Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát

Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

1. Khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND.
a. Khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND.
Khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND được chia thành hai loại:
Khiếu nại trong quản lý hành chính và khiếu nại trong hoạt động tư pháp.

– Khiếu nại trong hoạt động hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND.
Căn cứ Điều 13 Quy chế 59, khiếu nại trong hoạt động hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND bao gồm:

+ Khiếu nại quyết định, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong Viện kiểm sát về tuyển dụng; phong thăng, bổ nhiệm; điều động, thuyên chuyển; nâng lương, điều chỉnh lương; hợp đồng lao động…
+ Khiếu nại quyết định kỷ luật của người có thẩm quyền trong Viện kiểm sát ban hành.

– Khiếu nại trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của VKSND:
Căn cứ Điều 4 Luật tổ chức VKSND thì VKSND có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 15 Quy chế 59 thì khiếu nại trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của VKSND bao gồm:

+ Khiếu nại trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.
+ Khiếu nại trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, lao động, kinh doanh, thương mại và những việc khác theo quy định của pháp luật.
+ Khiếu nại trong hoạt động kiểm sát việc thi hành án.
+ Khiếu nại trong hoạt động kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù.
+ Khiếu nại trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
+ Khiếu nại trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp.
+ Khiếu nại về bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

b. Tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND
Căn cứ Điều 18 Quy chế 59, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND gồm có:
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động hành chính của cán bộ, công chức thuộc Viện kiểm sát;
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện kiểm sát.
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù;
– Tố cáo hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra.

2. Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKSND:

a. Tiếp nhận, phân loại và xử lý khiếu nại, tố cáo.
Tiếp nhận, phân loại và xử lý khiếu nại, tố cáo là bước đầu tiên trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo và được quy định cụ thể tại các Điều 9, 10, 11, 12 của Quy chế 59.
– Đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến VKSND (kể cả đơn gửi đến lãnh đạo Viện) đều được quản lý thống nhất qua một đầu mối là đơn vị Khiếu tố. Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương có trách nhiệm phân loại đơn được tiếp nhận qua hòm thư tố giác tội phạm và thụ lý đơn thuộc thẩm quyền đồng thời chuyển ngay những đơn không thuộc thẩm quyền cho đơn vị Khiếu tố xử lý theo quy định. Không được tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo ngoài nơi quy định.
– Đơn khiếu nại, tố cáo được gửi đến Viện kiểm sát được phân thành 04 loại: Đơn không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát; đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát; đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát của Viện kiểm sát và đơn không đủ điều kiện để xử lý, giải quyết.
Căn cứ Điều 11 của Quy chế 59, việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo được thực hiện như sau:

