Đăng ký đất đai lần đầu để đảm bảo quyền sử dụng đất

Đăng ký đất đai lần đầu là rất quan trọng. Việc không đăng ký đất đai lần đầu của người sử dụng đất kéo theo rất nhiều các vấn đề phát sinh liên quan đến đất đai như: thừa kế, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, góp vốn, đặc biệt là tranh chấp đất đai. Để tránh các tranh chấp phát sinh không đáng có cũng như đảm bảo quyền sử dụng đất được liên tục thì việc đăng ký quyền sử dụng đất là rất quan trọng. 

Quy định pháp luật về đăng ký đất đai lần đầu

Hiện nay, quy định pháp luật về đăng ký đất đai lần đầu được thể hiện cụ thể trong Luật Đất đai 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT,…

1. Đăng ký đất đai lần đầu là gì

Theo quy định tại khoản 15 Luật Đất đai 2013 thì đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.

Như vậy có thể hiểu, đăng ký đất đai lần đầu là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất với lần đầu tiên khi bắt đầu sử dụng đất. Nói cách khác, đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu là trường hợp người sử dụng đất xác lập quyền trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai. 

2. Các trường hợp cần thực hiện đăng ký đất đai lần đầu

Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013, đăng ký đất đai lần đầu được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

  • Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng;
  • Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
  • Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;
  • Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.

Như vậy, khi thuộc các trường hợp nêu trên chủ thể phải thực hiện việc đăng ký đất đai lần đầu theo quy định pháp luật.

3. Hồ sơ đăng ký đất đai lần đầu

  • Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký đất đai lần đầu bao gồm các loại giấy tờ sau:
  • Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo mẫu số 04a/ĐK;
  • Một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (nộp bản sao chứng thực và xuất trình bản chính để đối chiếu);
  • Đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì cần một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP như: Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở,…
  • Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
  • Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
  • Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
  • Các giấy tờ khác như: bản sao Sổ hộ khẩu, bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
  • Trường hợp ủy quyền đăng ký đất đai thì cần có giấy ủy quyền.

4. Thời điểm có hiệu lực của đăng ký đất đai lần đầu

Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 95 Luật Đất đai 2013 thì việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính.

Như vậy, thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký đất đai lần đầu là kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính. 

» Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

» Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai