Luật sư tham gia tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực học đường cho học sinh trường trung học cơ sở (THCS từ lớp sáu đến hết lớp chín). Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội ban hành công văn số: 867/CV-ĐLSHN giao cho Câu lạc bộ Luật sư trẻ (CLB Luật sư trẻ) thực hiện, phối hợp với trường THCS Nhân Chính hỡ trợ triển khai tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý về “phòng chống bạo lực học đường”. Hình ảnh Luật sư Phạm Công Anh tham gia trợ giúp pháp lý.
Mục lục bài viết
Luật sư Câu lạc bộ Luật sư trẻ, đoàn luật sư thành phố Hà Nội tham gia tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực học đường
Sáng ngày 18/9/2023, Câu lạc bộ Luật sư trẻ thực hiện, phối hợp với trường THCS Nhân Chính tại quận Thanh Xuân, Hà Nội triển khai tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý về “phòng chống bạo lực học đường” cho toàn thể giáo viên và học sinh của nhà trường.
Tham dự buổi tuyên truyền pháp luật, về phía Câu lạc bộ Luật sư trẻ có Luật sư Nguyễn Xuân San (Chủ nhiệm CLB Luật sư trẻ), Hoàng Minh Hiển (Phó chủ nhiệm CLB Luật sư trẻ) cùng các luật sư của CLB Luật sư trẻ và luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cùng phía Trường THCS Nhân Chính, gồm Hiệu trưởng Nhà trường, các thầy cô giáo và toàn thể các em học sinh tham gia buổi tuyên truyền hết sức sôi nổi, nhiều ý nghĩa.
Tại buổi tuyên truyền, các Luật sư của CLB Luật sư trẻ Hà Nội đã giới thiệu cho các em học sinh pháp luật về phòng chống bạo lực học đường, các hình thức của bảo lực, chỉ ra những vi phạm, những nguyên nhân và hậu quả của bạo lực học đường. Bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở những vụ xích mích, bắt nạt đơn thuần giữa học trò với nhau. Hiện chúng đang biến tướng với muôn hình vạn trạng, với cách hành xử bạo lực, đậm chất giang hồ; Học trò vô lễ, dám tấn công cả thầy, cô giáo khi bị kỷ luật, nhắc nhở… và các Luật sư đã hướng dẫn tương tác với các em và có những câu trả lời hết sức ý nghĩa, để các em nhận thức hậu quả của bạo lực học đường.
Cũng tại buổi tuyên truyền, các Luật sư còn hướng dẫn, cùng các em học sinh phân tích, đưa ra các phương án xử lý trong các tình huống như khi bị bao vây, đánh hội đồng; khi bị khống chế bằng vũ khí yêu cầu đưa tiền, điện thoại; quấy rối tình dục, tấn công tình dục; khi bị bắt nạt, vu khống, nói xấu trên mạng xã hội. Đồng thời, các Luật sư đã chỉ ra những hệ lụy và những bài học đắt giá từ bạo lực học đường trong học sinh nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho các em học sinh.
Buổi nói chuyện của các Luật sư của CLB Luật sư trẻ Hà Nội với học sinh Trường THCS Nhân Chính được diễn ra trong bầu không khí cởi mở, nội dung bài nói chuyện gần gũi với các em, nhiều ví dụ minh họa thực tế, giúp các em không chỉ có thêm cả những kiến thức liên quan đến pháp luật về phòng chống bạo lực học đường mà còn có thêm cả những hiểu biết pháp luật, từ đó biết cách điều chỉnh hành vi, để không vi phạm pháp luật.
Tuyên truyền, giáo dục pháp luật là một hoạt động rất bổ ích và thực sự có ý nghĩa với các em học sinh. Đây là hoạt động ngoại khóa bổ ích, thiết thực, giúp các em nắm bắt kiến thức, những quy định về pháp luật một cách dễ dàng nhất. Nhận thấy được vai trò của tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với cộng đồng, bên cạnh các công việc chuyên môn, các Luật sư của CLB Luật sư trẻ Hà Nội luôn tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền nhằm phổ biến kiến thức pháp luật nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng.
» Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý
Đây là giai đoạn nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Bạo lực học đường là gì? Quy định về phòng, chống bạo lực học đường
1. Bạo lực học đường là gì?
Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP thì bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
2. Quy định về phòng, chống bạo lực học đường
Việc phòng, chống bạo lực học đường theo Điều 6 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định như sau:
2.1. Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường:
– Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường;
Về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân;
– Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;
– Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường;
– Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường;
– Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.
2.2. Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường:
– Phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường;
– Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể;
– Thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.
2.3. Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường:
– Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học;
– Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực;
– Thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Phòng ngừa bạo lực học đường
Phòng ngừa bạo lực học đường theo Điều 7 Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH như sau:
– Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại học sinh, sinh viên; phòng, chống bạo lực học đường trên môi trường mạng cho học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gia đình học sinh, sinh viên; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh, sinh viên.
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên tiến hành theo dõi, thống kê và phân tích các nhóm đối tượng có nguy cơ bạo lực học đường. Xây dựng cơ chế phối hợp với cơ quan chức năng và quy trình xử lý đối với các tình huống bạo lực học đường.
– Thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gia đình học sinh, sinh viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các tình huống bạo lực học đường xảy ra.
4. Hỗ trợ khi có nguy cơ bị bạo lực học đường
Theo Điều 8 Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH quy định về hỗ trợ khi có nguy cơ bị bạo lực học đường như sau:
– Phát hiện kịp thời học sinh, sinh viên có nguy cơ bị bạo lực học đường thông qua các biện pháp quản lý, theo dõi và các kênh thông tin.
– Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể đối với học sinh, sinh viên.
– Tổ chức gặp gỡ, tìm hiểu, cảnh báo đối với học sinh, sinh viên về nguy cơ bạo lực học đường có thể xảy ra. Tư vấn các biện pháp cần thiết để học sinh, sinh viên có thể phòng, tránh bạo lực học đường.
– Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, sinh viên và tổ chức, cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên có nguy cơ bị bạo lực học đường.
5. Xử lý khi xảy ra bạo lực học đường
Xử lý khi xảy ra bạo lực học đường theo Điều 9 Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH như sau:
– Có biện pháp cô lập, khống chế kịp thời các đối tượng gây ra bạo lực học đường, không để đối tượng tiếp tục gây các hậu quả không mong muốn.
– Liên lạc, báo cáo ngay với cấp thẩm quyền để xử lý vụ việc theo quy định. Trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì thông báo kịp thời với chính quyền hoặc cơ quan chức năng để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
– Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của nạn nhân. Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế đối với nạn nhân. Theo dõi, đánh giá và có biện pháp hỗ trợ thiết thực bảo vệ an toàn cho nạn nhân trong thời gian tiếp theo.
– Thông báo kịp thời với gia đình nạn nhân để phối hợp xử lý.
6. Nhà trường có phải chịu trách nhiệm khi xảy ra bạo lực học đường?
Việc bạo lực học đường được xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập vì thế nhà trường phải có trách nhiệm trong việc quản lý, đảm bảo an toàn cho người học. Các biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường được quy định như sau:
Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học;
Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực;
Thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.