Quy định về triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự theo BLTTHS 2015

1. Quy định về triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Căn cứ Điều 188 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

“Việc triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại các điều 185, 186 và 187 của Bộ luật này.

Việc lấy lời khai của bị hại, đương sự có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.”

2. Bình luận quy định về triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Triệu tập, lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là biện pháp điều tra để khai thác những thông tin cần thiết làm rõ sự thật vụ án hình sự thông qua việc tổ chức và thực hiện cuộc tiếp xúc, làm việc của Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên với những người bị hành vi phạm tội gây ra những thiệt hại về vật chất, thể chất hoặc tinh thần, bằng cách triệu tập họ đến những địa điểm và thời gian nhất định để họ cung cấp thông tin có giá trị xác định mức độ thiệt hại.

Về mặt quyền và lợi ích được pháp luật bảo vệ thì người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều thống nhất. Bởi không chỉ người bị hại, nguyên đơn dân sự bị thiệt hại do tội phạm gây ra, mà cả những người là bị đơn dân sự, phải chịu thiệt hại do phải bồi hoàn những thiệt hại do chính hành vi phạm tội gây ra.

Trong trường hợp, bị đơn dân sự là cơ quan, tổ chức thì người được ủy quyền sẽ đại diện cho cơ quan tổ chức đó và sẽ thực hiện vai trò của mình như những thể nhân nói ở điều này. Triệu tập và tiến hành lấy lời khai phải tuân theo đúng quy định của pháp luật. Điều luật quy định việc triệu tập, lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo qui định tại các điều 185, 186 và 187 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Xét về quyền năng pháp lý, giữa người làm chứng và người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nhiều điểm tương đồng. Trong hệ thống chủ thể hoạt động tố tụng, người làm chứng và người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều là những người tham gia tố tụng hình sự. Cả hai loại chủ thể hoạt động tố tụng này đều quan tâm đến kết quả điều tra, khám phá tội phạm. Căn cứ vào Điều 66 của Bộ luật tố tụng hình sự, có thể thấy rằng, người làm chứng và người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có thể nói đều đứng ở vị trí đối lập lợi ích với tội phạm hoặc ít nhất, không thống nhất với người có hành vi phạm tội về mặt lợi ích. Những quyền năng và nghĩa vụ pháp lý của hai loại chủ thể này trong tố tụng hình sự là rất gần nhau. Nhu cầu điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tố tụng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng với các loại chủ thể này là tương đối thống nhất. Nhất là trong các quan hệ liên quan đến các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ làm rõ các tình tiết của vụ án. Thái độ tâm lý phổ biến của họ đối với hoạt động điều tra, khả năng cung cấp những thông tin có giá trị chứng cứ v..v… Chính những điều đó, là cơ sở để nhà làm luật quy định việc triệu tập, lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo qui định tại các điều: Điều 185 (triệu tập người làm chứng), Điều 186 (lấy lời khai người làm chứng), và Điều 187 (biên bản lấy lời khai người làm chứng) của Bộ luật tố tụng hình sự.

Việc triệu tập người bị hại, theo như quy định tại Điều 185, phải được tiến hành bằng Giấy triệu tập. Giấy triệu tập người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải ghi rõ họ tên, chỗ ở của những người này, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do chính đáng.

Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc. Các cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm tạo điều kiện cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi. nghĩa vụ liên quan đến vụ án thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Khi giao giấy triệu tập phải được ký nhận. Giấy triệu tập người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án chưa đủ 16 tuổi được giao cho cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Khác với người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được triệu tập mà không có mặt theo giấy triệu tập thì không thể bị dẫn giải.

Lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Nhìn chung, việc lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng giống như đối với người làm chứng, nhưng phải chú ý đến vị trí pháp lý và đặc điểm riêng của những người này. Họ là người bị tội phạm gây ra những thiệt hại về vật chất, thể chất hoặc tinh thần. Nên thông thường người bị hại có tâm lý mong muốn cơ quan điều tra nhanh chóng khám phá vụ án do vậy có thái độ trung thực trong khai báo các tình tiết của vụ án. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cố tình khai tăng mức độ thiệt hại hoặc do tâm lý quá lo sợ mà khai báo không khách quan…

Căn cứ vào những quy định tại Điều 186 và Điều 188 Bộ luật tố tụng hình sự, việc lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra hoặc có thể tại nơi ở, nơi làm việc của của người đó.

Có thể tiến hành lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tại nơi đang tiến hành việc điều tra hiện trường, nơi đang khám xét, thực nghiệm hoặc tại cơ quan điều tra hoặc nơi cơ quan điều tra chọn làm trụ sở tạm thời để thực hiện các hoạt động điều tra, ví dụ tại ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, hay một nhà dân, một nhà khách nào đó. Trong những trường hợp này việc lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tại địa điểm nào là do yêu cầu của hoạt động điều tra quy định. Địa điểm cụ thể lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là do chính Điều tra viên, Kiểm sát viên xác định tại khu vực, địa bàn, cơ quan, đơn vị mà ở đó họ cần tiến hành các hoạt động điều tra.

Có thể lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tại nơi ở, nơi làm việc của họ trong các trường hợp như: việc lấy lời khai của những người này là không thể trì hoãn; có nhiều người phải lấy lời khai cùng sống chung một nơi; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có những khó khăn trở ngại về hoàn cảnh gia đình, đường sá, phương tiện đi lại việc triệu tập có thể gây ra những chi phí lớn đối với họ… hoặc vì những lý do khác mà cơ quan tiến hành tố tụng thấy cần thiết.

