Quy định của pháp luật về các tội xâm phạm sở hữu

Quy định của pháp luật về các tội xâm phạm sở hữu. Tài sản trên thực tế nó gắn với quyền sở hữu của mỗi cá nhân, tổ chức, phục vụ cho nhu cầu về vật chất và tinh thần của mỗi người. Quan hệ sở hữu tài sản là quan hệ được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, các loại tội phạm hình sự về xâm phạm sở hữu luôn diễn ra hàng ngày, tác động trực tiếp đến quan hệ tài sản của con người.

Quy định của pháp luật về các tội xâm phạm sở hữu

1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

2. Tội xâm phạm sở hữu là gì

Xâm phạm sở hữu mà ở đây chủ yếu hướng đến là xâm phạm quyền sở hữu tài sản, là những hành vi có lỗi, xâm hại quan hệ sở hữu, xâm phạm các quyền thuộc nội dung sở hữu. Sự xâm hại này thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.

Tội xâm phạm quyền sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quyền sở hữu tài sản của cá nhân được nhà nước thừa nhận.

3. Cấu thành tội phạm các tội xâm phạm sở hữu

Mặt khách quan 

Các tội xâm phạm về sở hữu có sự khác nhau ở hình thức thể hiện hành vi, có thể thực hiện ở nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên, các hành vi đó đều có cùng tính chất gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu, xâm phạm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của chủ tài sản, làm cho chủ tài sản mất khả năng thực hiện quyền sở hữu của mình. Một số hình thức thể hiện chủ yếu của tội xâm phạm sở hữu là:

  • Hành vi chiếm đoạt;
  • Hành vi chiếm giữ trái phép;
  • Hành vi sử dụng trái phép;
  • hành vi hủy hoại, làm hư hỏng, làm mất mát, làm lãng phí tài sản.

Hậu quả của hành vi chính là những thiệt hại gây ra cho quan hệ sở hữu và thể hiện dưới dạng thiệt hại vật chất. Hậu quả thiệt hại được mô tả cụ thể trong hầu hết các cấu thành cơ bản của các tội xâm phạm về sở hữu.

Mặt chủ quan

Chủ thể của các tội xâm phạm về sở hữu có thể thực hiện hành vi dưới lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.

Động cơ phạm tội khác nhau trong từng tội phạm cụ thể. Nhưng có điều cần lưu ý, trong tội sử dụng trái phép tài sản, động cơ không được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản như các tội xâm phạm quyền sở hữu khác.

Chủ thể

Hầu hết các tội xâm phạm về sở hữu có chủ thể là chủ thể thường, có năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, có một số tội, chủ thể là chủ thể đặc biệt. Chẳng hạn như chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải là chủ thể có quyền, việc thực hiện hành vi phạm tội ảnh hưởng trực tiếp bởi trách nhiệm, quyền hạn của họ.

Khách thể

Khách thể của các tội xâm về phạm sở hữu là quan hệ sở hữu. Quyền sở hữu gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu là những hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản đó.

4. Các tội xâm phạm sở hữu trong Bộ luật Hình sự

Các tội xâm phạm quyền sở hữu được quy định tại chương XVI của Bộ luật hình sự. Theo đó, có 13 tội thuộc nhóm tội này. Căn cứ vào tính chất của mục đích phạm tội, có thể chia 13 tội thành 2 nhóm: (i) Nhóm các tội có mục đích tư lợi; (ii) Nhóm các tội không có mục đích tư lợi.

Nhóm các tội có mục đích tư lợi

Nhóm các tội có mục đích tư lợi được chia thành 2 nhóm nhỏ, gồm nhóm các tội có mục đích chiếm đoạt và nhóm các tội không có mục đích chiếm đoạt.

Nhóm các tội có mục đích chiếm đoạt

  • Tội cướp tài sản (điều 168 BLHS);
  • Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169 BLHS);
  • Tội cưỡng đoạt tài sản (điều 170 BLHS);
  • Tội cướp giật tài sản (điều 171 BLHS);
  • Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (điều 172 BLHS);
  • Tội trộm cắp tài sản được quy định (điều 173 BLHS);
  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 174 BLHS);
  • Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điều 175 BLHS).

Nhóm các tội không có mục đích chiếm đoạt

  • Tội chiếm giữ trái phép tài sản (điều 176 BLHS);
  • Tội sử dụng trái phép tài sản (điều 177 BLHS).

Nhóm các tội không có mục đích tư lợi

  • Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điều 178 BLHS);
  • Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (điều 179 DBHS);
  • Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (điều 180 BLHS).

5. Hình phạt đối với các tội xâm phạm về sở hữu

Hình phạt chính được quy định cho các tội xâm phạm quyền sở hữu có nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, hình phạt được quy định thấp nhất là hình phạt cảnh cáo và cao nhất là hình phạt tù chung thân.

Hình phạt bổ sung được quy định cho các tội xâm phạm về sở hữu gồm:

  • Phạt tiền;
  • Tịch thu tài sản;
  • Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
  • Quản chế;
  • Cấm cư trú.

Khi xem xét quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc về mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả, căn cứ các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng như quy định của pháp luật để quyết định hình phạt thấu tình, đạt lý.

» Luật sư bào chữa tội xâm phạm sở hữu tài sản

» Luật sư tư vấn luật hình sự