Cầm đồ tài sản không chính chủ bị xử lý như thế nào? Con tôi cho bạn mượn chiếc điện thoại để sử dụng tạm thời vì điện thoại của bạn bị hỏng. Tuy nhiên, bạn đó đã đi cầm cố chiếc điện thoại để lấy tiền tiêu sài.
Khi biết chuyện, tôi đến nơi bạn của con tôi cầm cố để chuộc lại chiếc điện thoại. Mặc dù điện thoại vẫn đang ở cửa hàng, nhưng chủ cửa hàng không đồng ý cho chuộc lại với lý do đã quá hạn cầm cố.
Luật sư cho tôi hỏi, cửa hàng đã cho cầm cố tài sản không phải của người đến cầm cố thì được giải quyết như thế nào?
Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 309. Cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
Về hiệu lực của cầm cố tài sản quy định tại Điều 310 của Bộ luật 2015 như sau
“Điều 310. Hiệu lực của cầm cố tài sản
1. Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2. Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.
Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”.
Như vậy, chỉ có chủ sở hữu tài sản (trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác) mới được cầm cố tài sản đó. Thông tin của bạn cho thấy, bạn của con trai bạn đã cầm cố chiếc điện thoại của cháu là không đúng quy định nêu trên.
Tương ứng, cửa hàng nhận cầm cố tài sản không thuộc sở hữu của người đến cầm cố đã vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Cụ thể, theo điểm e khoản 2 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, về hành vi
“cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố”
bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Thậm chí, theo điểm b khoản 4 của Điều này, hành vi
“cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có”
thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng.
Việc cầm cố chiếc điện thoại không thuộc quyền sở hữu của người cầm cố, không được chủ sở hữu ủy quyền dẫn đến giao dịch cầm cố giữa hai bên bị vô hiệu. Bởi vì, theo Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 của Bộ luật này như sau:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”.
Theo đó, cửa hàng cầm đồ có nghĩa vụ trả lại chiếc điện thoại cho người đi cầm cố là bạn của con trai và đương nhiên, cháu cũng phải trả tiền vay cho họ.
Tuy nhiên, với tư cách là chủ sở hữu của chiếc điện thoại, con trai bạn có quyền đòi lại tài sản của mình vì Điều 166 của Bộ luật này quy định:
“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó”.
Trên thực tế, chủ cửa hàng cầm đồ có thể lý luận rằng, điện thoại là tài sản không cần đăng ký như ô tô, xe máy… nên họ không thể biết người đến cầm cố không phải là chủ sở hữu. Ngay cả trong trường hợp này, chủ sở hữu vẫn có quyền đòi lại tài sản của mình theo quy định tại Điều 167 Bộ luật này. Đó là:
“Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.
Tóm lại, trong bất kỳ trường hợp nào, việc cầm cố tài sản không thuộc sở hữu của người đến cầm cố đều không đúng quy định của pháp luật. Với tư cách chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản là chiếc điện thoại do người khác cầm cố khi không có sự đồng ý của mình.
Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi…
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo