Những loại thuế phải nộp sau khi thành lập doanh nghiệp
Doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2018 được cho là có nhiều lợi thế. Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp các loại thuế, phí và lệ phí cho Nhà nước.
Bên cạnh một số loại thuế doanh nghiệp nào cũng phải nộp còn có một số loại thuế khác chỉ những doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc thù mới phải nộp. Dưới đây là trả lời về những loại thuế phải nộp sau khi thành lập doanh nghiệp?
1. Lệ phí môn bài
Theo Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, mức nộp lệ phí môn bài của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào mức vốn điều lệ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống | Lệ phí môn bài là 02 triệu đồng/năm |
Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng | Lệ phí môn bài là 03 triệu đồng/năm; |
Tuy nhiên, từ năm 2018, theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được miễn lệ phí môn bài trong 03 năm đầu.
2. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Thuế thu nhập doanh nghiệp = | Thu nhập tính thuế x | Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp |
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp trong năm.
Doanh thu đến 20 tỷ đồng | Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% |
Doanh thu từ trên 20 tỷ đồng | Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%; |
Riêng doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam | Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% – 50%. |
Riêng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ năm 2018, sẽ được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường nêu trên (theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017).
3. Thuế giá trị gia tăng
Luật Thuế Giá trị gia tăng 2008 quy định: Thuế giá trị gia tăng (GTGT) được tính theo phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Riêng doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động sẽ nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Phương pháp khấu trừ: Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào
Phương pháp trực tiếp: Số thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa x Thuế suất GTGT của hàng hóa đó.
Trong đó, thuế suất thuế GTGT đối với các doanh nghiệp dao động ở các mức 0% – 5% – 10% (tùy từng loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp).
4. Thuế xuất nhập khẩu
Doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phải chịu các loại thuế này.
Theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, hai loại thuế này áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ %; phương pháp tính thuế tuyệt đối, phương pháp tính thuế hỗn hợp.
– Với phương pháp tính thuế theo tỷ lệ %: Số tiền thuế được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ % của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế.
Trong đó, thuế suất được xác định theo từng mặt hàng chịu thuế, quy định tại Phụ lục 1, Thông tư 182/2015/TT-BTC.
– Với phương pháp tính thuế tuyệt đối, phương pháp tính thuế hỗn hợp: Số tiền thuế được xác định căn cứ vào lượng hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tại thời điểm tính thuế.
5. Thuế tài nguyên
Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động khai thác tài nguyên theo Điều 2 Luật Thuế tài nguyên năm 2009 (như khai thác khoáng sản kim loại, không kim loại, dầu thô…) phải nộp thuế tài nguyên.
Số tiền thuế tài nguyên = | Sản lượng tài nguyên tính thuế | x | Giá tính thuế x thuế suất |
6. Thuế tiêu thụ đặc biệt
Doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phải đóng loại thuế này theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 như: Thuốc lá, rượu, bia, xe ô tô dưới 24 chỗ…
Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp = | Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt | x | Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt |
theo LuatVietnam