Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2017/NQ-HĐTP |
Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC CÔNG BỐ BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TÒA ÁN
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Để áp dụng đúng và thống nhất việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn về nguyên tắc, thủ tục công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong việc công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Điều 2. Nguyên tắc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án
1. Việc công bố bản án, quyết định phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật điều tra, bí mật công tác, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh; bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ người dưới 18 tuổi; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Việc công bố bản án, quyết định không được xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Bản án, quyết định được công bố phải bảo đảm chính xác, kịp thời, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Nghị quyết này.
4. Không được sử dụng bản án, quyết định công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án vào những mục đích trái pháp luật.
Điều 3. Bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án
1. Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; bản án phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
2. Quyết định giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm giải quyết việc dân sự.
3. Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; quyết định giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
4. Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật; quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Điều 4. Bản án, quyết định không công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án
1. Bản án, quyết định về vụ việc được Tòa án xét xử kín.
2. Bản án, quyết định về vụ việc được Tòa án xét xử, giải quyết công khai nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ hoặc chứa đựng những nội dung mà Nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh mà trong quá trình Tòa án xét xử, giải quyết vụ việc, người tham gia tố tụng đã có yêu cầu được giữ bí mật;
c) Có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư;
d) Có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;
đ) Có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa theo hướng dẫn tại Điều 7 của Nghị quyết này.
3. Bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp trong việc công bố bản án, quyết định
1. Khi phổ biến quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, Chủ tọa phiên tòa, phiên họp phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về những bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và quyền của họ về việc yêu cầu Tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh.
2. Chủ tọa phiên tòa, phiên họp chịu trách nhiệm về việc mã hóa, số hóa và công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án theo hướng dẫn tại Nghị quyết này.
Điều 6. Thời hạn công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án thuộc trường hợp hướng dẫn tại Điều 3 của Nghị quyết này có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đó phải được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Điều 7. Mã hóa thông tin, số hóa bản án, quyết định của Tòa án
1. Việc mã hóa thông tin trong bản án, quyết định phải đảm bảo chính xác, không trùng lặp thông tin, không làm thay đổi nội dung của bản án, quyết định.
2. Các thông tin về tên, địa chỉ của cá nhân, cơ quan, tổ chức và những thông tin khác liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình có trong bản án, quyết định của Tòa án mà việc công bố sẽ vi phạm nguyên tắc hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này phải được mã hóa.
Ví dụ 1: “ông Nguyễn Văn Huy” được thay bằng “ông A”. “Công ty trách nhiệm hữu hạn Bình Minh” được thay bằng “Công ty trách nhiệm hữu hạn B”.
Ví dụ 2: “Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 501 đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội” được thay bằng ” Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại đường M, phường N, quận P, thành phố Hà Nội”.
3. Không mã hóa tên của những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng; địa danh hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ví dụ 3: “địa chỉ: Số 501 đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội” được thay bằng “địa chỉ: đường M, phường N, quận P, thành phố Hà Nội”.
4. Bản án, quyết định sau khi được mã hóa phải được định dạng dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 8. Đính chính bản án, quyết định được công bố không chính xác
1. Trường hợp phát hiện bản án, quyết định đã được công bố không chính xác thì Tòa án đã ra bản án, quyết định đó có trách nhiệm đính chính.
2. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân cho rằng bản án, quyết định công bố không chính xác thì kiến nghị với Tòa án đã công bố bản án, quyết định đó. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, Tòa án đó có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của bản án, quyết định đã công bố; trường hợp xác định bản án, quyết định công bố không chính xác thì phải kịp thời đính chính.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm:
a) Tổ chức việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án;
b) Kiểm tra, giám sát việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án;
c) Định kỳ hằng năm báo cáo việc thực hiện công bố bản án, quyết định của Tòa án mình và Tòa án trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
2. Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các Vụ Giám đốc kiểm tra thực hiện việc công bố quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án;
b) Phối hợp với Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao định kỳ hằng năm báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao việc thực hiện công bố quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
3. Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công bố bản án, quyết định trong phạm vi cả nước và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng thi đua khen thưởng Tòa án nhân dân tối cao.
4. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm tổng hợp vướng mắc, rà soát quy định của pháp luật để kịp thời đề xuất hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung.
5. Học viện Tòa án có trách nhiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các Tòa án kỹ năng mã hóa thông tin, số hóa bản án, quyết định để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
6. Vụ Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các Tòa án về kỹ thuật, đảm bảo an ninh, an toàn trong việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
7. Cục Kế hoạch – Tài chính Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc bảo đảm kinh phí, hướng dẫn sử dụng kinh phí trong việc thực hiện công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 02 năm 2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2017.
2. Các bản án, quyết định thuộc trường hợp phải công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án; trình tự, thủ tục công bố sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Nghị quyết này.
3. Trong quá trình triển khai thi hành, nếu có vướng mắc hoặc đề xuất thì phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, kịp thời.
Nơi nhận: |
TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN |