Công văn 24/1999/KHXX giải đáp vấn đề áp dụng pháp luật

Công văn 24/1999/KHXX giải đáp vấn đề áp dụng pháp luật. oà án nhân dân tối cao đã có bản giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng. Tuy nhiên, tại Hội nghị này một số Toà án có ý kiến đề nghị được giải đáp bổ sung một số vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Trong lời bế mặc Hội nghị, Chánh án Toà án nhân dân tối cao thay mặt Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã giải đáp sơ bộ về những vấn đề đó. Để áp dụng đúng và thống nhất pháp luật trong công tác xét xử

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số: 24/1999/KHXX

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 1999

CÔNG VĂN

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 24/1999/KHXX NGÀY 17 THÁNG 3 NĂM 1999 VỀ VIỆC GIẢI ĐÁP BỔ SUNG MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT

Kính gửi: Các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp

Tại Hội nghị công tác ngành Toà án năm 1998 (từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 2 năm 1999), Toà án nhân dân tối cao đã có bản giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng. Tuy nhiên, tại Hội nghị này một số Toà án có ý kiến đề nghị được giải đáp bổ sung một số vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Trong lời bế mặc Hội nghị, Chánh án Toà án nhân dân tối cao thay mặt Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã giải đáp sơ bộ về những vấn đề đó. Để áp dụng đúng và thống nhất pháp luật trong công tác xét xử, Toà án nhân dân tối cao giải đáp những vấn đề được nêu bổ sung tại Hội nghị như sau:

I. VỀ HÌNH SỰ

1. Đề nghị giải thích cụm từ “người nào thấy người khác” quy định tại Điều 107 Bộ luật Hình sự. “Thấy” quy định trong điều luật này là “mắt nhìn thấy” hay là chỉ cần “biểt rõ”?

Theo Từ điển tiếng Việt năm 1992 thì “Thấy” có thể được hiểu theo các cách khác nhau: nhận biết được bằng mắt nhìn (nhìn thấy); nhận biết được bằng giác quan nói chung (nghe thấy); nhận ra được, biết được qua nhận thức (thấy được khuyết điểm); có cảm giác, cảm thấy (thấy vui). Để truy cứu một người về “tội cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (Điều 107 Bộ luật Hình sự) thì “Thấy” ở đây không phải hiểu theo nghĩa rộng như các cách khác nhau được giải thích trong Từ điển tiếng Việt năm 1992, nhưng cũng không phải hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ “nhìn thấy”. “Thấy” quy định trong Điều 107 Bộ luật Hình sự hoặc là “mắt nhìn thấy” hoặc là tuy mắt không nhìn thấy nhưng “có đầy đủ căn cứ biết rõ” người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến chết người.

2. Người được miễn trách nhiệm hình sự có phải là người không phạm tội hay không, có phải là hành vi của họ chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự và chỉ có thể bị xử lý hành chính hay không? Khi tuyên bố miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thì có phải quyết định hình phạt bổ sung hay không, nếu điều luật có quy định hình phạt bổ sung đối với tội đó; trách nhiệm dân sự (nếu có) sẽ giải quyết như thế nào?

Về vấn đề này đã được hướng dẫn cụ thể tại mục VIII Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5-1-1986 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự” (Xem cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng; năm 1990; trang 22), nay cần nhấn mạnh thêm là “miễn trách nhiệm hình sự” và “Không phạm tội” là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau.

– Miễn trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với người phạm tội mà khi họ thực hiện hành vi phạm tội nếu căn cứ vào tình hình hoặc căn cứ vào nhân thân của họ tại thời điểm đó, thì họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng khi tiến hành điều tra hoặc xét xử do có sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Ví dụ: Một người trộm cắp tài sản của công dân có giá trị 1 triệu đồng. Nếu tại thời điểm họ thực hiện hành vi trộm cắp đó, thì họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự, thế nhưng sau khi Viện kiểm sát truy tố ra trước Toà án thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử họ đã lập công lớn trong việc dập tắt một đám cháy và đã bị thương tích nặng. Trong trường hợp này họ có thể được miễn trách nhiệm hình sự vì bản thân họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Miễn trách nhiệm hình sự cũng có thể được áp dụng đối với người phạm tội, nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.

– Không phạm tội là trường hợp hành vi của họ không cấu thành tội phạm (như phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết; những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể…), hay họ không thực hiện hành vi phạm tội đó mà là do người khác thực hiện…, có nghĩa là ngay tại thời điểm mà họ thực hiện hành vi đó hay ngay tại thời điểm có hành vi phạm tội xảy ra căn cứ vào các quy định của pháp luật thì họ không phạm tội.

Người được miễn trách nhiệm hình sự không phải chịu trách hình phạt chính cũng như hình phạt bổ sung; tuy nhiên, tuỳ trường hợp cụ thể Toà án có thể quyết định áp dụng biện pháp tư pháp đối với họ và giải quyết trách nhiệm dân sự (nếu có). Tuỳ trường hợp cụ thể người được miễn trách nhiệm hình sự có thể bị xử lý hành chính.

3. Đối với người chiếm đoạt tài sản là tiền rồi dùng tiền đó mua vé xổ số và trúng thưởng, thì có áp dụng Điều 33 Bộ luật Hình sự để tịch thu khoản tiền trúng thưởng đó hay không?

Theo điểm b khoản 1 Điều 33 Bộ luật Hình sự thì Toà án quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước “những vật, tiền bạc mà người phạm tội do thực hiện tội phạm hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có”. Trong trường hợp một người chiếm đoạt tài sản là tiền rồi dùng tiền đó mua vé xổ số và trúng thưởng thì khoản tiền trúng thưởng đó là do mua vé xổ số mà có, tức là thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Bộ luật Hình sự; do đó, Toà án quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước. Việc quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước khoản tiền trúng thưởng này không những đúng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Bộ luật Hình sự mà là hết sức cần thiết nhằm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

4. Người phạm tội về ma tuý bị Toà án đã tuyên phạt tử hình, thì đối với họ có cần thiết phải tuyên hình phạt bổ sung là phạt tiền nữa hay không?

Theo quy định tại Điều 185o Bộ luật Hình sự thì người phạm tội ngoài việc phải chịu hình phạt chính còn phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền. Như vậy, việc quyết định hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với người phạm tội là bắt buộc. Việc thi hành hình phạt bổ sung là phạt tiền có thể được thực hiện trước hoặc sau khi thi hành hình phạt tử hình. Nếu sau khi đã thi hành xong án tử hình mà vẫn còn tài sản của người bị thi hành án tử hình, thì cơ quan thi hành án dân sự vẫn tiếp tục thi hành hình phạt tiền đối với họ trong phạm vi khối tài sản mà họ để lại; nếu họ không còn bất cứ một thứ tài sản nào để thi hành hình phạt tiền, thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án phạt tiền đối với họ.

5. Một người mua chất ma tuý để sử dụng và khi đang đi trên đường thì bị bắt với số lượng mà theo hướng dẫn thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này cần truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội “vận chuyển trái phép chất ma tuý” hay về tội “tàng trữ trái phép chất ma tuý”.

Trước hết cần phân biệt thế nào “tàng trữ trái phép” và thế nào”vận chuyển trái phép” theo hướng dẫn tại khoản 2 mục II phần B Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự” (Xem cuốn các văn bản hình sự, dân sự, kinh tế và tố tụng; năm 1998; trang 48). Trong trường hợp cụ thể được nêu ra trên đây nếu có đầy đủ căn cứ xác định rằng người đó mua chất ma tuý để sử dụng với số lượng đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng có nghĩa là có căn cứ khẳng định người đó mua chất ma tuý cất giữ để sử dụng dần; do đó, đối với trường hợp mua chất ma tuý để sử dụng với số lượng đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà đang cất giữ ở trong người cho dù phát hiện được trong trường hợp họ đang đi trên đường thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về tội “tàng trữ trái phép chất ma tuý”. Tuy nhiên, so sánh Điều 185c và Điều 185d Bộ luật Hình sự, thì các tình tiết định khung tăng nặng, các khung hình phạt là như nhau; do đó, đối với trường hợp nêu trên, nếu Viện kiểm sát đã truy tố về tội “vận chuyển trái phép chất ma tuý”, thì Toà án vẫn có thể kết án bị cáo theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố.

6. Đối với người có hành vi mua thuốc phiện một lần và đã bán cho nhiều người, mà tổng số thuốc phiện của các lần bán cộng lại là dưới 500 gam, thì có xét xử theo quy định tại điển b khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự hay không? Nếu Viện kiểm sát truy tố và Toà án cũng xét xử trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 185đ và coi tình tiết “phạm tội nhiều lần” là tình tiết tăng nặng theo điểm i khoản 1 Điều 39 Bộ luật Hình sự, thì có đúng hay không? Nếu mọi trường hợp mua thuốc phiện một lần rồi bán cho nhiều người, đều bị coi là “phạm tội nhiều lần” và bị xét xử theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự, thì đề nghị hướng dẫn việc áp dụng hình phạt đối với 2 trường hợp cụ thể sau đây: trường hợp mua 3,75 gam thuốc phiện, bán cho nhiều người và trường hợp mua 400 gam thuốc phiện, bán cho nhiều người vì số lượng thuốc phiện của trường hợp thứ 2 gấp hơn 100 lần trường hợp thứ nhất trong khi mức hình phạt quy định đối với những trường hợp thuộc khoản 2 Điều 185đ là từ 10 năm tù đến 15 năm tù.

Theo tinh thần hướng dẫn tại điểm a khoản 4 mục II phần B Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự”, thì người mua bán thuốc phiện có trọng lượng dưới 500 gam bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 185đ Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hướng dẫn này mới chỉ căn cứ vào trọng lượng chất ma tuý mà chưa xét đến các tình tiết định khung hình phạt khác. Theo tinh thần hướng dẫn tại điểm c mục 8 Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 5-8-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, thì phải áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự trong các trường hợp: mua trái phép chất ma tuý từ hai lần trở lên nhằm bán trái phép cho người khác, không phân biệt bán một lần hoặc bán nhiều lần; mua trái phép chất ma tuý một lần và bán lại trái phép số lượng chất ma tuý đó từ hai lần trở lên cho người khác, không phân biệt bán lại từ hai lần trở lên cho một người hoặc cho nhiều người; mua trái phép chất ma tuý một lần và bán lại trái phép số lượng chất ma tuý đó trong cùng một lúc cho hai người trở lên. Như vậy, đối với trường hợp người mua trái phép thuốc phiện có trọng lượng dưới 500 gam đem bán lại cho nhiều người là trường hợp “phạm tội nhiều lần” và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự; nếu có thêm một tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự (ví dụ: sử dụng người chưa thành niên vào việc phạm tội) thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 3 Điều 185đ Bộ luật Hình sự. Do đó, đối với các trường hợp nêu trên nếu Viện kiểm sát chỉ truy tố và Toà án cũng chỉ xét xử theo khoản 1 Điều 185đ Bộ luật Hình sự và coi tình tiết “phạm tội nhiều lần” là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 39 Bộ luật Hình sự là không đúng.

Trong các trường hợp nêu trên mặc dù đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự, nhưng khi quyết định hình phạt Toà án phải căn cứ vào nguyên tắc quyết định hình phạt quy định tại Điều 37 Bộ luật Hình sự, nếu so sánh các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trong các trường hợp này như nhau, chỉ có số lượng thuốc phiện khác nhau, thì số lượng thuốc phiện càng lớn càng phải xử phạt nghiêm khắc hơn.

7. Tại điểm b mục 9 Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA ngày 5-8-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an “Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương VIIA Các tội phạm về ma tuý của Bộ luật Hình sự” có hướng dẫn:

“Người nào đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma tuý được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng chưa được xoá án mà lại tàng trữ trái phép hoặc vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý được hướng dẫn trên đây (được hướng dẫn tại dấu (*) thứ nhất tiết b điểm 4 mục II phần B của Thông tư liên tịch số 01/1998) nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 185c hoặc khoản 1 Điều 185d tương ứng”; Nếu thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 185c hoặc khoản 2 Điều 185d tương ứng.

Đề nghị giải thích trong các trường hợp tàng trữ trái phép chất ma tuý, vận chuyển trái phép chất ma tuý là thuốc phiện có trọng lượng dưới một gam (1g) hoặc hêrôin có trọng lượng dưới không phẩy một gam (0,1g), nhưng đã bị kết án mà chưa được xoá án, thì trong trường hợp nào xét xử theo khoản 1 Điều 185c (hoặc khoản 1 Điều 185d) và trong trường hợp nào xét xử theo khoản 2 Điều 185c (hoặc khoản 2 Điều 185d); cụ thể là:

a- Đã bị kết án một lần về tội phạm về ma tuý, nhưng chưa được xoá án;

b- Đã bị kết án một lần về tội phạm về ma tuý và một lần về tội phạm khác, nhưng chưa được xoá án;

c- Đã bị kết án hai lần đều không phải về tội phạm về ma tuý.

Theo hướng dẫn tại tiết b điểm 4 Mục II Phần B của Thông tư liên tịch số 01/1998 và tại điểm b mục 9 của Thông tư liên tịch số 02/1998, thì người nào tàng trữ trái phép, vận chuyển trái phép chất ma tuý là thuốc phiện có trọng lượng dưới một gam (1g) hoặc hêrôin có trọng lượng dưới không phẩy một gam (0,1g) chỉ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi và chỉ khi họ đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma tuý được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng chưa được xoá án. Nếu trước đó họ chỉ bị kết án một hoặc nhiều lần về tội phạm (các tội phạm) khác không phải là về một trong các tội phạm về ma tuý, thì họ vẫn không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý. Như vậy, điều kiện bắt buộc để truy cứu trách nhiệm hình sự người nào tàng trữ trái phép hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý là thuốc phiện có trọng lượng dưới một gam (1g) hoặc hêrôin có trọng lượng dưới không phẩy một gam (0,1g) là trước đó họ đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma tuý, nhưng chưa được xoá án.

Trong trường hợp theo hướng dẫn trên đây họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì việc xác định họ không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm hay thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm để xét xử họ theo khoản 1 hay theo khoản 2 Điều 185c hoặc theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 185d không phải căn cứ vào số lần họ đã bị kết án, nhưng chưa được xoá án mà phải căn cứ vào Điều 40 Bộ luật Hình sự. Cũng có thể trước đó họ chỉ mới một lần bị kết án về một trong các tội phạm về ma tuý, nhưng chưa được xoá án song trong trường hợp này thì họ không phải là tái phạm nguy hiểm nên chỉ bị xét xử theo khoản 1 Điều 185c hoặc khoản 1 Điều 185d Bộ luật Hình sự, song trong trường hợp khác họ là tái phạm nguy hiểm và phải bị xét xử theo khoản 2 Điều 185c hoặc khoản 2 Điều 185d Bộ luật Hình sự.

Ví dụ 1: Một người đã bị kết án một năm tù theo khoản 1 Điều 185l Bộ luật Hình sự về “tội sử dụng trái phép chất ma tuý” và chưa được xoá án, nay tàng trữ trái phép 0,5 gam thuốc phiện, thì trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự họ chỉ là tái phạm mà không phải là tái phạm nguy hiểm; do đó, họ chỉ bị kết án theo khoản 1 Điều 185c Bộ luật Hình sự. Tình tiết tái phạm chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với họ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 39 Bộ luật Hình sự

Ví dụ 2: Một người đã bị kết án ba năm tù theo khoản 1 Điều 185đ Bộ luật Hình sự về “tội mua bán trái phép chất ma tuý” và chưa được xoá án, nay tàng chữ trái phép 0,5 gam thuốc phiện, thì trong trường hợp này theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự họ là tái phạm nguy hiểm; do đó, họ phải bị kết án theo điểm n khoản 2 Điều 185c Bộ luật Hình sự.

Ví dụ 3: Một người đã bị kết án một năm tù theo khoản 1 Điều 109 Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích và chưa được xoá án, thì lại bị kết án một năm tù theo khoản 1 Điều 185l Bộ luật Hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý và cũng chưa được xoá án, nay lại tàng trữ trái phép 0,5 gam thuốc phiện, thì trong trường hợp này theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự họ là tái phạm nguy hiểm và, do đó, họ phải bị xét xử theo điểm n khoản 2 Điều 185c Bộ luật Hình sự.

II. VỀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ

1. Hồ sơ thi hành án phạt tù của Toà án gồm những giấy tờ gì?

Theo quy định tại Điều 15 Pháp lệnh Thi hành án phạt tù, thì hồ sơ thi hành án phạt tù của Toà án bước đầu phải có bản sao bản án, quyết định phạt tù đã có hiệu lực pháp luật và quyết định thi hành bản án, quyết định đó của Toà án. Ngoài hai loại giấy tờ này, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà có những loại giấy tờ khác. Ví dụ, nếu sau khi ra quyết định thi hành án phạt tù mà người bị kết án thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự mà được hoãn thi hành án phạt tù thì trong hồ sơ thi hành án phạt tù được bổ sung quyết định hoãn thi hành án phạt tù. Nếu sau khi ra quyết định thi hành án phạt tù mà người bị kết án đã vào trại giam, thì trong hồ sơ thi hành án phạt tù được bổ sung văn bản thông báo của giám thị trại giam nơi người bị kết án chấp hành hình phạt tù về việc đã tiếp nhận người bị kết án tù đã vào trại giam.

Nói chung trong quá trình thi hành án phạt tù mà Toà án hay các cơ quan khác có thẩm quyền ra bất kỳ một quyết định, văn bản nào có liên quan đến việc thi hành án phạt tù thì phải được bổ sung vào hồ sơ, như bản sao quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt từ; bản sao quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; bản sao quyết định đặc xá v.v…

2. Đối với trường hợp xét xử sơ thẩm không có mặt bị cáo, đương sự tại phiên toà, thì đến thời điểm nào mà vẫn không có kháng cáo của những người này bản án sơ thẩm bắt đầu có hiệu lực đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên toà sơ thẩm?

Theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 26-12-1996 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ “Hướng dẫn áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự”, thì bản án hình sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị. Theo quy định tại khoản 1 Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì “Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án”. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên toà thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản sao bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án. Như vậy theo các quy định và hướng dẫn trên đây, thì đối với trường hợp xét xử sơ thẩm không có mặt bị cáo, đương sự tại phiên toà, thì việc xác định thời điểm nào mà vẫn không có kháng cáo của họ, bản án sơ thẩm bắt đầu có hiệu lực pháp luật cần phân biệt như sau:

– Nếu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm mà Toà án cấp sơ thẩm đã giao bản sao bản án cho họ hoặc đã niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc, thì thời điểm bản án hình sự sơ thẩm bắt đầu có hiệu lực đối với họ bắt đầu từ ngày hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên, (tức là bắt đầu từ ngày thứ 31 kể từ ngày tuyên án).

– Nếu sau 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm mà Toà án cấp sơ thẩm mới giao bản sao bản án cho họ hoặc mới niêm yết tại Trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc, thì thời điểm bản án hình sự sơ thẩm bắt đầu có hiệu lực đối với họ bắt đầu từ ngày thứ 16, kể từ ngày niêm yết (nếu những người khác có quyền kháng cáo, kháng nghị bản án đối với họ mà không có kháng cáo, kháng nghị).

3. Một người phạm tội cố ý gây thương tích thuộc khoản 1 Điều 109 Bộ luật Hình sự và vụ án đối với họ đã được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Người phạm tội đã bị truy tố và Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử và kết án bị cáo. Sau khi xét xử sơ thẩm, người bị hại có đơn gửi Toà án cấp phúc thẩm xin rút yêu cầu khởi tố vụ án, thì Toà án cấp phúc thẩm giải quyết như thế nào?

Đối với trường hợp vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và sau đó người bị hại rút yêu cầu, thì khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định: “Trong trường hợp người bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà thì vụ án phải được đình chỉ. Trong trường hợp cần thiết, tuy người bị hại rút yêu cầu, Viện Kiểm sát hoặc Toà án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Tuy khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung chung là “Trong trường hợp người bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà” mà không quy định cụ thể là trước ngày mở phiên toà nói chung (sơ thẩm, phúc thẩm, kể cả giám đốc thẩm) hay chỉ là trước ngày mở phiên toà sơ thẩm, song cần hiểu là chỉ trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại mà trước ngày mở phiên toà sơ thẩm người bị hại rút yêu cầu và Viện Kiểm sát hoặc Toà án xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tiến hành tố tụng thì vụ án phải được đình chỉ. Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa rộng “trước ngày mở phiên toà” có thể là trước ngày mở phiên toà sơ thẩm, có thể là trước ngày mở phiên toà phúc thẩm, (cũng có thể là kể cả trước ngày mở phiên toà giám đốc thẩm), thì trong trường hợp vị cáo không kháng cáo, Viện Kiểm sát không kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, mà chỉ có người bị hại có đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án (có thể là trong thời hạn kháng cáo, có thể là sau khi hết thời hạn kháng cáo), thì rõ ràng vụ án không được thụ lý để xét xử phúc thẩm và trong trường hợp này đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án không được xem xét; do đó, nếu sau khi Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử sơ thẩm và trong thời hạn kháng cáo mà người bị hại có đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án, thì coi đây là đơn kháng cáo của người bị hại. Trong trường hợp này, Toà án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án và giải quyết theo thủ tục chung. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà Toà án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo. Trong trường hợp xét thấy cần thiết thì có thể không chấp nhận đơn kháng cáo của người bị hại mà vẫn giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm. Trong trường hợp sau khi Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử sơ thẩm và trong hạn kháng cáo, kháng nghị không có kháng cáo, kháng nghị, chỉ có sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị người bị hại mới có đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án, thì vụ áníẽ được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm.

4. Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội cướp tài sản của công dân và Toà án đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử bị cáo về tội cướp tài sản của công dân. Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên toà, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội và đề nghị kết tội bị cáo về tội danh nhẹ hơn là gây rối trật trật tự công cộng. Khi nghị án Hội đồng xét xử thấy có đầy đủ căn cứ kết tội bị cáo về tội cướp tài sản của công dân, thì Hội đồng xét xử có quyền kết án bị cáo về tội cướp tài sản của công dân không?

Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì Toà án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố và Toà án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đồng thời, theo tinh thần của quy định tại Điều 169, Điều 195 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong trường hợp Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội danh nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án. Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự thì khi nghị án, chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; do đó, trong trường hợp được nêu trên đây khi nghị án Hội đồng xét xử thấy có đầy đủ căn cứ kết tội bị cáo về tội cướp tài sản của công dân, thì Hội đồng xét xử có quyền không chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát và tuyên bố bị cáo phạm tội cướp tài sản của công dân. Điều đó là hoàn toàn đúng với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cần lưu ý là trong trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố tại phiên toà, thì Hội đồng xét xử phải thực hiện đúng các quy định tại khoản 2 Điều 195, khoản 2 Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Mục III Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 8-12-1988 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự” (Xem cuốn các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng; năm 1990; tr.136).

5. Trong một vụ án hình sự khi xét xử phúc thẩm (hay giám đốc thẩm), Toà án cấp phúc thẩm (hay cấp giám đốc thẩm) đã quyết định huỷ phần dân sự và giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại đối với phần dân sự, thì thủ tục thế nào? Nếu trong vụ án đó có ba người phải nộp tiền tạm ứng án phí mà chỉ có một người nộp tiền tạm ứng án phí còn lại hai người khác không nộp, thì toà án có giải quyết luôn tất cả đối với yêu cầu của cả ba người hay không?

Vấn đề này cần phân biệt như sau:

a- Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm (hay Toà án cấp giám đốc thẩm) quyết định huỷ các quyết định về phần dân sự trong bản án hình sự và giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại vụ án về phần dân sự theo thủ tục chung, thì Toà án cấp sơ thẩm tiến hành xét xử lại vụ án theo thủ tục tố tụng tố tụng hình sự, mặc dù chỉ xét xử về phần dân sự. Trong trường hợp này, tuy các đương sự trong vụ án hình sự không nộp tiền tạm ứng án phí dân sự, nhưng Toà án vẫn tiến hành giải quyết phần dân sự của vụ án hình sự.

b- Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm (hay Toà án cấp giám đốc thẩm) quyết định huỷ các quyết định về phần dân sự để giải quyết lại trong một vụ án dân sự khác khi có yêu cầu, thì việc giải quyết phần dân sự khi có yêu cầu theo thủ tục chung về tố tụng dân sự. Trong trường hợp này nếu chỉ có một người nộp tiền tạm ứng án phí dân sự, thì cần phân biệt như sau:

– Nếu cả ba người đều có yêu cầu Toà án giải quyết phần dân sự cho họ, mà các yêu cầu của ba người này có liên quan với nhau (ví dụ: cả ba người có yêu cầu đòi bồi thường chiếc ô tô là tài sản của chung của họ bị chiếm đoạt) thì dù chỉ có một người nộp tiền tạm ứng án phí dân sự, Toà án vẫn thụ lý để giải quyết trong cùng một vụ án dân sự các yêu cầu của cả ba người.

– Nếu cả ba người đều có yêu cầu Toà án giải quyết phần dân sự cho họ, nhưng các yêu cầu của ba người này hoàn toàn độc lập với nhau (ví dụ: người thứ nhất yêu cầu bồi thường chiếc xe đạp, người thứ hai yêu cầu đòi bồi thường chiếc máy khâu và người thứ ba yêu cầu đòi bồi thường chiếc xe máy), thì chỉ có người nào nộp tiền tạm ứng án phí dân sự theo yêu cầu của mình, Toà án mới thụ lý để giải quyết theo thủ tục chung.

6. Theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Tố tụng hình sự thì một trong những loại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được thi hành là “Những bản án và quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm” (điểm b khoản 1). Vậy trong một vụ án có nhiều bị cáo, có bị cáo kháng cáo hay bị kháng cáo, kháng nghị, có bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị, thì bản án sơ thẩm đó đã có hiệu lực pháp luật hay chưa? Cần hiểu bản án có hiệu lực pháp luật hay phần bản án có hiệu lực pháp luật.

Khoản 1 Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Những phần của bản án bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 226 Bộ luật này. Khi có kháng cáo, kháng nghị đối với toàn bộ bản án thì toàn bộ bản án chưa được đưa ra thi hành”. Như vậy, theo quy định này thì những phần của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị là có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành; nếu toàn bộ bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì toàn bộ bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành. Do đó, trong một vụ án có nhiều bị cáo, có bị cáo kháng cáo hay bị kháng cáo, kháng nghị, có bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị, thì toàn bộ bản án sơ thẩm đó chưa có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này khái niệm “những bản án và quyết định” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 226 Bộ luật Tố tụng hình sự cần phải hiểu là phần bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị.

III. VỀ DÂN SỰ

1. Trong trường hợp vay tài sản là vàng và có thoả thuận trả lãi suất bằng tiền, nếu có tranh chấp thì việc tính lãi suất như thế nào? Có thể quy vàng ra tiền để tính lãi suất theo số tiền đó được không?

Về vấn đề này tại khoản 5 Mục I Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính “Hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản” đã hướng dẫn: “Trong trường hợp đối tượng hợp đồng vay tài sản là vàng, thì lãi suất chỉ được chấp nhận khi Ngân hàng Nhà nước có quy định và cách tính lãi suất không phân biệt như các trường hợp đã nêu tại khoản 4 trên đây, mà chỉ tính bằng mức lãi suất Ngân hàng nhà nước quy định”. (Xem cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự, kinh tế và tố tụng; năm 1998; tr.163). Như vậy, khi các bên có tranh chấp và có yêu cầu Toà án giải quyết việc vay tài sản là vàng và có lãi suất, thì Toà án cần xác định lại xem việc giao dịch vay vàng vào thời điểm nào và tại thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước có quy định việc cho vay vàng có lãi suất hay không? Nếu tại thời điểm giao dịch vay vàng không có quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay vàng có lãi suất, thì Toà án không chấp nhận việc tính lãi suất. Nếu tại thời điểm giao dịch vay vàng có quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay vàng có lãi suất, thì Toà án chấp nhận việc tính lãi suất và mức lãi suất chỉ được tính bằng mức lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định, không tính lãi suất bằng tiền và cũng không quy vàng ra tiền để tính lãi suất theo số tiền.

2. Khi quyết định việc đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con, thì Toà án căn cứ vào đâu và mức đóng góp phí tổn tối thiểu là bao nhiêu?

Trước hết phải khẳng định rằng việc quyết định người không nuôi giữ con phải đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con là căn cứ vào Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình “… Người không nuôi giữ con có nghĩa vụ và quyền thăm nom, chăm sóc con và phải đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con. Nếu trì hoãn hoặc lẩn tránh việc đóng góp, thì Toà án nhân dân quyết định khấu trừ vào thu nhập hoặc buộc phải nộp những khoản phí tổn đó…”. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được với nhau về việc đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con, thì việc quyết định mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con phải tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Toà án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Tuy nhiên, căn cứ vào mức sống của nhân dân ta trong hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay, Toà án nhân dân tối cao tạm thời hướng dẫn là mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con.

» Mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là bao nhiêu?

3. Trong trường hợp Toà án đã xử cho vợ chồng ly hôn và giao con là người chưa thành niên cho vợ (hoặc chồng) trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục, nay người được nuôi dưỡng con đi xuất cảnh và muốn đưa con đi cùng, nhưng người không được nuôi giữ con không đồng ý nên xảy ra tranh chấp và đương sự yêu cầu Toà án giải quyết, thì cần giải quyết như thế nào?

Theo quy định tại Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình, thì “Vì lợi ích của con, khi cần thiết, có thể thay đổi việc nuôi giữ con hoặc mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con”; do đó, trong trường hợp trên đây, nếu người không được nuôi giữ con đã có đơn yêu cầu Toà án giải quyết thay đổi việc nuôi giữ con, thì Toà án thụ lý để giải quyết theo thủ tục chung; nếu họ chưa có đơn thì Toà án hướng dẫn cho họ làm đơn yêu cầu Toà án giải quyết thay đổi việc nuôi giữ con và khi họ đã có đơn, thì Toà án thụ lý để giải quyết theo thủ tục chung. Khi xem xét yêu cầu thay đổi việc nuôi giữ con, thì Toà án cũng phải căn cứ vào tinh thần quy định tại Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình để quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cần thay đổi việc nuôi giữ con; cụ thể là: “… Việc giao con chưa thành niên cho ai trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, về nguyên tắc, con còn bú được giao cho người mẹ nuôi giữ”. Trong trường hợp họ không làm đơn yêu cầu Toà án giải quyết thay đổi việc nuôi giữ con, mà chỉ yêu cầu người được nuôi giữ không được đưa con đi xuất cảnh với mục đích cản trở việc xuất cảnh của người được xuất cảnh, thì đây là loại việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

IV. VỀ TỐ TỤNG DÂN SỰ

1. Khi có người khiếu nại cơ quan hộ tịch về việc không chấp nhận yêu cầu sửa đổi những điều ghi trong giấy tờ về hộ tịch, thì Toà án có đưa cơ quan hộ tịch vào tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn hay không?

Theo tinh thần hướng dẫn tại mục IV Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, thì đương sự có quyền khiếu nại cơ quan hộ tịch về việc không chấp nhận yêu cầu sửa đổi những điều ghi trong giấy tờ hộ tịch như thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc sửa chữa bổ sung các sai sót như nhầm tên của cha, mẹ trong giấy khai sinh… Thẩm quyền giải quyết loại việc này là Toà án cấp huyện nơi có trụ sở của cơ quan hộ tịch bị khiếu nại. Đối với loại việc này, Toà án phải đưa cơ quan hộ tịch vào tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn; nếu Toà án đã gửi giấy triệu tập hai lần mà cơ quan hộ tịch đó không cử người tham gia tố tụng, thì căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Toà án đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.

2. Trong các trường hợp xin xác định là cha hoặc là mẹ cho con, thì có bắt buộc phải giám định máu, giám định gien của người con và người cần xác định là cha hoặc là mẹ cho con hay không? Nếu không bắt buộc phải giám định, thì có thể xảy ra trường hợp cùng việc đó khi họ có yêu cần cơ quan hộ tịch, thì có quan hộ tịch không xác định là cha hoặc là mẹ cho con, nhưng khi họ yêu cầu Toà án, thì Toà án lại xác định là cha hoặc là mẹ cho con.

Vấn đề này cần phân biệt như sau:

– Trong trường hợp có yêu cầu nhận cha, mẹ cho con và người được yêu cầu nhận là cha, là mẹ cho con cũng nhận rằng mình là cha, là mẹ của người con đó, thì theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, họ chỉ cần yêu cầu cơ quan hộ tịch công nhận và ghi vào sổ khai sinh. Nếu cơ quan hộ tịch từ chối việc công nhận và ghi vào sổ khai sinh, thì theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và hướng dẫn tại Mục IV Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự”, họ có quyền khiếu nại và yêu cầu Toà án giải quyết việc cơ quan hộ tịch từ chối việc công nhận và không ghi vào sổ khai sinh của cha, mẹ cho con. Nếu họ có yêu cầu, thì Toà án thụ lý để giải quyết theo thủ tục chung. Trong trường hợp này Toà án cần phải xem xét kỹ lý do mà cơ quan hộ tịch từ chối việc công nhận và không ghi vào sổ khai sinh cha, mẹ cho con. Nếu chỉ vì lý do là chưa có giám định máu, giám định gien, nhưng các bên liên quan vẫn không ai có ý kiến gì khác, không có tranh chấp thì Toà án chấp nhận yêu cầu khiếu nại của đương sự mà không cần giám định máu, giám định gien.

– Trong trường hợp có tranh chấp về nhận con, nhận cha, nhận mẹ thì Toà án nhân dân nơi thường trú của người con giải quyết vụ án (Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình) và trong trường hợp này, việc giám định máu, giám định gien là cần thiết.

V. VỀ KINH TẾ

1. Bị can, bị cáo đang bị tạm giam có được uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng tại Toà án trong quá trình giải quyết các tranh chấp kinh tế phát sinh từ các quan hệ kinh tế do họ xác lập khi chưa bị bắt tạm giam không?

Nếu có tranh chấp kinh tế và có yêu cầu Toà án giải quyết mà Toà án xác định tư cách của bị can, bị cáo đang bị tạm giam là đương sự trong vụ án kinh tế đó, thì theo quy định tại Điều 9 và Điều 20 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế bị can, bị cáo đang bị tạm giam là đương sự trong vụ án kinh tế đó có thể uỷ quyền cho Luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng. Việc uỷ quyền này phải được lập thành văn bản và cần có chứng nhận của Trại tạm giam hoặc Trại giam.

2. Trong quá trình giải quyết một số vụ án kinh tế mà có một trong các đương sự là bị can hoặc bị cáo đang bị tạm giam và họ không uỷ quyền cho người khác thay mình tham gia tố tụng, việc trích xuất họ đến Toà án để tiến hành hoà giải cũng không thực hiện được, thì Toà án có thể tiến hành hoà giải tại Trại tạm giam nơi họ đang bị tạm giam không?

Theo tinh thần quy định tại các điểm c và đ khoản 1 Điều 11 khoản 1 Quy chế về tạm giữ, tạm giam (Ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07-11-1998 của Chính phủ) thì Giám thị Trại tạm giam có nhiệm vụ tổ chức cho người đang bị giam, giữ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật; giao người bị tạm giam, tạm giữ theo lệnh trích xuất của người có thẩm quyền; do đó, về nguyên tắc khi Toà án có lệnh trích xuất bị can, bị cáo đang bị tạm giam là đương sự trong vụ án kinh tế để tiến hành hoà giải, thì Giám thị Trại tạm giam phải tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp vì những lý do chính đáng nào đó mà việc trích xuất không thực hiện được, thì Toà án có thể tổ chức việc hoà giải và tiến hành hoà giải tại Trạm tạm giam.

3. Trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp mà phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và theo Luật phá sản doanh nghiệp thì Toà án phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát để xem xét về hình sự, nhưng Luật phá sản doanh nghiệp không quy định là trong trường hợp này Toà án sau khi chuyển hồ sơ thì ra quyết định tạm đình chỉ hay đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp? Nếu đình chỉ thì chi phí cho việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp được giải quyết như thế nào?

Cũng trường hợp trên, nếu Viện kiểm sát chuyển trả hồ sơ lại cho Toà án với lý do là người có trách nhiệm hình sự đã chết, nên không xem xét về hình sự, thì Toà án phải tiếp tục giải quyết như thế nào? Trước đây khi chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát Toà án đã ra quyết định tạm đình chỉ chờ quyết định khởi tố của Viện kiểm sát. Nếu Toà án không tiếp tục giải quyết phá sản thì hồ sơ chuyển trả lại cho ai? Các chi phí cho việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp giải quyết như thế nào?

Về trả lời câu hỏi này trước hết chúng ta phải căn cứ vào các quy định của Luật phá sản doanh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 10 Luật phá sản doanh nghiệp, thì trong khi giải quyết các vụ án có liên quan đến doanh nghiệp, nếu phát hiện doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì Toà án thông báo cho các chủ nợ, doanh nghiệp đó biết để nộp đơn yêu cầu giải quyết việc phá sản doanh nghiệp. Đồng thời theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật phá sản doanh nghiệp, thì trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì Thẩm phán cung cấp tài liệu cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xem xét để khởi tố về mặt hình sự. Mặt khác, theo quy định tại các điều 16, 29, 31, 33 và 35 Luật phá sản doanh nghiệp, thì trong các căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp không có căn cứ nào là khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội.

Xuất phát từ các quy định trên đây của Luật phá sản doanh nghiệp, thì trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm, một mặt Thẩm phán vẫn tiếp tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; mặt khác, cung cấp tài liệu cho Viện kiểm sát (có thể là bản sao) xem xét để khởi tố về mặt hình sự, chứ không được ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố việc phá sản doanh nghiệp và chuyển toàn bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát.

Nếu thực tiễn có trường hợp cụ thể nào đó mà Toà án đã ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp và đã chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát, thì Toà án đó ra ngay quyết định rút quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ đó và yêu cầu Viện kiểm sát chuyển trả hồ sơ giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung (kể cả chi phí cho việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp).

Trong trường hợp Viện kiểm sát chuyển trả hồ sơ lại cho Toà án với lý do người có trách nhiệm hình sự đã chết, thì việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp vẫn tiếp tục. Nếu không phải là doanh nghiệp tư nhân thì vẫn giải quyết theo thủ tục chung. Nếu là doanh nghiệp tư nhân mà chủ của doanh nghiệp bị chết và người thừa kế từ chối thừa kế hoặc không có người thừa kế, thì Thẩm phán áp dụng khoản 6 Điều 36 Luật phá sản doanh nghiệp ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

VI. VỀ LAO ĐỘNG

1. Đối với các vụ án lao động, nếu người khởi kiện làm đơn yêu cầu Toà án giải quyết, nhưng chưa qua hoà giải tại cơ sơ hoặc chưa được Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết thì Toà án có thụ lý để giải quyết hay không?

Để quyết định việc thụ lý hay không thụ lý đơn kiện để giải quyết các tranh chấp lao động chưa qua hoà giải tại sơ sở hoặc chưa được Hội đồng Trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết, Toà án cần phải căn cứ vào Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động. Theo quy định tại Điều 11 này, thì chỉ có các tranh chấp lao động cá nhân sau đây chưa qua hoà giải tại cơ sở, Toà án vẫn có thẩm quyền giải quyết.

– Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

– Tranh chấp về bồi thườngthiệt hại cho người sử dụng lao động.

Đối với các tranh chấp lao động cá nhân khác bắt buộc phải qua hoà giải tại cơ sở (Hội động hoà giải sở hoặc hoà giải viên lao động của cơ quan lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) và việc hoà giải đó không thành, thì Toà án mới thụ lý để giải quyết.

Đối với các tranh chấp lao động tập thể, thì trong mọi trường hợp phải được Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động và có yêu cầu Toà án giải quyết, thì Toà án mới thụ lý để giải quyết.

Cần lưu ý là khi thụ lý để giải quyết các tranh chấp lao động trên đây, cần chú ý đến thời hạn khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động.

VII. VỀ HÀNH CHÍNH

1. Vấn đề thi hành án hành chính được thực hiện như thế nào? làm thế nào để bảo đảm hiệu lực thi hành án hành chính?

Cơ chế bảo đảm hiệu lực thi hành án hành chính cũng như vấn đề thi hành án hành chính đã được quy định cụ thể tại Điều 74 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính như sau:

“1- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước.

2- Cá nhân, cơ quan nhà nước tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành. Thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thi hành án hành chính; trong trường hợp cần thiết có quyền buộc phải chấp hành quyết định của Toà án về vụ án hành chính. Người nào thiếu trách nhiệm trong việc thi hành án hành chính hoặc cố tình không chấp hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Các quyết định về phần tài sản, quyền tài sản trong các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự”.

2. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai quy định tại khoản 5 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung) là những quyết định nào hành, vi nào?

Căn cứ vào Điều 13 Luật đất đai quy định nội dung quản lý nhà nước về đất đai và căn cứ vào Điều 4 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, (đã được sửa đổi, bổ sung), thì các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai quy định tại khoản 5 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung) bao gồm những quyết định, hành vi sau đây:

a. Quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai quy định tại khoản 5 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước về việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về đất đai quy định tại Điều 13 Luật đất đai được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính.

b. Hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai quy định tại khoản 5 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ về nội dung quản lý nhà nước về đất đai quy định tại Điều 13 Luật đất đai.

3. “Người bị kiện” uỷ quyền cho ai thì Toà án mới chấp nhận, vì thực tiễn cho thấy có người được uỷ quyền tham gia tố tụng, nhưng chỉ đến Toà án để nghe mà không phát biểu ý kiến hoặc không dám phát biểu chính kiến của mình về việc giải quyết vụ án hành chính.

Theo quy định tại Điều 6 và Điều 22 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, thì đương sự có thể uỷ quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng, trừ một số đối tượng cụ thể quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 22 của Pháp lệnh này; do đó, “người bị kiện” (cũng là đương sự) có thể uỷ quyền bằng văn bản cho bất kỳ người nào đại diện cho mình tham gia tố tụng, nếu người đó không thuộc một trong số đối tượng này. Tuy nhiên, để tránh tình trạng bên được uỷ quyền tham gia tố tụng, nhưng không thực hiện được nhiệm vụ của mình và bên uỷ quyền từ chối nghĩa vụ do bên được uỷ quyền xác lập trong phạm vi uỷ quyền, thì Toà án chỉ chấp nhận việc uỷ quyền khi có văn bản uỷ quyền và được chứng thực hợp pháp. Trong văn bản uỷ quyền đó phải ghi đầy đủ quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự được uỷ quyền và cam đoan của bên uỷ quyền phải thực hiện các nghĩa vụ do bên được uỷ quyền xác lập trong phạm vi uỷ quyền. Trong trường hợp văn bản uỷ quyền chưa làm đúng như hướng dẫn trên đây, thì Toà án cần giải thích cho họ biết và yêu cầu làm lại văn bản uỷ quyền theo hướng dẫn trên đây.

4. Các khiếu kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 10 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính bao gồm các khiếu kiện nào?

Quy định này cần hiểu là, ngoài các vụ án hành chính cụ thể được quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 9 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, thì nếu trong một văn bản quy phạm pháp luật nào đó có quy định có loại quyết định hành chính, hành vi hành chính nào đó nếu có khiếu kiện là vụ án hành chính và thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân, thì Toà án căn cứ vào khoản 10 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thụ lý để giải quyết. Ví dụ: Hiện nay theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ “quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp” và theo Luật khiếu nại, tố cáo, thì nếu các khiếu nại các quyết định liên quan đến việc chấp nhận đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ, cấp hoặc từ chối cấp Văn bằng bảo hộ mà trong thời hạn pháp luật quy định Cục Sở hữu công nghiệp không giải quyết hoặc đã giải quyết mà người khiếu nại không đồng ý, thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo pháp luật tố tụng hành chính.

5. Có cần phải phân biệt giá trị nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố khác từ bao nhiêu trở lên nếu có khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ Toà án mới thụ lý để giải quyết hay không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì không phân biệt giá trị nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố khác từ bao nhiêu trở lên, nếu có khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ Toà án mới thụ lý để giải quyết. Chỉ cần xác định rằng đó là nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố, nếu có khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ là Toà án xem xét thụ lý để giải quyết theo thủ tục chung.

Ngoài các vấn đề đã được giải đáp bổ sung trên đây, còn có một số vấn đề khác như về mối quan hệ phối hợp hay kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Toà án nhân dân tối cao sẽ lưu ý để có ý kiến với các cơ quan hữu quan đó.

 

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)

» Luật sư tư vấn pháp luật