Tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân theo quy định của Nghị định số 25/2021/NĐ-CP. Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ, Bộ Công an đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng “Bộ tinh gọn, tỉnh vững mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân theo Nghị định số 25/2021/NĐ-CP
» Nghị định 25/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 41/2014/NĐ-CP
» Nghị định 41/2014/NĐ-CP tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân
Ngày 24/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 25), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2021. Với quan điểm xây dựng là tập trung chủ yếu vào việc sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến mô hình tổ chức của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung 12 Điều, bãi bỏ 03 Điều và 02 khoản của Nghị định số 41.
Những điểm mới trong quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND theo Nghị định số 25 cụ thể như sau:
1. Về hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND
– Sửa đổi cơ bản quy định về tổ chức các cơ quan thanh tra trong CAND
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 41, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND được phân chia thành 03 nhóm: (1) Nhóm hệ thống các cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND (Khoản 1), gồm 4 cấp: Thanh tra Bộ; thanh tra các tổng cục, bộ tư lệnh; thanh tra công an cấp tỉnh và cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; thanh tra công an cấp huyện. Trên thực tế, các cơ quan thanh tra đã được triển khai ở 03 cấp, đối với công an cấp huyện chưa thành lập đội thanh tra, chỉ bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. (2) Nhóm cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong CAND (Khoản 2), gồm 01 đơn vị là Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. (3) Nhóm các cơ quan, đơn vị không có tổ chức thanh tra (Khoản 3) thì giao cho thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra và bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách, kiêm nhiệm để tham mưu, giúp việc, gồm các vụ, cục, viện, học viện, trường CAND…
Nghị định số 25 đã sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 41, trong đó tại khoản 1 có hai sự thay đổi quan trọng hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND là:
+ Bãi bỏ các cơ quan thanh tra: Thanh tra tổng cục, bộ tư lệnh; thanh tra cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
+ Bổ sung Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.
Bên cạnh việc sửa đổi quy định về hệ thống cơ quan thanh tra để phù hợp với cơ cấu tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an, một nội dung mới của Nghị định số 25 là không quy định thanh tra công an cấp huyện trong hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND. Theo đó, hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước trong Công an nhân dân theo quy định mới gồm:
+ Thanh tra Bộ Công an.
+ Thanh tra công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Thanh tra chuyên ngành Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
– Bãi bỏ các quy định về thành lập tổ, đội thanh tra
Nghị định số 25 đã sửa đổi và bãi bỏ các quy định về thành lập tổ, đội thanh tra tại Nghị định số 41, cụ thể như: Quy định tại Khoản 3 Điều 15 “Thanh tra công an tỉnh có các đội công tác để thực hiện nhiệm vụ được giao”; quy định tại Khoản 3 Điều 3 “thành lập đội thanh tra ở đơn vị có quân số từ 500 cán bộ, chiến sĩ trở lên; thành lập tổ thanh tra ở đơn vị có quân số từ 300 cán bộ, chiến sĩ đến dưới 500 cán bộ, chiến sĩ…”.
Như vậy theo quy định mới, thanh tra công an tỉnh không bắt buộc phải thành lập cấp đội, cơ cấu tổ chức, biên chế của thanh tra công an tỉnh nói riêng, các cơ quan thanh tra trong CAND nói chung được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 41: “Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, biên chế và hoạt động của các cơ quan thanh tra được quy định tại Điều này”. Không thành lập các tổ, đội thanh tra tại các đơn vị theo tiêu chí về quân số, Nghị định số 25 chỉ giữ lại quy định về bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách, kiêm nhiệm tại các đơn vị theo tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 1: “Đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên, bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách; quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ, bố trí cán bộ thanh tra kiêm nhiệm”. Số lượng cán bộ thanh tra chuyên trách, kiêm nhiệm tại các đơn vị do thủ trưởng đơn vị quyết định trên cơ sở biên chế và yêu cầu công tác đặt ra.
– Thay đổi quy định về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm chánh thanh tra công an tỉnh.
Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 41 quy định: “…Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chánh thanh tra do giám đốc công an tỉnh quyết định sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra Bộ”.
Tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 25 đã sửa đổi lại như sau:“…Chánh thanh tra do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật”.
2. Một số thay đổi về hoạt động thanh tra trong CAND
Tại Báo cáo số 2379/BC-X05 ngày 18/12/2019 của Thanh tra Bộ Công an về tổng kết thi hành Nghị định số 41, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 25/56 điều của Nghị định số 41 liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra CAND. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất với các quy định về hoạt động thanh tra đang được nghiên cứu sửa đổi trong Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 25 chỉ tiến hành sửa đổi một số quy định về hoạt động thanh tra có liên quan trực tiếp đến tổ chức các cơ quan thanh tra đã được sửa đổi. Cụ thể như sau:
– Về thẩm quyền tiến hành hoạt động thanh tra
Nghị định số 25 đã bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 41 về thẩm quyền tiến hành hoạt động thanh tra của thủ trưởng đơn vị nơi không có tổ chức thanh tra độc lập như: Quy định tại khoản 3 Điều 3 “Ở các đơn vị vụ, cục, viện, học viện, nhà trường CAND và đơn vị thuộc công an tỉnh nơi không có tổ chức thanh tra thì thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra”; quy định tại Khoản 1 Điều 27 “…Nơi không có tổ chức thanh tra, thủ trưởng công an phụ trách công tác thanh tra ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra”; quy định tại Khoản 5 Điều 28 “…Trưởng công an huyện ra quyết định thanh tra đột xuất đối với vụ việc theo thẩm quyền, thành lập đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra…”; quy định tại Khoản 3 Điều 30 về thời hạn cuộc thanh tra hành chính do các đơn vị không có tổ chức thanh tra tiến hành…
Như vậy, theo quy định mới thì chỉ có các cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mới được tiến hành hoạt động thanh tra trong CAND, thẩm quyền thanh tra được xác định như sau:
+ Thanh tra Bộ có thẩm quyền tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định số 41.
+ Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 41.
+ Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng tiến hành thanh tra hành chính và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 25.
+ Thanh tra Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tham mưu giúp Cục trưởng tiến hành hoạt động thanh tra chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Mục 4 Chương II Nghị định số 41.
Đối với các cơ quan, đơn vị không có tổ chức thanh tra thì không tiến hành các hoạt động thanh tra (thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành), thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo thực hiện các mặt công tác thuộc chức năng của cơ quan thanh tra như công tác tiếp công dân; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định…
– Quy định về xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 41 thì chánh thanh tra, cán bộ được phân công phụ trách công tác thanh tra nơi không có tổ chức thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm, trình thủ trưởng đơn vị phê duyệt (các cơ quan, đơn vị đều phải xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm).
Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 25 đã sửa đổi quy định trên, xác định rõ chỉ chánh thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm, trình thủ trưởng đơn vị phê duyệt (chỉ cơ quan thanh tra mới xây dựng kế hoạch thanh tra theo quy định).
Nghị định số 25 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục kiện toàn và hoàn thiện hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND. Với việc thu gọn đáng kể đầu mối tổ chức, biên chế, bộ máy cơ quan thanh tra trong CAND đã được xây dựng và hoàn thiện theo đúng định hướng của Chính phủ khi tiến hành xây dựng Luật Thanh tra sửa đổi, đó là tăng cường tính tập trung, thống nhất theo cấp hành chính ở Trung ương và cấp tỉnh, đồng thời đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy vậy, những sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 25 chưa phải đã khắc phục được hoàn toàn những hạn chế, bất cập trong các quy định của Nghị định số 41, nhất là các quy định liên quan đến hoạt động thanh tra như: Bất cập trong quy định về thời hạn thanh tra, hình thức thanh tra, việc thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra, quy định về thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra… Những bất cập này đã được nhìn nhận, phân tích, đánh giá trong Báo cáo tổng kết thi hành Nghị định số 41. Việc sửa đổi những quy định còn bất cập trên đòi hỏi tính thống nhất với những thay đổi trong quy định của Luật Thanh tra đang được nghiên cứu xây dựng sửa đổi. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là Bộ Công an sẽ phải tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND sau khi Luật Thanh tra sửa đổi được ban hành./.
Thiếu tướng, TS. Lê Thanh Hải
Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an
trên trang thanhtravietnam.vn