nội dung kháng cáo phải nêu được yêu cầu kháng cáo và căn cứ kháng cáo cho Tòa án biết được yêu cầu của mình để giải quyết vụ án.

1. Xác định yêu cầu khi kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm

1.1. Yêu cầu tòa phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm

Nếu Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật một phần nào đó trong bản án sơ thẩm theo quy định pháp luật thì Người kháng cáo có thể yêu cầu tòa phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm.

1.2. Yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm

Khi người kháng cáo có mong muốn Toà án phúc thẩm ra quyết định bằng văn bản nhằm chấm dứt hiệu lực thi hành đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành của Tòa án cấp sơ thẩm khi phát hiện bản án, quyết định đó có sai sót để trả hồ sơ về xét xử lại thì có thể yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm.

1.3. Yêu cầu tòa phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án

Khi người kháng cáo có mong muốn chấm dứt việc giải quyết vụ án dân sự cũng như ngừng hẳn mọi hoạt động tố tụng của vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó thì căn cứ vào các quy định pháp luật người kháng cáo có thể yêu cầu tòa phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án.

2. Căn cứ kháng cáo

2.1. Căn cứ tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm

Căn cứ Điều 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm nếu Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật trong các trường hợp sau đây:

  • Việc thu thập chứng cứ và chứng minh đã được thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này.
  • Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ.

2.2. Căn cứ tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về xét xử lại

Căn cứ Điều 310 BLTTDS 2015 Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được .
  • Thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự không đúng theo quy định (Điều 63 BLTTDS 2015) như sau:
    • Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp luật quy định khác.
    • Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân.
    • Đối với vụ án có đương sự là người chưa thành niên thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác tại Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.
    • Đối với vụ án lao động thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác trong tổ chức đại diện tập thể lao động hoặc người có kiến thức về pháp luật lao động.
  • Người tiến hành tố tụng phải có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 62 BLTTDS 2015) như sau:
    • Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
    • Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
    • Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

 2.3. Căn cứ tuyên đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Căn cứ Điều 311 BLTTDS 2015 thì căn cứ tuyên đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Tại phiên tòa phúc thẩm,  nguyên đơn rút đơn khởi kiện và được bị đơn đồng ý thì hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn; ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Trường hợp 2: Thuộc các trường hợp được quy định trong  Điều 217 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 cụ thể như sau:

  • Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
  • Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
  • Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
  • Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
  • Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;
  • Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;
  • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

» Luật sư tư vấn kháng cáo vụ án dân sự

» Mẫu đơn kháng cáo vụ án dân sự