– Xử lý đơn khiếu nại
+ Đối với đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc không thuộc trách nhiệm kiểm sát của Viện kiểm sát thì trả lại đơn và chỉ dẫn, trả lời cho người có đơn biết để họ gửi đơn đến đúng nơi có thẩm quyền giải quyết. Nếu người khiếu nại gửi kèm theo tài liệu là bản gốc thì phải gửi trả lại cho họ theo đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm; trường hợp đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc thuộc trách nhiệm kiểm sát của Viện kiểm sát cấp khác hoặc địa phương khác thì phải chuyển đơn khiếu nại, cùng tài liệu, chứng cứ gửi kèm cho Viện kiểm sát có thẩm quyền, đồng thời có văn bản báo tin cho người khiếu nại biết;
+ Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp mình nhưng có nhiều nội dung khác nhau thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan khác nhau, hoặc đơn có nội dung vừa khiếu nại vừa tố cáo, thì phải có văn bản chỉ dẫn cho người có đơn viết thành từng đơn có nội dung riêng để thực hiện việc khiếu nại; trường hợp đơn khiếu nại chưa đủ điều kiện để thụ lý theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Quy chế 59, thì phải có văn bản chỉ dẫn cho người khiếu nại cung cấp bổ sung tài liệu có liên quan;
+ Đối với đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền thì chuyển ngay tới lãnh đạo Viện phụ trách khối, các đơn vị có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, để có biện pháp giải quyết, đồng thời báo tin cho người có đơn biết.
+ Đối với đơn khiếu nại không đủ điều kiện thụ lý thì có văn bản chỉ dẫn, trả lời rõ lý do cho người khiếu nại biết. Việc chỉ dẫn trả lời này chỉ thực hiện một lần cho một việc khiếu nại.
– Xử lý đơn tố cáo
+ Đối với đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì phải chuyển ngay đơn cùng các tài liệu chứng cứ gửi kèm cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời có văn bản báo tin cho người có đơn biết;
+ Đối với đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng có một phần nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác thì thụ lý nội dung thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát, đồng thời có văn bản chỉ dẫn người tố cáo viết đơn riêng theo nội dung tố cáo còn lại để gửi đến đúng nơi có thẩm quyền; trường hợp đơn có nhiều nội dung tố cáo khác nhau nhưng đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát, mà từng nội dung này lại do các đơn vị, bộ phận khác nhau xem xét thì đơn vị, bộ phận Khiếu tố báo cáo đề xuất bằng văn bản với Viện trưởng để Viện trưởng phân công trách nhiệm chủ trì và phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận trong giải quyết đơn và trả lời người có đơn;
+ Đối với đơn tố cáo hành vi phạm tội thì xử lý theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát thì xử lý theo quy định tại Quyết định số 144 ngày 07/11/2003 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
+ Không xem xét đối với tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới.
+ Đối với đơn khiếu nại, tố cáo do các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức có chức năng giám sát chuyển đến, nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát thì đơn vị có trách nhiệm giải quyết phải có văn bản thông báo việc thụ lý cho cơ quan, người chuyển đơn biết. Trường hợp không đúng thẩm quyền, thì đơn vị khiếu tố trả đơn cho người khiếu nại và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, người chuyển đơn biết.

b. Giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Giải quyết khiếu nại:

– Giải quyết khiếu nại trong quản lý hành chính nhà nước: 
+ Căn cứ Điều 14 Quy chế 59 thì thẩm quyền, thời hạn và thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi hành chính, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại 2011 và Nghị định số 75/2012/NĐ – CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ. Theo sự phân công của Viện trưởng và trong phạm vi nhiệm vụ của mình, đơn vị Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đơn vị tổ chức – cán bộ, thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật trong hoạt động quản lý hành chính của Viện kiểm sát nhân dân.

– Giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp.
Thứ nhất: Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp:
+ Căn cứ Điều 16 Quy chế 59 thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 329, 330, 332 và 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP ngày 10/8/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về khiếu nại, tố cáo.
+ Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự được áp dụng theo quy định tại các Điều 395, 396, 397 và 401 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSTC-TATC ngày 01/8/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự.
+ Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thực hiện theo quy định tại các Điều 275, 293 Bộ luật Tố tụng Hình sự và các Điều 285, 307 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
+ Thẩm quyền giải quyết khiếu nại khác của Viện kiểm sát bao gồm:
Một là, khiếu nại quyết định, hành vi của Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết; trường hợp người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết mà khiếu nại tiếp thì Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết. Việc giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là giải quyết cuối cùng;
Hai là, khiếu nại quyết định, hành vi của Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết. Việc giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là giải quyết cuối cùng;
Ba là, khiếu nại quyết định, hành vi của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết. Việc giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là giải quyết cuối cùng;
Bốn là, khiếu nại quyết định, hành vi của Kiểm sát viên, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương giải quyết. Việc giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương là giải quyết cuối cùng.
Thứ hai, thời hiệu, thời hạn, thủ tục, quy trình giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp.
* Xác định thời hiệu khiếu nại trong hoạt động tư pháp
Thời hiệu là khoảng thời gian mà các chủ thể được thực hiện những quyền mà pháp luật cho phép, khi hết thời hạn theo quy định thì mất quyền thực hiện. Thời hiệu khiếu nại trong hoạt động tư pháp quy định tại Điều 328 BLTTHS, Điều 394 BLTTDS, Điều 150 Luật thi hành án hình sự…Việc thực hiện quyền khiếu nại khi đã hết thời hiệu thuộc một trong các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đúng đắn cho hoạt động của mình, cũng như đơn đã có văn bản giải quyết cuối cùng, đối với loại khiếu nại này cần kiểm tra lại nhằm phát hiện sai sót (nếu có) và các biện pháp khắc phục sai sót đó để hạn chế hậu quả xảy ra.
* Thời hạn giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp
Hoạt động tư pháp là hoạt động nghiệp vụ rất phức tạp, đa dạng, được thực hiện bởi nhiều cơ quan tư pháp và với nhiều giai đoạn, lĩnh vực, thủ tục, trình tự khác nhau. Thời hạn giải quyết khiếu nại trong mỗi hoạt động tư pháp được quy định khác nhau tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của mỗi hoạt động tố tụng, cụ thể:
– BLTTHS quy định thời hạn giải quyết khiếu nại của VKS lần đầu là 7 ngày, lần tiếp theo là 15 ngày; đặc biệt đối với khiếu nại về việc bắt, tạm giữ, tạm giam thì phải giải quyết ngay.
– Luật Thi hành án hình sự quy định: “thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại; thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại; trường hợp cần thiết, đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại”…
Như vậy, cho thấy, khiếu nại về tư pháp có quy định riêng thời hạn giải quyết cho từng lĩnh vực, khi giải quyết khiếu nại tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát cần lưu ý áp dụng chính xác, tránh tình trạng áp dụng thời hạn giải quyết khiếu nại của Luật khiếu nại thuộc lĩnh vực hành chính hoặc các lĩnh vực tư pháp này vào lĩnh vực tư pháp khác.
* Thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp
Căn cứ khoản 1 Điều 17 Quy chế 59 thì thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp được thực hiện như sau:
– Khiếu nại liên quan đến phạm vi trách nhiệm của đơn vị nào thì đơn vị đó phải thụ lý và nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết. Thủ trưởng các đơn vị, bộ phận trong Viện kiểm sát phải phân công cán bộ, Kiểm tra viên, Kiểm sát viên xác minh làm rõ nội dung khiếu nại.
–  Cán bộ, Kiểm tra viên, Kiểm sát viên được phân công xác minh khiếu nại phải xây dựng kế hoạch xác minh và thực hiện nhiệm vụ đúng kế hoạch đã được thủ trưởng đơn vị phê duyệt. Sau khi xác minh, người được phân công phải đề xuất hướng giải quyết bằng văn bản và phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc đề xuất của mình.
* Quy trình giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp căn cứ khoản 3 Điều 17 Quy chế 59 thì quy trình giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp được thực hiện theo các quy chế của các lĩnh vực tương ứng, song cần đảm bảo các trình tự chủ yếu sau:
– Xác minh, kết luận
Viện trưởng ra Quyết định phân công nhiệm vụ xác minh việc khiếu nại, trong đó phân công cụ thể nội dung, thời gian, quyền hạn, trách nhiệm
+ Cán bộ được phân công nhiệm vụ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục: thu thập tài liệu liên quan, lấy lời khai, giải trình của người bị khiếu nại và các cá nhân, tổ chức có liên quan;
+ Kết thúc xác minh, người được giao nhiệm vụ xác minh phải tổng hợp bằng văn bản báo cáo kết quả xác minh theo các nội dung khiếu nại;
+ Đề xuất hướng giải quyết, xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể bị khiếu nại.
– Hình thức giải quyết
Việc giải quyết khiếu nại phải được thể hiện bằng văn bản. Giải quyết khiếu nại phải ban hành Quyết định, giải quyết tố cáo cần phải ban hành kết luận (theo mẫu do VKSTC ban hành, trừ giải quyết đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được giải quyết bằng văn bản trả lời, văn bản thông báo không kháng nghị hoặc ra Quyết định kháng nghị). Đồng thời, nêu các kiến nghị, quyết định xử lý nếu có. Văn bản giải quyết  khiếu nại phải được gửi đến người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có quyền, lợi ích liên quan.
– Giải quyết khiếu nại phải lập hồ sơ riêng, được đánh số trang theo quy định
 Việc giải quyết khiếu nại phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ giải quyết khiếu nại gồm các tài liệu chủ yếu sau đây: Đơn khiếu nại; văn bản phân công người giải quyết khiếu nại; kế hoạch xác minh; các tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại; kết quả xác minh; văn bản giải quyết khiếu nại. Hồ sơ giải quyết khiếu nại phải được đánh số trang theo thứ tự tài liệu và được lưu giữ theo qui định của pháp luật.

 Giải quyết tố cáo

– Giải quyết tố cáo trong hoạt động quản lý hành chính:

+ Căn cứ khoản 1 Điều 19 Quy chế 59 thì Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong hoạt động hành chính của Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định của Luật tố cáo năm 2011 và Nghị định số 76/2012/NĐ – CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ.
+ Căn cứ khoản 1 Điều 20 Quy chế 59 thì thời hạn và thủ tục giải quyết tố cáo trong hoạt động hành chính của Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định của Luật tố cáo. 

– Giải quyết tố cáo trong hoạt động tư pháp:

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết tố cáo:
Căn cứ khoản 2 Điều 19 Quy chế 59 thì thẩm quyền giải quyết tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát được thực hiện như sau:

+ Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Viện kiểm sát, của người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra và giải quyết tố cáo liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự và các thông tư hướng dẫn liên quan;
+ Thẩm quyền giải quyết các tố cáo khác được thực hiện theo quy định của Luật tố cáo. Riêng giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát nơi quản lý người chấp hành án phạt tù.

Thứ hai, về thời hạn, thủ tục giải quyết tố cáo trong hoạt động tư pháp:

+ Căn cứ khoản 2 Điều 20 Quy chế 59 thì thời hạn giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và thời hạn giải quyết tố cáo liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự. Thời hạn giải quyết tố cáo khác trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định của Luật tố cáo.

Thứ ba, quy trình giải quyết tố cáo trong hoạt động tư pháp:

Căn cứ Điều 21 Quy chế 59 thì quy trình giải quyết tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát được thực hiện theo các quy chế công tác liên quan, song phải đảm bảo các thủ tục chủ yếu sau:

Một là, xác minh, kết luận:
+ Viện trưởng Viện kiểm sát phải ra quyết định về việc tiến hành xác minh nội dung tố cáo; trong quyết định phải phân công người được giao nhiệm vụ xác minh, nội dung cần xác minh, thời gian xác minh, quyền hạn và trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ xác minh.
+ Kết thúc việc xác minh, người được phân công xác minh phải có văn bản báo cáo về những nội dung tố cáo, xác định trách nhiệm của người có hành vi vi phạm pháp luật và đề xuất hướng giải quyết để Viện trưởng quyết định biện pháp xử lý. Người được phân công xác minh phải chịu trách nhiệm về nội dung xác minh và đề xuất của mình.
+ Trong quá trình xác minh, giải quyết tố cáo, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển đơn tố cáo và tài liệu, chứng cứ liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Hai là, việc giải quyết tố cáo phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ giải quyết tố cáo gồm các tài liệu chính sau đây:
Đơn tố cáo; quyết định về việc tiến hành xác minh; kế hoạch, nội dung xác minh; các tài liệu có liên quan đến việc tố cáo; kết quả xác minh; kết luận nội dung tố cáo, các kiến nghị, quyết định xử lý (nếu có); thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo. Hồ sơ giải quyết tố cáo phải được đánh số trang theo thứ tự tài liệu và được lưu giữ theo qui định của pháp luật.

theo tks.edu.vn

» Trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong BLTTHS 2015

» Nội quy tiếp công dân của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao