Xác định cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng. Hợp đồng nói chung là sự thỏa thuận của các bên là cơ sở để làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ. Pháp luật quy định có nhiều loại hợp đồng khác nhau như: Hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại, hợp đồng lao động… trên thực tế, bên cạnh việc tuân thủ thực hiện thao hợp đồng đã giao kết thì vẫn có trường hợp các bên xảy ra tranh chấp về hợp đồng đó. Khi tranh chấp xảy ra, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là xác định cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng. Để có cái nhìn khái quát nhất về các cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng, Công ty luật Việt An xin tư vấn về vấn đề này như sau:
Dựa vào phương thức giải quyết tranh chấp ta có thể xác định các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng bao gồm:
– Với phương thức giải quyết bằng hòa giải: Người trung gian tiến hành hòa giải hay còn được gọi là hòa giải viên;
– Với phương thức giải quyết bằng trọng tài: Hội đồng trọng tài;
– Với phương thức giải quyết bằng thủ tục tư pháp:
Tòa án nhân dân.
1. Người trung gian tiến hành hòa giải (Hòa giải viên)
Phương pháp hòa giải là phương thức xuất hiện sớm nhất và được sử dụng đầu tiên khi có tranh chấp. Hòa giải là các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất một phương án giải quyết bất đồng giữa họ và tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận qua hòa giải.
Khi lựa chọn phương thức hòa giải, các bên có thể tiến hành theo một trong các cách thức sau:
– Tự hòa giải: là do các bên tranh chấp tự bàn bạc để đi đến thống nhất phương án giải quyết tranh chấp mà không cần tới sự tác động hay giúp đỡ của đệ tam nhân.
– Hòa giải qua trung gian: là việc các bên tranh chấp tiến hành hòa giải với nhau dưới sự hổ trợ, giúp đỡ của người thứ ba (người trung gian hòa giải). Trung gian hòa giải có thể là cá nhân, tổ chức hay Tòa án do các bên tranh chấp chọn lựa hoặc do pháp luật qui định.
– Hòa giải ngoài thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được các bên tiến hành trước khi dưa đơn khởi kiện ra Tòa án hay trọng tài.
– Hòa giải trong thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được tiến hành tại Tòa án, trong tài khi các cơ quan này tiến hành giải quyết tranh chấp theo đơn kiện của một bên (hòa giải dưới sự trợ giúp của Tòa án hay trọng tài). Tòa án, trong tài sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên và quyết định này có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.
Như vậy, người trung gian tiến hành hòa giải xuất hiện khi các bên trong tranh chấp tiến hành theo cách thức hòa giải qua trung gian hoặc hòa giải trong thủ tục tố tụng.
Đối với hòa giải qua trung gian thì hào giải viên có thể là cá nhân, tổ chức hoặc Tòa án do các bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn hoặc do pháp luật quy định. Thông thường, cá nhân được chọn làm người trung gian hòa giải thường là người có uy tín, được các bên tin tưởng và có kiến thức chuyên môn đối với vấn đề đang bị tranh chấp. Đối với tranh chấp hợp đồng lao động thì hòa giải viên lao động là người có thẩm quyền tiến hành hòa giải.
Hòa giải không nhằm phân định ai đúng ai sai trên cơ sở các bằng chứng và quyền, nghĩa vụ pháp lý để ra phán quyết như trọng tài hay tòa án, do đó, hòa giải viên cũng không đưa ra các giải pháp mà chỉ giúp các bên thương lượng tìm được lợi ích chung, hướng đến giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận và tự nguyện tuân thủ.
2. Hội đồng trọng tài, trọng tài viên
Không phải tất cả các tranh chấp về hợp đồng đề thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Theo quy định tại Điều 2 Luật trọng tài thương mại năm 2010 thì trọng tài có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp sau:
Tuy nhiên, trọng tài có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp cụ thể khi có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài là sự nhất trí của các bên đưa ra những tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết tại trọng tài. Trong thỏa thuận trọng tài, các bên được quyền thỏa thuận lựa chọn một Trọng tài phù hợp, chỉ định trọng tài viên để thành lập Hợp đồng (hoặc Ủy ban) Trọng tài giải quyết tranh chấp. Khi đã có thỏa thuận trọng tài thì các bên chỉ được kiện tại trọng tài theo sự thỏa thuận mà thôi. Tòa án không tham gia giải quyết nếu các bên đã thỏa thuận trọng tài, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài là không thể thực hiện được.
Ở VN, trọng tài được tổ chức dưới hình thức các trung tâm trọng tài thường trực. Trung tâm trọng tài Quốc tế VIệt Nam (VIAC) và các trung tâm trọng tài kinh tế (thành lập theo Nghị Định 116/CP ngày 05/09/1994). Ở VN hiện có 5 trung tâm trọng tài: Trung tâm trọng tài kinh tế Thăng Long, TT/TTKT Hà Nội, TT/TTKT Bắc Giang, TT/TTKT Sài Gòn và TT/TTKT Cần Thơ.
Xem: Các trung tâm trọng tài ở Việt Nam
Trọng tài hoạt động theo nguyên tắc xét xử một lần. phán quyết trọng tài có tính chung thẩm: các bên không thể kháng cáo trước Tòa án hoặc các tổ chức nào khác. Các bên tranh chấp phải thi hành phán quyết trọng tài trong thời hạn ấn định của phán quyết. Tuy nhiên, các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài trong một số trường hợp.
3. Tòa án nhân dân
Khi tranh chấp Hợp đồng phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được giải quyết tại Tòa án nhân dân. Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết với hầu hết các tranh chấp. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án được xác định theo bốn bước:
Bước 1: Thẩm quyền theo vụ việc
Xác định thẩm quyền theo vụ việc là ta xác định vụ việc tranh chấp đó có thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án hay không. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án theo vụ việc từ Điều 26 đến Điều 34. Cụ thể:
– Tranh chấp hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 3 Điều 26;
– Tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại theo Điều 30;
– Tranh chấp hợp đồng lao động theo Điều 32.
Bước 2: Thẩm quyền theo cấp xét xử
Luật tổ chức Tòa án nhân dân chia thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án thành các cấp như sau:
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân cấp cao;
– Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh);
– Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện);
– Tòa án quân sự.
Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp được quy định tại Điều 35, 36 Bộ luật tố tụng dân sự; Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp được quy định tại Điều 37, 38 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bước 3: Thẩm quyền theo lãnh thổ
Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
– Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp hợp đồng về dân sự, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật tố tụng dân sự;
– Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
– Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Lưu ý: Trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự.
Bước 4: Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn
Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự:
“a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
đ) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
e) Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết”.
Sau khi xác định đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án có thẩm quyền nhận đơn khởi kiện và xem xét đơn khởi kiện. Trường hợp đơn khỏi kiện hợp lệ thì Tòa án thông báo cho nguyên đơn về việc nộp lệ phí và tiền tạm ứng án phí. Sau khi nhận được biên lai phí và tiền tạm ứng án phí thì Tòa án thụ lý vụ án.
Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục tư pháp do Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định.
» Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng
» Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế
Tư vấn xác định cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng:
Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi…
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo