Bồi thường cho bị hại khi có bảo hiểm thanh toán trong vụ án hình sự. Bị hại trong vụ án hình sự, đã được bảo hiểm y tế thanh toán tiền viện phí thì có quyền yêu cầu bị cáo thanh toán số tiền này không?
Bồi thường thiệt hại là chế định quan trọng trong luật dân sự; thường phát sinh trong vụ việc vi phạm pháp luật hình sự và liên quan đến việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tại khoản 1 Điều 584 BLDS quy định về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”, có thể hiểu căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đầu tiên là hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại, theo đó, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại nữa, họ chỉ cần xác định được hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại là đã có thể yêu cầu bồi thường.
Theo quy định tại khoản 1, điểm g khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:
“Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.….Bị hại có quyền đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường”, và khoản 1, điểm g khoản 2 Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.…. Nguyên đơn dân sự có quyền đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường”. Qua đó xác định, chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại gồm bị hại và nguyên đơn dân sự. Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến bị hại là người trong vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật dân sự, cụ thể tại Điều 590 BLDS quy định về Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: “ Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định…” Theo quy định của pháp luật dân sự thì bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trách nhiệm pháp lý buộc người gây thiệt hại phải gánh chịu.
Tại Điều 33 của Luật kinh doanh bảo hiểm quy định trường hợp trong bảo hiểm tai nạn con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào thương tật thực tế của người được bảo hiểm và thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm; bảo hiểm sức khỏe con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe của người được bảo hiểm do bệnh tật hoặc tai nạn gây ra và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Và đặc biệt, Điều 37 Luật này quy định rõ ràng trường hợp không được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn: “Trong trường hợp người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc đau ốm do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba gây ra, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà không có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người thụ hưởng. Người thứ ba phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật”.
A là bị hại trong vụ án “Cố ý gây thương tích”, A bị B xâm hại sức khỏe, sau đó A đi chữa trị tại Trung tâm y tế. Sau khi xuất viện, A được Bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ số tiền chữa trị. A yêu cầu bị cáo B phải bồi thường số tiền thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra cho A, trong đó có số tiền A đã chữa trị tại Trung tâm y tế.
Quan điểm thứ nhất: Căn cứ Điều 584, 585, 590 Bộ luật Dân sự thì A đã được Bảo hiểm y tế chi trả số tiền này tức đã thiệt hại đã được khắc phục. Ngoài ra theo nguyên tắc của Bộ luật dân sự: một hậu quả không thể được bồi thường hai lần nên không chấp nhận yêu cầu của bị hại buộc bị cáo phải bồi thường số tiền đã được bảo hiểm chi trả.
Quan điểm thứ hai: Tính chất pháp lý của việc tham gia bảo hiểm, mối quan hệ pháp lý này là Hợp đồng dân sự giữa người mua và Cơ quan bảo hiểm quy định tại Điều 275, 385 Bộ luật Dân sự. Tai nạn hoặc thương tích xảy ra là một sự kiện đã được hai bên thỏa thuận chọn làm điều kiện để thi hành Hợp đồng. Khi nào xảy ra sự kiện, Cơ quan bảo hiểm sẽ thực hiện nghĩa vụ (thanh toán khỏa tiền viện phí chữa trị được nêu trong Hợp đồng). Đây không phải là nghĩa vụ bồi thường. Vì vậy, nạn nhân được kiêm hưởng số tiền bảo hiểm chi trả và khoản tiền bồi thường do hành vi trái pháp luật của bị cáo gây ra.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bị hại trong trường hợp này, Tòa án cần chấp nhận yêu cầu của bị hai buộc bị cáo phải bồi thường theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự.
theo vksnd.gialai.gov.vn
» Tư vấn người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và tăng hình phạt
» Luật sư bảo vệ cho người bị hại trong vụ án hình sự
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…
Theo quy định tại Thông tư 73/2024/TT-BCA thì từ ngày 01/01/2025, người dân đã có thể tra…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi…
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo