Có được sử dụng kích điện để đánh bắt cá không? xử phạt thế nào?

Có được sử dụng kích điện để đánh bắt cá không? Trường hợp nào sử dụng kích điện bắt cá bị xử phạt vi phạm hành chính? Việc đánh bắt cá bằng xung điện là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm vì mang tính hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Khi sử dụng xung điện, các loài cá, tôm, thủy sinh trong bán kính 2m đều bị tiêu diệt, trong đó có toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo lại, dẫn đến sụt giảm nhanh chóng số lượng các loài thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Và theo quy định tại Điều 15 Nghị định 103/2013/NĐ-CP thì hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản sẽ bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản (trừ hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này và việc sử dụng kích điện tại ao nuôi để thu hoạch thủy sản).

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác.

3. Mức phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản như sau: (Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 41/2017/NĐ-CP)

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc tàu cá không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét nước;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 m trở lên mà không lắp máy hoặc tàu cá có lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên đến dưới 50 sức ngựa;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 50 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa đến dưới 250 sức ngựa;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 sức ngựa đến dưới 400 sức ngựa;

e) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 sức ngựa trở lên.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật để khai thác thủy sản và sản phẩm thủy sản khai thác đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này; (Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 1 Nghị định 41/2017/NĐ-CP)

b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản quy định tại Khoản 3 Điều này.

Theo các quy định nêu trên, có thể thấy hành vi sử dụng kích điện để đánh bắt cá là hành vi vi phạm pháp luật.

» Nghị định 103/2013/NĐ-CP