Bán tài sản thế chấp phạm tội gì không? Việc vay vốn bằng tài sản bảo đảm, nhưng lại có hành vi cố tình xâm phạm tài sản bảo đảm, thậm chí là bán tài sản bảo đảm với nhiều nguyên nhân đã dẫn đến vi phạm về hợp đồng thế chấp.
Cụ thể người đi vay vốn ngân hàng bằng tài sản thế chấp là bất động sản hoặc động sản (xe ô tô). Trong thời gian thế chấp, lại mang tài sản bảo đảm đi cầm cố. khi mất khả năng chi trả làm bên cho vay không thể thu hồi được tài sản bảo đảm. dẫn đến Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi nào?
» Vay tiền ngân hàng không có khả năng chi trả có phải ngồi tù không
Cả 2 giao dịch bảo đảm đối với xe ôtô (thế chấp cho Ngân hàng và cầm cố cho bà T.) đều không đăng ký giao dịch bảo đảm. Về mặt hình thức và giả sử cả 2 giao dịch bảo đảm đều hợp lệ, thì căn cứ Điều 325.3 BLDS xe ôtô vẫn được ưu tiên dùng để thanh toán nợ cho Ngân hàng bởi giao dịch thế chấp xe ôtô được xác lập trước giao dịch cầm cố, tức việc cầm cố xe không ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng. Ngoài ra, tài sản thế chấp (xe ô tô) đã bị hạn chế giao dịch (không được bán, nếu Ngân hàng không cho phép) theo đúng quy định tại hợp đồng thế chấp và luật định (Điều 348.4 BLDS), giao dịch bán xe ô tô cho bà T. đã bị xem là vô hiệu. Như vậy, dù tài sản bảo đảm (xe ôtô) đã bị N. cầm cố, bán để tẩu tán thì về pháp lý nếu tài sản còn tồn tại (vật chất) thì vẫn được thu hồi để ưu tiên thanh toán nợ cho Ngân hàng.
Hành vi cầm cố, hành vi bán tài sản thế chấp của N. có cấu thành tội phạm hay không? Trong khoa học hình sự việc định tội danh phụ thuộc vào kết quả chứng minh các yếu tố cấu thành tội phạm (Luật Hình sự quy định). Trong sự kiện này hành vi của N. có cấu thành tội phạm hay không phụ thuộc nhiều vào cách mà N. đã tác động vào ý chí chủ quan của bà T. khi tham gia giao dịch với nhau (cầm cố, mua bán).
Khi cầm cố để vay tiền hoặc khi thỏa thuận bán xe cho bà T. nếu N. không hề thông báo cho bà T. biết rằng xe ôtô đang thế chấp cho ngân hàng hoặc N. có hành vi khác làm bà T. nhầm tưởng xe ôtô của N. không bị hạn chế giao dịch, đủ điều kiện mua bán như: bỏ quên, làm mất hay chưa làm giấy chứng nhận đăng ký xe; có thế chấp nhưng đã được ngân hàng giải chấp… thì hành vi của N. đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS); bà T. là bị hại và số tiền bị chiếm đoạt là khoản tiền mà bà T. đã “tưởng giả là thật” mà giao cho N. Ngược lại, nếu bà T. đã được N. cho biết (hoặc luật buộc bà T. phải biết) xe ôtô đang là tài sản thế chấp nhưng vì lý do nào đó mà vẫn chấp nhận giao dịch thì N. không phạm tội chiếm đoạt tài sản của bà T., các bên tự giải quyết các trách nhiệm dân sự theo thỏa thuận, hoặc bà T. có quyền khởi kiện để đòi N. trả tiền chứ không thể đòi hỏi được công nhận quyền sở hữu đối với xe ôtô.
