Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam qua các thời kỳ và các văn bản pháp luật cơ bản trong hôn nhân và gia đình Việt Nam. Ở nước ta có lịch sử hình thành và phát triển khá sớm cũng như hoàn thiện qua từng thời kỳ. Các luật hôn nhân và gia đình được củng cố và xây dựng nhằm phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Với tính chất là cơ sở, công cụ để điều chỉnh cho quan hệ hôn nhân. Chính vì vậy mà những văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này luôn phải gắn với thực tế và phù hợp trong từng điều kiện xã hội ở từng giai đoạn.
Mục lục bài viết
Luật Hôn nhân và Gia đình qua các thời kỳ tại Việt Nam
Các luật hôn nhân gia đình qua các thời kỳ và các luật liên quan:
- Luật Hôn nhân Gia đình năm 1959
- Luật Hôn nhân Gia đình năm 1986
- Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000
- Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 đến nay
- Luật Phòng chống bạo lực gia đình
- Luật Trẻ em
- Luật nuôi con nuôi 2010
- Luật Người cao tuổi
- Luật Người Khuyết tật
- Luật Hộ tịch
- Bộ luật dân sự
- Bộ luật tố tụng dân sự
- Luật Công chứng
Sau đây là chi tiết luật hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ:
1. Giai đoạn 1945 – 1960
Ngay sau khi cách mạng tháng tám thành công, Hiến pháp đầu tiên ban hành ngày 9-11-1946 đã khẳng định những quyền cơ bản của công dân. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ban hành Sắc lệnh số 97-SL vào ngày 22-05-1950 nhằm xoá bỏ những hủ tục trong hôn nhân. Đồng thời công nhận các quyền về dân sự và hôn nhân gia đình đối với công dân Việt Nam.
Về vấn đề ly hôn, ngày 17-11-1950, Chủ tịch nước cũng đã ban hành thêm Sắc lệnh số 159-SL. Sắc lệnh này quy định về căn cứ, thủ tục và hậu quả của việc ly hôn cũng như các vấn đề liên quan. Những Sắc lệnh này được xem như là tiền thân của các luật hôn nhân và gia đình về sau.
2. Giai đoạn 1960 – 1987
Để hoàn thiện hơn cho hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình thì tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá 1 đã chính thức thông qua Luật hôn nhân và gia đình 1959. Với hệ thống các nguyên tắc được cụ thể hoá trong 6 chương, 35 điều quy định cơ bản về các vấn đề trong quan hệ hôn nhân.
Sau khi miền Nam được giải phóng và thống nhất đất nước, cơ chế đất nước có những sự thay đổi nhất định. Vì vậy để kịp thời điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình trong một số trường hợp đặc biệt nên ngày 22-02-1978, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 60/TATC và Chỉ thị số 69/TATC ban hành ngày 24-12-1979 nhằm hướng dẫn giải quyết các vấn đề trong hôn nhân.
3. Giai đoạn 1987 – 2001
Luật hôn nhân và gia đình được ban hành ngày 29-12-1986 đã thay thế cho Luật hôn nhân và gia đình 1959 trước đó. Trên cơ sở kết thừa, văn bản quy phạm pháp luật này gồm 10 chương, 57 điều nhằm phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.
Hướng dẫn thi hành cho Luật này có Nghị quyết 01/NQ-HĐTP, Nghị định số 12-HĐBT, quy định tạm thời về việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam. Đặc biệt ngày 2-12-1993, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành thêm Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài và Nghị định 83/1998/NĐ-CP ban hành ngày 10-10-1998 để hướng dẫn thi hành cho Luật hôn nhân và gia đình 1986.
4. Giai đoạn 2001 – 2015
Ngày 9-6-2000, Quốc hội ban hành Luật hôn nhân và gia đình 2000 thay thế cho Luật hôn nhân và gia đình 1986 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01-01-2001. Nhiệm vụ được xác định trong Luật này là nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.
5. Giai đoạn 2015 – nay
Sau một quá trình áp dụng, Luật hôn nhân và gia đình 2000 xuất hiện một số bất cập và hạn chế cũng như không còn phù hợp với thực tế xã hội. Vì vậy mà ngày 19-06-2014, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật hôn nhân và gia đình 2014 thay thế cho tất cả các luật hôn nhân và gia đình trước đó. Văn bản này có hiệu lực từ ngày 01-01-2015 kéo dài đến thời điểm hiện tại.