Một người mẹ có hành vi hành hạ con, có những lời nói đe dọa, xúc phạm, lăng mạ cháu… Vậy hành vi ấy cần phải được xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Có những người mẹ như bà Đoàn Thúy Hà (“hot girl” Bella) – một người mẹ đã từng làm xôn xao dư luận vì hành vi hành hạ con như: Hút thuốc lá rồi phả khói vào mặt cháu, để nhiều đồ đạc đè lên người cháu, đặt cháu nằm tại những nơi nguy hiểm, có những lời nói đe dọa, xúc phạm, lăng mạ cháu… Vậy hành vi của cô ấy cần phải được xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật hiện nay?
Trả lời:
Căn cứ vào các hành vi như báo mạng chia sẻ thì người phụ nữ này đã vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ của người mẹ đối với con cái quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình như thương yêu, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức; trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên… Mặt khác, người mẹ này đã có những hành vi “Xâm hại trẻ em” dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác, gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em theo quy định tại Điều 4 Luật Trẻ em.
Trước hết, về hành vi của người mẹ cần phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định tại Điều 49, 50, 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Về phía cháu bé, cần áp dụng biện pháp: “Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em” và “Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này” (theo điểm b, c khoản 2 Điều 50 Luật Trẻ em). Tuy nhiên cần lưu ý theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trẻ em thì việc áp dụng các biện pháp này được thực hiện khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.
Ngoài biện pháp cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ có thể áp dụng biện pháp yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên theo quy định tại Điều 86, 87 Luật Hôn nhân và gia đình. Theo đó, khi cha, mẹ thuộc các trường hợp: (1) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; (2) Phá tán tài sản của con; (3) Có lối sống đồi trùy; (4) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì Tòa án có thể tự mình hoặc căn cứ vào yêu cầu của người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình hoặc trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ quyết định không có cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, … trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm hoặc có thể rút ngắn thời hạn này.
Trường hợp người mẹ đơn thân bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì Tòa án sẽ cử người giám hộ cho cháu bé trong thời gian này. Mẹ cháu bé tuy bị hạn chế quyền nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Luật sư Đặng Thành Chung – Công ty Luật An Ninh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)trả lời báo giadinhvietnam.com