Vậy tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể phát sinh trong tình huống nào? N. chiếm đoạt tài sản của ai? Điều 140.1 BLHS đã quy định về cấu thành cơ bản của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; theo đó, hành vi của N. có thể phạm vào tội danh này khi:
(1) Nếu sau khi được cấp tín dụng hợp lệ, N. đã dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tiền vay; hoặc đã sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ – thì hành vi của N. cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tiền chiếm đoạt là tiền vay của Ngân hàng. Trường hợp N. đã có hành vi gian dối với bà T. để “bán tài sản bảo đảm” thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (lừa bà T.) hành vi của N. có thể được tiếp tục xem là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền vay (của Ngân hàng) để truy cứu trách nhiệm thêm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Điều này là có cơ sở bởi tài sản sau mua bán hoàn toàn có thể bị phá dỡ, tháo dời, mất mát, không thể thu hồi… làm suy giảm, mất đi khả năng bảo đảm trả nợ tiền vay. Giá trị khoản nợ không thể thu hồi là hậu quả thực tế của tội phạm. Tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành khi N. thực hiện hành vi gian dối để bán xe trót lọt, dù trên thực tế xe ôtô còn tồn tại và Ngân hàng có thể thu hồi là ngoài ý chí của N. – đó chỉ là cơ sở để xét miễn giảm trách nhiệm pháp lý.
(2) Nếu thông qua giao dịch nhận tiền vay và cầm cố hợp lệ (tức N. không gian dối gì với bà T.), nhưng sau đó lại dùng thủ đoạn gian dối như nói dối là xe đã được ngân hàng giải chấp để bán xe cho bà T. và khấu trừ tiền vay phải trả cho T.) vào tiền bán xe hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tiền vay của bà T.; hoặc đã sử dụng tiền vay của bà T. vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ cho bà T. thì khi đó hành vi của N. cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của bà T. Và tương tự trên, ngoài ra hành vi gian dối với bà T. để “bán tài sản bảo đảm” có thể được tiếp tục xem là thủ đoạn gian dối trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là khoản tiền vay phải trả Ngân hàng, tức N. phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với cả bà T. và Ngân hàng.
Một hành vi có thể xâm phạm đến nhiều khách thể có thể cấu thành nhiều tội khác nhau. Tuy nhiên trong thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng thường đánh giá rằng: xe ôtô thuộc sở hữu của N. dùng làm tài sản thế chấp nên bên nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm dân sự theo hợp đồng thế chấp (nhất là khi xe còn có thể thu hồi); hành vi cầm cố (sau đó) hay hành vi bán tài sản bảo đảm (xe ôtô) của N. không phải là hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản bởi xe ôtô không phải của Ngân hàng; chỉ truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu N. có hành vi gian dối để bán tài sản bảo đảm cho người mua; trừ khi người vay có điều kiện trả nợ nhưng cố tình bỏ trốn, hành vi lạm dụng tín nhiệm ít khi được xét đến, nhiều khi còn bị thu hút vào thủ đoạn của hành vi khác… điều đó vô tình làm giảm hiệu quả “liều thuốc pháp luật”, thiếu sức răn đe đối với thái độ xem thường nghĩa vụ, trách nhiệm đã cam kết, cố tình xâm phạm tài sản bảo đảm… của một số chủ tài sản, gây bức xúc cho các ngân hàng.
Trong thực tiễn hoạt động ngân hàng, hành vi cố tình xâm phạm tài sản bảo đảm xảy ra khá phổ biến với nhiều thủ đoạn khác nhau, thậm chí có sự thông đồng, làm bừa của bên thứ ba nhằm tiếp tay cho chủ sở hữu tẩu tán, né tránh nghĩa vụ trả nợ. Việc trao đổi để có nhận thức rõ hơn, qua đó định tính, kiến nghị về các biện pháp xử lý hiệu quả nhằm bảo vệ các kỷ cương pháp luật, tạo sự an toàn pháp lý cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp, thiết nghĩ là có ý nghĩa quan trọng.
Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi…
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo