Cho vay cầm đồ lãi suất cao có bị xử lý hình sự không?

Cho vay cầm đồ lãi suất cao có bị xử lý hình sự không? Anh tôi mang bằng Đại học đi cầm cố tại một cửa hàng cầm đồ để vay 50 triệu, lãi suất 4.500 đồng/1.000.000 đồng/ngày.

Do làm ăn thua lỗ, anh tôi không trả được đúng hạn như thỏa thuận. Khi biết chuyện tôi trực tiếp đến cửa hàng cầm đồ thì họ yêu cầu trả đủ số tiền gốc, lãi và cả một khoản tiền phạt.

Tôi biết mức lãi suất như trên là quá cao. Nếu anh tôi tố cáo, cửa hàng cầm đồ có thể bị xử lý hình sự hay không?

Cho vay cầm đồ lãi suất cao có bị xử lý hình sự không?

Tư vấn:

Theo lời kể của bạn thì giữa anh bạn và cửa hàng cầm đồ đã xác lập quan hệ vay tài sản, có lãi suất.

Hợp đồng vay tài sản theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Đồng thời, hai bên đã thỏa thuận cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền vay thông qua việc anh bạn chuyển cho cửa hàng cầm đồ giữ Bằng Tiến sĩ của mình.

Cầm cố tài sản, theo Điều 309 của BLDS 2015:

Điều 309. Cầm cố tài sản

Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.

Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.

Về nguyên tắc, khi đến hạn theo thỏa thuận, anh bạn phải trả nợ vay, lãi suất và cửa hàng cầm đồ có trách nhiệm trả lại tài sản cầm cố cho anh bạn. Quá thời hạn này mà chưa trả nợ, anh bạn còn có thể phải trả cho cửa hàng cầm đồ lãi suất quá hạn. Vì, Điều 466 Bộ luật này quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Do vậy, pháp luật tôn trọng thỏa thuận của các bên tham gia quan hệ dân sự, bao gồm quan hệ cho vay và quan hệ cầm cố tài sản. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các bên phù hợp với yêu cầu quản lý và trật tự xã hội. Chính vì vậy, lãi suất cho vay cũng được quy định cụ thể, giới hạn tối đa mà các bên không được thỏa thuận vượt quá tại Điều 468 của Bộ luật này. Đó là:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

Theo tính toán của chúng tôi, chưa tính phần phạt vi phạm, mức lãi suất mà anh bạn và cửa hàng cầm đồ thỏa thuận khi vay tiền là 4.500 đồng/1.000.000 đồng/ngày, tương ứng với 164,25%/năm. Mặc dù là thỏa thuận giữa hai bên, nhưng thỏa thuận này đã vi phạm quy định
“không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay” nêu trên.
Để giải quyết vấn đề này, hai bên có thể thỏa thuận lại về mức lãi suất. Nếu cửa hàng cầm đồ không chấp nhận điều chỉnh mà tiếp tục yêu cầu anh bạn phải trả lãi suất như đã thỏa thuận trước đó, hành vi của bên cho vay cầm đồ có thể bị xử lý về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

» Cho vay nặng lãi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

» Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự