Cha mẹ có thể bị phạt tù khi lấy tiền lì xì của con nếu không được đồng ý của con

Cha mẹ có thể giữ tiền mừng tuổi, trao lại hoặc chi tiêu phải hỏi ý kiến của con. Tuy nhiên, nếu cha mẹ chiếm đoạt luôn số tiền lì xì của con sẽ bị xử phạt.

Lì xì hay mừng tuổi đầu năm là phong tục truyền thống từ bao đời nay của người Việt. Ông bà, bố mẹ, anh chị hoặc khách đến chơi nhà sẽ lì xì cho con cháu với ý nghĩa mang lại may mắn, mọi điều tốt đẹp suốt cả năm.

Ngày nay, phong tục lì xì càng được chú trọng hơn và trẻ nhỏ càng được nhận số tiền lì xì lớn hơn từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Để tránh việc con tiêu tiền không đúng mục đích như mua đồ chơi, chơi điện tử… phần lớn các cha mẹ đều thay con giữ số tiền này.

Vậy, cha mẹ giữ tiền lì xì của con có bị vi phạm Pháp luật hoặc sử dụng tiền lì xì của con mà không được đồng ý có bị xử phạt hay không?

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á cho biết, theo Luật Dân sự, đối với trẻ dưới 15 tuổi, bố mẹ hoàn toàn có quyền quyết định sử dụng tiền mừng tuổi của con.

Khi con từ 15 – 18 tuổi đã có quyền có tài sản riêng tuy nhiên, ở lứa tuổi này con vẫn chịu sự giám hộ của bố mẹ. Do vậy, nếu bố mẹ đang quản lý, sử dụng tài sản của con thì vẫn có quyền sử dụng số tiền này để giải quyết nhu cầu ăn học, sinh hoạt của con.

Nếu bố mẹ sử dụng tiền cho mục đích khác thì phải có sự thỏa thuận, thống nhất của con. Tuy nhiên, dù con không đồng ý nhưng ý kiến của con chỉ mang tính chất tham khảo. Cha mẹ vẫn có quyền quyết định sử dụng tiền lì xì của con.

Với con trên 18 tuổi, lúc này đã đủ năng lực dân sự nên có quyền nhận tiền, định đoạt cũng như quyết định đưa tiền số tiền lì xì cho ai. Nếu bố mẹ cố tình lấy tiền của con mà không được đồng ý sẽ xác định đó là dạng tranh chấp dân sự vay, mượn hoặc hình sự.

Nếu vay mượn, bố mẹ phải trả tiền gốc và gồm lãi theo thỏa thuận nhưng không quá 20%/năm. Nếu con cho rằng bố mẹ cố tình không trả, có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp. Khi bố mẹ sử dụng tiền mà không được sự đồng ý hay thoả thuận với con, nếu có dấu hiệu chiếm đoạt hay chiếm giữ trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự với một số tội liên quan hành vi, như Tội trộm cắp tài sản (Điều 173), Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176), Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177)… tuỳ số tiền chiếm đoạt, tuỳ từng tội danh mà có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (khoản 1 Điều 176 – Tội chiếm giữ trái phép tài sản). Tuy nhiên, xuất phát từ quan niệm đạo đức phương Đông, ít khi xảy ra con cái kiện cha mẹ chỉ vì lấy tiền lì xì.

“Theo quan điểm của tôi, cha mẹ nên giải thích cho con hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên mọi người lì xì cho con. Bố mẹ cũng phải bỏ ra số tiền tương đương thì mọi người mới mừng tuổi lại cho con. 

Nếu gia đình có điều kiện, cha mẹ có thể xác nhận số tiền này là của con và gửi tiết kiệm. Ngoài ra, cha mẹ có thể sử dụng số tiền lì xì giải quyết nhu cầu học hành, mua sắm, đồ chơi hoặc cho con sử dụng việc gì có ích trong giới hạn và phù hợp với hoàn cảnh. 

Con từ 15-18 tuổi, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến trước khi sử dụng tiền lì xì của con. Nhưng con dưới 15 tuổi, bắt buộc cha mẹ là người quản lý tiền của con”, Luật sư Thuật bày tỏ.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cũng cho biết thêm, thông tin chia sẻ thời gian gần đây “cha mẹ lấy tiền lì xì của con sẽ bị xử phạt từ 500 – 1 triệu đồng” là chưa chính xác. Trường hợp này chỉ đúng đối với những người không nuôi dưỡng, không đại diện giám hộ mà sử dụng tiền vào mục đích khác ngoài việc chi tiêu cho sinh hoạt của trẻ.

theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật trên afamily.vn

» Luật sư tư vấn luật dân sự

» Luật hôn nhân gia đình