Giải quyết khi hợp đồng vô hiệu

Giải quyết khi hợp đồng vô hiệu thì các bên có thể tự nguyện chấm dứt việc thực hiện hợp đồng, song nhiều trường hợp các bên không thể thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt hợp đồng thì một hoặc các bên hoặc người đại diện (đối với hợp đồng do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện) có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

Căn cứ pháp lý:
Điều 131 BLDS 2015 đã quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”.

Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng:

Hợp đồng dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập hay nói cách khác pháp luật dân sự sẽ không bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên khi hợp đồng vô hiệu ngay cả khi các bên đã thực hiện xong hợp đồng. Do đó, nếu hợp đồng mới xác lập chưa thực hiện thì các bên phải ngừng, không thực hiện nữa, còn nếu các bên đang thực hiện thì không tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, đối với hợp đồng chính và hợp đồng phụ, chúng ta cần phải xét tới từng trường hợp:

– Khi hợp đồng phụ vô hiệu thì sẽ không làm mất đi hiệu lực của hợp đồng chính “Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính” (khoản 3 điều 407 BLDS 2015). Tuy nhiên, trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính thì sự vô hiệu của hợp đồng phụ sẽ làm mất đi hiệu lực của hợp đồng chính.

– Khi hợp đồng chính vô hiệu thì “sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ”( khoản 2 điều 407 BLDS 2015) bởi “Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực của hợp đồng phụ thuộc vào hợp đồng chính”.Vì hiệu lực của hợp đồng phụ thuộc vào hợp đồng chính nên hợp đồng chính không có hiệu lực thì hợp đồng phụ cũng không có hiệu lực.

Tuy nhiên, cần lưu ý là hợp đồng chính vô hiệu làm “ chấm dứt” hợp đồng phụ chứ không làm hợp đồng phụ vô hiệu bởi hai khái niệm này sẽ dẫn tới hậu quả pháp lý khác nhau. Hợp đồng vô hiệu sẽ làm các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, còn “chấm dứt” hợp đồng thì quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng sẽ không còn kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng, các bên không phải khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Thứ hai, hoàn trả lại tài sản:

Khi hợp đồng vô hiệu thì ” các bên phải khôi phục tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Trong trường hợp, việc hoàn trả lại bằng hiện vật không thể thực hiện được vì nhiều lý do như tài sản đã được tiêu thụ, bị mất, bị bán cho người khác…. thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Ví dụ như hợp đồng vay tài sản, trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý (Điều 466 BLDS 2015).

Thứ ba, bồi thường thiệt hại:

Theo quy định thì “Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. Trong hậu quả pháp lý này, điều mà chúng ta quan tâm nhất là việc xác định thiệt hại được bồi thường như thế nào? Theo quy định của BLDS thì một bên chỉ phải bồi thường thiệt hại cho bên kia của hợp đồng chỉ khi có “thiệt hại”, không có thiệt hại thì không có bồi thường. Về nguyên tắc, bên cho rằng có thiệt hại thì có trách nhiệm chứng minh thiệt hại cũng như mức độ thiệt hại.

» Dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng

Dịch vụ giải quyết khi hợp đồng vô hiệu: