Nhận tội thay lái xe gây tai nạn bị xử lý như thế nào?

Nhận tội thay lái xe gây tai nạn bị xử lý như thế nào? Người gây tai nạn bỏ trốn không ra đầu thú vì không có bằng lái xe, nhờ người khác nhận tội thay, người nhận tội thay bị tội gì? Vậy hai người đó sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời,  trường hợp này có thể xem xét trách nhiệm với 2 chủ thể gồm người gây tai nạn và người nhận tội thay.

1. Đối với người gây tai nạn
Tùy thuộc vào tỷ lệ thương tật của nạn nhân, các yếu tố lỗi cố ý hay vô ý và các mặt chủ quan, khách quan mà người gây tai nạn bị áp dụng các hình thức xử lý khác nhau:

– Nếu có căn cứ chứng minh người gây tai nạn với lỗi cố ý nhằm tước đoạt tính mạng, sức khỏe của người bị nạn thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh về nhóm xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác, như tội Giết người, Cố ý gây thương tích.
Theo Bộ luật hình sự 2015, khung hình phạt cao nhất đối với tội Giết người là tử hình, với tội Cố ý gây thương tích là chung thân.

– Nếu người gây tai nạn dẫn đến tỷ lệ thương tật cho người bị nạn từ 61% trở lên chỉ do yếu tố lỗi vi phạm về an toàn giao thông, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS 2015. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. 

Trường hợp người gây ra tai nạn sau đó bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì được xem là tình tiết định khung tăng nặng, quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự. Mức án cao nhất đối với tội này lên đến 15 năm tù.

Ngoài ra, người gây ra tai nạn còn có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 46/2016 và có thể phải bồi thường thiệt hại cho người bị nạn theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Đối với người nhận tội thay bị xử lý như thế nào?
Trong một số vụ tai nạn giao thông, tài xế bỏ trốn. Sau đó, người khác đến cơ quan công an trình diện, nhận tội thay với nhiều lý do khác nhau.

Nếu người gây tai nạn bị xử lý hình sự về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe thì người nhận tội thay cũng sẽ bị xử lý hình sự với tội danh Không tố giác tội phạm, quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự.

Theo điều luật này, người nào biết rõ một trong các tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 BLHS 2015:
“2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.”

Tuy nhiên, trường hợp người gây tai nạn bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì sẽ không có căn cứ để xử lý hình sự đối với người nhận tội thay theo các Điều 389, 390 Bộ luật hình sự.

Khi đó, người nhận tội thay chỉ bị xử phạt hành chính hoặc biện pháp dân sự khác.

» Luật sư bào chữa tội giao thông