Khi nào áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội

Khi nào áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) bị buộc tội? Ai có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự? 

Nội dung bài viết: 

    1. Trách nhiệm giám sát đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi.
    2. Nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
    3. Khi nào áp dụng biện pháp tạm giữ đối người dưới 18 tuổi bị buộc tội là? 
    4. Ai có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người dưới 18 tuổi?

Tư vấn khi nào áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội

1. Trách nhiệm giám sát đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi:

Nhằm đảm bảo việc áp dụng biện pháp giám sát người chưa thành niên phạm tội có hiệu quả, đúng pháp luật, BLTTHS 2015 bổ sung xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người đại diện trong việc giao và thực hiện giám sát đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, đó là: Trường hợp người dưới 18 tuổi có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này hoặc tiếp tục phạm tội thì người được giao nhiệm vụ giám sát phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời (Khoản 2 Điều 418).

2. Nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định:

Căn cứ theo Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nguyên tắc tiến hành tố tụng với người dưới 18 tuổi cụ thể như sau:

Điều 414. Nguyên tắc tiến hành tố tụng

1. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.

2. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi.

3. Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.

4. Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi.

5. Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi.

6. Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

7. Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.”

3. Khi nào áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi? 

Theo quy định thì biện pháp tạm giữ vẫn có thể được áp dụng đối với người bị buộc tội là người 18 tuổi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ được phép áp dụng biện pháp này với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Cụ thể: 

Theo Ðiều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi như sau: 

Ðiều 419. Áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế

1. Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết.Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này. Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này. 

3. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này.

4. Đối với bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã. 

5. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phải thông báo cho người đại diện của họ biết.” 

4. Ai có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người dưới 18 tuổi phạm tội?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc tạm giữ như sau:

“2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ.Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.”

Dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nêu ở trên quy định như sau:

2. Những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

b) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.”

» luật sư bào chữa cho người chưa thành niên