Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự

Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự. Các Quốc gia thành viên, theo quy định của Hiệp định này và phù hợp với pháp luật quốc gia của mình, phải dành cho nhau các biện pháp tương trợ tư pháp rộng rãi nhất có thể được trong việc điều tra, truy tố và thủ tục tố tụng tiếp theo.

HIỆP ĐỊNH

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ HÌNH SỰ

Nhà nước Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Căm-pu-chia, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Cộng hòa Phi-líp-pin, Cộng hòa Sing-ga-po và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là “Quốc gia thành viên” hoặc “các Quốc gia thành viên”),

Với lòng mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật của các Quốc gia thành viên trong việc phòng ngừa, điều tra và truy tố tội phạm thông qua hợp tác và tương trợ tư pháp về hình sự,

ĐÃ THỎA THUẬN như sau:

Điều 1. Phạm vi tương trợ

1. Các Quốc gia thành viên, theo quy định của Hiệp định này và phù hợp với pháp luật quốc gia của mình, phải dành cho nhau các biện pháp tương trợ tư pháp rộng rãi nhất có thể được trong việc điều tra, truy tố và thủ tục tố tụng tiếp theo.

2. Tương trợ theo Hiệp định này có thể bao gồm:

(a) Thu thập chứng cứ hoặc lấy tờ khai tự nguyện từ những người có liên quan;

(b) Bố trí để những người có liên quan cung cấp chứng cứ hoặc trợ giúp trong các vấn đề hình sự;

(c) Thực hiện việc tống đạt giấy tờ, tài liệu tư pháp;

(d) Tiến hành khám xét, thu giữ;

(e) Kiểm tra đồ vật, địa điểm;

(f) Cung cấp bản gốc hoặc bản sao có xác nhận tài liệu, hồ sơ, chứng cứ có liên quan;

(g) Xác định hoặc truy tìm tài sản do phạm tội mà có và phương tiện phạm tội;

(h) Hạn chế giao dịch đối với tài sản hoặc phong tỏa tài sản có được từ việc thực hiện tội phạm có thể bị thu hồi hoặc tịch thu;

(i) Thu hồi, tịch thu tài sản do phạm tội mà có;

(j) Xác minh địa chỉ và nhận dạng người làm chứng, người bị tình nghi;

(k) Các hình thức tương trợ khác theo thỏa thuận và phù hợp với mục đích của Hiệp định này và pháp luật của Quốc gia được yêu cầu.

3. Hiệp định này chỉ áp dụng đối với việc tương trợ giữa các Quốc gia thành viên. Các quy định của Hiệp định này không tạo ra bất cứ quyền nào cho một cá nhân trong việc thu thập, ngăn cản hoặc cản trở việc đưa ra hoặc loại bỏ bất kỳ chứng cứ nào hoặc cản trở việc thực hiện các yêu cầu tương trợ.

4. Trong Hiệp định này, cụm từ “phương tiện phạm tội” được hiểu là tài sản được sử dụng trong việc phạm tội hoặc giá trị tương đương của tài sản đó.

Điều 2. Không áp dụng

1. Hiệp định này không áp dụng đối với việc:

(a) Bắt hoặc giam giữ một người nhằm mục đích dẫn độ người đó;

(b) Thi hành bản án hình sự của Quốc gia yêu cầu tại Quốc gia được yêu cầu, trừ trong phạm vi được pháp luật của Quốc gia được yêu cầu cho phép;

(c) Chuyển giao người bị giam giữ để thi hành hình phạt; và

(d) Chuyển giao vụ án hình sự.

2. Hiệp định này không cho phép bất cứ Quốc gia thành viên nào thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của Quốc gia thành viên khác quyền tài phán hay các chức năng thuộc thẩm quyền tuyệt đối của các cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia thành viên khác theo quy định của pháp luật của quốc gia đó.

Điều 3. Giới hạn phạm vi tương trợ

1. Quốc gia được yêu cầu từ chối việc tương trợ nếu xét thấy:

(a) Yêu cầu tương trợ liên quan đến việc điều tra, truy tố hoặc trừng phạt một người về một tội mà tội đó, hoặc xét tình tiết phạm tội, là tội phạm mang tính chất chính trị;

(b) Yêu cầu tương trợ liên quan đến việc điều tra, truy tố hoặc trừng phạt một người về một hành động hoặc bất hành động mà nếu xảy ra trên lãnh thổ Quốc gia được yêu cầu sẽ cấu thành tội phạm quân sự theo pháp luật của Quốc gia được yêu cầu và đồng thời không phải là một tội theo luật hình sự thông thường của Quốc gia được yêu cầu;

(c) Có đủ căn cứ để cho rằng việc yêu cầu tương trợ là nhằm mục đích điều tra, truy tố, trừng phạt hay gây khó khăn cho một người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, giới tính, nguồn gốc dân tộc, quốc tịch, hay chính kiến;

(d) Yêu cầu tương trợ liên quan đến các vấn đề điều tra, truy tố, hoặc trừng phạt một người về một tội trong trường hợp người này:

(i) Đã được Tòa án có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Quốc gia yêu cầu kết tội, tuyên trắng án hoặc ân xá: hoặc

(ii) Đã chấp hành hình phạt theo pháp luật của Quốc gia yêu cầu hoặc Quốc gia được yêu cầu về tội phạm đó hoặc một tội phạm khác có cùng yếu tố cấu thành là hành động hoặc bất hành động là cấu thành của tội phạm đã nói ban đầu.

(e) Yêu cầu liên quan đến việc điều tra, truy tố hay trừng phạt một người về một hành động hoặc bất hành động mà nếu xảy ra trên lãnh thổ Quốc gia được yêu cầu sẽ không cấu thành một tội phạm theo pháp luật của Quốc gia được yêu cầu, trừ trường hợp Quốc gia được yêu cầu có thể tương trợ mà không yêu cầu tuân thủ nguyên tắc tội phạm kép, nếu pháp luật trong nước của Quốc gia đó cho phép;

(f) Việc thực hiện tương trợ sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh, trật tự công cộng, lợi ích công cộng hoặc các lợi ích thiết yếu của Quốc gia được yêu cầu;

(g) Quốc gia yêu cầu không cam kết rằng Quốc gia đó sẽ có khả năng thực hiện yêu cầu tương trợ về hình sự với tính chất tương tự trong tương lai của Quốc gia được yêu cầu;

(h) Quốc gia yêu cầu không cam kết rằng vật được yêu cầu sẽ không bị sử dụng vào việc nào khác ngoài vấn đề hình sự nêu trong yêu cầu và Quốc gia được yêu cầu đã không đồng ý cho từ bỏ cam kết đó.

(i) Quốc gia yêu cầu không cam kết trả lại cho Quốc gia được yêu cầu, theo đề nghị của quốc gia này, những vật đã có được theo yêu cầu tương trợ sau khi giải quyết xong việc hình sự nêu trong yêu cầu tương trợ.

(j) Việc thực hiện yêu cầu tương trợ sẽ cản trở một vụ việc hình sự tại Quốc gia được yêu cầu; hoặc

(k) Việc thực hiện yêu cầu tương trợ đòi hỏi phải tiến hành các bước trái với pháp luật của Quốc gia được yêu cầu.

2. Quốc gia được yêu cầu có thể từ chối tương trợ nếu xét thấy:

(a) Quốc gia yêu cầu, liên quan đến yêu cầu tương trợ đó, đã không tuân thủ một điều khoản quan trọng của Hiệp định này hoặc các thỏa thuận liên quan khác;

b) Việc thực hiện tương trợ sẽ hoặc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của một người, bất kể người đó đang ở trong hay ngoài lãnh thổ của Quốc gia được yêu cầu; hoặc

(c) Việc thực hiện tương trợ sẽ tạo ra gánh nặng tài chính quá mức đối với nguồn lực của Quốc gia được yêu cầu.

3. Theo điểm 1(a), những tội phạm sau đây không bị coi là tội phạm mang tính chất chính trị:

(a) Tội xâm phạm tính mạng hoặc thân thể của nguyên thủ quốc gia hoặc thành viên gia đình trực tiếp của nguyên thủ quốc gia;

(b) Tội xâm phạm tính mạng hoặc thân thể của người đứng đầu chính phủ trung ương hoặc Bộ trưởng của Chính phủ trung ương.

(c) Tội phạm được quy định theo công ước quốc tế mà cả Quốc gia yêu cầu và Quốc gia được yêu cầu là thành viên và theo công ước này, các Quốc gia này có nghĩa vụ dẫn độ hoặc truy tố người bị cáo buộc phạm tội đó; và

(d) Phạm tội chưa đạt, xúi giục, đồng phạm các tội nói tại các khoản từ khoản (a) đến khoản (c).

4. Quốc gia được yêu cầu có thể hạn chế việc áp dụng bất kỳ điều khoản nào nêu tại khoản 3 tùy thuộc vào việc Quốc gia yêu cầu có quy định điều khoản tương tự trong pháp luật nước mình hay không.

5. Việc tương trợ sẽ không bị từ chối đơn thuần chỉ vì lý do bí mật của ngân hàng và của các tổ chức tài chính tương tự hoặc tội phạm bị coi là có liên quan đến các vấn đề tài chính.

6. Quốc gia được yêu cầu có thể hoãn thực hiện tương trợ nếu việc thực hiện tương trợ ngay sẽ ảnh hưởng đến thủ tục tố tụng hình sự đang được tiến hành tại Quốc gia được yêu cầu.

7. Trước khi từ chối hay hoãn thực hiện yêu cầu theo Điều này, Quốc gia được yêu cầu phải cân nhắc khả năng có thể thực hiện yêu cầu tương trợ dựa trên các điều kiện nhất định nào đó hay không.

8. Nếu chấp nhận việc thực hiện tương trợ theo các điều kiện nêu tại khoản 7, thì Quốc gia yêu cầu phải tuân thủ các điều kiện đó.

9. Nếu Quốc gia được yêu cầu từ chối hoặc hoãn thực hiện tương trợ, thì phải thông báo ngay cho Quốc gia yêu cầu về căn cứ của việc từ chối hay hoãn thực hiện tương trợ.

10. Các quốc gia thành viên, theo quy định pháp luật liên quan của nước mình, phải tương trợ trên cơ sở có đi có lại đối với tội phạm tương ứng mà không tính đến hình phạt được áp dụng.

Điều 4. Chỉ định cơ quan Trung ương

1. Mỗi quốc gia thành viên phải chỉ định một Cơ quan trung ương để gửi và nhận yêu cầu tương trợ theo Hiệp định này.

2. Việc chỉ định Cơ quan Trung ương phải được thực hiện vào thời điểm trao văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập Hiệp định này.

3. Mỗi Quốc gia thành viên phải nhanh chóng thông báo cho các Quốc gia thành viên khác về bất kỳ sự thay đổi nào trong việc chỉ định Cơ quan trung ương của mình.

4. Các cơ quan trung ương liên hệ trực tiếp với nhau hoặc có thể lựa chọn hình thức liên hệ thông qua đường ngoại giao.

Điều 5. Hình thức yêu cầu tương trợ

1. Yêu cầu tương trợ phải được làm bằng văn bản, hoặc trong trường hợp có thể, bằng bất kỳ phương tiện nào có khả năng tạo ra một bản sao cho phép Quốc gia được yêu cầu chứng thực được. Trong trường hợp khẩn cấp, hoặc trong trường hợp mà pháp luật của Quốc gia được yêu cầu cho phép, yêu cầu có thể được làm bằng lời nói với điều kiện yêu cầu sẽ được khẳng định bằng văn bản trong thời hạn 5 ngày.

2. Các cơ quan trung ương phải chuyển toàn bộ các yêu cầu và văn bản, thư từ kèm theo. Trong trường hợp khẩn cấp và được pháp luật của Quốc gia được yêu cầu cho phép, yêu cầu và mọi tài liệu, thư từ kèm theo có thể được chuyển thông qua Tổ chức Cảnh sát quốc tế (INTERPOL) hoặc Tổ chức Cảnh sát Đông Nam Á (ASEANAPOL).

Điều 6. Nội dung yêu cầu tương trợ

1. Yêu cầu tương trợ về hình sự phải bao gồm những thông tin mà Quốc gia được yêu cầu đòi hỏi để thực hiện yêu cầu đó, bao gồm:

(a) Tên của cơ quan yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền tiến hành việc điều tra hay thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến yêu cầu;

(b) Mục đích của yêu cầu và tính chất của tương trợ;

(c) Mô tả về tính chất vấn đề hình sự và tình trạng hiện tại và tóm tắt về sự kiện và pháp luật liên quan;

(d) Mô tả tội phạm nêu trong yêu cầu; gồm cả mức hình phạt cao nhất;

(e) Mô tả các yếu tố được cho là cấu thành tội phạm và nội dung pháp luật liên quan;

(f) Mô tả hành vi hoặc sự việc quan trọng cần xác minh;

(g) Mô tả chứng cứ, thông tin và sự trợ giúp cần thiết khác;

(h) Lý do và chi tiết về thủ tục đặc biệt hoặc các điều kiện mà Quốc gia yêu cầu muốn Quốc gia được yêu cầu tuân theo;

(i) Chi tiết về thời hạn thực hiện yêu cầu;

(j) Mọi yêu cầu đặc biệt về bảo mật và rõ lý do; và

(k) Những thông tin hoặc cam kết khác mà pháp luật của Quốc gia được yêu cầu có thể đòi hỏi hoặc cần thiết để thực hiện yêu cầu một cách đúng đắn.

2. Yêu cầu tương trợ, ở mức độ cần thiết, còn có thể bao gồm các nội dung sau đây:

a) Đặc điểm nhận dạng, quốc tịch và nơi ở của một hay nhiều người là đối tượng của vụ điều tra hoặc thủ tục tố tụng hình sự.

(b) Đặc điểm nhận dạng và nơi ở của người cần thu thập chứng cứ.

(c) Đặc điểm nhận dạng và nơi ở của người được tống đạt giấy tờ, quan hệ của người đó với thủ tục tố tụng hình sự, và cách thức tống đạt giấy tờ.

(đ) Thông tin về đặc điểm nhận dạng và chỗ ở của người cần xác minh.

(e) Mô tả về cách thức lấy lời khai hoặc ghi lại lời khai;

(f) Danh mục các câu hỏi cho người làm chứng;

(g) Mô tả các tài liệu, hồ sơ hay chứng cứ cần thu thập cũng như người thích hợp cần hỏi để lấy tài liệu, hồ sơ hay chứng cứ đó; trong trường hợp không có quy định khác, hình thức ghi, sao lại và chứng thực tài liệu, hồ sơ hay chứng cứ nói trên;

(h) Nói rõ là chứng cứ hoặc lời khai phải có tuyên thệ hay phải được khẳng định hay không;

(i) Mô tả tài sản, đồ vật liên quan đến yêu cầu tương trợ, bao gồm cả đặc điểm nhận dạng và địa điểm; và

(j) Mọi lệnh của Tòa án liên quan đến yêu cầu tương trợ và nói rõ hiệu lực của lệnh đó.

3. Các yêu cầu tương  trợ, tài liệu kèm theo và thư từ trao đổi theo Hiệp định này phải được lập bằng tiếng Anh, và nếu có thể, kèm theo bản dịch ra tiếng của Quốc gia được yêu cầu hoặc một ngôn ngữ khác được Quốc gia này chấp nhận.

4. Nếu Quốc gia được yêu cầu cho rằng thông tin nêu trong yêu cầu tương trợ không đủ để thực hiện việc tương trợ, thì Quốc gia được yêu cầu có thể đề nghị cung cấp thêm thông tin. Quốc gia yêu cầu phải cung cấp các thông tin mà Quốc gia yêu cầu cho là cần thiết để thực hiện yêu cầu tương trợ.

Điều 7. Thực hiện yêu cầu tương trợ

1. Yêu cầu tương trợ sẽ được thực hiện ngay theo cách thức do pháp luật và thực tiễn của Quốc gia được yêu cầu quy định. Trong phạm vi mà pháp luật và thực tiễn nước mình cho phép. Quốc gia được yêu cầu phải thực hiện yêu cầu theo cách thức mà Quốc gia yêu cầu đã nêu.

2. Nếu có đề nghị và trong phạm vi mà pháp luật và thực tiễn nước mình cho phép, Quốc gia được yêu cầu thu xếp mọi việc cần thiết để Quốc gia yêu cầu tham gia bất kỳ thủ tục tố tụng hình sự nào phát sinh từ yêu cầu tương trợ hoặc đại diện cho lợi ích của Quốc gia yêu cầu.

3. Quốc gia được yêu cầu phải sớm đáp ứng những đề nghị hợp lý của Quốc gia yêu cầu về tiến độ thực hiện yêu cầu tương trợ.

4. Quốc gia được yêu cầu có thể đề nghị Quốc gia yêu cầu cung cấp thông tin dưới hình thức cần thiết để giúp mình thực hiện yêu cầu, hoặc để tiến hành các bước cần thiết theo pháp luật và thực tiễn của Quốc gia được yêu cầu để làm cho yêu cầu tương trợ có hiệu lực.

Điều 8. Hạn chế sử dụng chứng cứ thu thập được

1. Quốc gia yêu cầu, nếu không có sự đồng ý của Quốc gia được yêu cầu và phù hợp với điều kiện hoặc điều khoản mà Quốc gia được yêu cầu xét thấy cần thiết, không được sử dụng, tiết lộ hoặc chuyển giao thông tin hoặc chứng cứ cho Quốc gia được yêu cầu cung cấp để phục vụ cho các mục đích khác với các mục đích đã nêu trong yêu cầu tương trợ.

2. Bất luận quy định tại Khoản 1, trong trường hợp bản buộc tội thay đổi, thì có thể sử dụng thông tin và chứng cứ đã cung cấp với điều kiện phải có sự đồng ý trước của Quốc gia được yêu cầu và nếu tội phạm đó là một tội thuộc đối tượng tương trợ pháp lý theo Hiệp định này và yếu tố cấu thành của nó là căn cứ lập yêu cầu tương trợ.

Điều 9. Bảo mật

1. Quốc gia được yêu cầu, theo quy định của pháp luật nước mình, phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để giữ bí mật về yêu cầu tương trợ, nội dung yêu cầu, tài liệu kèm theo yêu cầu, việc tương trợ cũng như những hành động được tiến hành theo yêu cầu đó. Trong trường hợp không thể thực hiện yêu cầu tương trợ nếu không vi phạm yêu cầu về giữ bí mật, Quốc gia được yêu cầu phải thông báo việc đó cho Quốc gia yêu cầu để Quốc gia yêu cầu quyết định có cho thực hiện yêu cầu tương trợ trong điều kiện không cần giữ bí mật hay không.

2. Quốc gia yêu cầu, theo pháp luật nước mình, phải áp dụng các biện pháp để:

(a) Giữ bí mật thông tin, chứng cứ mà Quốc gia được yêu cầu đã cung cấp, trừ trong phạm vi cần thiết cho mục đích nêu trong yêu cầu tương trợ; và

(b) Bảo đảm rằng thông tin, chứng cứ được bảo vệ không để mất mát, tiếp cận, sử dụng, thay đổi, tiết lộ trái phép hoặc các hành vi lạm dụng khác.

Điều 10. Lấy lời khai tự nguyện

Khi có yêu cầu lấy lời khai của một người để phục vụ cho một vấn đề hình sự tại Quốc gia yêu cầu, Quốc gia được yêu cầu phải cố gắng với sự đồng ý của người đó để lấy lời khai.

Điều 11. Thu thập chứng cứ

1. Quốc gia được yêu cầu, phù hợp với pháp luật nước mình, phải làm sao để có được chứng cứ, kể cả lời khai có tuyên thệ, được khẳng định, tài liệu, hồ sơ từ người làm chứng phục vụ cho vấn đề hình sự để chuyển cho Quốc gia yêu cầu.

2. Khi lấy lời khai có tuyên thệ hoặc được khẳng định theo Điều này, các đương sự trong thủ tục tố tụng hình sự tại Quốc gia yêu cầu hoặc đại diện hợp pháp của họ, phù hợp với pháp luật quốc gia của Quốc gia được yêu cầu có thể có mặt và hỏi người đưa ra lời khai đó.

3. Quy định của Điều này không ngăn cản việc sử dụng kết nối truyền hình trực tiếp hoặc các phương tiện giao tiếp thích hợp khác theo pháp luật của Quốc gia được yêu cầu nhằm thực hiện Điều này nếu việc đó là vì công lý.

Điều 12. Quyền từ chối cung cấp chứng cứ

1. Người được yêu cầu đưa ra lời khai có tuyên thệ hoặc được khẳng định hoặc cung cấp tài liệu, hồ sơ hoặc chứng cứ khác theo Điều 11 của Hiệp định này tại Quốc gia được yêu cầu theo một yêu cầu tương trợ có thể từ chối làm việc đó trong các trường hợp sau đây:

(a) Pháp luật của Quốc gia được yêu cầu cho phép hoặc yêu cầu người đó từ chối thực hiện việc đó trong các trường hợp tương tự trong thủ tục tố tụng phát sinh tại Quốc gia được yêu cầu; hoặc

(b) Pháp luật của Quốc gia yêu cầu cho phép hoặc yêu cầu người đó từ chối thực hiện việc đó trong các trường hợp tương tự trong thủ tục tố tụng phát sinh tại Quốc gia yêu cầu.

2. Nếu người đó lập luận rằng pháp luật của Quốc gia yêu cầu có quy định quyền từ chối đưa ra lời khai có tuyên thệ hoặc được khẳng định hoặc cung cấp tài liệu, hồ sơ hoặc chứng cứ khác theo Điều 11 của Hiệp định này, thì Quốc gia yêu cầu, nếu có đề nghị, phải cung cấp cho Quốc gia được yêu cầu một bản xác nhận về quyền đó.

Điều 13. Điều khoản về tài liệu công khai sẵn có và các hồ sơ khác

1. Quốc gia được yêu cầu phải cung cấp cho Quốc gia yêu cầu bản sao các tài liệu hoặc hồ sơ công khai sẵn có đang do các cơ quan Nhà nước chiếm hữu.

2. Quốc gia được yêu cầu, theo pháp luật và thực tiễn nước mình, có thể cung cấp cho Quốc gia yêu cầu bản sao của bất kỳ tài liệu hoặc hồ sơ nào đang do cơ quan Nhà nước chiếm hữu những không sẵn có một cách công khai. Quốc gia được yêu cầu có thể tùy ý từ chối toàn bộ hay một phần yêu cầu nêu tại khoản này.

Điều 14. Sự có mặt của một người tại Quốc gia yêu cầu

1. Quốc gia được yêu cầu, theo pháp luật và thực tiễn nước mình, có thể tương trợ trong việc bố trí cho một người có mặt tại Quốc gia yêu cầu, khi có được sự đồng ý của người đó để:

(a) Hỗ trợ việc điều tra hình sự tại Quốc gia yêu cầu, hoặc

(b) Có mặt trong các thủ tục tố tụng liên quan đến vụ việc hình sự tại Quốc gia yêu cầu, trừ trường hợp người đó chính là người bị buộc tội;

2. Quốc gia được yêu cầu, nếu xét thấy Quốc gia yêu cầu sẽ có sự bảo đảm an toàn cho người được mời có mặt, phải cho mời người đó để cung cấp chứng cứ hoặc giúp liên quan đến vụ việc hình sự tại Quốc gia yêu cầu. Người đó sẽ được thông báo về các khoản chi phí, trợ cấp được thanh toán.

3. Quốc gia được yêu cầu phải thông báo ngay cho Quốc gia yêu cầu về ý kiến phản hồi của người được mời, và nếu người đó đồng ý, thực hiện các bước cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi để người đó có mặt tại Quốc gia yêu cầu.

4. Các quy định của Điều này không ngăn cản việc sử dụng kết nối truyền hình trực tiếp hoặc phương tiện truyền thông thích hợp khác theo pháp luật và thực tiễn của Quốc gia được yêu cầu nếu việc đó là vì công lý.

Điều 15. Sự có mặt của người đang bị giam giữ tại quốc gia yêu cầu

1. Quốc gia được yêu cầu, theo pháp luật và thực tiễn của nước mình, có thể đồng ý cho phép người đang bị giam giữ tại Quốc gia được yêu cầu, nếu người đó đồng ý, được tạm thời chuyển cho Quốc gia yêu cầu để cung cấp chứng cứ hoặc giúp cho việc điều tra.

2. Trong trường hợp người được chuyển giao cần phải được giam giữ theo pháp luật của Quốc gia được yêu cầu, thì Quốc gia yêu cầu phải giam giữ người đó và sẽ trao trả người đó cho Quốc gia được yêu cầu ngay khi kết thúc vụ việc là lý do của việc chuyển giao, hoặc vào thời điểm sớm hơn khi thấy sự có mặt của người này là không cần thiết nữa.

3. Trong trường hợp Quốc gia được yêu cầu thông báo với Quốc gia yêu cầu về việc người được chuyển giao không cần phải giam giữ nữa, thì người đó sẽ được phóng thích khỏi sự giam giữ và sẽ được đối xử như người được quy định tại Điều 14 của Hiệp định này.

4. Quốc gia yêu cầu không được đề nghị Quốc gia được yêu cầu tiến hành thủ tục dẫn độ làm điều kiện để trao trả người đã được chuyển giao.

5. Thời gian người được chuyển giao bị giam giữ tại Quốc gia yêu cầu sẽ được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù hoặc thời gian giam giữ của người đó tại Quốc gia được yêu cầu.

6. Việc chuyển giao theo Điều này sẽ không được tiến hành, trừ khi Quốc gia yêu cầu cam kết:

(a) Chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí liên quan đến việc chuyển giao việc giam giữ;

(b) Giam giữ người đó một cách hợp pháp trong suốt thời gian chuyển giao việc giam giữ; và

(c) Trao trả người này cho Quốc gia được yêu cầu để tiếp tục giam giữ ngay sau khi sự có mặt của người đó tại cơ quan có thẩm quyền hay Tòa án của Quốc gia yêu cầu không còn cần thiết nữa.

7. Các quy định của Điều này không ngăn cản việc sử dụng truyền hình trực tiếp hoặc phương tiện truyền thông thích hợp khác theo pháp luật và thực tiễn của Quốc gia được yêu cầu nếu việc đó là vì công lý.

Điều 16. Bảo đảm an toàn

1. Phù hợp với khoản 2, khi một người có mặt tại Quốc gia yêu cầu theo yêu cầu được đưa ra theo Điều 14 hoặc Điều 15 của Hiệp định này:

(a) Người đó sẽ không bị giam giữ, truy tố, trừng phạt hoặc chịu bất kỳ hạn chế nào về tự do tại Quốc gia yêu cầu vì bất kỳ hành động hoặc không hành động nào, hay bị kết án về bất cứ tội nào chống lại pháp luật của Quốc gia yêu cầu bị coi là đã được thực hiện hoặc đã được thực hiện trước khi người đó rời khỏi Quốc gia được yêu cầu.

(b) Người đó sẽ không bị đòi hỏi cung cấp chứng cứ cho bất kỳ một vụ việc hình sự nào tại Quốc gia yêu cầu ngoài vụ việc hình sự nêu trong yêu cầu tương trợ, trừ trường hợp người đó đồng ý.

(c) Người đó không bị kiện dân sự liên quan đến bất kỳ hành động hoặc không hành động nào của người đó được cho là đã xảy ra trước khi người đó rời khỏi Quốc gia được yêu cầu.

2. Khoản 1 sẽ không được áp dụng nếu người được chuyển giao, mặc dù được tự do và có thể trở về, đã không rời khỏi Quốc gia yêu cầu trong vòng 175 ngày liên tục sau khi người này được thông báo chính thức rằng sự có mặt của người đó là không cần thiết nữa, hoặc đã trở về, nhưng lại tự ý quay lại.

3. Người có mặt tại cơ quan có thẩm quyền hoặc tòa án tại Quốc gia yêu cầu theo yêu cầu được đưa ra theo Điều 14 hoặc Điều 15 của Hiệp định này sẽ không bị truy tố trên cơ sở những lời khai đó, trừ trường hợp người này vi phạm pháp luật của Quốc gia yêu cầu do không tuân lệnh Tòa án và khai man trước tòa.

4. Người không đồng ý có mặt tại Quốc gia yêu cầu trên cơ sở yêu cầu được đưa ra theo Điều 14 hoặc Điều 15 của Hiệp định này sẽ không vì lý do từ chối hoặc không đồng ý đó mà phải chịu bất kỳ hình phạt hay trách nhiệm pháp lý nào, hoặc bị lôi thôi trước pháp luật, bất luận yêu cầu tương trợ có nội dung ngược lại hay không.

Điều 17. Quá cảnh người bị giam giữ

1. Quốc gia được yêu cầu, theo pháp luật và thực tiễn của nước mình, có thể cho phép quá cảnh qua lãnh thổ nước mình người đang bị giam giữ bởi Quốc gia yêu cầu hoặc bởi nước thứ ba để có mặt trực tiếp tại Quốc gia yêu cầu trong một vụ việc hình sự.

2. Trong trường hợp tàu bay, tàu thủy hoặc tàu hỏa chở người bị chuyển giao hạ cánh hoặc dừng lại tại Quốc gia được yêu cầu, thì nhân viên đang thi hành nhiệm vụ dẫn giải của Quốc gia yêu cầu hoặc của nước thứ ba đang hỗ trợ Quốc gia yêu cầu trong việc chuyển giao, phải tiếp tục chịu trách nhiệm về việc giam giữ người đang được chuyển đi trong thời gian quá cảnh tại Quốc gia được yêu cầu, trừ khi Quốc gia được yêu cầu có ý kiến khác.

3. Không làm ảnh hưởng đến khoản 2 và khi Quốc gia được yêu cầu đồng ý, người đang bị chuyển đi có thể bị tạm thời giam giữ bởi cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia được yêu cầu cho đến khi chuyển đi được tiếp tục.

4. Trong trường hợp một người đang bị giam giữ tại Quốc gia được yêu cầu khi quá cảnh và người đó không được tiếp tục chuyển đi trong một thời hạn hợp lý, thì Cơ quan Trung ương của Quốc gia được yêu cầu có thể cho chuyển trả lại người đang bị giam giữ này cho quốc gia đầu tiên nơi từ đó người này được chuyển đi.

5. Mọi phí tổn và chi phí mà Quốc gia được yêu cầu phải chịu liên quan đến khoản 3 và 4 sẽ được Quốc gia yêu cầu hoàn lại.

Điều 18. Khám xét và tịch thu

1. Quốc gia được yêu cầu, theo pháp luật và thực tiễn của nước mình, phải thi hành yêu cầu về khám xét, thu giữ và chuyển giao mọi tài liệu, hồ sơ hoặc các vật khác cho Quốc gia yêu cầu nếu có cơ sở hợp lý để cho rằng tài liệu, hồ sơ hoặc các vật đó có liên quan đến vụ án hình sự tại Quốc gia yêu cầu.

2. Quốc gia yêu cầu phải tuân thủ mọi điều kiện do Quốc gia được yêu cầu đưa ra liên quan đến các tài liệu, hồ sơ hoặc đồ vật có thể được chuyển giao cho Quốc gia yêu cầu mà Quốc gia được yêu cầu xét thấy cần thiết nhằm bảo vệ các tài liệu, hồ sơ hay đồ vật sẽ được chuyển giao.

3. Quốc gia được yêu cầu, ngay khi có thể, phải thông báo cho Quốc gia yêu cầu về kết quả khám xét, địa điểm, hoàn cảnh của việc thu giữ và việc bảo quản tài liệu, hồ sơ hoặc đồ vật thu giữ được.

Điều 19. Trả lại chứng cứ

1. Khi kết thúc vụ việc hình sự liên quan đến yêu cầu tương trợ, Quốc gia yêu cầu phải trả lại cho Quốc gia được yêu cầu mọi tài liệu, hồ sơ hoặc đồ vật đã cung cấp cho Quốc gia yêu cầu căn cứ vào yêu cầu tương trợ được đưa ra theo hiệp định này.

2. Bất luận quy định tại khoản 1, bất cứ lúc nào có yêu cầu, Quốc gia yêu cầu phải tạm thời trả lại cho Quốc gia được yêu cầu bất kỳ tài liệu, hồ sơ hoặc đồ vật nào đã cung cấp cho Quốc gia yêu cầu căn cứ vào yêu cầu tương trợ được đưa ra theo Hiệp định này nếu các tài liệu, hồ sơ hoặc đồ vật đó cần thiết đối với vụ việc hình sự tại Quốc gia được yêu cầu.

Điều 20. Xác định nơi ở và nhận dạng người

Quốc gia được yêu cầu, theo pháp luật nước mình, phải cố gắng hết sức để xác định nơi ở hoặc đặc điểm nhận dạng của người nêu trong yêu cầu tương trợ và có cơ sở để cho rằng người đó đang có mặt trên lãnh thổ của Quốc gia được yêu cầu.

Điều 21. Tống đạt giấy tờ

1. Quốc gia được yêu cầu, phù hợp với pháp luật của nước mình, phải tiến hành mọi nỗ lực để thực hiện việc tống đạt giấy tờ của tòa án của Quốc gia yêu cầu liên quan đến vụ việc hình sự.

2. Quốc gia yêu cầu phải chuyển yêu cầu tống đạt giấy tờ đòi hỏi sự phúc đáp hoặc có mặt tại Quốc gia yêu cầu trong thời hạn không quá 30 ngày trước thời hạn dự định phúc đáp hoặc có mặt.

3. Quốc gia được yêu cầu phải chuyển lại bằng chứng về việc tống đạt theo cách thức do hai Bên thỏa thuận.

4. Trong khoản 3, cụm từ “bằng chứng về việc tống đạt” bao gồm thông tin dưới hình thức thông báo về thời gian và cách thức tống đạt, nếu có thể, một giấy biên nhận có chữ ký của người được tống đạt và bản trình bày sự việc và lý do trong trường hợp nhân viên tống đạt không thể tống đạt được tài liệu đó.

Điều 22. Tương trợ trong thủ tục tịch thu

1. Quốc gia được yêu cầu, theo pháp luật của nước mình, phải cố gắng xác định địa điểm, truy tìm, hạn chế, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản do phạm tội mà có và các công cụ, phương pháp phạm tội thuộc trường hợp cụ thể được tương trợ với điều kiện Quốc gia yêu cầu cung cấp mọi thông tin mà Quốc gia được yêu cầu thấy cần thiết.

2. Yêu cầu đưa ra theo khoản 1 phải kèm bản gốc của lệnh đã được ký hoặc bản sao có chứng thực của lệnh đó.

3. Yêu cầu tương trợ theo Điều này chỉ được đưa ra đối với các lệnh hoặc bản án được đưa ra sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

4. Phù hợp với pháp luật của Quốc gia được yêu cầu, tài sản bị tịch thu theo Điều này có thể được chuyển cho Quốc gia yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong từng vụ việc cụ thể.

5. Quốc gia được yêu cầu, phù hợp với pháp luật của nước mình, theo bất kỳ thỏa thuận nào với Quốc gia yêu cầu, phải chuyển cho Quốc gia yêu cầu phần tài sản thu hồi được theo Điều này sau khi trừ chi phí mà Quốc gia được yêu cầu đã phải chịu trong việc thi hành lệnh tịch thu.

Điều 23. Quan hệ với các thỏa thuận khác

Hiệp định này không cản trở các Quốc gia thành viên thực hiện tương trợ cho nhau theo các điều ước hay các thỏa thuận khác, cũng như theo quy định trong pháp luật quốc gia của mình.

Điều 24. Xác nhận và chứng thực

1. Mỗi Quốc gia thành viên, theo yêu cầu, phải chứng thực mọi giấy tờ, tài liệu sẽ được chuyển cho Quốc gia khác theo Hiệp định này.

2. Tài liệu được chứng thực hợp lệ theo Hiệp định này, nếu:

(a) Được ký hoặc xác nhận bởi thẩm phán, hoặc viên chức của Quốc gia chuyển tài liệu đó được chứng thực hợp lệ pháp luật của Quốc gia đó; và

(b) Thuộc một trong hai trường hợp sau:

(i) Được xác nhận bằng lời tuyên thệ hoặc sự khẳng định của người làm chứng hoặc của một công chức của Quốc gia đó; hoặc

(ii) Được đóng dấu chính thức của Quốc gia đó hoặc của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, hay của một bộ hoặc một công chức nhà nước của Quốc gia đó.

3. Quy định của Điều này không hạn chế việc chứng minh bất kỳ một vấn đề gì hoặc sự công nhận tính chứng cứ của bất kỳ tài liệu nào theo pháp luật của Quốc gia yêu cầu.

4. Phù hợp với pháp luật của mỗi Quốc gia thành viên:

(a) Tài liệu được ký bằng chữ ký điện tử hoặc chữ ký dưới dạng số hóa theo pháp luật của Quốc gia thành viên hữu quan được coi là có giá trị pháp lý tương tự như tài liệu được ký bằng tay, điểm chỉ hoặc dấu hiệu khác; và

(b) Chữ ký dưới dạng số hóa hoặc chữ ký điện tử được thực hiện theo pháp luật của Quốc gia thành viên hữu quan sẽ được coi là chữ ký có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.

Điều 25. Chi phí

1. Quốc gia được yêu cầu phải chịu mọi chi phí thông thường để thực hiện yêu cầu tương trợ, trừ những chi phí mà Quốc gia yêu cầu phải chịu dưới đây:

(a) Chi phí tư vấn được thuê theo đề nghị của Quốc gia yêu cầu;

(b) Lệ phí và chi phí cho giám định viên;

(c) Chi phí dịch, phiên dịch, sao chép;

(d) Các chi phí liên quan tới việc di chuyển người đến hoặc đi từ lãnh thổ của Quốc gia được yêu cầu và phí, trợ cấp, chi phí trả cho người có liên quan trong thời gian người đó có mặt tại Quốc gia yêu cầu trên cơ sở yêu cầu tương trợ được đưa ra theo Điều 14 hoặc Điều 15 của Hiệp định này; và

(e) Chi phí trả cho các nhân viên canh giữ hoặc dẫn giải.

2. Tiền thiết lập video hoặc truyền hình trực tiếp hoặc các thiết bị truyền thông thích hợp khác, tiền dịch vụ video hoặc truyền hình trực tiếp hoặc các thiết bị truyền thông thích hợp khác, thù lao cho phiên dịch do Quốc gia được yêu cầu cung cấp và tiền bồi dưỡng cho những người làm chứng và chi phí đi lại của họ tại Quốc gia được yêu cầu sẽ được Quốc gia yêu cầu thanh toán lại cho Quốc gia được yêu cầu, trừ trường hợp các Bên thỏa thuận khác.

3. Nếu trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ mà phát sinh các chi phí bất thường hoặc lớn cần thiết cho việc thực hiện yêu cầu, thì các Quốc gia thành viên phải tham vấn nhau đề quyết định điều khoản và điều kiện để tiếp tục thực hiện hoặc thực hiện yêu cầu tương trợ.

Điều 26. Tham vấn

1. Các Cơ quan Trung ương của các Quốc gia thành viên phải tham vấn nhau, vào thời điểm do các Quốc gia thỏa thuận, để tạo điều kiện cho việc thực hiện có hiệu quả Hiệp định này.

2. Các Quốc gia thành viên có thể đề ra những biện pháp thực tế có thể cần thiết để tạo thuận lợi cho việc thi hành Hiệp định này.

Điều 27. Sửa đổi

1. Hiệp định này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung vào bất kỳ thời điểm nào trên cơ sở đồng ý bằng văn bản của các Quốc gia thành viên. Những sửa đổi hoặc bổ sung đó sẽ có hiệu lực vào ngày do các Quốc gia thành viên thỏa thuận và sẽ trở thành một phần của Hiệp định này.

2. Mọi sự sửa đổi hoặc bổ sung sẽ không ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hoặc dựa trên cơ sở Hiệp định này trước hoặc cho đến ngày những bổ sung hay sửa đổi này có hiệu lực.

Điều 28. Giải quyết tranh chấp

Mọi bất đồng hoặc tranh chấp giữa các Quốc gia thành viên phát sinh từ việc giải thích hay thực hiện các quy định của Hiệp định này phải được giải quyết trên cơ sở hòa giải bằng tham vấn hoặc thương lượng giữa các Quốc gia thành viên thông qua đường ngoại giao hoặc bằng các phương thức giải quyết tranh chấp hòa bình khác do các Quốc gia thành viên thỏa thuận.

Điều 29. Bảo lưu

Hiệp định này không cho phép bảo lưu

Điều 30. Ký, phê chuẩn, gia nhập, trao văn kiện, đăng ký

1. Hiệp định này phải được phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập theo quy định của Hiến pháp của các Quốc gia thành viên.

2. Mọi quốc gia đều có thể gia nhập Hiệp định này trên cơ sở đồng thuận của các Quốc gia ký kết ban đầu.

3. Văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập phải được trao cho Chính phủ Ma-lai-sia là nước được chỉ định là Quốc gia lưu chiểu Hiệp định.

4. Quốc gia lưu chiểu phải thông báo cho các Quốc gia thành viên khác của Hiệp định này về việc trao các văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập.

5. Quốc gia lưu chiểu phải đăng ký Hiệp định này theo Điều 102 của Hiến chương Liên hợp quốc.

Điều 31. Hiệu lực, áp dụng và chấm dứt hiệu lực

1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực đối với từng Quốc gia phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập Hiệp định này vào ngày Quốc gia đó trao văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập.

2. Hiệp định này được áp dụng đối với các yêu cầu tương trợ được đưa ra sau ngày Hiệp định có hiệu lực đối với cả hai Quốc gia thành viên hữu quan bất kể hành động hoặc không hành động cấu thành tội phạm xẩy ra trước hay sau ngày đó.

3. Bất kỳ Quốc gia thành viên nào đều có thể rút khỏi Hiệp định này bằng một thông báo bằng văn bản gửi cho Quốc gia lưu chiểu. Việc rút khỏi Hiệp định có hiệu lực sau 6 tháng, kể từ ngày Quốc gia lưu chiểu nhận được thông báo rút khỏi Hiệp định.

4. Việc rút khỏi Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ phát sinh hoặc dựa trên Hiệp định này cũng như việc thực hiện yêu cầu tương trợ được đưa ra theo Hiệp định này trước hoặc cho tới ngày rút khỏi Hiệp định này.

5. Việc rút khỏi Hiệp định này chỉ có hiệu lực đối với Quốc gia đã thông báo về việc rút khỏi Hiệp định. Hiệp định vẫn giữ nguyên hiệu lực đối với các Quốc gia thành viên khác.

Điều 32. Lưu chiểu Hiệp định

Bản gốc của Hiệp định này sẽ được trao cho Quốc gia lưu chiểu và Quốc gia lưu chiểu phải gửi các bản sao có chứng thực của bản gốc Hiệp định cho tất cả các Quốc gia thành viên.

ĐỂ LÀM BẰNG, những người có chữ ký dưới đây, được các Nhà nước liên quan ủy quyền đầy đủ, đã ký Hiệp định này.

Làm tại Kuala Lumpur vào ngày 29 tháng 11 năm 2004 bằng một bản gốc bằng tiếng Anh.

THAY MẶT
NHÀ NƯỚC BRU-NÂY ĐA-RÚT-SA-LAM
TỔNG CHƯỞNG LÝ

Dato’ Seri Paduka Haji Kifrawi
Dato’ Paduka Haji Kifli

THAY MẶT
VƯƠNG QUỐC CAM-PU-CHIA
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP


Ang Vong Vathana

THAY MẶT
NƯỚC CỘNG HÒA IN-ĐÔ-NÊ-XIA
BỘ TRƯỞNG BỘ PHÁP LUẬT VÀ NHÂN QUYỀN


Ts. Hamid Awaludin

THAY MẶT
NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Kham Ouane Boupha

THAY MẶT
NHÀ NƯỚC MA-LAI-XIA
TỔNG CHƯỞNG LÝ


Tan Sri Abdul Gani Patail

THAY MẶT
NƯỚC CỘNG HÒA PHI-LÍP-PIN
THỨ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Macabangkit Lanto

THAY MẶT
NƯỚC CỘNG HÒA SING-GA-PO
TỔNG CHƯỞNG LÝ



Chan Sek Keong

THAY MẶT
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN


Lê Thế Tiệm

Văn bản liên quan:

Thông báo 07/2016/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a

Thông báo hiệu lực của Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và An-giê-ri

Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam – Đại Hàn Dân Quốc

Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Việt Nam – Cuba

Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam – Tiệp Khắc

» Bộ luật tố tụng hình sự 2015

» Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017