Trả lời: Tại điểm m khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định: “Phạm tội do lạc hậu” là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Người phạm tội do lạc hậu là những người do đời sống sinh hoạt xã hội, không hiểu biết về pháp luật, mọi xử sự trong xã hội đều theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Họ có hành vi trái với pháp luật nhưng lại cho rằng phù hợp với lợi ích “xã hội”, là “thành tích”. Thực chất khi phạm tội họ nhận thức rất kém về tính trái pháp luật của hành vi.
Nguyên nhân dẫn đến trình độ lạc hậu của người phạm tội phải là khách quan như do không được học tập, không có những điều kiện thực tế để họ nhận biết được giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu. Ở nước ta, một số đồng bào sống ở vùng rừng núi, đời sống văn hóa, tinh thần chưa cao, mọi quan hệ xã hội còn theo phong tục, tập quán địa phương, Nhà nước tuy đã có biện pháp để nâng cao trình độ nhận thức của họ nhưng vẫn còn một số bộ phận lạc hậu.
Trong trường hợp này, các bạn là những người ở vùng dân tộc hẻo lánh, không hiểu biết pháp luật do không được học tập, do đó có thể cho rằng các bạn phạm tội do lạc hậu. Vì vậy, căn cứ vào Điểm m khoản 1 Điều 51 Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
2. Tình huống: Thế nào là người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả?
Theo hướng dẫn tại Tiểu mục 1.1 Mục 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Bị cáo là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
b. Bị cáo là người từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nếu bị cáo không có tài sản;
c. Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
d. Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;
đ. Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè…) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
e. Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ, hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
Bên cạnh đó, tại Tiểu mục 1.2 Mục 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC quy định: Đối với các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm đ và e tiểu mục 1.1 Mục 1 này mà bị cáo không có việc tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, nếu những người này đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra thì bị cáo chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 của BLHS;
Do vậy, theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC quy định thì trường hợp nào gia đình bị cáo bồi thường thì được áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, còn trường hợp nào thì chỉ được áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015. Do vậy, việc áp dụng khoản 1 hay khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 có ý nghĩa rất quan trọng vì trong trường hợp như bị cáo đã có 1 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, nếu gia đình bị cáo hoặc người khác bồi thường thiệt hại và được áp dụng thêm điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 thì bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ và có thể được xử phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo Điều 54 BLHS năm 2015 . Nhưng nếu chỉ coi là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 thì bị cáo cũng không được áp dụng là căn cứ để xử phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Tuy nhiên, về mặt khoa học pháp lý cũng như thực tiễn trong công tác xét xử tác giả thấy rằng cần phải coi trường hợp gia đình bị cáo hoặc người khác tự nguyện bồi thường thay cho bị cáo là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Bởi vì, theo quan điểm của tác giả nhận thấy việc ai bồi thường không quan trọng bằng việc người bị thiệt hại được bồi thường, và khi người bị thiệt hại được bồi thường thì thường họ xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Còn việc bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại chỉ thể hiện sự ăn năn hối cải của mình sau khi đã phạm tội. Như vậy, nếu mọi trường hợp gia đình bị cáo hoặc người khác tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị cáo cũng phải được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 thì mới đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội; theo kiemsat.vn