Trong mọi trường hợp, cơ quan và người tiến hành tố tụng phải chú ý để việc triệu tập và lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tại các địa điểm nơi ở, nơi làm việc của họ không gây ra thêm những tổn thất cho người bị hại về thể chất, tinh thần. Nhất là đối với những tội phạm được luật quy định chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.

Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là phạm nhân hoặc người đang bị tạm giam về vụ án khác thì điều tra viên lấy lời khai tại nơi giam giữ. Trong những trường hợp này, phạm nhân hoặc người bị tạm giam được mời đến phòng làm việc của trại hoặc nơi được tổ chức cho phạm nhân gặp gỡ tiếp xúc với người thăm gặp. Đối với những người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trong cùng một vụ án trong thời gian lấy lời khai của họ, Điều tra viên có thể triệu tập những người này vào cùng một lúc hoặc những thời gian khác nhau tùy theo tính chất vụ án và yêu cầu điều tra. Nếu phải triệu tập nhiều người cùng đến thì cũng phải lấy lời khai riêng từng người. Không được lấy lời khai cùng một lúc của hai hay nhiều người và phản ánh trong cùng một biên bản.

Tùy theo tính chất vụ án và yêu cầu giữ bí mật điều tra mà Điều tra viên có thể yêu cầu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án viết cam đoan không tiết lộ những tình tiết mà họ đã khai báo với cơ quan điều tra cho người khác biết và không được tìm hiểu nội dung lời khai của những người khác.

Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên cần yêu cầu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án xuất trình giấy triệu tập và giấy chứng minh của họ để xác định có đúng là người mà điều tra viên triệu tập đến hay không. Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án với bị can, người làm chứng và những tình tiết khác về nhân thân của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Điều tra viên phải giải thích cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi. nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của những người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dưới 16 tuổi, biết quyền và nghĩa vụ của họ và của người đại diện hợp pháp cho họ được quy định tại Điều 62 của Bộ luật tố tụng hình sự. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập mỗi khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án yêu cầu. Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà từ chối khai báo nếu không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 383 của Bộ luật hình sự. Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, liên quan đến vụ án đã chết thì người đại diện hợp pháp cho họ được hưởng những quyền đã quy định tại Điều 62 của Bộ luật tố tụng hình sự. Việc giải thích này được ghi vào biên bản.

Khi lấy lời khai, Điều tra viên yêu cầu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án kể lại hoặc viết lại những gì họ tự phát hiện, sau đó mới đặt câu hỏi. Câu hỏi của điều tra viên cần rõ ràng, dễ hiểu và nhưng không được có tính chất gợi ý. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của họ có thể đưa ra tài liệu, để vật chứng minh cho những thiệt hại về vật chất, tài sản, hoặc những yêu cầu liên quan đến việc xác định những thiệt hại của họ, hoặc của người mà họ phải chịu bồi hoàn về thể chất, tinh thần, vật chất và yêu cầu về bồi thường.

Các tình tiết về thiệt hại mà người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp cho họ nêu ra cần phải được kiểm tra, tùy theo tính chất của sự thiệt hại. Ví dụ, nếu là tài sản, cần làm rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc điểm nhận biết, hỏi rõ vì sao họ biết được tình tiết đó. Nếu không làm rõ được vấn đề này thì không dùng làm chứng cứ những tình tiết trong lời khai mà họ đã trình bày.

Nếu có mâu thuẫn giữa lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án với những tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan điều tra đã thu thập được, mâu thuẫn với lời khai của bị can, người làm chứng hoặc của những người khác thì cần đặt những câu hỏi nhằm làm rõ nguyên nhân. Nếu vụ án có nhiều người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau trong thời gian lấy lời khai. Trong trường hợp cần thiết thì phải trưng cầu giám định để xác định tình trạng tâm thần của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Theo quy định tại Điều 163 thì khi lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dưới 16 tuổi, phải mời cha, mẹ, người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy giáo, cô giáo của người đó tham dự. Sự có mặt của những người nói trên nhằm giúp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dưới 16 tuổi nhận thức đầy đủ những thiệt hại của mình và thực hiện nghĩa vụ giúp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án khai báo đúng đắn, chính xác với cơ quan điều tra. Người đại diện hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải chịu trách nhiệm về những điều mà người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dưới 16 tuổi khai báo sai sự thật, nếu họ biết rõ về điều đó mà không có ý kiến đính chính. Không lấy lời khai vào ban đêm trừ trường hợp không thể trì hoãn được. Trong trường hợp không thể trì hoãn, thì có thể lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vào ban đêm, nhưng phải ghi điều đó trong biên bản và nói rõ lý do không thể trì hoãn.

Biên bản lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được lập theo quy định tại các Điều 133, 178, 184 của Bộ luật tố tụng hình sự. Biên bản ghi lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải đọc lại cho những người này và người đại diện hợp pháp của họ cùng nghe và phải được tất cả những người này ký ghi rõ họ, tên. Nếu có những điểm mà người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của họ yêu cầu sửa chữa, bổ sung thì Điều tra viên phải ghi bổ sung và phải được người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ ký xác nhận. Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không biết chữ thì người đại diện hợp pháp của họ ký hoặc điểm chỉ vào biên bản ở phần dành cho chữ ký của họ.

Theo quy định tại Điều luật, Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án khi cần thiết. Việc lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án do Kiểm sát viên tiến hành phải tuân thủ theo trình tự và mọi thủ tục được quy định tại Điều 188 này.

» Luật sư bào chữa

» khi bị Công an triệu tập phải làm gì?