Khi một người mất tích đã quá lâu thì người thân sẽ tuyên bố người đó đã chết. Vậy điều kiện và thủ tục tuyên bố một người đã chết thực hiện thế nào?
Mục lục bài viết
Tư vấn thủ tục tuyên bố một người đã chết
1. Điều kiện tuyên bố một người đã chết
Không phải trường hợp nào cũng có thể tuyên bố một người là đã chết mà cần phải căn cứ vào các điều kiện nêu tại Điều 71 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, một người sẽ bị Toà án tuyên bố là đã chết nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Được người có quyền, lợi ích liên quan (vợ, chồng, con cái…) yêu cầu Toà án ra quyết định.
– Thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người này đã bị Toà án tuyên bố mất tích (quyết định đã có hiệu lực pháp luật). Sau 03 năm kể từ ngày có quyết định tuyên bố mất tích vẫn không có tin tức xác thực là còn sống.
– Sau khi biệt tích trong chiến tranh 05 năm vẫn không có tin tức xác thực là còn sống.
– Bị tai nạn hoặc gặp phải thảm hoạ, thiên tai mà sau 02 năm kể từ khi những sự kiện này chấm dứt mà không có tin tức xác thực là con sống trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có thông tin xác thực là còn sống hay đã chết. Trong đó, thời gian xác định là biệt tích được tính từ ngày biết tin cuối cùng của người đó. Nếu không thì xác định theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự như sau:
+ Không xác định được ngày: Tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin cuối cùng.
+ Không xác định được ngày biết tin tức cuối cùng và ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin cuối cùng: Tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Do đó, chỉ khi đáp ứng 02 điều kiện nêu trên thì sau khi nhận được yêu cầu, Toà án căn cứ vào tình hình cụ thể để ra quyết định tuyên bố người đó đã chết.
2. Thủ tục yêu cầu tuyên bố chết
2.1 Ai có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người đã chết?
Theo khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự, người có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người đã chết là người có quyền, lợi ích liên quan đến người đó. Đây cũng là quy định nêu tại khoản 1 Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Theo đó, có thể kể đến một số đối tượng được quyền yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người đã chết như sau:
– Người có quan hệ hôn nhân, gia đình với người bị tuyên bố chết: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi…
– Người có quan hệ thừa kế với người bị tuyên bố chết: Người cùng hàng thừa kế của người này, người thừa kế của người bị tuyên bố chết…
2.2 Hồ sơ cần chuẩn bị tuyên bố một người đã chết
Theo khoản 2 Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, hồ sơ nộp để yêu cầu Toà án tuyên bố một người là đã chết gồm:
– Đơn yêu cầu;
– Tài liệu, chứng cứ chứng minh người này đã chết theo các trường hợp nêu trên: Bị biệt tích, đã bị tuyên bố mất tích trước đó, gặp thảm hoạ, thiên tai…
– Giấy tờ nhân thân chứng minh bản thân là người có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn, các giấy tờ chứng minh quyền, nghĩa vụ liên quan giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu tuyên bố đã chết (bản sao).
2.3 Đến Toà án nào để yêu cầu tuyên bố một người đã chết?
Toà án cấp huyện nơi người bị tuyên bố đã chết cư tru cuối cùng theo điểm a khoản 2 Điều 35 và điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Ngoài ra, theo điểm a khoản 2 Điều 40 Bộ luật này, người yêu cầu còn có quyền chọn Toà án cấp huyện nơi minh cư trú, làm việc để giải quyết.
2.4 Thời gian giải quyết có lâu không?
Để giải quyết yêu cầu Toà án tuyên bố một người đã chết, theo Điều 392, Điều 393 Bộ luật Tố tụng dân sự, việc này phải trải qua các giai đoạn sau đây:
– 20 ngày sau khi thụ lý đơn yêu cầu: Toà án ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin người bị yêu cầu tuyên bố đã chết với thời hạn trong vòng 04 tháng.
– 20 ngày kể từ ngày hết hạn thông báo: Toà án mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Nếu chấp nhận đơn thì ra quyết định tuyên bố một người đã chết.
Như vậy, trung bình thời gian giải quyết yêu cầu tuyên bố một người đã chết thường kéo dài khoảng 06 tháng.
2.5 Phí, lệ phí Toà án
Theo danh mục án phí, lệ phí Toà án ban hành kèm Nghị quyết số 326/2016, lệ phí yêu cầu Toà án tuyên bố một người đã chết là 300.000 đồng.
3. Hậu quả khi tuyên bố một người đã chết
Điều 72 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, khi một người bị Toà án tuyên bố là đã chết thì quan hệ hôn nhân, tài sản của người này được giải quyết như với người chết:
– Quan hệ hôn nhân: Hôn nhân chấm dứt (theo Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình).
– Quan hệ tài sản: Chia tài sản của người bị tuyên bố là đã chết theo di chúc hoặc theo pháp luật.