Nghị định 105/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chống ma tuý 2021. Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về công tác phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/2021/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2021 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về công tác phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14, Điều 16, khoản 3 Điều 17, Điều 18, Điều 19, khoản 6 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14 ngày 30 tháng 3 năm 2021.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
1. Công tác phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy phải tuân thủ Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định này và quy định của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Công tác phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thực hiện các hoạt động phối hợp đảm bảo sự đoàn kết, hiệp đồng, hỗ trợ lẫn nhau;
b) Mỗi khu vực, địa bàn do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy; các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ;
c) Việc trao đổi thông tin tội phạm, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng quy định bảo vệ bí mật nhà nước;
d) Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân là nòng cốt trong các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy trên phạm vi toàn quốc.
3. Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Phòng, chống ma túy phải được kiểm soát chặt chẽ theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương và phải kiểm soát đến sản phẩm cuối cùng;
b) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý các hoạt động thuộc lĩnh vực chuyên ngành và phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
4. Công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy phải được tiến hành công khai, khách quan và đúng quy định của pháp luật;
b) Tôn trọng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng trái phép chất ma túy và gia đình của họ;
c) Gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú, công tác, làm việc, học tập có trách nhiệm tham gia quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy;
d) Thông tin, tài liệu về người sử dụng trái phép chất ma túy được cập nhật thường xuyên, chính xác;
đ) Các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo đúng chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc;
e) Nghiêm cấm lợi dụng việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Sản xuất chất ma túy là hoạt động tạo ra chất ma túy từ cây có chứa chất ma túy, tiền chất, hóa chất hoặc từ chất ma túy khác dưới mọi hình thức, cách thức, phương pháp. Việc sản xuất này không bao gồm việc trồng cây có chứa chất ma túy.
2. Sản xuất tiền chất là hoạt động tạo ra tiền chất thông qua các phản ứng hóa học.
3. Huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy là các hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống ma túy; huấn luyện động vật nghiệp vụ và các hoạt động khác về cách thức, phương pháp, dấu hiệu nhận biết chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
4. Truy nguyên nguồn gốc ma túy là việc áp dụng các phương pháp sinh hóa, hóa lý, vật lý để xác định trạng thái, bản chất nguyên liệu, chữ viết, hình ảnh, lô gô trên bao bì, thùng chứa, nhãn hàng nhằm xác định nguồn gốc nơi sản xuất, nguyên liệu, phương pháp, cách thức điều chế, sản xuất các chất ma túy phục vụ công tác phòng, chống tội phạm về ma túy.
PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN TRÁCH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VỀ MA TÚY
Điều 5. Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy
1. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân bao gồm: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (hoặc Đội có chức năng điều tra tội phạm về ma túy) Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng bao gồm: Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng; Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (Ban Phòng, chống ma túy và tội phạm), Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, thành phố; Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc các Đồn Biên phòng (Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng); Hải đoàn Biên phòng
3. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Cảnh sát biển bao gồm: Cục Nghiệp vụ và pháp luật, các Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng; Phòng Phòng, chống tội phạm ma túy thuộc các Vùng Cảnh sát biển.
4. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Hải quan bao gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy (hoặc Đội Kiểm soát Hải quan) trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; Tổ Kiểm soát ma túy thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Điều 6. Phối hợp tham mưu, chỉ đạo
1. Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy phối hợp nghiên cứu, báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền các chủ trương, biện pháp tăng cường phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy.
2. Đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật khi phát sinh những vấn đề mới trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.
3. Phối hợp triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo lĩnh vực phụ trách.
Điều 7. Phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân
Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trao đổi, thống nhất để tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về pháp luật phòng, chống ma túy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy, hậu quả và tác hại của ma túy; biên soạn tài liệu, xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy.
Điều 8. Phối hợp trao đổi thông tin
1. Nội dung thông tin, tài liệu trao đổi giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy gồm:
a) Tình hình tội phạm về ma túy trên thế giới; chính sách, pháp luật của các nước về vấn đề ma túy; thông tin tội phạm về ma túy có liên quan đến Việt Nam do các nước và tổ chức quốc tế trao đổi; tình hình tội phạm về ma túy tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển.
b) Kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy của từng cơ quan; kết quả xử lý tin báo, tố giác tội phạm ma túy ở khu vực biên giới; dự báo xu hướng, tình hình tội phạm về ma túy; phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng phạm tội; các tổ chức, đường dây, ổ nhóm, các tuyến, địa bàn trọng điểm; các đối tượng truy nã về ma túy;
c) Quy trình, quy chế công tác, kinh nghiệm và các biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy của các cơ quan chuyên trách;
d) Tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ có thể áp dụng phục vụ công tác phòng, chống tội phạm về ma túy;
đ) Các loại ma túy mới và các văn bản quy phạm pháp luật mới trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy;
e) Thông tin, tài liệu khác theo đề nghị khi có yêu cầu.
2. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan có trách nhiệm thông báo, chia sẻ kịp thời các thông tin, tài liệu về hoạt động của tội phạm ma túy có liên quan đến khu vực, địa bàn do lực lượng khác chủ trì để phối hợp giải quyết.
Điều 9. Phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ
1. Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy phối hợp tổ chức lực lượng, phương tiện và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy; trao đổi nghiệp vụ để điều tra, xử lý vụ án, vụ việc theo yêu cầu.
2. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan phối hợp với cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân cùng cấp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tại các khu vực, địa bàn quản lý
a) Tại những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan có kế hoạch triển khai các biện pháp nghiệp vụ tập trung giải quyết;
b) Khi cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có yêu cầu phối hợp thực hiện công tác nghiệp vụ trinh sát ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển, thì cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan có trách nhiệm phối hợp trao đổi thông tin và hỗ trợ triển khai thực hiện;
c) Khi cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy ở nội địa liên quan đến khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển, thì cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm phối hợp trao đổi thông tin và hỗ trợ triển khai thực hiện.
Điều 10. Phối hợp đấu tranh chuyên án và điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cụ thể
1. Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy phối hợp xác lập, đấu tranh chuyên án trong các trường hợp sau:
a) Đối với các chuyên án ma túy do cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan xác lập đấu tranh có đối tượng liên quan đến địa bàn nội địa thì cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân chủ động phối hợp, thực hiện theo yêu cầu và tiếp nhận kịp thời hồ sơ, vật chứng liên quan để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật;
b) Đối với các chuyên án ma túy do cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân xác lập đấu tranh, có đối tượng liên quan đến khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển thì cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan phối hợp, thực hiện theo yêu cầu;
c) Đối với những chuyên án ma túy phức tạp, đối tượng có liên quan đến nhiều địa phương, hoạt động xuyên quốc gia, có tính quốc tế thì các cơ quan phối hợp thành lập Ban chuyên án chung để đấu tranh, khám phá. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng nào phát hiện thì đồng chủ trì với cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, các cơ quan còn lại phối hợp tham gia; thẩm quyền phê duyệt thành lập Ban chuyên án chung là cấp trên một cấp của đơn vị xác lập chuyên án; thành lập Ban Chỉ đạo chuyên án: lực lượng Công an là Trưởng ban chỉ đạo, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan là thành viên; Ban Chỉ đạo chuyên án là cấp trên một cấp của Ban chuyên án;
d) Trường hợp cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan tại địa bàn, khu vực quản lý của mình, nếu phát hiện thông tin, tài liệu có căn cứ xác lập chuyên án thì chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy khác xác lập chuyên án để đấu tranh.
2. Các cơ quan chuyên trách phối hợp trong quá trình điều tra tội phạm và xử lý vi phạm pháp luật về ma túy theo quy định của pháp luật.
a) Trường hợp cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có yêu cầu thực hiện các hoạt động nghiệp vụ điều tra về tội phạm ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển thì cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ;
b) Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan khi các cơ quan này có yêu cầu phối hợp điều tra, xử lý về tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trong nội địa;
Khi nhận được yêu cầu của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan về việc truy bắt đối tượng, truy tìm phương tiện, vật chứng có liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy từ biên giới, cửa khẩu hoặc trên biển vào nội địa, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm triển khai ngay lực lượng phối hợp bắt giữ, truy tìm. Sau khi bắt giữ được đối tượng, truy tìm được phương tiện, vật chứng thì khẩn trương thông báo và bàn giao hồ sơ, đối tượng, vật chứng, phương tiện cho cơ quan yêu cầu để tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật;
c) Sau khi kết thúc điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, các cơ quan thông báo kết quả phối hợp với nhau và thống nhất tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm.
3. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy chủ trì, đề xuất thành lập Tổ công tác phối hợp liên ngành; các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy khác cử cán bộ tham gia. Tổ công tác tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 11. Các nội dung phối hợp khác
1. Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy; phối hợp thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy.
2. Phối hợp thực hiện công tác hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy.
1. Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình liên quan đến nội dung phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thông qua các hình thức làm việc trực tiếp, qua các phương tiện thông tin, gửi văn bản…
2. Triển khai các kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy.
3. Tuần tra kiểm soát liên ngành; xây dựng và triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án chung phối hợp đấu tranh với tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
4. Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp giữa các cơ quan.
5. Tổ chức các lớp giảng dạy, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phòng, chống tội phạm ma túy.
6. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất; tổ chức giao ban nghiệp vụ và sơ kết, tổng kết việc phối hợp theo quy định tại Nghị định này.
Điều 13. Chế độ giao ban, báo cáo và thống kê
1. Chế độ giao ban
a) Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thực hiện chế độ giao ban định kỳ như sau:
Cấp trung ương: Luân phiên chủ trì tổ chức giao ban định kỳ mỗi năm một lần.
Cấp tỉnh: Luân phiên chủ trì tổ chức giao ban định kỳ 6 tháng một lần.
b) Sau hội nghị giao ban định kỳ, các đơn vị báo cáo kết quả hội nghị lên cấp trên trực tiếp để theo dõi, chỉ đạo, đồng thời thông báo cho cấp dưới thuộc quyền để quán triệt, thực hiện;
c) Trong trường hợp đột xuất hoặc khi có tình hình phức tạp xảy ra, các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy phải chủ động thông báo cho nhau bằng các hình thức thích hợp như họp bất thường, qua các phương tiện thông tin liên lạc, qua hệ thống trực ban, trực chỉ huy.
2. Chế độ báo cáo, thống kê
Định kỳ 6 tháng, 1 năm, các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy báo cáo tình hình, kết quả và thống kê số liệu về công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy lên cấp trên trực tiếp. Đối với các chuyên án, vụ án và vụ việc vi phạm pháp luật về ma túy do các cơ quan phối hợp giải quyết thì đơn vị chủ trì có trách nhiệm thống kê ban đầu và thông báo, trao đổi cho các đơn vị phối hợp biết.
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cấp trung ương có trách nhiệm tổng hợp báo cáo chung và gửi báo cáo về Bộ Công an để tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thời điểm gửi báo cáo và thời gian tính số liệu thống kê được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước.
KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY
Mục 1. KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU, GIÁM ĐỊNH, SẢN XUẤT, VẬN CHUYỂN CHẤT MA TÚY, TIỀN CHẤT VÀ THUỐC THÚ Y CÓ CHỨA CHẤT MA TÚY, TIỀN CHẤT
Điều 14. Cơ quan có thẩm quyền cho phép các hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển chất ma túy, tiền chất và hoạt động liên quan đến thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
1. Bộ Công an cho phép các cơ quan, tổ chức được tiến hành các hoạt động sau:
a) Nghiên cứu các chất ma túy, tiền chất theo Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định;
b) Sản xuất các chất ma túy, tiền chất tại các danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định (trừ các tiền chất do Bộ Công Thương, Bộ Y tế quản lý và cho phép);
c) Vận chuyển các chất ma túy theo Danh mục chất ma túy do Chính phủ quy định.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
3. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sản xuất tiền chất tại Danh mục tiền chất do Chính phủ quy định và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý hóa chất (đối với các tiền chất do Bộ Công Thương quản lý).
4. Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giao cho cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và quyết định việc cho phép nghiên cứu, sản xuất, vận chuyển chất ma túy, tiền chất và các hoạt động liên quan đến thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất theo quy định tại Mục 1 Chương III của Nghị định này (sau đây gọi là cơ quan cấp phép).
5. Bộ Công an trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục giám định chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy định tại Mục 3 Chương III của Nghị định này.
Điều 15. Kiểm soát hoạt động nghiên cứu chất ma túy, tiền chất
1. Trình tự, thủ tục cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất
a) Tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là cơ quan nghiên cứu) khi có nhu cầu nghiên cứu các chất ma túy, tiền chất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Nghị định này chuẩn bị hồ sơ đề nghị cho phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Công an hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định và thông báo cho phép bằng văn bản.
Trường hợp có yêu cầu chỉnh lý, bổ sung tài liệu, trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp phép có phiếu thông báo về việc chỉnh lý, bổ sung tài liệu, trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần chỉnh lý, bổ sung và thời gian hoàn thành. Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đã hoàn thành việc chỉnh lý, bổ sung.
Trường hợp hết thời hạn yêu cầu chỉnh lý, bổ sung hồ sơ hoặc thông tin không thống nhất giữa văn bản đề nghị và tài liệu chứng minh tại các văn bản, tài liệu có trong hồ sơ, cơ quan cấp phép không tiến hành giải quyết.
2. Hồ sơ đề nghị cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cho phép nghiên cứu của cơ quan nghiên cứu. Nội dung văn bản đề nghị nêu rõ thông tin về tên, địa chỉ cơ quan nghiên cứu; danh sách, vai trò của những người tham gia nghiên cứu; mục đích nghiên cứu; tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức cung cấp chất ma túy, tiền chất và tên gọi, mã CAS và mã HS, số lượng, hàm lượng chất ma túy, tiền chất đề nghị cho phép nghiên cứu; thời gian nghiên cứu; thời gian, hành trình, phương tiện vận chuyển từ địa điểm cung cấp đến địa điểm bảo quản, nghiên cứu;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của cơ quan nghiên cứu;
c) Bản sao Kế hoạch nghiên cứu được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Tài liệu chứng minh tính hợp pháp của chất đề nghị cho phép nghiên cứu; kế hoạch, biện pháp đảm bảo an toàn và điều kiện bảo quản chất ma túy, tiền chất đề nghị cho phép nghiên cứu; kế hoạch, biện pháp xử lý tồn dư chất ma túy, tiền chất trong quá trình nghiên cứu.
3. Nội dung văn bản cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất
Văn bản cho phép phải ghi rõ thông tin về tên, địa chỉ cơ quan nghiên cứu; tên gọi, mã CAS và mã HS, số lượng, hàm lượng chất ma túy, tiền chất được nghiên cứu; thời gian được phép nghiên cứu; thời gian, hành trình, phương tiện vận chuyển (trường hợp cần vận chuyển chất ma túy từ kho lưu trữ, bảo quản đến nơi tổ chức hoạt động nghiên cứu);
Văn bản cho phép được gửi cho cơ quan nghiên cứu, Công an tỉnh, thành phố nơi cơ quan nghiên cứu tiến hành bảo quản, nghiên cứu chất ma túy được cho phép.
4. Trình tự, thủ tục gia hạn cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất
a) Trước khi hết thời hạn cho phép tối thiểu 03 ngày, cơ quan nghiên cứu gửi văn bản đề nghị cơ quan cấp phép gia hạn cho phép nghiên cứu, trong đó nêu rõ lý do, thời gian đề nghị gia hạn;
b) Cơ quan cấp phép có trách nhiệm xem xét và thông báo việc cho phép gia hạn hoặc không cho phép gia hạn (phải nêu rõ lý do) bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn đề nghị;
c) Việc cho phép gia hạn thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này;
d) Không cho phép gia hạn nghiên cứu đối với các trường hợp thay đổi mục đích nghiên cứu, loại chất, hàm lượng, số lượng, biện pháp đảm bảo an toàn và điều kiện bảo quản chất ma túy, tiền chất đề nghị gia hạn cho phép nghiên cứu; kế hoạch, biện pháp xử lý tồn dư chất ma túy, tiền chất trong quá trình gia hạn cho phép nghiên cứu.
5. Hoạt động nghiên cứu chất ma túy theo quy định của Điều này phải được theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ quá trình được cho phép đến khi hoàn thành nghiên cứu.
a) Cơ quan nghiên cứu phải thực hiện đúng nội dung theo văn bản cho phép và phải thông báo cho cơ quan cấp phép về việc hoàn thành nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, số lượng chất ma túy, tiền chất đã sử dụng; tồn dư chất ma túy, tiền chất và biện pháp, kết quả xử lý;
b) Công an tỉnh, thành phố nơi cơ quan nghiên cứu tiến hành bảo quản, nghiên cứu chất ma túy được cho phép bố trí lực lượng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, giao, nhận, bảo quản và sử dụng chất ma túy để nghiên cứu theo văn bản cho phép và quy định của pháp luật;
c) Trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng Công an nơi phát hiện vi phạm thông báo ngay cho cơ quan cấp phép và phối hợp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Kiểm soát hoạt động sản xuất chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
1. Trình tự, thủ tục cho phép sản xuất chất ma túy, tiền chất
a) Cơ quan, tổ chức khi tiến hành các hoạt động sản xuất chất ma túy, tiền chất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 của Nghị định này (sau đây gọi là tổ chức có hoạt động sản xuất) gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Công an hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;
b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp phép tiến hành xem xét, đánh giá thực tế ở cơ sở và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất chất ma túy, tiền chất;
c) Trường hợp có yêu cầu chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, cơ quan cấp phép có phiếu thông báo, trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần chỉnh lý, bổ sung;
Sau khi nhận đủ hồ sơ đã hoàn thành việc chỉnh lý, bổ sung, cơ quan cấp phép tiến hành cấp giấy phép theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
Trường hợp quá thời hạn 03 tháng, kể từ ngày cơ quan cấp phép có văn bản yêu cầu chỉnh lý, bổ sung mà tổ chức đề nghị cho phép sản xuất chất ma túy, tiền chất không hoàn thành việc chỉnh lý, bổ sung thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị;
d) Hồ sơ, điều kiện, tiêu chuẩn đối với tổ chức có hoạt động sản xuất và người có liên quan đến hoạt động sản xuất thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về dược đối với nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt và quản lý hóa chất đối với hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện.
2. Trình tự, thủ tục cho phép sản xuất thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
a) Cơ quan, tổ chức khi tiến hành các hoạt động sản xuất thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;
b) Trình tự, thủ tục, hồ sơ, điều kiện, tiêu chuẩn đối với cơ quan, tổ chức và người liên quan đến việc sản xuất, đăng ký lưu hành thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y đối với quản lý thuốc thú y và quy định tại Nghị định này;
c) Đối với cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y theo quy định của pháp luật về thú y hiện hành, khi có nhu cầu sản xuất thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất cùng trên dây chuyền sản xuất thuốc thú y đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thì gửi hồ sơ đề nghị, gồm: văn bản đề nghị của tổ chức có hoạt động sản xuất kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y đã được cấp và tài liệu chứng minh quy trình sản xuất, các nguyên liệu làm thuốc thú y là chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc thú y.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cơ quan cấp phép tiến hành tiếp nhận, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đối với dây chuyền sản xuất thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; trường hợp không đủ điều kiện cho phép sản xuất, cơ quan cấp phép trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.
3. Trình tự, thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
a) Trường hợp giấy chứng nhận bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc có thay đổi về thông tin của cơ quan, tổ chức thì cơ quan, tổ chức lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận hoặc văn bản đề nghị cấp lại giấy chứng nhận (đối với trường hợp sai sót thuộc về cơ quan cấp phép) kèm theo giấy chứng nhận đã được cấp. Hồ sơ đề nghị được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan cấp phép hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Cổng thông tin một cửa quốc gia;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định và cấp lại giấy chứng nhận.
4. Trình tự, thủ tục sửa đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
a) Trường hợp có thay đổi về địa điểm, quy mô, chủng loại, loại hình nghiên cứu, sản xuất thì cơ quan, tổ chức lập 01 bộ hồ sơ đề nghị, gồm: công văn đề nghị, bản sao có chứng thực tài liệu chứng minh có thay đổi. Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan cấp phép hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Cổng thông tin một cửa quốc gia;
b) Cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định, đánh giá thực tế ở cơ sở và quyết định sửa đổi giấy chứng nhận theo trình tự, thủ tục như cấp mới giấy chứng nhận.
5. Hoạt động sản xuất chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất phải được theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ quá trình được cấp phép đến sản phẩm hoàn thành theo quy trình.
a) Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất chất ma túy, tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất và Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được gửi cho tổ chức có đề nghị, Công an tỉnh, thành phố và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương nơi tiến hành hoạt động sản xuất;
b) Tổ chức có hoạt động sản xuất phải thực hiện đúng nội dung theo giấy chứng nhận được cấp và chịu sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng;
c) Công an tỉnh, thành phố và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương nơi tiến hành hoạt động sản xuất phối hợp theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất quy định của pháp luật;
d) Trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng Công an nơi phát hiện vi phạm thông báo ngay cho cơ quan cấp phép và phối hợp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Kiểm soát hoạt động vận chuyển chất ma túy
1. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển chất ma túy
a) Cơ quan, tổ chức khi có nhu cầu vận chuyển chất ma túy (sau đây gọi là tổ chức cần vận chuyển) chuẩn bị hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều này gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Công an hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định và cấp giấy phép vận chuyển cho tổ chức cần vận chuyển;
c) Trường hợp có yêu cầu chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp phép có phiếu thông báo về việc chỉnh lý, bổ sung, trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần chỉnh lý, bổ sung và thời gian hoàn thành. Việc tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy phép vận chuyển được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đã hoàn thành việc chỉnh lý, bổ sung.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển chất ma túy
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép vận chuyển chất ma túy có các nội dung sau: tên, địa chỉ tổ chức giao và tổ chức nhận chất ma túy; mục đích vận chuyển; tên gọi, mã CAS và mã HS, số lượng, hàm lượng chất ma túy; thời gian, hành trình, phương tiện vận chuyển;
b) Bản sao hợp đồng vận chuyển giữa tổ chức cần vận chuyển với tổ chức thực hiện vận chuyển hợp pháp;
c) Bản sao giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy (trường hợp vận chuyển từ kho lưu trữ, bảo quản đến cửa khẩu hoặc ngược lại để thực hiện thủ tục hải quan).
3. Giấy phép vận chuyển được cấp cho từng lần vận chuyển và có giá trị trong thời hạn ghi trên giấy phép nhưng không quá 06 tháng. Nội dung giấy phép ghi rõ thông tin tên, địa chỉ tổ chức giao và tổ chức nhận chất ma túy; mục đích vận chuyển; tên gọi, mã CAS và mã HS, số lượng, hàm lượng chất ma túy; thời gian, hành trình, phương tiện vận chuyển. Giấy phép được gửi cho tổ chức cần vận chuyển, tổ chức thực hiện vận chuyển và lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an tỉnh, thành phố theo hành trình vận chuyển được ghi trên giấy phép.
4. Trình tự, thủ tục gia hạn và cấp lại giấy phép vận chuyển chất ma túy
a) Trước khi hết thời hạn cho phép tối thiểu 03 ngày, tổ chức cần vận chuyển gửi đơn đề nghị cơ quan cấp phép gia hạn, trong đó nêu rõ lý do, thời gian đề nghị gia hạn;
b) Trường hợp giấy phép bị mất hoặc có thay đổi về thời gian, hành trình, phương tiện vận chuyển, tổ chức cần vận chuyển gửi đơn đề nghị cơ quan cấp phép cấp lại giấy phép kèm theo giấy phép đã được cấp;
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của tổ chức cần vận chuyển, cơ quan cấp phép tiến hành xem xét và cấp phép gia hạn hoặc cấp lại giấy phép vận chuyển cho các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b của khoản này.
5. Việc vận chuyển chất ma túy phải thực hiện theo đúng nội dung ghi trong giấy phép. Khi tiến hành giao, nhận chất ma túy phải có biên bản giao nhận giữa tổ chức cần vận chuyển với tổ chức thực hiện vận chuyển. Nội dung biên bản nêu rõ tên, địa chỉ tổ chức giao và tổ chức nhận chất ma túy; tên người giao, người nhận, giấy tờ tùy thân; tên gọi, mã CAS và mã HS, số lượng, hàm lượng chất ma túy giao nhận; thời gian, địa điểm giao nhận và cam kết việc giao nhận đầy đủ của người giao, người nhận.
6. Hoạt động vận chuyển chất ma túy theo quy định của Điều này phải được theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ quá trình được cấp giấy phép đến khi hoàn thành việc vận chuyển
a) Tổ chức cần vận chuyển và tổ chức thực hiện vận chuyển phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, có biện pháp bảo vệ an toàn, không để bị thất thoát trong quá trình vận chuyển và chịu sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị Bộ đội Biên phòng, đơn vị Cảnh sát biển quản lý tuyến đường vận chuyển theo hành trình được cho phép phải bố trí lực lượng, phương tiện theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo việc vận chuyển theo đúng tuyến đường và nội dung ghi trong giấy phép. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng phát hiện thông báo ngay cho cơ quan cấp phép và phối hợp ngăn chặn xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Kiểm soát các hoạt động liên quan đến thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
1. Kiểm soát hoạt động sản xuất thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 16 của Nghị định này.
2. Cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, địa điểm, người hành nghề thú y theo quy định của pháp luật về thú y đối với quản lý thuốc thú y, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định hoạt động và chịu sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động nghiên cứu, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y đối với quản lý thuốc thú y, các quy định có liên quan tại Nghị định này và chịu sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm soát các hoạt động liên quan đến thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất theo quy định pháp luật về thú y đối với quản lý thuốc thú y và các quy định có liên quan tại Nghị định này; phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Mục 2. KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU, TẠM NHẬP, TÁI XUẤT, TẠM XUẤT, TÁI NHẬP VÀ QUÁ CẢNH LÃNH THỔ VIỆT NAM CHẤT MA TÚY, TIỀN CHẤT, THUỐC GÂY NGHIỆN, THUỐC HƯỚNG THẦN, THUỐC TIỀN CHẤT, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC LÀ DƯỢC CHẤT GÂY NGHIỆN, DƯỢC CHẤT HƯỚNG THẦN, TIỀN CHẤT DÙNG LÀM THUỐC VÀ THUỐC THÚ Y CÓ CHỨA CHẤT MA TÚY, TIỀN CHẤT
Điều 19. Cơ quan có thẩm quyền cho phép và cơ quan, tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
1. Bộ Công an cho phép cơ quan, tổ chức được tiến hành các hoạt động sau:
a) Nhập khẩu, xuất khẩu các chất ma túy, tiền chất tại các Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định (trừ các chất ma túy, tiền chất là nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt do Bộ Y tế cho phép và các tiền chất công nghiệp do Bộ Công Thương quản lý và cho phép);
b) Quá cảnh lãnh thổ Việt Nam các chất ma túy, tiền chất tại các Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
2. Bộ Công Thương cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân được tiến hành các hoạt động sau:
a) Nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất quy định tại Danh mục tiền chất do Chính phủ quy định (trừ các tiền chất do Bộ Công an, Bộ Y tế quản lý và cho phép);
b) Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất quy định tại các Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép cơ quan, tổ chức được tiến hành các hoạt động sau:
a) Nhập khẩu, xuất khẩu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất;
b) Nhập khẩu chất ma túy, tiền chất dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc thú y là các chất ma túy, tiền chất tại các Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định.
4. Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giao cho cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và quyết định việc cho phép các hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều này (sau đây gọi là cơ quan cấp phép).
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều này là thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của Luật Thương mại (sau đây gọi là doanh nghiệp).
Điều 20. Kiểm soát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
1. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu
a) Doanh nghiệp có hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 19 của Nghị định này chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều này, gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;
b) Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu chất ma túy theo quy định, cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định và cấp giấy phép nhập khẩu;
c) Trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu chất ma túy, tiền chất theo quy định, cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định, thực hiện thông báo tiền xuất khẩu và cấp giấy phép xuất khẩu. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu không thông qua yêu cầu thông báo tiền xuất khẩu thì cơ quan cấp phép không cấp giấy phép và thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết lý do;
d) Trong thời hạn chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất theo quy định, cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định và cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu của doanh nghiệp theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính một trong các văn bản sau: Giấy phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu của nước có hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu (nếu có);
c) Bản sao có chứng thực các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với hoạt động được phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu và Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu vì mục đích nghiên cứu, sử dụng điều trị bệnh cho động vật hoang dã, quý hiếm;
d) Bản sao hợp đồng, đơn hàng liên quan kèm theo bản chính đối chiếu (khi có yêu cầu);
đ) Các giấy tờ, tài liệu liên quan khác: Phiếu phân tích chất lượng sản phẩm (CoA) của nhà sản xuất hoặc Phiếu kết quả kiểm định sản phẩm, nhãn sản phẩm đối với thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất;
Các tài liệu nêu trên nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt có công chứng theo quy định của Luật Công chứng.
3. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu theo Mẫu số 02A, 02B tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này
a) Giấy phép được cấp cho từng lần nhập khẩu, xuất khẩu và có giá trị trong thời hạn ghi trên giấy phép nhưng không quá 12 tháng. Trường hợp hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng việc nhập khẩu, xuất khẩu chưa thực hiện được thì doanh nghiệp đề nghị cơ quan cấp giấy phép gia hạn, không giới hạn số lần gia hạn;
b) Giấy phép được gửi cho doanh nghiệp, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu và gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công an để theo dõi, quản lý và thực hiện các yêu cầu thông báo tiền xuất khẩu (khi có yêu cầu);
Việc cấp giấy phép nếu chưa được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia: Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép, cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm gửi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tới doanh nghiệp đề nghị cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu và gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công an để phối hợp quản lý, kiểm soát.
Trường hợp, việc cấp giấy phép đã thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng trong thời gian Trung tâm dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy thuộc Bộ Công an chưa kết nối được với Cổng thông tin một cửa quốc gia thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép, cơ quan cấp phép có trách nhiệm thông báo và gửi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tới Bộ Công an để phối hợp quản lý, kiểm soát;
d) Việc cấp, điều chỉnh, cấp lại giấy phép do mất, thất lạc hoặc sai sót, doanh nghiệp có văn bản đề nghị kèm theo giấy tờ, tài liệu chứng minh nội dung cần điều chỉnh hoặc báo cáo giải trình lý do mất, thất lạc đến cơ quan cấp phép. Trong thời hạn chậm nhất là 05 ngày làm việc, cơ quan cấp phép tiến hành xem xét, điều chỉnh hoặc cấp lại giấy phép. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan cấp phép trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19 của Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về hóa chất và các quy định có liên quan tại Nghị định này.
5. Lực lượng Hải quan có trách nhiệm làm thủ tục hải quan và thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hàng nhập khẩu, xuất khẩu không đúng với nội dung giấy phép, cơ quan Hải quan tạm dừng các thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu, lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền; đồng thời trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện sai phạm, cơ quan Hải quan có trách nhiệm thông báo trực tiếp qua đường dây nóng cho các cơ quan cấp phép và Bộ Công an để phối hợp quản lý, kiểm soát.
6. Đối với trường hợp vi phạm các quy định về kiểm soát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, Thủ trưởng cơ quan cấp phép và Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể quyết định thu hồi Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu đã cấp, đình chỉ, tạm đình chỉ việc nhập khẩu, xuất khẩu, xử lý người vi phạm và hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo thẩm quyền hoặc chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
1. Doanh nghiệp có hoạt động theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 của Nghị định này chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ Công Thương hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
2. Cơ quan cấp phép tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, thực hiện thông báo tiền xuất khẩu theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 của Nghị định này và cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương.
3. Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép, cơ quan cấp phép có trách nhiệm gửi giấy phép tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập đã cấp cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan và gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công an để phối hợp quản lý, kiểm soát.
4. Lực lượng Hải quan có trách nhiệm thực hiện thủ tục và kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật Hải quan. Việc thay đổi mẫu mã, bao bì, thùng chứa của hàng tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập phải được sự đồng ý của Bộ Công Thương và giám sát của lực lượng Hải quan. Trường hợp phát hiện hàng tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập không đúng với nội dung giấy phép, cơ quan Hải quan tạm dừng các thủ tục hải quan, lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền; đồng thời trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện sai phạm thông báo trực tiếp qua đường dây nóng cho cơ quan cấp phép và Bộ Công an để phối hợp quản lý, kiểm soát.
Điều 22. Kiểm soát hoạt động quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
1. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép quá cảnh lãnh thổ Việt Nam
a) Doanh nghiệp có hoạt động tại điểm b khoản 1 Điều 19 của Nghị định này chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ Công an hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;
b) Trong thời hạn chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định và cấp giấy phép quá cảnh. Trường hợp không cấp giấy phép quá cảnh thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho doanh nghiệp đề nghị cấp phép.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quá cảnh
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép quá cảnh của doanh nghiệp gồm các thông tin về tên, địa chỉ của doanh nghiệp; thời gian, địa điểm, lý do quá cảnh; tên, địa chỉ nơi sản xuất, tên gọi, mã số CAS và HS, số lượng, hàm lượng; tên gọi, mã HS, số lượng thuốc và nguyên liệu làm thuốc được điểm soát cần quá cảnh; trị giá hàng hóa; phương tiện, hành trình và điều kiện bảo đảm an toàn vận chuyển;
b) Bản chính hợp đồng vận tải;
c) Bản chính một trong các giấy tờ sau: Công thư đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước đề nghị cho hàng hóa quá cảnh, Giấy phép xuất khẩu của nước có hàng xuất khẩu hoặc Giấy phép nhập khẩu của nước có hàng nhập khẩu;
d) Bản chính Giấy phép quá cảnh của nước mà hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu đã đi qua trước khi đến Việt Nam (trường hợp vận chuyển quá cảnh nhiều nước).
Các tài liệu nêu trên nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt có công chứng theo quy định của Luật Công chứng.
3. Giấy phép quá cảnh
a) Nội dung giấy phép phải ghi rõ tên, địa chỉ của doanh nghiệp được phép quá cảnh; tên gọi, mã số CAS, mã số HS, mã số UN (nếu có), số lượng, hàm lượng các chất được phép quá cảnh; thời gian, phương tiện thực hiện việc vận chuyển quá cảnh; tên các cửa khẩu mà hàng vận chuyển quá cảnh đi qua;
b) Giấy phép quá cảnh có giá trị một lần theo thời hạn ghi trong giấy phép nhưng thời hạn ghi không quá 02 tháng. Trường hợp hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng việc quá cảnh chưa thực hiện được thì doanh nghiệp đề nghị được gia hạn thời hạn quá cảnh. Việc gia hạn được thực hiện một lần với thời hạn không quá 30 ngày;
c) Giấy phép quá cảnh được gửi cho doanh nghiệp đề nghị cấp phép quá cảnh, Chi cục Hải quan, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị Bộ đội Biên phòng, đơn vị Cảnh sát biển nơi hàng vận chuyển quá cảnh đi qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và Bộ Công Thương để phối hợp quản lý, kiểm soát;
d) Trường hợp cần điều chỉnh giấy phép do sai sót hoặc cấp lại giấy phép do mất, thất lạc, doanh nghiệp có đơn đề nghị kèm theo giấy tờ, tài liệu chứng minh nội dung cần điều chỉnh hoặc báo cáo giải trình lý do mất, thất lạc, gửi cơ quan cấp phép. Trong thời hạn chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp phép tiến hành xem xét điều chỉnh giấy phép hoặc cấp lại giấy phép. Trường hợp từ chối điều chỉnh hoặc cấp lại giấy phép, cơ quan cấp phép trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
4. Chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải được chứa trong thùng chứa, đóng gói, niêm phong và đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế và hồ sơ kèm theo. Trường hợp phát hiện thay đổi niêm phong hoặc thay đổi nguyên trạng hàng vận chuyển quá cảnh, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục quá cảnh tạm dừng các thủ tục hải quan, lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền và thông báo ngay qua đường dây nóng cho Bộ Công an để phối hợp quản lý, kiểm soát.
5. Hoạt động quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất phải theo đúng hành trình vào và ra theo đúng cửa khẩu đã ghi trong giấy phép quá cảnh. Doanh nghiệp thực hiện việc quá cảnh phải làm thủ tục, chịu sự kiểm soát của cơ quan Hải quan, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và chịu mọi chi phí quá cảnh theo quy định của pháp luật;
Chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất quá cảnh được phép lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn tối đa là 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu, trừ trường hợp được gia hạn thời gian quá cảnh, được lưu kho tại Việt Nam hoặc hàng quá cảnh bị hư hỏng, tổn thất hoặc phương tiện vận tải hàng quá cảnh bị hư hỏng;
Việc tiêu thụ nội địa chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất quá cảnh phải thực hiện theo quy định của pháp luật về nhập khẩu, xuất khẩu tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
6. Lực lượng Hải quan có trách nhiệm thực hiện thủ tục hải quan và kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng quá cảnh theo quy định của pháp luật Hải quan. Trường hợp phát hiện hàng vận chuyển quá cảnh không đúng với nội dung giấy phép, cơ quan Hải quan tạm dừng các thủ tục hải quan, lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền; đồng thời trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện sai phạm, cơ quan Hải quan có trách nhiệm thông báo trực tiếp cho cơ quan cấp phép hoặc thông báo qua đường dây nóng cho Bộ Công an và Bộ Công Thương để phối hợp quản lý, kiểm soát và xử lý.
7. Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị Bộ đội Biên phòng, đơn vị Cảnh sát biển quản lý tuyến đường vận chuyển của hoạt động quá cảnh được cho phép phải bố trí lực lượng, phương tiện kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo việc vận chuyển tuân thủ theo đúng tuyến đường và nội dung ghi trong giấy phép. Trường hợp hàng vận chuyển có số lượng lớn hoặc trong trường hợp cần thiết khác, đơn vị cấp phép được quyền yêu cầu lực lượng Công an địa phương, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp với lực lượng Hải quan tổ chức việc áp tải hàng vận chuyển quá cảnh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong quá trình doanh nghiệp thực hiện thủ tục quá cảnh, các cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì thông báo ngay cho cơ quan Hải quan để phối hợp ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
8. Việc mang theo thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất vì mục đích điều trị bệnh cho bản thân người quá cảnh lãnh thổ Việt Nam không bị coi là mang hàng quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Người quá cảnh có trách nhiệm khai báo và giải trình về số lượng thuốc đã sử dụng với cơ quan Hải quan của Việt Nam, có nghĩa vụ thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn thích hợp do cơ quan Hải quan áp dụng để ngăn chặn việc sử dụng không đúng mục đích hoặc vận chuyển trái phép các thuốc đó, đồng thời chịu sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Mục 3. KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY VÌ MỤC ĐÍCH QUỐC PHÒNG, AN NINH
Điều 23. Cơ quan có thẩm quyền cho phép và các cơ quan, tổ chức được tiến hành các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Bộ Công an cho phép cơ quan, tổ chức được tiến hành các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh đối với các hoạt động sau:
a) Nghiên cứu, vận chuyển các chất ma túy quy định tại các Danh mục chất ma túy do Chính phủ quy định;
b) Sản xuất chất ma túy, tiền chất quy định tại các Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định;
c) Nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, tiền chất quy định tại các Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định (trừ tiền chất do Bộ Quốc phòng cho phép quy định tại khoản 2 của Điều này);
d) Nhập khẩu mẫu chất ma túy quy định tại khoản 5 của Điều này.
2. Bộ Quốc phòng cho phép các cơ quan, tổ chức được tiến hành hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, mua bán, sử dụng tiền chất theo quy định tại Danh mục tiền chất do Chính phủ quy định (trừ tiền chất do Bộ Công an, Bộ Y tế quản lý và cho phép).
3. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giao cho cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và quyết định việc cho phép các hoạt động tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này (sau đây gọi là cơ quan cấp phép).
4. Cơ quan, tổ chức tiến hành các hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này phải là các cơ quan, tổ chức được Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chỉ định và cấp phép (sau đây gọi là đơn vị).
5. Các đơn vị được nhập khẩu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi chung là mẫu chất ma túy):
a) Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu mẫu chất ma túy;
b) Các đơn vị được quản lý, sử dụng mẫu chất ma túy bao gồm:
Đơn vị chức năng thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học, hình sự của Bộ Công an để giám định, huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy và truy nguyên nguồn gốc ma túy;
Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quan và các cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy;
Các đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ để phát hiện ma túy thuộc Bộ Công an (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động), Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an để huấn luyện động vật nghiệp vụ.
Điều 24. Kiểm soát hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Các đơn vị có hoạt động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 23 của Nghị định này gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép về cơ quan cấp phép của Bộ Công an.
2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép và các điều kiện, tiêu chuẩn cho phép nghiên cứu, sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Nghị định này. Đối với các đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân theo quy định tại khoản 4 Điều 23 của Nghị định này khi được chỉ định tiến hành hoạt động nghiên cứu chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh được loại trừ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của cơ quan nghiên cứu.
3. Các đơn vị được phép nghiên cứu, sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về hoạt động và chịu sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng theo quy định tại Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.
4. Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục giám định chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 25. Kiểm soát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Các đơn vị có hoạt động quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 23 của Nghị định này gửi hồ sơ đề nghị cấp phép về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép và các điều kiện, tiêu chuẩn cho phép nhập khẩu, xuất khẩu và vận chuyển chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định tại Điều 17, Điều 20 của Nghị định này. Tùy từng trường hợp, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định loại trừ một số điều kiện, tiêu chuẩn và tài liệu cụ thể ít hoặc không liên quan đến hoạt động quốc phòng, an ninh hoặc trường hợp đáp ứng yêu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh.
3. Cơ quan cấp phép thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là đơn vị tiếp nhận hồ sơ, xem xét, đánh giá và tổ chức các hoạt động thẩm định, cấp giấy phép và theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh của các đơn vị được cấp phép theo quy định.
4. Các đơn vị được phép nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển và chịu sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng theo quy định tại Điều này, Điều 17, Điều 20 của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 26. Quy định về hoạt động bảo quản, tồn trữ, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Đơn vị được tiến hành các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh được quy định tại Điều 23 của Nghị định này có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các hoạt động bảo quản, tồn trữ, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất trong cơ quan đảm bảo tuyệt đối an toàn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nhầm lẫn, thất thoát các chất đó;
b) Chấp hành việc theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với các hoạt động bảo quản, tồn trữ, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất tại cơ quan, đơn vị.
2. Đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành có liên quan tiến hành theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo quản, tồn trữ, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh đối với các đơn vị theo quy định tại khoản 1 của Điều này.
Điều 27. Quy định việc nhập khẩu mẫu, lấy mẫu chất ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Nguồn mẫu chất ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh bao gồm:
a) Mẫu chất ma túy từ nguồn nhập khẩu;
b) Mẫu chất ma túy là vật chứng từ các vụ án về tội phạm ma túy;
c) Mẫu chất ma túy là sản phẩm từ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh phục vụ công tác giám định, huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy và mẫu nguồn hơi chất ma túy huấn luyện động vật nghiệp vụ.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu mẫu chất ma túy bao gồm:
a) Văn bản chứng minh nguồn kinh phí hợp pháp;
b) Kế hoạch dự trù đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
c) Văn bản thông báo hàng viện trợ (nếu là hàng viện trợ);
d) Công văn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu của Viện Khoa học hình sự.
3. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu mẫu chất ma túy
a) Căn cứ vào dự trù nhu cầu sử dụng mẫu chất ma túy đã được Bộ Công an phê duyệt, Viện Khoa học hình sự lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu gửi cơ quan cấp phép thẩm định;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp phép có trách nhiệm thẩm định và cấp giấy phép nhập khẩu;
Giấy phép nhập khẩu mẫu chất ma túy được làm thành 05 bộ (mỗi bộ gồm 01 bản tiếng Việt và 01 bản tiếng Anh) gửi cho Viện Khoa học hình sự (02 bộ); Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và lưu tại cơ quan cấp phép mỗi nơi 01 bộ;
c) Sau khi được cấp Giấy phép nhập khẩu, Viện Khoa học hình sự tiến hành các thủ tục nhập khẩu: Ký hợp đồng với đối tác được phê duyệt ủy thác nhập khẩu (trường hợp được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Tài chính cho mua để sử dụng); phối hợp với đại diện đối tác viện trợ làm thủ tục nhập khẩu (nếu có).
4. Lấy mẫu chất ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
a) Việc lấy mẫu chất ma túy theo quy định tại điểm b khoản 1 của Điều này để trưng cầu giám định phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tội phạm ma túy thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
b) Hằng năm hoặc khi có nhu cầu bổ sung mẫu chất ma túy phục vụ công tác giám định, huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy và huấn luyện động vật nghiệp vụ, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt kế hoạch lấy mẫu chất ma túy là sản phẩm từ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh. Các đơn vị được phép tiến hành các hoạt động sản xuất, nhập khẩu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 23 của Nghị định này có trách nhiệm bàn giao mẫu chất ma túy về Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an theo kế hoạch được phê duyệt.
Điều 28. Quy định việc bảo quản, phân phối, sử dụng mẫu chất ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Mẫu chất ma túy phải được lưu trữ và bảo quản tại các kho lưu mẫu chất ma túy quốc gia và kho lưu mẫu chất ma túy trung gian.
a) Kho lưu mẫu chất ma túy quốc gia là nơi tiếp nhận mẫu theo các nguồn quy định tại khoản 1 Điều 27 của Nghị định này do Trung tâm giám định ma túy thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an trực tiếp quản lý, bảo quản và phân phối cho các cơ quan được sử dụng theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 23 của Nghị định này;
b) Kho lưu mẫu chất ma túy trung gian tại các cơ quan theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 23 của Nghị định này, bao gồm:
– Kho lưu mẫu chất ma túy trung gian tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là nơi tiếp nhận mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an do Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp quản lý và thực hiện giám định, huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy và truy nguyên nguồn gốc ma túy;
– Kho lưu mẫu chất ma túy trung gian tại Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) là nơi tiếp nhận mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an do cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và các cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống ma túy, huấn luyện động vật nghiệp vụ chuyên khoa phát hiện ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam, Tổng cục Hải quan trực tiếp quản lý, sử dụng để đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy;
– Kho lưu mẫu chất ma túy trung gian tại các cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an là nơi tiếp nhận và trực tiếp quản lý mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để sử dụng huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy;
– Kho lưu mẫu chất ma túy trung gian tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động là nơi tiếp nhận mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an do đơn vị Hướng dẫn huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ trực tiếp quản lý, sử dụng để huấn luyện động vật nghiệp vụ.
2. Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an tổ chức phân phối, bàn giao mẫu chất ma túy theo kế hoạch được phê duyệt, tiếp nhận mẫu chất ma túy không còn sử dụng của các đơn vị, tiến hành theo dõi, kiểm tra việc sử dụng tại các đơn vị và đánh giá chất lượng mẫu chất ma túy còn tồn trữ tại kho lưu mẫu chất ma túy trung gian để đề xuất xử lý theo quy định tại Điều 29 của Nghị định này.
3. Các đơn vị sử dụng khi không còn nhu cầu sử dụng mẫu chất ma túy phải bàn giao lại cho Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.
4. Các đơn vị được tiến hành các hoạt động theo quy định tại khoản 1 của Điều này có trách nhiệm thực hiện các quy định về hoạt động bảo quản, phân phối, sử dụng mẫu chất ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 26 của Nghị định này.
Điều 29. Quy định về xử lý mẫu chất ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Định kỳ hằng năm, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng mẫu chất ma túy còn tồn trữ tại các kho lưu mẫu chất ma túy trung gian và tự kiểm tra, đánh giá chất lượng mẫu chất ma túy còn tồn trữ tại kho lưu trữ mẫu chất ma túy quốc gia.
2. Trường hợp bị nhầm lẫn hoặc thất thoát mẫu chất ma túy, các đơn vị phải báo cáo ngay với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Khi nhận được báo cáo, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp phải tiến hành ngay việc thẩm tra, xác minh để có biện pháp xử lý thích hợp và gửi báo cáo về Bộ Công an (qua Viện Khoa học hình sự).
3. Khi mẫu chất ma túy tồn trữ nhiều hoặc bị giảm chất lượng sau khi đã sử dụng hoặc bị biến đổi do thời hạn bảo quản thì Viện trưởng Viện Khoa học hình sự phải có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an về tình trạng mẫu (ghi rõ tên, số lượng, nồng độ, hàm lượng, lý do và phương pháp xử lý) để xem xét và thành lập Hội đồng tiêu hủy.
4. Hội đồng tiêu hủy mẫu chất ma túy bao gồm: Lãnh đạo Viện Khoa học hình sự là Chủ tịch Hội đồng, thành viên gồm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, người phụ trách kho lưu trữ mẫu quốc gia và Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự là Ủy viên thư ký.
5. Trình tự, thủ tục tiêu hủy mẫu chất ma túy thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự về tiêu hủy vật chứng và phải lập biên bản, chụp ảnh, lưu hồ sơ theo quy định tại Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.
Điều 30. Lập dự trù, hồ sơ, chế độ báo cáo và kinh phí thực hiện việc nhập khẩu, lấy mẫu chất ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Định kỳ hằng năm, các đơn vị được quy định tại điểm b khoản 5 Điều 23 của Nghị định này lập dự trù và gửi đăng ký số lượng mẫu chất ma túy về Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an trước ngày 15 tháng 01 để tổng hợp, đối chiếu số lượng tồn trữ và đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt kế hoạch dự trù, phân phối mẫu chất ma túy và kế hoạch nhập khẩu, lấy mẫu chất ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh.
2. Đơn vị sử dụng mẫu chất ma túy phải mở sổ theo dõi việc sử dụng. Viện Khoa học hình sự mở sổ theo dõi nhập, xuất kho, giao nhận và sử dụng tại đơn vị và thực hiện chế độ báo cáo, thống kê theo quy định của Bộ Công an. Các tài liệu liên quan phải được lưu giữ, quản lý theo quy định.
a) Đối với mẫu chất ma túy phục vụ truy nguyên nguồn gốc phải thực hiện theo đúng quy định về giám định truy nguyên nguồn gốc. Lập biên bản hoặc sổ ghi đầy đủ quá trình sử dụng mẫu có chữ ký xác nhận của người tham gia phân tích mẫu và lãnh đạo quản lý trực tiếp;
b) Các phòng thí nghiệm giám định sử dụng mẫu chuẩn phục vụ giám định phải mở sổ theo dõi quá trình sử dụng mẫu có chữ ký xác nhận của người tham gia phân tích mẫu và lãnh đạo quản lý trực tiếp;
c) Các đơn vị sử dụng mẫu phục vụ huấn luyện nghiệp vụ, đào tạo, huấn luyện động vật nghiệp vụ phải lập biên bản ghi lại tình trạng và các quá trình sử dụng mẫu có chữ ký xác nhận của người trực tiếp sử dụng mẫu và lãnh đạo quản lý trực tiếp.
3. Định kỳ (6 tháng/01 năm) các đơn vị sử dụng báo cáo tình hình sử dụng mẫu chất ma túy về Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an trước ngày 15 tháng 7 (số liệu tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo) và ngày 15 tháng 01 hàng năm (tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo). Viện Khoa học hình sự tổng hợp kết quả nhập khẩu, lấy mẫu, phân phối, sử dụng, tiêu hủy và tồn kho mẫu chất ma túy gửi báo cáo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao.
4. Kinh phí thực hiện việc nhập khẩu, lấy mẫu, xử lý mẫu chất ma túy chi từ ngân sách nhà nước thường xuyên của Bộ Công an. Kinh phí đảm bảo các điều kiện bảo quản mẫu chất ma túy chi từ ngân sách nhà nước thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương.
Điều 31. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm
1. Các đơn vị có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền và tổng hợp báo cáo về Bộ Công an.
2. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát và đề xuất xử lý hoặc xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
Mục 4. LẬP HỒ SƠ VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Phòng, chống ma túy phải lập hồ sơ theo quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành, trong đó phải đảm bảo bao gồm các nội dung sau:
a) Cơ quan, tổ chức có hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất phải lưu trữ số liệu theo dõi số lượng, chất lượng, thời hạn sử dụng, quy trình sản xuất; số liệu về xuất, nhập, tồn kho; phiếu xuất, nhập kho;
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập phải lưu trữ số liệu nhập, xuất, tồn kho và hóa đơn, chứng từ, tài liệu có liên quan đối với từng chất theo danh mục tại Nghị định quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất của Chính phủ.
2. Hồ sơ, chứng từ phải lưu giữ trong thời hạn theo quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành. Hết thời hạn lưu giữ sổ sách, chứng từ, thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm lập Hội đồng để tiến hành hủy sổ sách, chứng từ đó và phải lập biên bản.
1. Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của lĩnh vực quản lý trên phạm vi toàn quốc và thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng (số liệu tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo)/1 năm (số liệu tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo) gửi Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trên phạm vi toàn quốc (số lượng thực tế, số vụ việc vi phạm, hình thức xử lý và các thông tin khác có liên quan) và thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng (số liệu tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo)/1 năm (số liệu tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo) gửi Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đều phải báo cáo khẩn tới cơ quan quản lý trực tiếp trong trường hợp có sự nhầm lẫn, ngộ độc, bị thất thoát các chất này.
4. Khi chất ma túy, tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất không thuộc quy định của Điều 21 Luật Phòng, chống ma túy cần xử lý thì đơn vị quản lý phải báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp, ghi rõ lý do, phương pháp xử lý. Việc xử lý chỉ được thực hiện khi cơ quan cấp trên có thẩm quyền phê duyệt bằng văn bản. Thủ trưởng đơn vị phải thành lập hội đồng xử lý và lập biên bản xử lý, báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và gửi Bộ Công an để theo dõi, quản lý.
1. Cơ quan, tổ chức có nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu đối với chất ma túy, tiền chất thuộc danh mục phải dự trù theo quy định của các Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy, hằng năm gửi đăng ký dự trù nhu cầu về cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ quản lý chuyên ngành.
2. Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp dự trù nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, tiền chất quy định tại khoản 1 của Điều này theo mẫu dự trù của Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế Liên hợp quốc và gửi Bộ Công an trước ngày 31 tháng 3 hằng năm. Trường hợp nhu cầu vượt quá dự trù hoặc có thay đổi khác, các bộ thông báo bằng văn bản về Bộ Công an để thực hiện đăng ký bổ sung trước ngày 31 tháng 5 và trước ngày 30 tháng 9 của năm đăng ký.
3. Bộ Công an tổng hợp, rà soát, đối chiếu nhu cầu và kết quả nhập khẩu, xuất khẩu của năm trước, thực hiện việc đăng ký nhu cầu với Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế Liên hợp quốc và theo dõi, thực hiện thông báo tiền xuất khẩu với các nước theo quy định; đồng thời gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để phối hợp theo dõi.
Mục 5. PHỐI HỢP KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY
Điều 35. Nội dung và cơ chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy
1. Phối hợp kiểm soát các hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
a) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiên cứu, sản xuất, vận chuyển chất ma túy, tiền chất theo quy định;
b) Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra cơ quan chức năng của các địa phương tiến hành kiểm soát hoạt động bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất của các đơn vị có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập;
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện kiểm soát các hoạt động vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất tại địa phương.
2. Phối hợp kiểm soát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
a) Phối hợp kiểm soát trong thông báo tiền xuất khẩu đối với hoạt động nhập khẩu các tiền chất từ nước ngoài vào Việt Nam (áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu từ các nước tham gia Điều 12 Công ước năm 1988 của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần):
Trên cơ sở giấy phép nhập khẩu do các bộ chức năng cấp gửi đến Bộ Công an hoặc thông tin giấy phép nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong thời hạn chậm nhất là 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của nước xuất khẩu, Bộ Công an có trách nhiệm trả lời nước xuất khẩu về tính hợp pháp của lô hàng. Trong trường hợp Bộ Công an không nhận được giấy phép nhập khẩu đối với lô hàng được thông báo, Bộ Công an có trách nhiệm đề nghị nước xuất khẩu tạm dừng việc xuất khẩu lô hàng sang Việt Nam và gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để theo dõi;
b) Phối hợp kiểm soát trong thông báo tiền xuất khẩu đối với hoạt động xuất khẩu tiền chất từ Việt Nam ra nước ngoài (áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sang các nước tham gia Điều 12 Công ước năm 1988 của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần), bao gồm cả dạng đơn chất và dạng phối hợp;
Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có trách nhiệm gửi Bộ Công an những thông tin về tên, địa chỉ tổ chức đề nghị cấp phép xuất khẩu; tên gọi, hàm lượng, số lượng tiền chất; tên, địa chỉ tổ chức nhập khẩu; tên cửa khẩu có hàng xuất khẩu đi qua để ra thông báo tiền xuất khẩu đối với lô hàng cho cơ quan chức năng của nước nhập khẩu.
Trong thời hạn chậm nhất là 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin của cơ quan có thẩm quyền cấp phép, Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện thông báo tiền xuất khẩu đối với lô hàng đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu. Trong thời hạn chậm nhất là 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi của cơ quan chức năng nước nhập khẩu, Bộ Công an có trách nhiệm trả lời cơ quan cấp phép để quyết định cấp giấy phép hoặc không cấp giấy phép theo thẩm quyền và gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để theo dõi;
c) Phối hợp kiểm soát hoạt động nhập khẩu chất ma túy, tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc từ nước ngoài vào Việt Nam;
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) về số lượng nhập khẩu thực tế đối với các chất ma túy, tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc theo quy định tại khoản 2 Điều 33 của Nghị định này, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng tổ chức đánh giá kết quả nhập khẩu của năm và nhu cầu nhập khẩu các chất ma túy, tiền chất của năm tiếp theo để tổng hợp thông báo kết quả nhập khẩu, đăng ký dự trù với Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế Liên hợp quốc theo quy định.
d) Phối hợp kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc;
Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập đối với chất ma túy, tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, Bộ Công Thương có trách nhiệm gửi Bộ Công an các thông tin về tên, địa chỉ doanh nghiệp đề nghị cấp phép; tên gọi, số lượng, hàm lượng chất ma túy, tiền chất; tên, địa chỉ tổ chức nhập khẩu, xuất khẩu; thời gian và tên cửa khẩu có hàng tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập đi qua để thực hiện thông báo tiền xuất khẩu;
Trong thời hạn chậm nhất là 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin yêu cầu của Bộ Công Thương, Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện thông báo tiền xuất khẩu đối với lô hàng xin cấp giấy phép. Trong thời hạn chậm nhất là 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi của nước nhập khẩu, Bộ Công an có trách nhiệm trả lời cơ quan cấp phép để quyết định cấp giấy phép hoặc không cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập theo thẩm quyền và gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để theo dõi;
đ) Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao thực hiện việc cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất, trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép, cơ quan cấp phép có trách nhiệm gửi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh và gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công an để theo dõi, quản lý.
4. Phối hợp trao đổi thông tin về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
a) Bộ Công an là cơ quan đầu mối trao đổi thông tin về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Quốc phòng, các địa phương, các nước liên quan và Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế Liên hợp quốc thông qua Trung tâm Dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy (sau đây gọi tắt là Trung tâm dữ liệu) đặt tại Bộ Công an.
Trung tâm dữ liệu do Cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an trực tiếp quản lý, vận hành, truy cập, cập nhật, khai thác, xử lý và trao đổi thông tin với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Quốc phòng, các địa phương, các nước liên quan và Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế Liên hợp quốc bằng phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu về phòng, chống ma túy;
Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tài khoản và mật khẩu riêng của phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu về phòng, chống ma túy do Bộ Công an cung cấp để truy cập, cập nhật, khai thác và trao đổi thông tin tại Trung tâm dữ liệu, trừ những thông tin nghiệp vụ do Bộ Công an quy định;
Trường hợp cần thông tin, tài liệu không thuộc phạm vi Trung tâm dữ liệu để phục vụ công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, cơ quan phối hợp có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan đề nghị. Nếu từ chối cung cấp thông tin, tài liệu cơ quan được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.
b) Bộ Công an có trách nhiệm thông báo cho các bộ, ngành và các địa phương liên quan thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và những thông tin khác có liên quan trong quá trình kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để các bộ, ngành và các địa phương có biện pháp chủ động ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả;
c) Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:
Thu thập, quản lý thông tin về các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao;
Cung cấp những thông tin cần thiết có liên quan đến công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cho Trung tâm dữ liệu thông qua việc truy cập và cập nhật dữ liệu bằng phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu về phòng, chống ma túy; riêng đối với giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất gửi kèm theo bản chính;
Kịp thời trao đổi, thông tin với Bộ Công an để có biện pháp phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm khi nhận được nguồn tin, tài liệu hoặc phát hiện những sai phạm trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
d) Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đảm bảo kết nối dữ liệu và vận hành của Trung tâm dữ liệu với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cung cấp tài khoản và mật khẩu riêng cho Trung tâm dữ liệu để truy cập, cập nhật, khai thác và trao đổi thông tin về giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh tại Cổng thông tin một cửa quốc gia.
đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên trao đổi thông tin với nhau về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại địa phương.
5. Phối hợp theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy
a) Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Quốc phòng hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân và địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động đó nhằm mục đích bất hợp pháp;
b) Các bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật theo thẩm quyền, chuyển Bộ Công an điều tra, xử lý những vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự;
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động đó nhằm mục đích bất hợp pháp. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật theo thẩm quyền, chuyển Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều tra, xử lý những vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự.
Điều 36. Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy các cấp
1. Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cấp trung ương.
a) Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cấp trung ương do Bộ Công an thành lập, quyết định ban hành quy chế và chỉ đạo hoạt động của Tổ;
b) Nhiệm vụ của Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cấp trung ương: Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động đó nhằm mục đích bất hợp pháp. Phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
a) Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy các tỉnh, thành phố do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập và quyết định ban hành quy chế, chỉ đạo hoạt động;
b) Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ: Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, theo dõi, kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động đó vào mục đích bất hợp pháp. Phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
QUẢN LÝ NGƯỜI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY
Đối tượng bị quản lý là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy.
Điều 38. Căn cứ xét nghiệm người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy
1. Một người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Tin báo, tố giác của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh, làm rõ;
b) Thông tin, tài liệu trong các vụ vi phạm pháp luật;
c) Người có biểu hiện mất năng lực nhận thức hoặc kiểm soát hành vi nghi do sử dụng ma túy;
d) Trên người, phương tiện, nơi ở của người đó có dấu vết của chất ma túy hoặc dụng cụ, phương tiện sử dụng trái phép chất ma túy;
đ) Người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng chất kích thích nghi là ma túy;
e) Người có mặt tại các địa điểm có hành vi tổ chức, chứa chấp hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nhưng không có lý do chính đáng.
g) Người tự khai báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
h) Người bị phát hiện quả tang sử dụng trái phép chất ma túy;
i) Những căn cứ khác theo quy định của pháp luật.
2. Khi có căn cứ cho rằng người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại khoản 1 Điều này thì cơ quan, người có thẩm quyền xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật Phòng, chống ma túy tiến hành xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể thực hiện theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
Điều 39. Kinh phí cho việc thực hiện biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
1. Kinh phí cho việc tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định này gồm:
a) Chi phí công cụ xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể;
b) Chi phí đưa người bị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể tới nơi thực hiện xét nghiệm;
c) Chi phí đề nghị cơ quan chuyên môn thực hiện xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (nếu có).
2. Kinh phí cho việc xác định tình trạng nghiện khi phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy thuộc trường hợp phải xác định tình trạng nghiện theo quy định tại khoản 8 Điều 27 của Luật Phòng, chống ma túy gồm:
a) Chi phí đưa người bị đề nghị xác định tình trạng nghiện đến nơi thực hiện xác định tình trạng nghiện và chi phí ăn, ở của người bị đề nghị xác định tình trạng nghiện trong thời gian theo dõi để xác định tình trạng nghiện (trừ trường hợp người bị tạm giữ để xác định tình trạng nghiện);
b) Chi phí đề nghị cơ sở y tế tiến hành xác định tình trạng nghiện.
3. Kinh phí trong quá trình quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy gồm:
a) Chi phí cho việc chuyển giao người sử dụng trái phép chất ma túy và hồ sơ liên quan về Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quản lý;
b) Chi phí hỗ trợ cho người không thuộc trường hợp hưởng lương từ ngân sách nhưng được phân công trực tiếp giúp đỡ người đang trong thời hạn quản lý quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 Nghị định này;
4. Các khoản kinh phí quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho các cơ quan chức năng thực hiện các công việc quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
5. Mức hỗ trợ người được phân công giúp đỡ quy định tại điểm b khoản 3 Điều này do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng không thấp hơn 25% mức lương cơ sở.
Điều 40. Thu thập thông tin, tài liệu để lập Hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
1. Khi có kết quả xét nghiệm quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định này là dương tính thì cơ quan Công an nơi phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm:
a) Thực hiện xác minh nơi cư trú của người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 41 Nghị định này;
b) Gửi thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú hoặc nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và lập Hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
2. Hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy bao gồm các tài liệu sau đây:
a) Quyết định áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản tóm tắt lý lịch người sử dụng trái phép chất ma túy theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; kết quả xác minh nơi cư trú của người sử dụng trái phép chất ma túy;
c) Phiếu kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Tài liệu, biên bản về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; tài liệu về những lần sử dụng trái phép chất ma túy trước đây hoặc cai nghiện của người vi phạm (nếu có);
đ) Bản tường trình của người sử dụng trái phép chất ma túy theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
e) Trường hợp người đó thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Phòng, chống ma túy thì phải có kết quả xác định tình trạng không nghiện ma túy của đối tượng.
3. Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thu thập tài liệu để lập Hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Điều 41. Xác minh nơi cư trú và gửi hồ sơ
1. Trong thời hạn tối đa không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, cơ quan Công an nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm xác minh nơi cư trú của người sử dụng trái phép chất ma túy.
Đối với các địa bàn là vùng miền núi, hải đảo, vùng xa xôi, hẻo lánh mà việc đi lại gặp khó khăn thì thời hạn xác minh nơi cư trú có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
2. Tiêu chí xác định người có nơi cư trú ổn định:
a) Người có nơi cư trú ổn định là người hiện đang sinh sống tại nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú;
b) Trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú, tạm trú thì nơi cư trú ổn định là nơi ở hiện tại theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Cư trú và thời gian thường xuyên sinh sống từ 30 ngày trở lên, có xác nhận của Trưởng Công an cấp xã.
3. Tiêu chí xác định người không có nơi cư trú ổn định:
a) Người có đăng ký thường trú hoặc tạm trú nhưng không sinh sống tại nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú, có xác nhận của Trưởng Công an cấp xã nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú về việc người đó không sinh sống ở nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú và không biết người đó đang ở đâu;
b) Thành viên gia đình theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng không biết người đó hiện nay đang ở đâu, làm gì và cơ quan Công an tra cứu dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, hệ thống tàng thư hồ sơ cư trú, tàng thư căn cước công dân cũng không xác định được người đó đang ở đâu;
c) Người không có cả nơi thường trú, tạm trú và thời gian sinh sống ở nơi ở hiện tại dưới 30 ngày.
4. Việc xác minh nơi cư trú và trả lời xác minh về cư trú thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú và hướng dẫn của Bộ Công an.
5. Trường hợp người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xác minh, cơ quan Công an nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và gửi các tài liệu liên quan cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú ổn định.
6. Trường hợp người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xác minh, cơ quan Công an nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và các tài liệu liên quan cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Điều 42. Quyết định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú ổn định hoặc nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đối với người không có nơi cư trú ổn định ra quyết định và tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy.
2. Quyết định áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, trong đó nêu rõ:
a) Tóm tắt hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; kết quả xét nghiệm dương tính với chất ma túy trong cơ thể; kết quả xác định tình trạng nghiện là không nghiện (nếu có);
b) Phân công Công an cấp xã lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy quản lý tại địa phương và tổ chức thực hiện việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể trong thời hạn quản lý;
c) Phân công Tổ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy do cán bộ Công an cấp xã làm Tổ trưởng; đại diện thôn/tổ dân phố làm Tổ phó; đại diện gia đình của người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc người uy tín trong dòng họ, đại diện tổ chức chính trị – xã hội (căn cứ vào nhân thân của người sử dụng trái phép chất ma túy) và nhân viên công tác xã hội (nếu có) làm tổ viên; phân công một thành viên Tổ quản lý trực tiếp thực hiện các nội dung tư vấn, động viên, giáo dục, giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy.
3. Quyết định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy có hiệu lực từ ngày ký.
4. Quyết định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được lưu tại hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy 01 bản, gửi cho người được quản lý 01 bản, gửi Công an cấp xã là tổ trưởng 01 bản, gửi 01 bản đến đại diện gia đình để tham gia quản lý.
Điều 43. Thời hạn quản lý và cách tính thời hạn quản lý
1. Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 01 năm, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra Quyết định quản lý.
2. Trong thời hạn quản lý, nếu người đang có quyết định quản lý bị phát hiện tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền ra Quyết định quản lý mới, trong đó xác định lại thời hạn quản lý là 01 năm, kể từ ngày ra Quyết định quản lý mới.
3. Trường hợp người đang trong thời hạn quản lý chuyển nơi cư trú thì thời hạn quản lý được tính tiếp từ ngày chuyển đi tới khi hết thời gian quản lý còn lại.
1. Mục đích quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là để họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ.
2. Nội dung quản lý:
a) Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể của người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý;
b) Tư vấn về tâm lý, thay đổi thái độ của người sử dụng trái phép chất ma túy để họ có thái độ tích cực, chủ động tránh xa ma túy;
c) Giáo dục về pháp luật phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy, các nội dung khác tùy theo đặc điểm nhân thân;
d) Động viên, giúp đỡ để người sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động tự quản, hoạt động thể dục, thể thao, các phong trào giúp ích cho xã hội để nâng cao sức khỏe, kỹ năng sống, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
3. Đối với người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi thì phải đảm bảo việc học văn hóa và những người được phân công tư vấn, động viên, giáo dục, giúp đỡ phải có sự tham gia của giáo viên nơi người đó đang học hoặc đội thiếu niên tiền phong, đoàn thanh niên.
Điều 45. Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể trong thời hạn quản lý
1. Công an cấp xã nơi quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hoặc đề nghị cơ quan, người có chuyên môn thực hiện việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể của người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời hạn quản lý.
2. Việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể được tiến hành đột xuất đối với người đang trong thời hạn quản lý khi Cơ quan Công an cấp xã có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định này.
Điều 46. Quy định về việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể
1. Đối với người thuộc trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể thì cơ quan, người có thẩm quyền xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể mời người đó đến địa điểm xét nghiệm để thực hiện việc xét nghiệm.
Trường hợp người đó không hợp tác thực hiện xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể thì Cơ quan Công an triệu tập người đó đến địa điểm xét nghiệm để lấy mẫu xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể. Người thuộc trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể phải có mặt khi được Cơ quan Công an yêu cầu.
2. Hình thức lấy mẫu xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể là lấy máu, lấy nước tiểu, thông tiểu hoặc lấy các mẫu vật khác trên cơ thể.
3. Các buồng chờ xét nghiệm và nơi lấy mẫu phải chia khu vực dành cho nam riêng, nữ riêng. Nơi không có buồng chờ riêng thì bố trí cho nam, nữ đứng riêng và nơi lấy mẫu phải có buồng nam, nữ riêng.
Việc lấy mẫu nước tiểu phải có cán bộ cùng giới giám sát.
4. Trường hợp lấy mẫu xét nghiệm người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp lấy mẫu nước tiểu.
Điều 47. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp chuyển đi khỏi nơi cư trú
1. Ít nhất 01 lần trong tháng, Công an cấp xã nơi quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy phải kiểm tra, cập nhật nơi cư trú của người đang trong thời hạn quản lý.
2. Khi người sử dụng trái phép chất ma túy thay đổi nơi cư trú thì Công an cấp xã nơi chuyển đến phối hợp với Công an cấp xã nơi đang quản lý để kiểm tra, xác minh thông tin. Sau khi xác minh, Công an cấp xã nơi đang quản lý thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang quản lý biết.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người đó chuyển đến nơi cư trú mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chuyển đi thông báo và chuyển hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chuyển đến tiếp tục quản lý.
3. Công an cấp xã có trách nhiệm thường xuyên cập nhật nơi cư trú của người sử dụng trái phép chất ma túy vào cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều 48. Dừng, chấm dứt quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang quản lý ra Quyết định dừng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy đối với các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý ra Quyết định chấm dứt quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp hết thời hạn quản lý mà không phát hiện người bị quản lý có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Quyết định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 42 Nghị định này.
Điều 49. Công tác quản lý và lưu trữ hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Cơ quan Công an cấp xã nơi lập hồ sơ chịu trách nhiệm quản lý, lưu trữ hồ sơ của người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Bộ Công an.
1. Chỉ đạo cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan thực hiện các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm về ma túy.
2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
a) Tổng hợp kế hoạch, kết quả thực hiện kế hoạch tổng thể dài hạn và hằng năm về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
b) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trong phạm vi lĩnh vực và địa bàn quản lý nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động đó vào mục đích bất hợp pháp;
3. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Công an về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh.
4. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế, kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện thống kê nhà nước về nhập khẩu mẫu, lấy mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy.
5. Chỉ đạo cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thực hiện nhiệm vụ cho phép các hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 14, khoản 1 Điều 19 và khoản 1 Điều 23 của Nghị định này; thực hiện thống kê nhà nước, hợp tác quốc tế về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý, vận hành Trung tâm Dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; thường trực thực hiện nhiệm vụ của Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cấp trung ương và hướng dẫn, kiểm tra Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định này.
6. Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan phát hiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
7. Hướng dẫn Công an cấp xã lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy.
1. Chỉ đạo cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa; ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam; kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm về ma túy xảy ra ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Cảnh sát biển, Hải quan trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy.
2. Chỉ đạo cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Cảnh sát Biển Việt Nam chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm về ma túy trên biển; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an và chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các hoạt động phòng, ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy.
3. Cấp, thu hồi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất vì mục đích quốc phòng theo thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 23 và thực hiện quy định về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại Nghị định này.
4. Phối hợp với cơ quan hữu quan của nước khác để phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất qua biên giới theo quy định của pháp luật.
1. Chỉ đạo cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển trong kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm về ma túy trong địa bàn hoạt động của Hải quan.
2. Chủ trì, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán chi thường xuyên đảm bảo cho các hoạt động phối hợp, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vào dự toán chi ngân sách nhà nước thường xuyên của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Chỉ đạo cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan đối với các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất tái nhập, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất theo quy định của pháp luật Hải quan; thực hiện quy định về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại Nghị định này.
Thực hiện quy định về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại Nghị định này.
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghiên cứu, kiểm nghiệm, sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất công nghiệp theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Hóa chất và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Cấp, thu hồi giấy phép các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 19 và thực hiện quy định về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại Nghị định này.
Điều 55. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Thú y và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Ban hành danh mục thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất và danh mục chất ma túy, tiền chất là nguyên liệu làm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
3. Cấp, thu hồi giấy phép các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 14, khoản 3 Điều 19 và thực hiện quy định về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại Nghị định này.
Kinh phí thực hiện các hoạt động phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy do ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương theo quy định của pháp luật về Ngân sách nhà nước.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
2. Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:
a) Nghị định số ngày 05 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước;
đ) Quyết định số ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
1. Hồ sơ đề nghị cho phép nghiên cứu, sản xuất chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất đã tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục giải quyết theo quy định của Nghị định số ngày 05 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ có yêu cầu thực hiện theo quy định của Nghị định này.
2. Hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần qua lãnh thổ Việt Nam đã tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục giải quyết theo quy định của Nghị định số ngày 29 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức đã nộp hồ sơ có yêu cầu thực hiện theo quy định của Nghị định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
DANH MỤC BIỂU MẪU
(Kèm theo Nghị định số: 105/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
STT |
KÝ HIỆU |
TÊN BIỂU MẪU |
1. |
Mẫu số 01 |
Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu (xuất khẩu) |
2. |
Mẫu số 02A |
Giấy phép nhập khẩu (xuất khẩu) bản tiếng Việt |
3. |
Mẫu số 02B |
Giấy phép/Import (Export) Licences nhập khẩu (xuất khẩu) bản tiếng Anh |
4. |
Mẫu số 03 |
Phiếu kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể |
5. |
Mẫu số 04 |
Thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy |
6. |
Mẫu số 05 |
Bản tóm tắt lý lịch người sử dụng trái phép chất ma túy |
7. |
Mẫu số 06 |
Bản tường trình |
8. |
Mẫu số 07 |
Quyết định áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy |
9. |
Mẫu số 08 |
Thông báo về việc chuyển hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy |
10. |
Mẫu số 09 |
Quyết định dừng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy |
11. |
Mẫu số 10 |
Quyết định chấm dứt quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy |
…………………… 1 …………………… 2 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ………… |
……..3, ngày…. tháng…. năm……. |
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU (XUẤT KHẨU)……….. 4
Kính gửi: …………………………………………… 5
Tên doanh nghiệp: …………………………………………………………………………………………….. 2
Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số: ………………………………………………………………
Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh số: ………………………………………………………………
Do …………………..……………………….. 1 Cấp ngày: …………………………….………………………
Nơi đặt trụ sở chính: …………………………………………………………………………………………..
Số điện thoại: ………………………………..………… Số Fax: ……………………….…………………..
Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh: ………………………………………………………………………
Đề nghị ……………………….. 5 cấp giấy phép cho nhập khẩu (xuất khẩu) …….. 4 Mục đích nhập khẩu (xuất khẩu)6: ………………………………………
Tên, địa chỉ nơi sản xuất 4: ……………………………………………………………………………………
STT |
Tên thương mại/ Tên hóa học |
Mã CAS |
Mã HS |
ĐVT |
Số lượng |
Hàm lượng |
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
– Tên cửa khẩu làm thủ tục nhập khẩu (xuất khẩu): …………………………………………………..
– Phương tiện và điều kiện bảo đảm an toàn vận chuyển: ………………………………………….
– Thời gian và số lần thực hiện nhập (xuất) khẩu: ……………………………………………………..
– Hồ sơ kèm theo gồm (Các tài liệu theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số /NĐ-CP ngày tháng năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy):
|
GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP |
____________________
1 Cơ quan chủ quản (nơi cấp Quyết định thành lập doanh nghiệp).
2 Tên doanh nghiệp.
3 Địa danh nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
4 Chất ma túy, tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
5 Cơ quan cấp phép thuộc Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
6 Mục đích: sử dụng, kinh doanh, nghiên cứu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm và mục đích khác (nêu chi tiết).
…………………… 1 …………………… 2 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …../năm/GPNK-tên viết tắt3 |
Hà Nội, ngày…. tháng…. năm……. |
GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU (XUẤT KHẨU)………….. 4
Thủ trưởng ……………………………….. 2
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;
Căn cứ Nghị định số… /NĐ-CP ngày …tháng… năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;
Căn cứ Quyết định số:… ngày…tháng…năm … của …1 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của …2
Xét đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu (xuất khẩu)…4 tại hồ sơ số …… ngày…tháng…năm… của 5
Theo đề nghị của ……………………………………………………………………………………………… 6
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công ty……. 7 trụ sở tại: ……………… điện thoại: ……………, số fax: ……………., Giấy phép kinh doanh số: ………………………. do: …………………. cấp ngày …. tháng….. năm…… , được phép:
1. Nhập khẩu (xuất khẩu): …………………………………………………………………………………. 4
2. Mục đích nhập khẩu (xuất khẩu)8: ……………………………………………………………………..
3. Cửa khẩu nhập khẩu (xuất khẩu): ……………………………………………………………………..
4. Phương tiện và điều kiện vận chuyển: ……………………………………………………………….
5. Thời gian thực hiện nhập khẩu (xuất khẩu) dự kiến: ……………………………………………
6. Số lần thực hiện nhập khẩu (xuất khẩu): ……………………………………………………………
Điều 2. Công ty ……….. 7 có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Luật Phòng, chống ma túy; Nghị định số… /NĐ-CP ngày …tháng… năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và ….9
Điều 3. Giấy phép này có giá trị đến hết ngày…tháng… năm…./.
|
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP 2 |
Phụ lục
DANH MỤC
(Kèm theo Giấy phép số:… ngày… tháng…năm…)
STT |
Tên thương mại/ Tên hóa học |
Mã CAS |
Mã HS |
ĐVT |
Số lượng |
Hàm lượng |
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
____________________
1 Cơ quan chủ quản (Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
2 Cơ quan cấp phép.
3 Viết tắt của loại hàng nhập khẩu/xuất khẩu (chất ma túy gồm GN, HT; TC; TTY).
4 Chất ma túy (ghi rõ chất gây nghiện hoặc chất hướng thần), tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
5 Ghi theo số tiếp nhận của Cơ quan cấp phép.
6 Thủ trưởng đơn vị tiếp nhận, thẩm định trực tiếp được Cơ quan cấp phép giao nhiệm vụ.
7 Tên doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu.
8 Mục đích: sử dụng, kinh doanh, nghiên cứu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm và mục đích khác (nêu chi tiết).
9 Tên văn bản quy định khác có liên quan của cơ quan quản lý chuyên ngành (chất ma túy, tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất).
10 Cơ quan được giao nhiệm vụ đầu mối phối hợp kiểm soát.
11 Ghi rõ tên Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu (xuất khẩu).
…………………… 1 …………………… 2 |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Number: /Year/GPNK-abbreviations3 |
Ha Noi, date…… month….. year…… |
IMPORT (EXPORT) LICENSE……………. 4
Director/General of………………………………….. 2
Pursuant to the Law on Drug Prevention and Control of March 30, 2021;
Pursuant to the Government’s Decree No. /2021/ND-CP of…, 2021, detailing and guiding the implementation of a number of articles of the Law on Drug Prevention and Control
Pursuant to Decision No:… date…month…year… of… on defining functions, tasks, powers and organizational structure of…2
Consider the Application for an Import (Export) License…….. 4 in the application file No …….. date…month…year…of……………………. 5
At the proposal of the ………………………………………… 6
DECISION
Article 1. Company ……… 7head office at: …………………………….. telephone: ……………………, fax number: ………………………., The business license number: ……………. Issuing Office: ……………….. Issuing date……… month……….. year……… , allowed:
1. Import (Export): …………………………………………………………………………………………….. 4
2. Purpose8: ……………………………………………………………………………………………………….
3. Import (Export) border gate: ……………………………………………………………………………..
4. Means and conditions of transportation: …………………………………………………………….
5. Estimated time of import (export): ……………………………………………………………………..
6. Number of times made import (export): ……………………………………………………………...
Article 2. Company ……….. 7 is responsible for strictly complying with the provisions of the Law on Drug Prevention and Control; Decree No…. /ND-CP dated …month… 2021 of the Government detailing and guiding the implementation of a number of articles of the Law on Drug Prevention and Control and ….9
Article 3. This license is valid until the end of the day…month…year…./.
Recipients: |
HEAD OF LICENSING AGENCY 2 |
Annex
LIST OF SUBSTANCES
(Enclosed with License No:… date… month )
Number |
Tradenames/ Chemical name |
CAS number |
HS number |
Unit |
Quantity |
Content |
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
____________________
1 Managing agency (Ministry of Public Security, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Agriculture and Rural Development)
2 Licensing authorities
3 Abbreviation for import/export goods (drugs include GN, HT; TC; TTY)
4 Narcotic substances (specify narcotic or psychotropic substances), precursors, veterinary drugs containing narcotic substances, precursors
5 Record according to the receiving number of the Licensing Authority
6 The head of the receiving and appraising unit is assigned the task by the licensing agency
7 Name of enterprise applying for import license
8 Purpose: use, busmess, research, testing, testing and other purposes (specify)
9 Name of other relevant regulatory documents of specialized management agencies (narcotics, precursors, veterinary drugs containing narcotic substances, precursors).
…………………… 1 …………………… 2 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
……..3, ngày…. tháng…. năm……. |
Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể
Tóm tắt nội dung sự việc:
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
Để xác định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy,……….. 2 thực hiện xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với:
Họ và tên: …………………………………….. Giới tính: …………………………..
Tên gọi khác …………………………………………………………………………………………………………
Ngày, tháng, năm sinh: ………../………/………… Nơi sinh: ……………………………………………..
Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………………
Nơi thường trú/tạm trú: ………………………………………………………………………………………….
Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………………………
Số CMND/CCCD/Hộ chiếu: …………….. ; ngày cấp: …../…./….; nơi cấp: ………………………..
Dân tộc: …………….Tôn giáo: …………..Trình độ học vấn: …………………….
Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………………………….
Nơi làm việc/học tập: ……………………………………………………………………………………………
1. Người tiến hành xét nghiệm:…………..; chức vụ………… đơn vị ……………..4
2. Biện pháp xét nghiệm: ………………………………………………………………………………………
Các bước tiến hành: …………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
Kết quả:
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
3. Căn cứ vào kết quả trên, kết luận: …………………………………………………………………… 5;
□ Dương tính với chất ma túy trong cơ thể.
□ Âm tính với chất ma túy trong cơ thể.
Người tiến hành xét nghiệm |
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN2 |
___________________
1 Cơ quan chủ quản.
2 Cơ quan thực hiện xét nghiệm hoặc cơ quan của người thực hiện xét nghiệm theo khoản 2 Điều 22 Luật Phòng, chống ma túy.
3 Cấp xã nơi có trụ sở cơ quan lập phiếu.
4 Tên cơ quan của người tiến hành xét nghiệm.
5 Tên người bị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể.
…………………… 1 …………………… 2 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …../TB-…… |
…….., ngày…. tháng…. năm……. |
Về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy
Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân3 …………………………
…………………………… 2 thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người có tên sau đây:
Họ và tên: ………………………………………………………………………………4 Giới tính: ..….………..
Tên gọi khác: …………………………………………………………………………………………………………
Ngày, tháng, năm sinh: …../…../…… Nơi sinh: ……………………….……………………………………
Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………………..
Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………………………
Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………………………..
Số CMND/CCCD/Hộ chiếu: ………………; ngày cấp: …./…./……; nơi cấp:………..
Dân tộc: ……………………. Tôn giáo: ………….. Trình độ học vấn: …………………….
Nghề nghiệp: ………………………………………………………………………………………………………
Nơi làm việc/học tập: ……………………………………………………………………………………………
Nội dung thông báo: (Ghi rõ hành vi vi phạm, nơi thực hiện hành vi vi phạm; ghi rõ cơ quan tiến hành xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể)
…………………………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………………………….
Kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể của ………….. 4 là dương tính.
…………………… 2 thông báo để Chủ tịch Ủy ban nhân dân …………… 3 biết, thực hiện theo quy định./.
Nơi nhận: |
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN |
____________________
1 Cơ quan chủ quản.
2 Cơ quan gửi thông báo.
3 Nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú hoặc nơi phát hiện trong trường hợp không có nơi cư trú ổn định.
4 Người sử dụng trái phép chất ma túy.
…………………… 1 …………………… 2 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
…….., ngày…. tháng…. năm……. |
1. Họ và tên: …………………………………………………………………………………
2. Tên gọi khác: ……………………………………………………………………………..
3. Giới tính (Nam/Nữ): ……………………………………………………………………..
4. Ngày, tháng, năm sinh: …../…../……
5. Quê quán: …………………………………………………………………………………..
6. Nơi thường trú/tạm trú: ………………………………………………………………….
7. Nơi ở hiện tại: ……………………………………………………………………………..
8. Số CMND/CCCD: …………………..nơi cấp: …………ngày cấp……./……/……..
9. Dân tộc: Kinh: □ Khác: ……………….
10. Tôn giáo: Có: □ Không: □
11. Trình độ văn hóa:
+ Chưa đi học: □ + Tiểu học: □ + THCS: □
+ THPT: □ + Đại học, trung cấp, cao đẳng: □ + Sau đại học: □
12. Quốc tịch: ……………………………………………………………………………………………………..
13. Họ tên cha: ……………………………………………………………………………………………………
Số CMND/CCCD: …………………..nơi cấp: …………ngày cấp……./……/……..
14. Họ tên mẹ: …………………………………………………………………………………………………….
Số CMND/CCCD: …………………..nơi cấp: …………ngày cấp…….../……./……
15. Nghề nghiệp; nơi làm việc/học tập:
………………………………………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………………………………………….
16. Nhân thân:
+ Có tiền án các tội về ma túy: □
+ Bị xử lý vi phạm hành chính về ma túy: □
+ Có tiền án về tội phạm khác: □
+ Bị xử lý vi phạm hành chính khác: □
Các quyết định xử phạt, áp dụng biện pháp xử lý hành chính do sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy (số, ngày, tháng, cơ quan ban hành Quyết định, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý hành chính)
Lần 1: ………………………………………………………………………………………………………………..
Lần 2: ………………………………………………………………………………………………………………..
Lần 3: ………………………………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………………………………….
17. Có biểu hiện loạn thần (ngáo đá): Có: □ Không: □
18. Thời điểm người sử dụng trái phép chất ma túy khai nhận bắt đầu sử dụng trái phép chất ma túy:
………………………………………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………………………………………….
19. Thời điểm bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu tiên:
………………………………………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………………………………………….
20. Loại ma túy sử dụng
+ Thuốc phiện: □ + Cocain: □
+ Heroine: □ + Cần sa: □
+ Amphetamine/Methamphetamine: □ + Ketamine: □
+ Ma túy khác: □ + Sử dụng nhiều loại ma túy: □
21. Hình thức sử dụng ma túy.
+ Tiêm chích: □ + Hít: □
+ Uống: □ + Khác: □
+ Sử dụng nhiều hình thức: □
22. Đã từng cai nghiện:………………. (có/không). Nếu có, số lần cai nghiện:
+ 1 lần: □ + 2 lần: □ + 3 lần: □ + Từ 4 lần trở lên: □
Cụ thể (Ghi rõ địa điểm, hình thức, thời gian mỗi lần cai nghiện; số, ngày tháng, cơ quan ban hành Quyết định trong trường hợp cai nghiện bắt buộc):
………………………………………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………………………………………….
23. Tần suất sử dụng ma túy (theo ngày, tuần, tháng)
………………………………………………………………………………………………………………………….
24. Liều lượng ma túy mỗi lần sử dụng
………………………………………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………………………………………….
25. Thông tin liên hệ của người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc người đại diện:
Số điện thoại: ……………………………………………………………………………………………………..
Tài khoản mạng xã hội (nếu có): ……………………………………………………………………………
NGƯỜI LẬP BẢN TÓM TẮT LÝ LỊCH |
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
____________________
1 Tên cơ quan chủ quản.
2 Tên cơ quan lập bản tóm tắt lý lịch.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–
……. , ngày….. tháng … năm …….
Họ và tên: ……………………………………………………..……………. Giới tính: ………………………..
Tên gọi khác ………………………………………………………………………………………………………..
Ngày, tháng, năm sinh: ..…../….../…..... Nơi sinh: ………………………………………………………
Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………………
Nơi thường trú/tạm trú: ………………………………………………………………………………………….
Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………………………
Số CMND/CCCD/Hộ chiếu: ………………; ngày cấp: ……/……/……..; nơi cấp: …………………
Dân tộc: ……………………. Tôn giáo: ………….. Trình độ học vấn: …………………….……………
Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………………………….
Nơi làm việc/học tập: ……………………………………………………………………………………………..
Tường trình cụ thể về hành vi sử dụng ma túy của bản thân (quá trình sử dụng ma túy, hình thức sử dụng ma túy, tình trạng sử dụng ma túy, lý do sử dụng ma túy, thời điểm sử dụng ma túy lần cuối) ……………………………….
…………………………………………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………………………………………….
Đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do sử dụng trái phép chất ma túy (ghi rõ số lần (nếu đã bị áp dụng)); (trường hợp không bị áp dụng thì ghi là: không): …………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………….
Đã cai nghiện ma túy (ghi rõ nơi cai nghiện, số lần (nếu đã bị áp dụng); trường hợp không bị áp dụng thì ghi là: không):
……………………………………………………………………………………………………………………………..
|
NGƯỜI TƯỜNG TRÌNH |
…………………… …………………… 1 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……./QĐ-UBND |
……..1, ngày…. tháng…. năm……. |
Áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
CHỦ TỊCH UBND ……………………………………. 1
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;
Căn cứ Nghị định số ………./2021/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;
Xét đề nghị của Trưởng Công an…………………………………………………………………………. 1
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy với người có tên sau:
Họ và tên: …………………………………………….. Giới tính:………………….
Tên gọi khác ……………………………………………………………………………………………………..
Ngày, tháng, năm sinh: ……/…../……. Nơi sinh: ……………………………………
Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………
Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………………….
Nơi ở hiện tại: ……………………………………………………………………………………………………
Số CMND/CCCD/Hộ chiếu: ………………; ngày cấp: ……/……/……..; nơi cấp: ………………
Dân tộc: ……………………. Tôn giáo: ………….. Trình độ học vấn: …………………….
Nghề nghiệp: …………………………………………………………………………………………………….
Nơi làm việc/học tập: ………………………………………………………………………………………….
Tóm tắt hành vi sử dụng trái phép chất ma túy: ……………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………………………
Kết quả xét nghiệm dương tính với chất ma túy trong cơ thể ngày …../…../……
Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 01 năm, kể từ ngày …/…/……
Điều 2. Thành lập Tổ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và phân công nhiệm vụ như sau:
1. Đ/c ……………………….. Công an …………………………. 1– Tổ trưởng;
2. Ông/bà: ……………………………………… – Đại diện Thôn/Tổ dân phố – Tổ phó;
3. Ông/bà: ……………………………………….. 2– Tổ viên;
4. Ông/bà: ……………………………………….. 3 – Tổ viên;
………………………………………… 4
Điều 3. Trách nhiệm thực hiện quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
1. Công an1 ……………………………. có trách nhiệm:
a) Đưa người sử dụng trái phép chất ma túy vào danh sách quản lý.
b) Tổ chức thực hiện việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể trong thời hạn quản lý.
2. Tổ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm tư vấn, động viên, giáo dục, hỗ trợ người bị quản lý có tên nêu tại Điều 1 Quyết định này.
3. Gia đình người bị quản lý có trách nhiệm phối hợp quản lý, động viên, giáo dục và giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy.
4. Người sử dụng trái phép chất ma túy bị áp dụng biện pháp quản lý có trách nhiệm chấp hành yêu cầu xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể của Công an …………………………….. 1
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 5. Trưởng Công an1 ………………….. và những người có tên tại Điều 1, Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
CHỦ TỊCH1 |
___________________
1 Tên xã/phường/thị trấn nơi ra quyết định.
2 Người đại diện cho gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc người có uy tín trong dòng họ.
3 Đại diện tổ chức chính trị – xã hội (căn cứ vào nhân thân của người sử dụng trái phép chất ma túy).
4 Những thành viên khác (nếu có).
…………………… 1 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……./TB-……… |
……..2, ngày…. tháng…. năm……. |
Về việc chuyển hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Kính gửi: Chủ tịch UBND………………………….. 3
Chủ tịch UBND…………………… 2 thông báo với Chủ tịch UBND……………….. 3 về việc chuyển hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy có tên sau:
Họ và tên: …………………………………………….. Giới tính:……………………………………………….
Ngày, tháng, năm sinh: ……/…../……. Nơi sinh: ………………………………………………………….
Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………………
Nơi thường trú/tạm trú: ………………………………………………………………………………………….
Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………………………
Số CMND/CCCD/Hộ chiếu: ………………; ngày cấp: …../…../……..; nơi cấp: …………….….…
Dân tộc: ……………………. Tôn giáo: ………….. Trình độ học vấn: …….……………..……………..
Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………………………….
Nơi làm việc/học tập: ……………………………………………………………………………………………
Là người đang trong thời hạn bị áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại………………….. 2
Thời gian quản lý từ ngày …../…../…… đến ngày …../…../……
Nơi chuyển đến:…………………………………………………………………………………………………. 3
Hồ sơ quản lý: có danh mục kèm theo.
Chủ tịch UBND……………………….. 2 thông báo để Chủ tịch UBND3 tiếp tục tổ chức quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy có tên nêu trên./.
|
CHỦ TỊCH |
___________________
1 Cơ quan chủ quản.
2 Nơi đang quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
3 Nơi người đang trong thời hạn quản lý chuyển đến.
DANH MỤC TÀI LIỆU TRONG HỒ SƠ QUẢN LÝ
STT |
Tên tài liệu |
Số, ngày, tháng |
1 |
|
|
2 |
|
|
3 |
|
|
4 |
|
|
… |
|
|
…. |
|
|
…. |
|
|
…………………… |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……./QĐ-UBND |
……..1, ngày…. tháng…. năm……. |
Dừng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
CHỦ TỊCH UBND ……………………………1
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;
Căn cứ Nghị định số ……./2021/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;
Căn cứ Quyết định áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy;
Xét đề nghị của Trưởng Công an………………………………………………………………………… 1
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Dừng áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy với người có tên sau:
Họ và tên: …………………………………………….. Giới tính………………………………………………
Ngày, tháng, năm sinh: ……/…../……. Nơi sinh: ……………………………………………………….
Quê quán: ………………………………………………………………………………………………………….
Nơi thường trú/tạm trú: ………………………………………………………………………………………..
Nơi ở hiện tại: …………………………………………………………………………………………………….
Số CMND/CCCD/Hộ chiếu: ………………; ngày cấp: ……/……/……..; nơi cấp: ……………….
…………………………………………………………………………………………………………………………
Dân tộc: ……………………. Tôn giáo: ………….. Trình độ học vấn: ………………………………..
Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………………………..
Nơi làm việc/học tập: …………………………………………………………………………………………..
Bị quản lý theo Quyết định áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy số ………/QĐ-UBND ngày …../……/…… của Chủ tịch Ủy ban nhân dân……………… 2
Theo quy định tại điểm …… khoản 5 Điều 23 Luật Phòng, chống ma túy, dừng quản lý đối với …………………………………………..………… vì lý do:
□ Kết quả xác định tình trạng nghiện là có nghiện:
□ Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo Quyết định số ………………………….
□ Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng theo Quyết định số …………………………..
□ Phải thi hành án phạt tù theo Quyết định thi hành án phạt tù số ………………. thi hành Bản án số …………………………
□ Chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích.
Dừng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy kể từ ngày …../…../……
Điều 2. Tổ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thành lập theo Quyết định số …………. giải thể kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Trưởng Công an1………………… và những người có tên tại Điều 1, Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
CHỦ TỊCH |
__________________
1 Tên xã, phường, thị trấn nơi ra quyết định dừng quản lý.
2 Nơi ra quyết định quản lý.
…………………… |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……./ QĐ-UBND |
……..1, ngày…. tháng…. năm……. |
Chấm dứt quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
CHỦ TỊCH UBND…………………………….. 1
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;
Căn cứ Nghị định số ……./2021/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;
Căn cứ Quyết định áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy;
Xét đề nghị của Trưởng Công an1 ……………………………………………………………
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chấm dứt áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy với người có tên sau:
Họ và tên: …………………………………………….. Giới tính:………………….
Ngày, tháng, năm sinh: ……/…../……. Nơi sinh: ……………………………………
Quê quán: ………………………………………………………………………………………………………….
Nơi thường trú/tạm trú: ………………………………………………………………………………………..
Nơi ở hiện tại: …………………………………………………………………………………………………….
Số CMND/CCCD/Hộ chiếu: ………………; ngày cấp: ……/……/……..; nơi cấp: ………………..
……………………………………………………………………………….. ………………………………………..
Dân tộc: ……………………. Tôn giáo: ………….. Trình độ học vấn: …………………….
Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………………………………….
Nơi làm việc/học tập: ……………………………………………………………………………………………
Đến nay đã hết thời hạn quản lý theo Quyết định số …………. ngày ………. của Chủ tịch Ủy ban nhân dân……………….. 2
Điều 2. Tổ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thành lập theo Quyết định số …………….. giải thể kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Trưởng Công an1 …………….. và những người có tên tại Điều 1, Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
CHỦ TỊCH |
___________________
1 Tên xã, phường, thị trấn nơi ra quyết định dừng quản lý.
2 Nơi ra quyết định quản lý.