Quyền được bào chữa của người dưới 18 tuổi bị buộc tội. Đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội thì luôn phải đảm bảo quyền bào chữa thông qua quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là thủ tục đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi.
Tư vấn quyền được bào chữa của người dưới 18 tuổi bị buộc tội
Căn cứ Điều 422 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tuân thủ pháp luật về bào chữa được quy định như sau:
“Ðiều 422. Bào chữa
1. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.
3. Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.”
Đối với những vụ án mà người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, bắt buộc phải có người bào chữa cho họ. Theo quy định tại Điều 422 BLTTHS 2015 thì người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Người bào chữa có thể là Luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý. Người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Đối với những trường hợp người bị buộc tội bị bắt, tạm giữ thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở CQĐT, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội. Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có ngươi bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của BLTTHS 2015, cụ thể:
“Điều 76. Chỉ định người bào chữa
1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.”
Và người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi và đại diện của họ vẫn có quyền thay đổi hoặc từ chối người bào chữa theo quy định tại Điều 77 BLTTHS 2015 cụ thể:
“Điều 77. Thay đổi hoặc từ chối người bào chữa
1. Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:
a) Người bị buộc tội;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Người thân thích của người bị buộc tội.
Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này.
2. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối.
3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Bộ luật này.
Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.”
Người bào chữa thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại các Điều 72 (Người bào chữa), 73 (Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa), 74 (Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng), 78 (Thủ tục đăng ký bào chữa), 80 (Gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam), 81 (Thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa), 82 (Đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án) của BLTTHS 2015.