Thẩm quyền điều tra của viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao? Thẩm quyền điều tra của viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Mục lục bài viết
Thẩm quyền điều tra của viện kiểm sát nhân dân tối cao
1. Thẩm quyền điều tra
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. tại quy định Điều 20 Luật tổ chức VKSND năm 2014, Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 30 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra VKSND tối cao Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục 1) là đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao
– Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể được quy định tại Điều 30 Luật tổ chức cơ quan Điều tra hình sự năm 2015:
+ Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
+ Tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.
+ Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.
+ Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
3. Tiêu chuẩn của Điều tra viên Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Điều 46 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định tiêu chuẩn chung:
1. Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
2. Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên.
3. Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật này.
4. Đã được đào tạo về nghiệp vụ điều tra.
5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
4. Các ngạch Điều tra viên
Điều tra viên được chia thành 3 ngạch
+ Điều tra viên sơ cấp
+ Điều tra viên trung cấp
+ Điều tra viên cao cấp
Mỗi ngạch Điều tra viên sẽ có thêm các điều kiện khác. Đối với với ngạch Điều tra viên sơ cấp, ngoài các điều kiện chung được nêu trên, cần đảm bảo thời gian công tác pháp luật từ 04 năm trở lên, có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp.
Đối với Điều tra viên trung cấp, cao cấp, những điều kiện chung như trên, còn phải đáp ứng những yêu cầu ở mức cao hơn (Xem các điều: 48,49 Luật tổ cơ quan Điều tra hình sự năm 2015)
Điều tra viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.
Hội đồng thi tuyển Điều tra viên ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Chủ tịch là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ định; các ủy viên là đại diện Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Cơ quan điều tra và Vụ Tổ chức Cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Danh sách uỷ viên Hội đồng thi tuyển Điều tra viên ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thi tuyển.
5. Trách nhiệm giải trình của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng hình sự
Trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) nói chung và hoạt động tố tụng hình sự ở giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố nói riêng, việc đánh giá đúng đắn các chứng cứ và làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án là cơ sở bảo đảm xác định chính xác, nhanh chóng giúp cho việc đưa ra xét xử được công minh, kịp thời đối với mọi hành vi phạm tội. Mục tiêu xuyên suốt của các giai đoạn tố tụng hình sự là không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Vì cơ quan tiến hành tố tụng có nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm cho nên trách nhiệm chứng minh tội phạm một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng của cơ quan đó. Trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, người tiến hành tố tụng trực tiếp là Điều tra viên (ĐTV), Kiểm sát viên(KSV) có trách nhiệm công vụ tiến hành các hoạt động luật định để làm sáng tỏ mọi tình tiết của tội phạm, xác định người có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra, truy tố; đây là cơ sở pháp lý gắn liền trách nhiệm công vụ – trách nhiệm giải trình của ĐTV, KSV khi hoạt động tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố của họ không chứng minh được tội phạm hoặc chứng minh không đúng người phạm tội hoặc chứng minh quá mức cần thiết hoặc sử dụng những biện pháp trái luật để chứng minh tội phạm… từ đó gây bất lợi, tổn hại vật chất, tinh thần cho tổ chức, cá nhân.
Nội dung công vụ hay nói cách khác là nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tố tụng hình sự của ĐTV được quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) và được phân định phạm vi trách nhiệm theo hệ thống ngành, lĩnh vực tại Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Theo đó, ĐTV có nhiệm vụ, quyền hạn thực thi 8 loại hoạt động tố tụng, cụ thể như: kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lập hồ sơ vụ án hình sự; yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người tham gia tố tụng; hỏi cung bị can, lấy lời khai những người tham gia tố tụng khác, người có quyền, nghĩa vụ liên quan vụ án; quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác…; tiến hành khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra…; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Trách nhiệm công vụ của ĐTV được ghi nhận tại khoản 2 Điều 37 BLTTHS; đó là: “Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình”.
Nhiệm vụ, quyền hạn của KSV được ghi nhận tại Điều 42 BLTTHS. Bên cạnh những hoạt động tố tụng tương ứng với hoạt động tố tụng của ĐTV với tư cách là thực hành quyền công tố trong giai đoạn khởi tố, điều tra, KSV còn có vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan điều tra và ĐTV, đảm bảo cho các hoạt động tố tụng ở giai đoạn này được tuân thủ đúng quy định của BTTHS và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Khoản 2 Điều 42 BLTTHS quy định trách nhiệm công vụ của KSV: “Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát về hành vi, quyết định của mình”.
So sánh các quy nêu trên cho thấy, tương quan giữa nhiệm vụ, quyền hạn về thực thi công vụ của ĐTV, KSV với trách nhiệm công vụ – trách nhiệm giải trình cá nhân ĐTV, KSV có độ chênh lệch khá lớn. Các nhiệm vụ, quyền hạn của ĐTV, KSV được quy định khá cụ thể, trong khi đó, quy định về trách nhiệm giải trình công vụ của ĐTV, KSV là còn khá sơ sài và khái quát, chủ yếu nhấn mạnh tính chịu kỷ luật “nội bộ” trước cấp trên.
Mặc dù Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã bổ sung những quy định cấm rõ ràng hơn về giới hạn thẩm quyền công vụ trong hoạt động khởi tố, điều tra, song những quy định cấm này cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ răn đe, nhắc nhở, chưa xác định rõ về trách nhiệm giải trình khi làm không đúng, không đủ hay không xác đáng những hoạt động tố tụng do BLTTHS quy định.
Một trong những nội dung mới của BLTHS là nguyên tắc kiểm tra, giám sát trong hoạt động tố tụng hình sự: “Cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng… Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật” (Điều 33). Cùng với yêu cầu kiểm tra, giám sát là quyền chất vấn, phản biện và quyền của người kiểm tra, giám sát được nghe giải trình trực tiếp từ phía ĐTV, KSV là những người tiến hành tố tụng đối với khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân. Tuy nhiên, quy định này sẽ không được thực hiện cho đến khi có văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục kiểm tra, giám sát được ban hành. Vì vậy, có thể nói, nguyên tắc về trách nhiệm giải trình của ĐTV, KSV trước pháp luật chỉ mới được ghi nhận như một khuynh hướng nhận thức.