Quy trình thi hành án

1. Thi hành án là gì?

– Khi các cá nhân, tổ chức phát sinh tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết, phán quyết của Tòa án chỉ là kết quả về mặt pháp lý. Để bảo vệ quyền lợi của mình trên thực tế, bên thắng kiện phải yêu cầu Cơ quan Thi hành án tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án được gọi là thi hành án.
– Ngày nay, pháp luật cho phép Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án tương tự như Chi cục Thi hành án, tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn dịch vụ thi hành án một cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.

2. Thẩm quyền, phạm vi thi hành án của Thừa phát lại

Văn phòng Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định:

+ Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp quận, huyện nơi văn phòng Thừa phát lại đặt văn phòng.

+ Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh, thành phố đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp quận, huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt văn phòng.

+ Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh, thành phố đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp quận, huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt văn phòng.

Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc nói trên ngoài địa bàn quận, huyện nơi Tòa án cấp quận, huyện, nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ở đó. Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn thực hiện trong trường hợp Thừa phát lại thi hành án theo thẩm quyền liên quan đến tài sản phát sinh ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.

3. Quy trình thực hiện.

3.1. Tiếp nhận yêu cầu Thi hành án

– Khách hàng có nhu cầu thi hành án sẽ làm việc với Thư ký nghiệp vụ. Thư ký nghiệp vụ tư vấn cho khách hàng về một số quy định của pháp luật có liên quan đến thi hành án.
– Tại đây, khách hàng cung cấp bản án, quyết định của Tòa án, điền nội dung yêu cầu thi hành án vào Phiếu yêu cầu thi hành án (theo mẫu). Thư ký nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của nội dung yêu cầu thi hành án, thẩm quyền thi hành án của Văn phòng và trình Thừa phát lại quyết định.

– Thư ký nghiệp vụ đề nghị khách hàng điền vào Phiếu cung cấp thông tin (theo mẫu) những thông tin cần thiết liên quan đến việc thi hành án. Trong đó, xác định rõ việc yêu cầu Văn phòng xác minh điều kiện thi hành án của khách hàng.

3.2. Ký hợp đồng thi hành án

-Khách hàng và Văn phòng Thừa phát lại tiến hành ký hợp đồng thi hành án. Trong đó, xác định rõ: Ngày, tháng, năm yêu cầu thi hành án; các khoản yêu cầu thi hành theo bản án, quyết định; chi phí, phương thức thanh toán mức chi phí theo từng giai đoạn thi hành án gồm: Xác minh điều kiện thi hành án, thực hiện thi hành án, các trường hợp thanh lý hợp đồng; Đồng thời tiến hành tạm ứng chi phí thi hành án (tối thiểu 50% giá trị Hợp đồng).

– Hợp đồng thi hành án được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. Thư ký nghiệp vụ ghi vào sổ theo dõi hợp đồng thi hành án.

– Cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một Văn phòng Thừa phát lại hoặc Cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Đương sự có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án dân sự trong trường hợp vụ việc đó đang do Cơ quan Thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành

3.3. Mời đương sự đến thỏa thuận về việc thi hành án

Thừa phát lại thụ lý vụ việc có trách nhiệm mời các bên liên quan đến việc thi hành án đến trụ sở Văn phòng để thỏa thuận về việc thi hành án. Nếu các bên thỏa thuận được với nhau toàn bộ hoặc từng phần về việc thi hành án thì tiến hành lập biên bản về thỏa thuận đó.

3.4. Xác minh điều kiện thi hành án của đương sự

– Trường hợp khách hàng yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án, thì Thừa phát lại tiến hành xác minh điều kiện thi hành án theo Quy định.

– Nếu khách hàng không yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án thì Thừa phát lại yêu cầu Khách hàng cung cấp kết quả xác minh điều kiện thi hành án và chịu trách nhiệm về kết quả xác minh do mình cung cấp.

3.5. Ra quyết định thi hành án

– Trưởng Văn phòng Thừa phát lại ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng thỏa thuận thi hành án với người yêu cầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

– Quyết định thi hành án có các nội dung:

+ Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại;

+ Ngày, tháng, năm ra văn bản;

+ Nội dung yêu cầu người phải thi hành án thi hành;

+ Thời hạn để người phải thi hành án tự nguyện thi hành.

– Văn phòng Thừa phát lại phải vào sổ theo dõi quyết định thi hành án.

– Quyết định thi hành án phải được gửi cho Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện tại nơi có Văn phòng Thừa phát lại để phối hợp thi hành.

– Thừa phát lại có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại khoản 3, Điều 66 của Luật Thi hành án dân sự. Khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, Thừa phát lại có quyền và nghĩa vụ như Chấp hành viên, thực hiện các thủ tục quy định tại Điều 66, Điều 67, Điều 68 và Điều 69 của Luật Thi hành án dân sự.

– Trường hợp sau khi hết thời hạn tự nguyện đã được ấn định trong quyết định thi hành án, Thừa phát lại có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành, quy định tại Điều 71 của Luật thi hành án dân sự.

– Quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự có các nội dung chủ yếu sau:

+ Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại ra quyết định cưỡng chế thi hành án;

+ Căn cứ ra quyết định cưỡng chế;

+ Đối tượng và biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng;

+ Thời gian, địa điểm áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

– Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, Thừa phát lại có quyền, nghĩa vụ như Chấp hành viên và thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

3.6. Chấm dứt việc thi hành án

3.6.1. Việc thi hành án của Thừa phát lại chấm dứt trong các trường hợp sau:

a) Người phải thi hành án đã thực hiện xong các nghĩa vụ thi hành án theo văn bản yêu cầu thi hành án hoặc người phải thi hành án, người được thi hành án là cá nhân chết, tổ chức, doanh nghiệp bị phá sản, giải thể mà không có ai kế thừa quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;

b) Vụ việc bị đình chỉ theo quy định của pháp luật;

c) Theo thỏa thuận giữa Thừa phát lại và đương sự.

3.6.2. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt thi hành án của Thừa phát lại:

a) Khi việc thi hành án chấm dứt, Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu thi hành án phải thanh lý hợp đồng thi hành án;

b) Đối với số tiền, tài sản còn tồn đọng không có người nhận, thì văn phòng Thừa phát lại xử lý theo quy định của Luật thi hành án dân sự và pháp luật về tài sản vắng chủ.

3.7. Thanh lý hợp đồng thi hành án

– Tiền, tài sản thu được từ thi hành án được chuyển cho khách hàng sau khi khấu trừ chi phí theo hợp đồng thi hành án.

– Sau khi hoàn tất thủ tục thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại tiến hành thanh lý hợp đồng thi hành án với khách hàng.

3.8. Chi phí thi hành án

– Văn phòng Thừa phát lại được thu chi phí theo mức phí thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phí thi hành án dân sự.

– Những vụ việc phức tạp, tùy theo tính chất của vụ việc, Văn phòng Thừa phát lại và khách hàng có thể thỏa thuận về mức chi phí thực hiện công việc.

» Yêu cầu thi hành bản án dân sự

» Dịch vụ nhận ủy quyền thi hành án dân sự