Kiến nghị là gì? Phân biệt kiến nghị và đề nghị

Kiến nghị là gì? Phân biệt kiến nghị và đề nghị. Kiến nghị là một thuật ngữ thông dụng được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, kinh tế – chính trị,… 

Kiến nghị là gì? Các hình thức kiến nghị? Phân biệt kiến nghị và đề nghị

1. Kiến nghị là gì?

Theo Điều 2 Luật tiếp công dân 2013 quy định về kiến nghị thì kiến nghị được hiểu là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó. 

Thực chất, kiến nghị là một văn bản trình bày ý kiến nguyện vọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức về một vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Kiến nghị thể hiện việc áp dụng những chủ trương, đường lối, chính sách của nhà nước có phần chưa phù hợp dẫn đến các hoạt động bình thường và các quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức. Vì thế người dân, tổ chức kiến nghị mong muốn nhà nước có biện pháp, giải đáp, hình thức quản lý khắc phục những vấn đề liên quan đến lĩnh vực do những chính sách chưa hợp lí đã thực hiện trước đó.

Nhìn chung, hoạt động kiến nghị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Kiến nghị không chỉ mang đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quản lý đón nhận những thông tin hữu ích mà còn đưa ra các giải pháp góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, việc kiến nghị còn mang đến cho người quản lý một góc nhìn đa chiều, từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả. 

2. Các hình thức kiến nghị?

Căn cứ vào Điều 6 Nghị định 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 02 năm 2008 về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và Khoản 2, điều 2 Nghị định 92/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính đã quy định các phương thức kiến nghị. Theo đó, cá nhân, tổ chức có thể thực hiện việc kiến nghị thông qua các hình thức sau:

  • Văn bản;
  • Điện thoại;
  • Phiếu lấy ý kiến;
  • Thông điệp dữ liệu được gửi qua thư điện tử của cơ quan tiếp nhận, cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương hoặc hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. 

3. Người kiến nghị có quyền và nghĩa vụ gì?

Người kiến nghị được xem là một chủ thể trong quan hệ pháp luật, người kiến nghị có các quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định hiện hành. Theo điều 7, Luật tiếp công dân 2013, quy định về quyền và nghĩa vụ:

Đầu tiên, quyền của người kiến nghị:

  • Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
  • Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình;
  • Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân;
  • Nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
  • Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch;
  • Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Tiếp theo, nghĩa vụ của người kiến nghị khi đến nơi tiếp công dân:

  • Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);
  • Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;
  • Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại;
  • Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;
  • Trường hợp nhiều người cùng kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung kiến nghị, phản ánh.

4. Phân biệt kiến nghị và đề nghị

Đề nghị là một văn bản của cá nhân, tổ chức, đơn vị về thông tin, hướng giải quyết của một vấn đề đề nghị với cá nhân, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định vấn đề đó.

Về cơ bản thì đơn đề nghị cũng là văn bản nhưng nội dung về vấn đề một lĩnh vực của xã hội cần cơ quan có thẩm quyền ra chính sách, quy định để giải quyết vấn đề đó. Vấn đề được đề nghị thường là vấn đề lớn xảy ra với nhiều đối tượng mà chưa có chính sách, quy định để khắc phục.

Bảng phân biệt kiến nghị và đề nghị:

Tiêu chí Kiến nghị Đề nghị
Hình thức Văn bản Văn bản
Đối tượng thực hiện Cá nhân, tổ chức gửi đến cá nhân, đơn vị, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cá nhân, tổ chức gửi đến cá nhân, đơn vị, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Nội dung Trình bày ý kiến, nguyện vọng của cá nhân, tổ chức về vấn đề chính sách, chủ trương, đường lối của cơ quan nhà nước về một lĩnh vực có ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức đó. Trình bày ý kiến, thông tin, giải pháp về một vấn đề trong xã hội mà chưa có chính sách, chủ trương, đường lối cụ thể để khắc phục.
Mục đích Mong muốn có chính sách, đường lối, chủ trương mới phù hợp và khắc phục tình trạng do những quy định chưa phù hợp trước đó. Mong muốn có chính sách, quy định để giải quyết vấn đề đang tồn tại. 
Ví dụ Đơn kiến nghị về vấn đề triển khai thực hiện các dự án thủy điện làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, sinh hoạt và văn hóa của khu vực dân cư vùng hạ lưu. Đơn đề nghị miễn giảm thuế. Đơn đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

5. Các bước tiến hành kiến nghị

Bước 1: Xác định đúng nơi có thẩm quyền giải quyết đơn kiến nghị

Đầu tiên bạn phải chắc chắn rằng nơi bạn gửi đơn kiến nghị là cơ quan chức năng có nhiệm vụ xem xét và giải quyết đơn kiến nghị của bạn. Để kiểm chứng được điều này, bạn cần tra cứu trên website của chính quyền địa phương hoặc đến thẳng phòng hành chính để hỏi. Sau đó bạn chỉ cần đến nơi có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết khiếu nại để nộp đơn. Nếu như cơ quan này từ chối giải quyết, bạn có thể đệ đơn lên cấp quận hoặc thành phố.

Bước 2: Thu thập đủ chữ ký

Việc thu thập đủ chữ ký rất quan trọng. Vì vậy nếu đặt mục tiêu là 100 chữ ký thì bạn cần phấn đấu cho đủ số lượng. Bên cạnh đó, để việc xin chữ ký không trở nên vô ích thì bạn cần tìm hiểu và hướng dẫn mọi người cách ký đơn kiến nghị đúng chuẩn.

Bước 3: Xác định phương tiện lý tưởng để truyền bá đơn kiến nghị 

Hiện nay với sự xuất hiện mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội, công nghệ thông tin, việc gửi văn bản trực tiếp có lẽ chỉ phát huy hiệu quả khi bạn kiến nghị một vấn đề gì đó trực tiếp ở địa phương. Đối với những kiến nghị có các cấp cao hơn thì việc sử dụng mạng xã hội sẽ nhanh chóng giúp kiến nghị của bạn lan tỏa nhanh và mạnh mẽ đến cộng đồng. Tuy nhiên, hãy chú ý chọn những trang mạng chính thống để gửi kiến nghị.

Bước 4: Hãy quảng bá đơn kiến nghị

Hãy nói chuyện với mọi người về đơn kiến nghị của bạn. Tuy nhiên theo quy định hiện hành thì bạn cần phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Tóm lại việc truyền bá thông tin về kiến nghị phải văn minh, cởi mở và thượng tôn pháp luật.

» Thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu

» Khi nào có quyền khiếu nại, tố cáo?