Nhìn lại liều thuốc đặc trị nợ xấu vừa được kê đơn

Nghị quyết thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng như “liều thuốc đặc trị”, giúp làm tan cục máu đông nợ xấu.
Nghị quyết này được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017, áp dụng cho các khoản nợ xấu xác định trước ngày 15/8/2017.

Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này được xác định gồm các khoản nợ đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và được xác định theo quy định tại Phụ lục được xác định theo: (1) hoạt động phát sinh nợ xấu; (2) xác định theo phương pháp định lượng; (3) xác định theo phương pháp định tính; (4) xác định trong trường hợp khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên. Việc xác định nợ xấu theo quy định Phụ lục 1 có thể được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và có thể sửa đổi.

Theo đánh giá của người viết, Nghị quyết có 5 điểm đáng lưu ý được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, trong đó có sự phân rõ về nợ xấu và tài sản bảo đảm để có những quy định cụ thể để xứ lý, cụ thể:
Thứ nhất, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng được thực hiện qua tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu).

Thứ hai, nguyên tắc mua, bán nợ xấu là mua bằng giá trị định giá (của tổ chức định giá độc lập), sau đó xử lý, bán, thu hồi nợ và phân chia giá trị còn lại sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản là: Chi phí bảo quản và thu giữ, chi phí xử lý, sau đó đến thanh toán nghĩa vụ bảo đảm, sau đó đến nghĩa vụ thuế và cuối cùng là các nghĩa vụ khác không có bảo đảm.

Thứ ba, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng và trách nhiệm phối hợp của cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình thu giữ tài sản để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhằm đảm bảo bên xử lý thực hiện thực quyền của mình trên thực tế. Đây là quy định cụ thể và tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của bên xử lý nợ.

Thứ tư, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 với thời hạn không quá 1 tháng kể từ ngày thụ lý (cấp sơ thẩm và phúc thẩm) và sẽ ra quyết định xét xử (Điều 318) và sẽ do một thẩm phán giải quyết (Điều 65).

Thứ năm, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được quy định định thể hướng xử lý đối với đặc điểm từng loại tài sản nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua.

Trong đó, đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thì bên mua được quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua. Tháo gỡ những vướng mắc việc xóa thế chấp hay đăng ký thế chấp hiện nay buộc phải xử lý xong nợ mới giải quyết giao dịch bảo đảm.

Đối với dự án bất động sản, khi có đủ 4 điều kiện là dự án được phê duyệt; có quyết định giao đất, cho thuê đất; không có tranh chấp đã được thụ lý hoặc đang giải quyết tại Tòa án hoặc không đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án; không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất thì bên nhận chuyển nhượng dự án được kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án.

Việc kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác, trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được đảm bảo thực hiện.

Tổ chức tín dụng vẫn được quyền bán khoản nợ xấu mà khoản nợ xấu đó có tài sản bảo đảm đang bị kê biên cho tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, sau khi hoàn tất các thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, trường hợp Nghị quyết này không có quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, thì quy định của Nghị quyết được áp dụng.

Nghị quyết cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết, giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội, Tòa án và Viện kiểm sát tổ chức thực hiện và hướng dẫn ápp dụng thống nhất pháp luật.

Nhìn chung, với các quy định mới, nổi bật của Nghị quyết cho thấy Quốc hội đã có những quy định kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập để đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, khơi thông nguồn vốn phát triển, đưa nhiều tài sản đang bị đóng băng hiện nay vào hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Việc xác định nợ xấu tại Nghị quyết này bao gồm các khoản nợ đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; được hình thành trước ngày 15/8/2017 và phải được xác định theo quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết.

Tuy nhiên, Nghị quyết này cũng còn vài điểm cần phải hướng dẫn và quy định rõ. Cụ thể:

Việc xác định nợ xấu theo quy định tại Phụ lục căn cứ theo 4 điều: (1) hoạt động phát sinh nợ xấu; (2) xác định theo phương pháp định lượng; (3) xác định theo phương pháp định tính; (4) xác định trong trường hợp khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên. Với cách xác định nợ xấu này này chỉ cần 1 trong 4 quy định của Phụ lục, chưa có quy định về định lượng số tiền nợ xấu, nên rất dễ dẫn đến ôm đồm nhiều khoản mục nợ xấu, chưa chú trọng ưu tiên vào những khoản nợ xấu lớn đang rất cần ưu tiên.

Việc xác định nợ xấu phải xác định trước ngày 15/8/2017, trong khi đó, việc tổ chức thực hiện và phải hoàn thiện các hướng dẫn, điều đó cho thấy khối lượng công việc và những khó khăn trong việc thống kê, xác định nợ xấu co thể không kịp thời hạn.

Với quy định tại Điều 5 của Phụ lục trong việc xác định nợ xấu là trường hợp khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mà có một khoản nợ bất kỳ được xác định là nợ xấu theo quy định tại Điều 3 (nợ dưới tiêu chuẩn – từ nhóm 3), Điều 4 của Phụ lục này, thì toàn bộ các khoản nợ còn lại cũng được xác định là nợ xấu. Quy định này có thể sẽ dẫn đến không ít tổ chức tín dụng rất dễ bị áp dụng theo điều này do những vi phạm trong thời kỳ vừa qua, cũng làm khối lượng nợ xấu cần xử lý phát sinh sẽ rất nhiều, dễ dẫn đến nhầm lẫn việc xử lý nợ xấu với việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw

Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết nghị quyết xử lý nợ xấu

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw:

Trước khi Nghị quyết này được thông qua, trong quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại. Vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm.
Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án rất chậm, chưa hiệu quả, nhiều khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài.

Trong khi đó, cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC); thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; thị trường mua bán nợ chậm phát triển, …

Do đó, đây là Nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua. Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu quy định cụ thể về các biện pháp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng; nâng cao vai trò, năng lực của VAMC.

Tuy nhiên, nghị quyết này chỉ tháo gỡ nút thắt, hỗ trợ cho xử lý tài sản thế chấp cầm cố thuận lợi hơn, minh bạch hơn, chứ không phải để xóa nợ xấu ngân hàng.

Nghị quyết xử lý nợ xấu có mặt tích cực là ngân hàng được chủ động trong việc thu hồi nợ xấu, nhưng có thể sẽ nảy sinh nhiều đơn thưa kiện từ phía khách hàng. Bởi sẽ có khách hàng tiếc của và phủ nhận toàn bộ quá trình thông báo nợ xấu mà ngân hàng đã thực hiện.

Nghị quyết cũng cần phải làm rõ việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản (như trường hợp nhân viên ngân hàng vi phạm trình tự, thủ tục hoặc làm mất mát, hư hỏng tài sản của người vay hoặc người thứ ba liên quan) mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để thực hiện tốt và hiệu quả Nghị quyết này, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết Nghị quyết xử lý nợ xấu.

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà có phần trả lời – theo Luật sư Trần Đức Phượng
Báo Đầu tư Bất động sản

» Bảng phí dịch vụ thu nợ