Tặng cho tài sản theo quy định của pháp luật. Trong các hợp đồng thông dụng, tặng cho tài sản là một hợp đồng có những đặc điểm riêng… Tặng cho tài sản làm phát sinh quan hệ hợp đồng khi bên được tặng, cho nhận tài sản. Hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế, sau khi các bên đã thoả thuận về việc tặng cho mà chưa chuyển giao tài sản, không làm phát sinh quyền của các bên. Vì vậy, hợp đồng được coi là kí kết khi các bên chuyển giao tài sản. Thời điểm chuyển tài sản cũng đồng thời là thời điểm chấm dứt hợp đồng (đối với động sản).
Mục lục bài viết
Tư vấn tặng cho tài sản theo quy định của pháp luật
» Điều kiện để hợp đồng dân sự có giá trị pháp lý
1. Khái niệm tài sản và quyền tặng cho đối với tài sản
Khái niệm tài sản: Tài sản với tư cách là khách thể của quan hệ sở hữu đã được Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 xác định như sau:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Về nguyên tắc xác lập quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản
“Điều 158. Quyền sở hữu
Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.”
2. Hợp đồng tặng cho tài sản là gì?
Tặng cho tài sản được thực hiện thông qua hợp đồng tặng cho tài sản. Khoa học pháp lý xếp tặng cho tài sản là một loại hợp đồng thông dụng, có đặc điểm riêng biệt so với những loại hợp đồng thông dụng khác theo Điều 457 BLDS 2015 như sau:
“Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.”
Hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng thực tế. Khi bên được tặng cho nhận tài sản thì quyền của các bên mới phát sinh. Do vậy, mọi thỏa thuận chưa có hiệu lực khi chưa giao tài sản.
3. Hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản
Hình thức của hợp đồng tặng cho phụ thuộc vào đối tượng của nó. Nếu đối tượng của hợp đồng tặng cho là động sản thì hợp đồng tặng cho có thể bằng miệng, văn bản. Nếu đối tượng của hợp đồng là tài sản phải đăng kí quyền sở hữu hoặc là bất động sản thì hình thức của hợp đồng tặng cho phải là văn bản có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Đối tượng của hợp đồng tặng cho tài sản
Đối tượng của hợp đồng tặng cho có thể là động sản hoặc bất động sản theo Điều 458 và 459 BLDS
4.1. Tặng cho động sản
Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
4.2. Tặng cho bất động sản
Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản
Lưu ý:
– Đối tượng của hợp đồng tặng cho có thể là quyền tài sản (quyền yêu cầu của người khác). Trường hợp này được điều chỉnh bởi các quy định về chuyển quyền yêu cầu. Sau khi tặng cho, người được tặng cho rở thành người có quyền đối với bên có nghĩa vụ.
– Đối tượng tặng cho là quyền sử dụng đất thì khi tặng cho phải tuân theo quy định Luật đất đai 2013.
5. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng tặng cho tài sản
5.1. Tặng cho tài sản có thể là hợp đồng thực tế, có thể là hợp đồng ưng thuận
“Hợp đồng được coi là ký kết khi các bên chuyển giao tài sản, thời điểm chuyển giao tài sản cũng đồng thời là thời điểm chấm dứt hợp đồng”. “Dù hai bên đã thỏa thuận cụ thê về đối tượng tặng cho (là tiền hoặc tài sản), điều kiện và thời gian giao tài sản tặng cho, nhưng nếu bên tặng cho chưa giao tiền hoặc tài sản cho người được tặng cho, thì hợp đồng tặng cho tài sản chưa được coi là xác lập”. Điều đó có nghĩa là tặng cho phải diễn ra trên thực tế, nếu hai bên chỉ lập hợp đồng để thỏa thuận về đối tượng tài sản, về quyền và nghĩa vụ của hai bên mới coi là hứa việc tặng cho. Việc chuyển giao tài sản cùng với quyền sở hữu phải là có thực, hợp đồng được phát sinh và chấm dứt cùng thời điểm chuyển giao tài sản tặng cho.