Sử dụng chứng cứ ghi âm, ghi hình trong tố tụng dân sự. Thực tế, khi giải quyết các tranh chấp dân sự thì thời điểm hiện tại với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và thương mại điện tử, tài liệu nghe được, nhìn được cũng đóng vai trò là chứng cứ quan trọng trong tố tụng tại Tòa án, góp phần tìm ra sự thật khách quan và giải quyết vụ án đúng đắn. Thực tế, hiện nay cũng đã có nhiều tranh chấp dân sự Tòa án đã chấp nhận chứng cứ nghe được, nhìn được làm cơ sở để giải quyết vụ án.
Sử dụng chứng cứ ghi âm ghi hình trong tố tụng dân sự
1. Cơ sở pháp lý về chứng cứ ghi âm theo Bộ luật tố tụng dân sự.
Tại Điều 93 BLTTDS năm 2015 quy định:
“Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân và cơ quan, tổ chức cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án dùng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
Nguồn chứng cứ được xác định theo Điều 94 BLTTDS 2015:
“Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau: 1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; 2. Vật chứng; 3. Lời khai của đương sự; 4. Lời khai của người làm chứng; 5. Kết luận giám định; 6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; 7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; 8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng thành lập; 9. Văn bản công chứng, chứng thực; 10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định”.
Về xác định chứng cứ quy định tại Điều 95 Điều 94 BLTTDS 2015:
“2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa”.
Quy định về nguồn chứng cứ là một trong những điểm mới đáng lưu ý của BLTTDS năm 2015. Trước đây, tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn xác định chứng cứ theo quy định tại Điều 83 BLDS 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2011: “b) Các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh,… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ.
Ví dụ 1: Trong vụ tai nạn giao thông, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại được một người cung cấp băng ghi hình về hiện trường vụ tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi hình đó, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại phải xuất trình cho Toà án bản xác nhận của người đã cung cấp cho mình về xuất xứ của băng ghi hình đó.
Ví dụ 2: Ông A cho ông B vay năm triệu đồng với thời hạn 12 tháng. Việc vay tài sản không lập thành văn bản, nhưng được ông A ghi âm lại toàn bộ nội dung thoả thuận về việc vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông A và ông B để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông B. Đến hạn trả nợ, ông B không trả số tiền đó cho ông A. Ông A khởi kiện ông B ra Toà án. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về sự việc liên quan tới việc thu âm đó”.
Tài liệu nghe được, nhìn được được công nhận giá trị pháp lý như văn bản nên khi thu thập, đánh giá chứng cứ cần sự vận dụng nhiều quy phạm trong các điều luật, luật khác nhau để xác định tính hợp pháp của các chứng cứ này. BLTTDS 2015 có sự kế thừa, tiếp thu quy định của Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP, tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể, gây lúng túng cho cơ quan tố tụng trong việc đánh giá, công nhận chứng cứ nghe được, nhìn được trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.
Như vậy, chứng cứ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, tuy nhiên quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này vẫn còn những bất cập. Do đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần có những quy định rõ ràng, cụ thể về quy trình thu thập chứng cứ, căn cứ xác minh tính chính xác và lưu giữ những chứng cứ là tài liệu nghe được, nhìn được làm cơ sở hợp pháp để chứng minh cho các yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.
Thứ hai, ngày nay việc thu thập, xác minh, đánh giá chứng cứ đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải am hiểu và biết cách sử dụng các kỹ năng cần thiết mới có thể thu thập được đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ để giải quyết vụ án. Do đó, những người tiến hành tố tụng cần nâng cao kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin (am hiểu nhất định về đối tượng đang được khai thác), kỹ năng sử dụng các phương tiện điện tử.
Thứ ba, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 213/QĐ-TANDTC ngày 10/8/2020 phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại tại TAND. Từ đó thấy rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế cũng như để đáp ứng nhu cầu thực tế về giải quyết tranh chấp dân sự, cần thiết phải có những tổng kết khoa học và thực tiễn về thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ trong các vụ án dân sự, tham khảo kinh nghiệm pháp luật quốc tế nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về tố tụng dân sự, thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự và tương trợ tư pháp.
nguồn tapchitoaan.vn